Terengganu
Terengganu là một vương quốc Hồi Giáo và là một bang của Malaysia. Thành phố ven biển Kuala Terengganu nằm ở cửa sông Terengganu, trên bờ biển phía đông bán đảo Malaysia.
Ðường từ Kuala Lumpur đến Terengganu khá đẹp, hai bên toàn màu xanh. Cảm giác như chúng tôi đang qua một vùng cao nguyên hay vườn quốc gia để đến biển. Rừng cọ dầu nối tiếp nhau chạy dài ngút mắt; trên là mây trời, dưới là cây cọ dầu. Dầu cọ được ví như món quà thiên nhiên tặng cho Malaysia là nước sản xuất dầu cọ lớn thứ hai trên thế giới.
Khen cơ sở hạ tầng giao thông của Malaysia cũng bằng thừa. Cao tốc, xe chạy khá nhanh, 500 km chỉ 7 tiếng rưỡi, chả bù với đường Sài Gòn – Nha Trang của tôi, 450 km phải mất 10 tiếng.
Bắt đầu thấy biển thấp thoáng sau những hàng dừa, và lá cờ Terengganu bên cạnh cờ Malaysia. Những khu nhà nghỉ mát, hàng quán nhỏ, phố không lớn, nhà không cao… khiến khách nôn nao suốt đoạn đường về trung tâm.
Nhận phòng khách sạn, nắng chiều vẫn còn rực, chúng tôi thuê taxi đến điểm check – in đầu tiên là Drawbridge, cây cầu quay như một biểu trưng của Terengganu, nằm ở trung tâm thành phố. Cảm nhận đầu tiên là đường phố quá sạch. Thành phố khá êm đềm, ngăn nắp, trật tự. Dễ dàng nhận thấy điều này khi khách sạn Paya Bunga chúng tôi ở ngay cạnh bến xe buýt, không có cảnh ồn ào, chen lấn, xô bồ.
Chiều chạng vạng phố lên đèn, chúng tôi đến Crystal Mosque, một nhà thờ Hồi Giáo bên sông nằm trong danh sách 10 nhà thờ Hồi giáo đẹp nhất Malaysia. Máy hình không chuyên nghiệp và camera điện thoại không thể nào diễn tả hết vẻ đẹp lộng lẫy, quyến rũ và hiện đại về đêm của thủy tinh kết hợp với pha lê của Crystal Mosque.
Tận hưởng gió sông và khung cảnh quá yên bình, chúng tôi rời Crystal Mosque đã 10 giờ tối, tìm chỗ ăn rồi về nghỉ chuẩn bị cho chuyến đi đảo Pulau Bidong ngày mai.
Pulau Bidong (1) – Ngày thứ nhất
Bữa điểm tâm tại khách sạn ngon, khá thú vị khi từ trên cao nhìn xuống vùng cửa sông đẹp ngoạn mục, bình yên, nhưng chúng tôi đành tiếc rẻ khi không dành thời gian thêm nữa cho Terengganu.
Chúng tôi chọn tour của Toàn. Ðúng 9 giờ, xe đón ở khách sạn đi đến Merang Jetty là bến tàu du lịch ra các đảo trong vùng, cách trung tâm khoảng 40 km.
Cano vừa ra khỏi sông, lần đầu tiên tôi thấy như cả đảo cát bồi lên trên mặt biển. Những chiếc cẩu đang làm nhiệm vụ múc cát khơi thông dòng chảy và cano phải chạy chậm mới qua được vùng này. Toàn bảo, có ngày nước xuống, tàu không ra đảo được, phải chờ.
Bình thường chỉ 30 phút là đến, nhưng hôm ấy ngược gió, chúng tôi mất gần một giờ trên biển và ai nấy ướt mem khi lên đảo. Nơi nghỉ là loạt nhà gỗ ở khu A nhìn ra biển, mỗi phòng có thể chứa 2, 3 hay 4 người, tùy theo.
Tôi nằm trên võng dưới gốc cây bàng, hàng dương và tận hưởng bầu trời xanh, hít thở không khí biển. Sau chặng đường dài, biển thật sự làm tan biến mệt nhọc. Tôi đã đến nơi mà mấy chục năm trước bạn bè tôi có người không được may mắn tấp vào đây như một bến bờ tự do. Và nhiều bạn tôi, vẫn ước ao một ngày trở lại Bidong, nơi cưu mang họ giữa lằn ranh sinh – tử, những năm tuổi hai mươi.
Cơm trưa theo kiểu buffet với những món ăn đặc trưng Malaysia, nhìn thôi đã cảm giác đói cồn cào. Trưa ở biển, gió mát, cơm ngon, và không khí chuyện trò thật vui.
Sau đó Toàn đưa cả nhóm ngắm đảo. Bắt đầu từ Ðồi Tôn Giáo.
Tại sao tôi chọn Bidong là nơi dừng chân trong chuyến đi này? Tôi không phải “dân Bidong”, tôi là kẻ “ngoại đạo”, tôi tìm gì ở nơi này? Là những câu hỏi mà ngay chính tôi cũng chưa trả lời thấu đáo được. Nhưng, lúc đứng trên Ðồi Tôn Giáo tôi thật sự biết mình cần gì và tìm gì. Tôi cần tìm một cảm xúc trong dòng chảy lịch sử mà nhiều bạn bè thế hệ tôi đã dự phần. Tôi nghĩ về những người bạn đã không may mắn, và ngày ấy nếu là một thuyền nhân, liệu tôi có nhận được phép màu?
Cuộc đời cũng như lịch sử, chữ “nếu”, “giá như” là giả định, không có thật. Số phận mỗi người đều có sự sắp đặt của định mệnh. Trải qua bao thăng trầm, là người theo Công giáo, tôi tin mọi sự trên đời, Chúa cho thì sẽ được, mỗi người vác Thánh Giá của riêng mình.
Tôi nhìn biểu tượng cánh buồm Bidong, đài Ðức Mẹ và vết tích ngôi nhà thờ còn sót lại hình cây Thánh Giá trên bức tường trông mỏng mảnh nhưng đã vững vàng qua bao mùa bão tố. Tôi tin những lời cầu nguyện từ nơi đây trong quá khứ; ngày ấy, khi mà phận người quá mong manh nhỏ bé giữa đại dương bao la, biết bám víu gì ngoài những lời thì thầm cùng Thượng đế.
Nắng chói gắt trên đầu, nhìn xuống biển, dấu xưa còn đó dù chỉ vệt sắt ngoằn ngoèo bám trên cát của “con tàu ma”; và một lần nữa, kẻ ngoại đạo như tôi đành bất lực không thể nào vẽ lại trong đầu hình ảnh lúc cao điểm nhất, hòn đảo nhỏ xíu này đã trở thành chỗ chật chội nhất thế giới, với hơn bốn mươi ngàn người Việt Nam tị nạn. Hơn hai trăm năm mươi ngàn số phận đã từ đây rời đi. Người không may nằm lại với ngàn năm sóng vỗ, với Chúa – Phật cùng nỗi đau chôn vùi vĩnh viễn. Lịch sử không phải là câu chuyện hư cấu. Lịch sử có thật, lưu dấu nơi đây cho những người trong cuộc tìm về, nhớ lại và biết ơn.
Chúng tôi ngồi ở biển khu C. Mỗi người một tâm trạng. Không ai có thể đặt mình vào hoàn cảnh của ai để ngẫm ngợi trong lúc này. Ðảo “Cá Mập” trước mắt tôi từa tựa như nhiều đảo tôi đã từng thấy trong cuộc đời. Biển trong và nhiều màu xanh pha trộn tôi cũng đã từng bơi. Tôi không có phần trong lịch sử Bidong, tôi chỉ là khách, nhưng sao có gì đó khiến cảm xúc đẩy lên khiến tôi muốn khóc. Quê hương, thân phận con người… Cùng quá nhiều những câu hỏi vì sao?
Chiều muộn, tôi còn ngồi mãi một mình ở biển khu C trong tâm trạng thật ngổn ngang. Tự dưng tôi ước bên cạnh mình có Tr, T, Th hay Ng… những người bạn cùng lớp ở đại học, là dân Bidong. Tôi nhớ quá chừng một người bạn rất thân đã nằm lại đâu đó trong thân phận thuyền nhân trên cuộc lữ hành vô định; để rồi một lần nữa tôi bị dằn vặt bởi câu trách móc trước ngày bạn rời bỏ quê hương: “Mày là đứa duy nhất tao mời về nhà, e rằng không có lần thứ hai”. Làm sao tôi biết đó là lời cuối cùng. Hôm ấy, tôi đã nói với bạn rằng tôi bận không thể đến nhà bạn ở Tân Bình được. Ngày mai tôi phải về Nha Trang sớm, hẹn lần tới tôi vào. Sau đó thì chúng tôi mất nhau. Ðã bốn mươi năm rồi, sao tôi vẫn tin bạn đang ở trong một dòng tu kín nào đó trên hành tinh này chứ không phải dưới lòng đại dương sâu thẳm kia.
Rồi đến lúc phải đứng lên. Tôi về lại khu nhà nghỉ, lá khô lạo xạo dưới chân. Tiếng lá hát hoà với tiếng sóng biển thật nhẹ. Vài người bản xứ trong bộ đồ lặn đi ngược chiều, chúng tôi nói câu chào nhau. Sự giao tiếp là cần thiết trong lúc này để đuổi đi những dòng suy tưởng không nhẹ nhàng.
Tôi thả mình xuống biển bơi vài vòng. Mọi cảm giác buồn vui tan biến. Biển luôn như thế với tôi, xa xôi và gần gũi, luôn bao dung che chở vỗ về.
Bữa cơm chiều thật ngon. Tôi trò chuyện với hai người làm công việc dạy lặn trên đảo. Một người hỏi tôi đến Bidong lần thứ mấy rồi. Và thật khó quên đôi mắt tròn to, ánh lên nét ngạc nhiên khi tôi nói là lần đầu tiên khiến họ phải hỏi lại lần nữa làm như tôi chưa hiểu câu hỏi của họ. Tôi giải thích ngắn gọn, tôi không phải thuyền nhân, tôi đến đây du lịch.
Hôm ấy là đêm ngày 13/3. Một người trong nhóm ngỏ ý muốn làm gì đó tưởng niệm ngày được coi là khép lại trang sử thuyền nhân Việt Nam (14/3/1989)(2) và cầu nguyện cho những phận đời không may mắn. Chúng tôi đi kiếm củi, nhóm một ngọn lửa nhỏ rồi thắp nhang vòng quanh. Một người khấn vái cầu cho hương hồn người đã mất. Tiếng sóng biển vỗ vào bờ thật nhẹ. Biển – rừng một màu đen, bình yên, chậm rãi, thong thả.
Có tiếng loa hát karaoke của mấy anh chàng nhân viên trên đảo. Chờ nhang tàn, chúng tôi dập lửa. Tôi trở lên căng-tin ngồi với đám hát karaoke, một người hỏi tôi hát không, tôi rất muốn hát một bài gì đó nhưng tôi không biết cách tìm bài hát. Chúng tôi chuyện trò một lúc rồi về ngủ.
Ðêm đầu tiên ở Pulau Bidong, tôi ngủ một giấc thật sâu.
ĐTTT
(1) Pulau Bidong là một đảo nhỏ ở phía nam Biển Đông, thuộc bang Terengganu của Malaysia. Còn gọi là đ?oảo Rắn.
Đảo này được biết đến chủ yếu vì nơi đây mở trại tạm cư cho người Việt tị nạn trong những đợt vượt biên liên tiếp của thuyền nhân từ năm 1975 đến năm 1991.
Đến 30/10/1991 khi trại đóng cửa thì nơi đây đã tiếp đón 250,000 người tị nạn.
(2) Ngày 14/3/1989 là ngày chấm dứt chính sách thuyền nhân Việt Nam tị nạn tại Bidong nói riêng, Đông Nam Á nói chung.
Sau ngày 14/3, tàu của thuyền nhân có thể vào bến Jetty, hay các trại tị nạn ở các nước khác nhưng họ không được coi là tị nạn mà phải qua thanh lọc để xác định tư cách tị nạn do UNHCR và chính quyền sở tại thực hiện. Những ai vượt qua cuộc thẩm vấn (đậu thanh lọc) thì sẽ được đi định cư nước thứ ba tuỳ theo diện của họ. Những người bị rớt thanh lọc được quyền khiếu nại bằng văn bản, nếu rớt đợt 2 này thì phải hồi hương về Việt Nam. Chương trình thanh lọc này như một bức tường để ngăn chặn làn sóng vượt biên của người Việt Nam