Xu thế lão hóa dân số ở Đức tăng cao. Cứ 8 người thì có 1 người trên 60 tuổi. Nhiều cặp vợ chồng người Đức lười sinh, không thích đẻ nhiều nên tỉ lệ sinh giảm. Tuy nhiên, trẻ em Đức ngày càng đông. Cứ tưởng là nghịch lý nhưng không hề!

Bồng một đứa, một đứa nằm trong xe nôi
Trẻ em đến từ đâu?
Có phải từ nạn buôn bán trẻ em mà ngày càng nhiều trẻ em khắp các nước có mặt ở Ðức? Hay khi các cháu sinh ra trên đất Ðức, được hưởng trợ cấp cho đến 18 tuổi, được cấp nơi ăn, chốn học, chăm sóc sức khỏe và đặc biệt được mang ngay quốc tịch Ðức nên người nhập cư sinh năm sinh ba?
Người tị nạn từ một số nước Châu Á, Nam Á… đến Ðức ngày càng đông. Chỉ tính riêng người Việt Nam, hiện nay đã có khoảng 180 ngàn người. Ðây là thành phần nhập cư hùng hậu nhất. Phía Ðông Berlin, Dresden, Leipzig (vùng Ðông Ðức cũ), Hamburg, Frankfurt, Munich (vùng Tây Ðức) đều rất đông người Việt. Bên cạnh số rất ít người vượt biên (thuyền nhân) sau năm 1975 còn là số “lao động xuất khẩu” sang Ðông Ðức, hầu hết gốc Bắc, vào những năm 1980, không về nước hoặc về rồi quay lại. Sau này, nhiều người Việt trẻ tuổi đi lao động, học nghề, du lịch… rồi trốn ở lại, và từ một số nước Ðông Âu như Ba Lan, Hung-ga-ri, Cộng hòa Séc… họ vượt biên sang, “đi chui, trốn nhủi” đến Ðức v.v. Hầu hết không phải tị nạn chính trị mà là… tị nạn kinh tế (qua Ðức để hy vọng có cuộc sống tốt hơn). Nên không có gì lạ, những người qua Ðức đông nhất vẫn là người quê gốc Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… có một ít ở Hải Phòng, Hải Dương, và rải rác ít tỉnh phía Nam… có hoàn cảnh khó khăn muốn đổi đời nơi xứ lạ.
Chính phủ Ðức có “chính sách nhân đạo” đối với những ai đến đất nước họ nhằm tìm cuộc sống mới tốt đẹp hơn miễn là không có tiền án, tiền sự, biết nói tiếng Ðức (cơ hội hòa nhập nhanh); được lưu lại 6 tháng, có chỗ ở để tìm việc làm. Nếu tìm được công việc toàn thời gian trong vòng 18 tháng thì càng tốt. Những người này chính là nguồn cung cấp… trẻ em cho xã hội Ðức!

Đâu chỉ trẻ em con người Việt
Có con là… có rất nhiều!
Trẻ em sinh ra trên đất Ðức mặc nhiên mang quốc tịch Ðức. Và người mẹ được tiêu chuẩn “ăn theo” con. Hai mẹ con được cấp phòng ở, được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng… Tất nhiên trước đó, người mẹ phải chịu khó bỏ tiền… kiếm “cha trên giấy tờ” cho đứa bé để hợp thức hóa giấy tờ hộ tịch. Cha ruột của đứa bé… sẽ tìm “đường dây” tái hợp với mẹ để “như chưa hề có cuộc chia ly”. Còn một đặc ân nữa dành cho người mẹ trẻ mà chỉ có nước Ðức mới “chịu chơi” như vậy. Ðó là, nếu mẹ chịu đi học tiếng Ðức để sớm có điều kiện hội nhập thì ngoài việc miễn học phí còn được chính phủ “giữ em” cho trong khi mẹ đến lớp.
Tôi không nghĩ ra khi chứng kiến nhiều người mẹ rất trẻ đã sớm có con trong khi không có gia đình, người thân ở cạnh sẻ chia, cứ phải “một nách hai con” vất vả, nhọc nhằn… khi vào chợ. Không chỉ hai con mà có khi 3 đến 4 con. Phải ba năm sau, khi trở lại Ðức lần thứ hai, năm 2022, tôi tìm hiểu và nghe kể lại mới… vỡ lẽ nhiều điều. Là không chỉ các bạn trẻ người Việt mà cả người Thổ Nhĩ Kỳ hoặc người Afghanistan, Iran… cũng con nhỏ đùm đề. Chỉ tội cho phụ nữ Việt nhỏ con nhỏ thó mà phải tay xách nách mang.
Tôi biết trường hợp một người Thổ Nhĩ Kỳ hiện là giáo viên. Gia đình anh có cả thảy 10 người, trong đó, có 8 anh chị em ruột có quốc tịch Ðức. Trước đây mẹ của anh đã từng đẻ nhiều như vậy để được hưởng quyền lợi.
Ðến chợ Ðồng Xuân, Berlin vào những ngày cuối tuần sẽ không khó để thấy rất nhiều bà mẹ trẻ đẩy xe nôi đơn, xe nôi đôi đến chợ. Có khi một mẹ đẩy xe nôi đôi, bên trong hai đứa trẻ ngủ vùi, một đứa khác chập chững đi cạnh hoặc cả hai đứa đi chưa vững còn bú bình, nằm trong xe. Tôi từng thấy một anh chồng đứng bế con dưới bóng mát một cái dù của quán ăn. Anh ta cho nó bú sữa bình vừa trông chừng một đứa còn đang ngủ trong xe nôi để vợ vào trong chợ.
Những ngày cuối tuần, chợ Ðồng Xuân không khác chi hội chợ. Người từ các quận lân cận thủ đô kéo về mua sắm. Bạn bè có dịp gặp mặt chuyện trò rôm rả. Và những dịp này tàu điện M8 qua lại chợ ít khi còn chỗ trống. Trong toa, xe nôi đơn, xe nôi đôi không thôi cũng đã chật kín tàu. Cả 100 đứa trẻ trong một chuyến tàu điện theo bố mẹ đi chợ hàng tuần vì không có người trông giữ. Ðem con gửi nhà trẻ tư nhân để mẹ tìm việc làm phù hợp… xem ra không dễ. Nếu chồng là người Việt có giấy tờ hợp pháp để đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền, dành dụm lo toan đủ thứ thì vợ trẻ được yên tâm chăm sóc con chờ thời để… sinh thêm con và được lưu trú lâu dài.

Cùng mang theo con đến chợ
Người Đức gốc Việt ngày càng nhiều
Ở Berlin có một số hội đoàn, câu lạc bộ toàn tập trung bà con người miền Bắc. Hội đồng hương các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Nam Ðịnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… câu lạc bộ Kinh Bắc, Hội Phụ nữ Hà Tĩnh, Quảng Bình… khá đông hội viên. Ðến các quán ăn, nhà hàng, cửa hàng, chợ của người Việt hiếm khi nghe được giọng nói của người các tỉnh từ vĩ tuyến 17 trở vào.
Phần lớn số bạn trẻ nhập cư lậu lẫn hợp pháp vào Ðức thường tìm đến cộng đồng người Việt để có sự đồng cảm, sẻ chia từ đồng hương. Họ chọn những việc làm có chủ người Việt; chọn chỗ ở có đông người cùng quê sinh sống. Cứ thế, dần dần cộng đồng đông thêm người cùng miền. Ðiều này cũng khiến hạn chế họ trong việc hòa nhập với nước sở tại, không có cơ hội trao đổi để biết thêm tiếng Ðức, không hiểu được ít nhiều tính cách, thói quen, văn hóa của dân tộc Ðức để hành xử trong quan hệ buôn bán hoặc giao tiếp. Những điều này vô tình khiến người Ðức có cái nhìn thiếu thiện cảm về người Việt.

Trẻ em được mẹ na theo đến mọi nơi.
Thay lời kết
Có điều đáng mừng, không thể phủ nhận, là học sinh người Ðức gốc Việt hòa nhập nhanh, học rất giỏi. Nhiều cháu là niềm tự hào của cộng đồng người Việt trên quê hương thứ hai. Lớp trẻ con này đã, đang và sẽ hình thành một thế hệ người Việt hòa nhập vào nước Ðức hoàn hảo hơn lớp phụ huynh.
Hãy tưởng tượng một ngày nào đó sẽ có vài đơn vị hành chánh cấp quận “tự lập”, “tự phong” toàn người Ðức gốc Việt như quận Nghệ Ðức, Hải Ðức, Hà Tĩnh – Ðức, Quảng Bình- Ðức… trực thuộc bang hoặc thành phố của Ðức hoặc lập hẳn một bang tên Việt Ðức, chẳng hạn. Nó giống huyện Lâm Hà của tỉnh Lâm Ðồng, (lấy chữ đầu tên hai địa phương ghép lại) toàn người Hà Nội vào đây lập nghiệp từ sau năm 1975.
LKD