Nói tới bệnh thì có vẻ như chẳng ai tránh khỏi trong cuộc đời, người nào giỏi, mạnh khỏe cũng dính vài lần bệnh, không nặng thì nhẹ. Nhưng, Việt Nam có cái khác là tỷ lệ bệnh rất cao, bệnh viện lúc nào cũng chật ních người và bất kỳ người nào, không khám thì bình thường nhưng có khám thì thấy có bệnh, hiếm gặp người sức khỏe ổn định. Có vẻ như nguồn thức ăn, nguồn nước uống và không khí ô nhiễm trầm trọng là nguyên nhân chính, ngoài ra, cũng còn một số nguyên nhân khác có tính xã hội. Thời sau dịch, bệnh càng nhiều hơn và người nuôi bệnh cứ nhìn là muốn chảy nước mắt, vì sao lại thế?!
Tiếng reo “từ thiện đến rồi!”
Tôi là người từng trực tiếp tự bỏ tiền túi đi làm từ thiện, tuy không nhiều nhưng cũng đủ ấm lòng cho cả tôi và người nhận trong lúc khốn khó. Nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác cay mũi, buồn và nghẹn khi nghe những tiếng reo “từ thiện tới rồi!” rồi lại ới ới nhau đi nhận phần cơm, phần ăn điểm tâm hay phần cháo khuya. Cái cảm giác ấy thật khó tả, cho cả người cho và người nhận.
Trước tiên, là cảm giác của người nhận, như chị Hiền, một người đang nuôi mẹ ở bệnh viện Bắc Quảng Nam, chia sẻ:
– Bây giờ ai cũng khó khăn, một miếng khi đói bằng gói khi no đó mà!
– Ở bệnh viện công thì viện phí phụ thuộc vào bảo hiểm, mình chỉ đóng những khoản không thuộc danh mục thanh toán bảo hiểm. Như vậy tính ra cũng đỡ phải không chị?
– Đúng rồi chị, mình chỉ đóng các xét nghiệm không thuộc danh mục bảo hiểm thôi. Còn lại bệnh viện và bảo hiểm thanh toán với nhau. Nhưng những thứ phí khác lại khó khăn hơn.
– Những thứ phí khác là chi phí gì vậy chị?
– Chi phí đi lại, ăn ở cho người nuôi bệnh như em đây nè, bình thường ở nhà ra vườn hái nắm rau vào luộc chấm nước tương cũng đã qua bữa, còn ở đây, có ai bán mấy thứ đó đâu, chỉ có bánh mì hoặc cơm hộp. Mà mấy cái đó thì giá luôn đắt, nói chung giá ở bệnh viện lúc nào cũng đắt đỏ so với ngoài thị trường. Nhưng đâu chỉ chừng này.
– Vậy còn khoản chi phí nào khác nữa chị?
– Phí lót tay, đương nhiên bây giờ nhà nước cấm nên việc “lót tay” rất khó, mình muốn cho người nhà mình chóng lành bệnh thì trước bác sĩ, mình phải đấu với công ty bảo hiểm. Tức bác sĩ cho những loại thuốc xoàng, qua bữa thì công ty bảo hiểm được lợi, còn muốn bác sĩ cho thuốc tốt, bảo đảm người thân của mình chóng lành bệnh thì phải trông chờ vào bác sĩ, phải nhờ vả các bác. Mà muốn vậy phải tìm tới nhà, phải khéo léo, chứ đâu có dễ nhận như hồi xưa. Khó lắm, tốn nhiều khoản chi phí lắm!
– Như vậy thì người nghèo luôn thiệt thòi?
– Cái đó là chân lý rồi, chị cần chi mà hỏi thêm, cuộc đời này, xã hội này, hạnh phúc phải thuộc về người giàu nếu nói một cách chung chung chứ chị!
Cùng cảnh ngộ nuôi người nhà bị bệnh, bà Hường, một người bị khuyết tật, từ trên huyện miền núi Đông Giang của tỉnh Quảng Nam, vượt gần trăm cây số đưa người thân xuống bệnh viện Bắc Quảng Nam nuôi bệnh, chia sẻ:
– Cơm từ thiện, cháo từ thiện chứ đỡ vất vả cho tụi tui nhiều lắm cô à!
– Cô có thường xuyên nhận cơm từ thiện không?
– Có chớ, ngày nào có cháo từ thiện, cơm từ thiện tôi cũng nhận, nếu không có thì chẳng biết tồn tại kiểu chi để nuôi bà mẹ già nữa. Ở trên quê mình cũng thuộc diện nghèo, xuống dưới này mọi thứ đắt đỏ quá, không biết dựa vào đâu, đi liều vậy thôi, may sao có cơm từ thiện, chứ không thì phải ngày một bữa mà qua ngày chứ chẳng biết nói sao!
– Cô thấy cơm từ thiện người ta nấu có ngon không?
– Ngon lắm cô ơi, ngon hơn cơm quán, vì người ta nấu chỉn chu lắm, thức ăn cũng đầy đủ nữa.
– Thường thì có nhiều nhà từ thiện hay một nhà vậy cô?
– Nhiều nhà từ thiện chớ, họ chia nhau, gần đây là các chùa họ nấu nhiều hơn, hầu hết là gia đình Phật tử của các chùa, buổi sáng nấu súp, buổi trưa cơm, buổi tối cháo, ngày ba bữa. Nhờ vậy mà người nuôi bệnh sống được, đỡ phải vất vả. Chớ nói thiệt với cô, người tàn tật như mình vì không có người nên mình phải theo nuôi mẹ già thôi chớ lấy đâu ra kinh tế mà nuôi. Gần 3 năm không đi làm thuê, chỉ dựa vô miếng ruộng với làm rẫy, mà giờ rẫy cũng còn hẹp téo có chút xíu thì sống làm sao nổi!
Nhà từ thiện nói gì?
Có cái lạ là sau sự xuất hiện của tu sĩ Thích Minh Tuệ, hầu như các gia đình Phật tử, đạo hữu của các chùa mở rộng không gian và quy mô từ thiện của họ hơn, điều này đòi hỏi một mức kinh phí cao hơn. Tìm hiểu, chúng tôi được anh Dũng, Huynh trưởng một gia đình Phật tử ở Quảng Nam, chia sẻ:
– Hiện tại, chúng tôi mở rộng quy mô từ thiện hơn, vì nhiều lý do, trong đó, sự xuất hiện của thầy Minh Tuệ cũng là động lực rất lớn.
– Tại sao thầy Thích Minh Tuệ lại là động lực cho việc từ thiện vậy anh?
– Cô biết rồi đó, trước đây, trong chi phí dành cho tôn giáo của mỗi người chúng tôi thường trích ra một khoản nhỏ để làm từ thiện, ví dụ như 10 đồng thì 9 đồng cúng dường, 1 đồng từ thiện. Bây giờ chúng tôi nghĩ lại rồi, ai cũng cúng 9 đồng cho 1 người, người đó nuôi vài người trong chùa, thì tiền để đâu cho hết, để làm gì, tu có cần nhiều tiền vậy không?! Trong khi đó, hàng trăm, hàng ngàn người nghèo khổ, đói rách ngoài xã hội lại hưởng chút đặc ân trong một đồng lẻ của mình. Cái này quá vô lý.
– Bây giờ các anh phân bổ như thế nào trong 10 đồng ấy?
– Chúng tôi hoán đổi vị trí thôi, trước đây 9 cúng dường, 1 từ thiện thì bây giờ 9 từ thiện, 1 cúng dường, như vậy chúng tôi tăng được 8 đồng để mở rộng việc từ thiện.
– Riêng gia đình Phật tử của anh, với việc hoán đổi vị trí như vậy có ảnh hưởng đến tình cảm thầy trò giữa các sư và Phật tử không? Và như vậy đã đáp ứng đủ cho việc từ thiện chưa?
– Việc có ảnh hưởng đến tình cảm thầy trò không thì hình như có đấy cô ạ. Mà điều đó cho chúng tôi và cả quý thầy tỉnh ngộ nhiều điều, còn nếu như không hoặc chưa tỉnh ngộ được thì chứng tỏ còn đang vô minh và cố gắng tu học, tu tập thêm nhiều nữa mới hy vọng tốt hơn. Còn mở rộng quy mô, chúng tôi vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ cô ạ. Vì thời buổi khó khăn, ai cũng khó, có nhiều người trước đây từng chung tay với chúng tôi đi làm từ thiện, thì bất ngờ hôm nay người ta đi nhận cháo từ thiện, cơm từ thiện đấy! Vì công việc làm ăn bê trễ, khó khăn, vì mọi thứ đều khựng lại mà có người nhà đau ốm nữa thì người ta rơi vào khốn khó ngay à! Với lại nhìn chung những người biết chia sẻ thì họ đâu có giàu sụ như kẻ ôm khư khư, mặc dù thu nhập của họ có thể cao hơn đó, nhưng quá trình chia sẻ khiến cho họ tích lũy thấp, gặp trở ngại là vấp ngã ngay à!
– Nấu cơm, cháo từ thiện tốn nhiều thời gian, giữa nhóm chùa các anh và các chùa khác có quy ước gì không để bảo đảm người nhận từ thiện không thiếu bữa và các anh chị không bị trùng lặp?
– Có chứ cô, chúng tôi thi thoảng ngồi cà phê, nói chuyện, thảo luận về tình hình chung và nhu cầu của người nhận từ thiện, rồi lên lịch với nhau, bữa nào nhóm nào nấu, thậm chí chia buổi, nhóm A nấu buổi sáng thì nhóm B nấu buổi trưa, nhóm C nấu buổi chiều, cứ như vậy mà luân phiên, mới lâu bền được.
– Anh thấy người nhận từ thiện gồm thành phần nào là nhiều nhất?
– Trước đây thì chủ yếu là nông dân với người lao động, còn bây giờ là công nhân, công nhân thất nghiệp, nông dân, người lao động và thêm một ít cán bộ, nhà buôn. Nhìn người nhận từ thiện mình có thể đoán ra tình hình kinh tế nói chung cô à!
Tạm biệt anh Dũng, chúng tôi rảo một vòng các bệnh viện. Hình như, đi đâu cũng thấy cảnh người ngồi, người đứng, người nằm vật vạ sau buổi trực bệnh nhân. Và đi đâu cũng thấy có gì đó buồn buồn, thảm thảm, đau đau…
Bài và hình UC