Lời giới thiệu: Phụ nữ rất kỳ lạ, họ có thể làm được những điều kỳ diệu: đưa cho họ một căn nhà, họ sẽ biến thành một tổ ấm, đưa rau trái, họ sẽ biến thành một bữa cơm ngon, cho một nụ cười, họ sẽ tặng bạn trái tim, cho một tình yêu sẽ nhận về lòng son sắt… Những người phụ nữ Việt Nam ngày xưa không được yên bình để gầy dựng hạnh phúc, bão tố thời cuộc đã ập xuống đôi vai mỏng manh của họ.. nhưng sau đó, họ lại tỏa sáng khắp nơi, từ nhà máy, văn phòng, trong căn bếp nhỏ hay chốn thương trường đầy sóng gió…

Bạn có thể giới thiệu cho Ngân Bình email: nganbinhdang13@gmail.com, những người phụ nữ quen biết, cho mục “Chuyện của Nàng” được lung linh muôn sắc. Xin cảm ơn.

Những bạn đọc của Trẻ, chắc không xa lạ với những truyện ngắn nhẹ nhàng, nhưng ý nghĩa và có hậu của nhà văn Nguyễn Thị Thanh Dương. Qua những câu chuyện của chị, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy những hình ảnh một nhân vật chính gần gũi, đôi khi giông giống một “bản sao” của chính mình hoặc ngay trong gia đình mình. Ở đây, bạn sẽ “gặp gỡ” nhân vật chính, là một người chân chất, mộc mạc với những suy nghĩ đơn giản, thật thà đến độ ngây thơ, lắm lúc lại cắc cớ, sân si,  chua chanh như giấm, nhưng ẩn giấu đằng sau sự “trần tục” đó là một tấm lòng nhân hậu và ấm áp. Mời quý độc giả theo dõi cuộc “tám” chuyện sau đây…

Thanh Dương và “Anh Xã” – Tuyết đầu tiên ở Mỹ (1991)    

Ngân Bình (NB): Chào chị Thanh Dương, sang Mỹ theo diện HO, trong thời gian đầu, chắc chắn cuộc sống có nhiều bỡ ngỡ, khó khăn mọi mặt, điều đó có để lại cho chị những cảm xúc, kỷ niệm khó quên nào không?   

Thanh Dương (TD): Dạ… có nhiều kỷ niệm vất vả, khó khăn, nhưng tất cả đều đáng yêu. Ðôi khi, tôi …muốn đi lại từ đầu để tìm lại những cảm xúc ấy. Một kỷ niệm khó quên là khi ở Việt Nam tôi rất thích ăn chocolate, thời gian đầu đến Mỹ đi chợ, tôi mua món thực phẩm gì cũng … màu nâu chocolate: sữa, bánh, kem v.v.

NB: Khi cuộc sống đã ổn định nơi một đất nước tự do, chị có ước mơ gì không, nhất là ở vào lứa tuổi về hưu.

TD: Tôi đã hoàn thành giấc mơ được đến nước Mỹ của thế giới tự do. Ngày xưa, các em của tôi đều học ở Hội Việt Mỹ, chị em đã truyền cảm hứng cho nhau yêu thích nước Mỹ. Nay, tôi thấy mình đã «quá đầy đủ» vì mục tiêu đã đạt và không mong gì hơn.

Xem thêm:   San Jose và buổi triển lãm hy hữu

NB: Hồi xưa, khi đọc báo Trẻ, tôi thấy chị là một trong những cây viết xuất hiện sớm nhất và “trung thành” nhất với báo Trẻ. Do cơ duyên nào chị đến với báo Trẻ?

TD: Tôi đến với báo Trẻ từ thuở đầu là tờ giấy gấp, sau thành tạp chí mỏng mỏng cho đến giờ. Chắc là … “duyên nợ”.

Đám cưới Thanh Dương 

NB: Truyện của chị được đăng nhiều trên các báo và trên mạng, đôi khi không thấy tên tác giả. Về việc này, có lần chị nói “nhờ tên Bông, nên dù không có tên tác giả, độc giả vẫn biết đó là truyện của Thanh Dương”. Vậy, tên chị sử dụng cho nhân vật là để tạo chú ý cho độc giả hay như một “cầu chứng” cho tên Thanh Dương?

TD: Chỉ vì tôi… lười đặt tên nhân vật, nên chọn một tên cho khỏi mất công.

NB: Chị có vui khi tình cờ thấy truyện của mình được nhiều người chuyển đi trên trang mạng và trên những tờ báo “lạ” không do chị gửi?

TD: Dạ vui và có những niềm vui bất ngờ khi truyện hay  thơ của mình được tình cờ chuyển đến người thân, bạn bè của mình và gởi ngược lại mình (cười). Như truyện “Duyên Thừa” do một người bạn ở Việt Nam “Forward” cho em trai của tôi ở Oklahoma, hay những bài vở khác của tôi được chuyển đến Nhóm của chị họ của tôi ở Houston, Texas.

NB: Cảm giác của chị ra sao khi không thấy tên tác giả (Nguyễn thị Thanh Dương) dưới bài viết của mình khi truyện của chị được gởi tứ tung? Chị nghĩ sao về việc này?

TD: Không sao, dù có hay không có tên tôi dưới bài viết thì người đọc cũng đang đọc những câu truyện, những ý tưởng của tôi.

Thanh Dương (1969)

NB: Nhân vật tên Bông là một phụ nữ khá chanh chua, hậu đậu, chuyên… cãi chồng, và cuối cùng thì thường là người sai. Chị Bông là một nhân vật tưởng tượng hay có “liên quan” gì đến chị không?  (cười)

TD: Dạ… cả hai.

NB: Chị thường hay dùng chữ “hoa cẩm chướng” để ám chỉ những mâu thuẫn vụn vặt trong đời sống vợ chồng. Trong gia đình, khi hoa cẩm chướng bắt đầu nở thì chị sẽ giải quyết bằng cách nào?

TD: Biết trả lời sao? vì “Hoa Cẩm Chướng”… là tôi chứ ai.

NB: Quan niệm của chị về hạnh phúc gia đình là gì?

TD: Hạnh phúc tuyệt vời chắc chỉ có trong… mơ.  “Hoa Cẩm Chướng” nở quanh năm, nhưng người ta vẫn bên nhau đến cuối đời là đủ đẹp đôi rồi.

Thanh Dương và Bố (1995)

NB: Ngoài tài viết văn chị còn làm thơ.  Thơ của chị rất lãng mạn, trữ tình, da diết khi nhắc đến một hình bóng nào đó của một thời mơ mộng đã qua. Chị không sợ anh xã ghen sao? hay vì người xưa cũng chính là người nay?

Xem thêm:   Cánh chim đầu đàn của "Biệt đội Thiên Nga"

TD:  Bản tính của tôi vốn khép kín, nhút nhát, thời con gái chẳng quen ai, lấy chồng do được làm mai. “Anh” trong thơ chỉ là nhân vật trong thơ.

NB: Chị viết hàng trăm truyện ngắn và thơ trong một thời gian rất dài mà đến bây giờ chỉ xuất bản một tập thơ “Hồn Tôi Chuông Gió” và buổi Ra Mắt Sách lại tổ chức ở California, trong khi độc giả “ruột” của chị ở Dallas-Texas. Xin chị cho biết lý do và chị có thể kể một kỷ niệm nào đáng nhớ trong lần ra mắt sách đặc biệt ấy không?

TD: Chị nhắc tới buổi Ra Mắt Sách này làm tôi mắc cỡ và mắc cười luôn. Ðấy là do con trai của tôi ở California tự ý tổ chức cho mẹ. Tôi tưởng chỉ là buổi họp mặt trong vòng nho nhỏ bạn bè và người quen. Không ngờ đông người quá làm tôi vô cùng bối rối, không nói năng được câu nào khi lên sân khấu.

Ngày trước, có lần ca sĩ Nhật Trường đến Dallas trong một “talk show” trên radio. Tôi gọi vào đài phát thanh, mong được nói vài lời với thần tượng của mình. Nhưng khi “gặp” thần tượng thì tôi hồi hộp, bối rối, quên hết những gì định nói. Ðợi lâu quá, người dẫn chương trình loại tôi luôn và gọi thính giả kế tiếp. Tôi ngại cả đám đông… vô hình. Nhưng nếu ngồi tán dóc cùng bạn bè thì tôi … chiếm giải nhất.

NB: Được biết người con trai tổ chức Ra Mắt Sách cho chị là MC Đại Dương được nhiều người biết đến trong các sinh hoạt văn nghệ ở California. Trả lời câu hỏi “thi sĩ nào anh yêu thích nhất?” trong một cuộc phỏng vấn, Đại Dương đã nói “Đó là mẹ tôi”. Chị có nghĩ rằng thơ văn của chị đã ảnh hưởng lớn đến niềm đam mê thi văn nghệ thuật của con trai không?

TD: Con… nịnh mẹ đấy mà. Tên con và tên mẹ thành bút hiệu “Thanh Dương”. Có lẽ, hai mẹ con giống nhau ở niềm đam mê thi văn nghệ thuật. Con hát mẹ khen hay, mẹ làm thơ con khen lại cho…. huề (cười).

Gia đình Thanh Dương (1985)

NB: Ngoài viết truyện, làm thơ như một thú vui, còn điều gì khác khiến chị yêu thích và hài lòng nhất?

TD: Tôi rất thích đi du lịch. Nhưng bây giờ thì… hai thú vui này cũng đủ… mất ăn, mất ngủ rồi.

NB: Được biết nhà văn Kim Loan là em gái của chị. Kim Loan có giọng văn hài hước, dễ thương, làm “thổn thức” nhiều trái tim bạn đọc. Chị có thể kể vài kỷ niệm giữa hai chị em không?

Xem thêm:   Lễ hội hoa anh đào ở Conyers

TD: Ngày xưa, Kim Loan là «thư ký» cho tôi, vì chữ viết của Kim Loan rất đẹp. Mỗi khi làm xong bài thơ nào là tôi đưa Kim Loan chép vào cuốn vở. Kim Loan cũng là “nàng thơ” cho tôi cảm hứng viết những bài thơ về tuổi học trò ngây thơ đầy mơ mộng. Kim Loan mang thơ tới trường khoe với bạn bè, được nhiều bạn chép vào lưu bút và chuyền tay nhau đọc là hai chị em cùng sung sướng. Tôi và cô em út Kim Loan cách tuổi nhau khá xa mà như sinh đôi, giống nhau trong ý tưởng, không hẹn mà có khi cùng viết về một đề tài.

NB: Bây giờ, bài của cô em viết đều hơn chị, có phải chị bị “tài năng trẻ” lấn lướt ở sân chơi này không?

TD: Không. Tôi vẫn là “bà già gân”, dễ gì bị “lép vế”. (cười)

Thanh Dương (1987)

NB:  Có một số tác giả nhờ báo Trẻ chuyển nhuận bút cho các cơ sở từ thiện, người thì nhờ chuyển cho quỹ TPB VNCH. Nhưng chị luôn từ chối nhận nhuận bút của báo Trẻ, tại sao chị có quyết định “khác thường” này?

TD: Vì tôi viết nhiều, ngại báo Trẻ sẽ…. hết vốn, sập tiệm (cười)

NB: Tôi biết chị là một phật tử theo truyền thống gia đình. Liệu niềm tin tôn giáo, có ảnh hưởng đến bài viết của chị không? Nếu có thì ảnh hưởng ra sao?

TD: Tôi vốn thích viết những điều gì đơn giản và tốt lành. Chắc cũng ảnh hưởng phần nào nhờ những lần nghe kinh thuyết giảng qua “you tube”.

NB: Khi truyện được đăng báo ai là người chị sẽ “khoe” đầu tiên?

TD: Ai sẽ là người tôi “khoe” đầu tiên khi có bài  đăng báo hả? Thì … còn ai trồng khoai đất này? (cười)

Thanh Dương và Kim Loan (1995)

NB: Là người Bắc di cư, chị có giữ truyền thống như bên nhà không? Món ăn nào chị thích nhất, và món nào chị yêu thích và có thể nấu được?

TD: Tôi thích những món Bắc và nấu ăn được là nhờ … “you tube” chỉ đường và luôn tìm món nào dễ làm nhất.

NB: Chị có muốn nhắn gởi gì đến độc giả Trẻ, nhất là những độc giả lâu năm của chị không?

TD: Cám ơn quý độc giả đã đọc bài của Thanh Dương. Cám ơn báo Trẻ, cám ơn Ngân Bình đã cho tôi cơ hội đến với độc giả qua cuộc phỏng vấn này.

NB: Cảm ơn chị đã dành thời gian cho buổi “trò chuyện” đầy thú vị. Chúc chị luôn có những niềm vui trong cuộc sống và tiếp tục cho độc giả Trẻ thưởng thức những vần thơ, câu chuyện hậu đậu nhưng đáng yêu của nàng Bông.

Thanh Dương và bạn bè (2021)

 NB