1
Tôi không thường ăn đậu hủ dù rất thích, thỉnh thoảng thèm lắm mới ăn vì ngại nạp chất ngọt mà khẩu vị của tôi, đậu hủ phải chan thật nhiều nước đường mới ngon.
Con đường tôi đạp xe mỗi sáng có một chị bán đậu hủ trên chiếc xe đạp, lỉnh kỉnh các thứ của hầu hết xe (đạp) đậu hủ thời hiện tại thay cho cái gánh ngày xưa, như: hai bên sau xe có hai bếp lò, một bếp để xoong đậu hủ, một bếp xoong nước đường. Phía trước tay lái chồng ly nhựa cao nghệu, chai nước đường, ca hạt trân châu, nước uống, bị nylon … Một lần, tôi ghé mua đứng lại hơi lâu và nghe câu chuyện của chị.
Chị kể, trước kia chồng chị làm thợ hồ, bị té gãy tay phải bắt 6 con ốc vít, thấy vợ bán đậu hủ cực quá, tay chưa lành hẳn anh đã đi làm trở lại mong chia sẻ bớt phần nào cho vợ. Vì đi làm sớm, cái tay như bị “chênh”, xương nhô lên nhói nhức mỗi khi trở trời. Không có tiền để mổ, coi như cam chịu. Con trai học xong lớp 12 đi bộ đội, hết hạn nghĩa vụ về học nghề điện lạnh, làm ăn ở quê một thời gian thấy không khá nên vô Sài Gòn, công việc không ổn định, bữa đực bữa cái, thỉnh thoảng phụ chị chút đỉnh thuốc thang cho cha. Coi như mình chị cáng đáng hết.
27 năm gánh đậu hủ đi bán khắp nơi, vừa gánh vừa chạy, khổ nhất những hôm đường ngập nước, cái gánh nặng trịch, lội bì bõm … Mỗi ngày đi về cả chục cây số là bình thường. Qua năm thứ 28, một lần chị đang gánh bị ngã khuỵu, hai cái vai đau khủng khiếp. Đi bệnh viện bác sĩ không cho gánh nữa, bảo rằng, dây thần kinh bị chèn ép, nếu tiếp tục sẽ ảnh hưởng đến vận động.
Mấy cô khách quen thấy vậy cho chị tiền mua chiếc xe đạp. Có xe ngồi lên đạp đỡ hơn gánh lại bán được nhiều nơi. Vừa rồi đi bán sớm có một đứa chạy xe máy tung vô xe đậu, nước đường đang sôi văng tung tóe, phỏng người luôn.
Đi từ sớm đến trưa mới về nhà, nghỉ ngơi một chút rồi nhồi bột năng làm trân châu (bột lọc bỏ vào nước đường). Mỗi ngày làm 3 ký bột, nhờ có cô em phụ giúp nên đỡ phần nào.
Nửa đêm người ta chưa ngủ thì hai chị em thức dậy nấu đậu đến sáng gánh đi bán luôn. Tiền thuê nhà 2.6 triệu đồng/tháng kể cả điện nước. Lúc này bán chậm, nhiều hôm 2 giờ chiều mới hết. Vừa rồi đám giỗ mẹ mà không có tiền về Quảng Ngãi, ngồi buồn nhớ mẹ không kềm được nước mắt.
Tôi không biết an ủi chị thế nào, mỗi lời nói của tôi, không khéo có thể làm chị buồn, tủi phận hơn. Chị hé vai áo cho tôi xem hai cái hõm sâu đều hai bên, dấu vết 27 năm gánh đậu hủ. Nhìn hai dấu sẹo lõm trên vai của chị, tôi chỉ biết thở dài. Hai cái lõm sâu đã kể hết câu chuyện một đời vất vả, lam lũ từ khi bỏ xứ vào Sài Gòn làm ăn mà vẫn không khá lên được – “Cây khô tưới nước cũng khô/ Vận nghèo đi đến xứ mô cũng nghèo”
2
Tôi thích ăn đậu hủ ở một hàng trong khu ẩm thực đối diện chợ Nguyễn Văn Trỗi, quận 3 (hẻm 284 đường Lê Văn Sỹ). Mỗi lần có dịp ra đây, tôi hay ghé ăn chén đậu hủ, nghe chị bán đậu kể chuyện đời.
Hàng chị này trông đầy đủ và lớp lang hơn xe (đạp) đậu hủ của chị ở trên, có lẽ chị bán cố định một nơi lâu rồi nên nhiều khách quen.
Câu chuyện giữa chúng tôi luôn dông dài, tôi thích nhìn gương mặt tươi, mắt lóng lánh mỗi khi chị bồi hồi kể lại chuyện xưa.
Thời ở quê, bà nội của chị có hai người con dâu đều bán đậu hủ, nhưng một người bán đắt, một người bán ế. Buôn bán cạnh tranh, ghen tức nhau, bà bán không được hại bà bán được bằng cách bỏ muối vào đậu, vậy là đậu hư. Vài lần như thế, bà bán được chán quá, bỏ luôn nghề chuyển sang buôn trái cây; bà còn lại bán đến khi còng lưng mới nghỉ. Bà bán được là má chị, tánh tình khí khái; không bán đậu hủ nữa, bà bỏ về nhà riêng mang theo cái cối đá, thỉnh thoảng bà mua đậu về nấu cho con cháu ăn, bây giờ cái cối đá cũng còn làm vật kỷ niệm để trong nhà cậu em ở quê.
Hồi lấy chồng đến khi có con, chị không có công việc làm ăn ổn định ngoài việc bó bông điệp bán cúng rằm, mùng Một. Một người hàng xóm rủ chị vào Sài Gòn: “Có tệ lắm cũng dư một tháng 5 phân vàng”.
Chị nhớ như in đó là ngày 23 tháng Giêng năm chị 26 tuổi, chị hàng xóm dẫn ra chợ Bà Chiểu sắm cho đôi gióng bằng mây, cái rổ đựng lò bằng tre. Sau than hay rớt xuống cháy rổ nên thay bằng cái thau nhôm.
Thời đó, dân Quảng Ngãi vào Sài Gòn đông lắm, họ thường sống cụm với nhau theo nghề buôn bán như: đậu hủ, chè, bánh trái, ve chai, đi làm công sở … Người bán đậu hủ thì sống tập trung ở xóm Văn Hiến, Tân Định.
Chị hàng xóm bày chị cách nấu đậu một lần, không có lần thứ hai. Trời thương cho chị nấu được. Hồi trước chị bán ở bờ kè đắt lắm, nhưng rồi đau lưng gánh đi không nổi nên chọn ngồi ở hẻm này đã 26 năm rồi. Khách ăn thời còn sinh viên, ra trường về quê làm việc, lập gia đình. Đến đời con cái họ vào Sài Gòn học cũng đến đây ăn đậu hủ.
Có được chỗ ngồi ổn định, chị chuyển nhà về gần nơi bán, đỡ phải gánh đi xa. Hồi đó gánh cái gánh đi bán dạo đau vai lắm. Đòn gánh vừa chạm vào vai là đau nhói nhưng vẫn phải gánh. Được một lúc, vai nóng lên cảm giác hết đau. Chiều về, chỗ gánh bị lở ra phải bôi thuốc. Vết thương se mặt lại, êm được buổi tối. Ngày mai gánh thì nó lở tiếp, cứ như thế. Vết thương chảy máu cũng phải gánh. Vai áo phải may đệm mấy lớp mousse mềm bên trong. Bây giờ còn để lại hai cái hõm sâu trên vai, rờ vào thấy lợn cợn như thịt bị nát. Chị bảo tôi lấy tay ấn xem, quả đúng vậy, ở hai chỗ lõm, bên trong đầy các hạt lộm cộm.
Chị nhờ có ông chồng phụ nấu đậu, có khi ra trông hàng nên đỡ lắm. 12 giờ đêm người ta đi ngủ thì hai vợ chồng bắt đầu cho ngày mới, nấu đậu đến 7 giờ sáng gánh đi bán.
Theo lời chị, một năm nay từ Tết dương lịch 2024 đến giờ bán chậm, ban ngày cũng như ban đêm, thưa khách. Nguyên liệu thứ gì cũng lên giá nhưng chén đậu hủ vẫn 10 ngàn đồng như cũ. Tôi nhớ lần trước đến con hẻm này cách đây hơn một năm, đông đúc hàng ăn và khách ăn, bây giờ thưa thớt, giống như nhiều con hẻm ở Sài Gòn, không có gì nổi trội với tên gọi khu ẩm thực nổi tiếng.
Chuyện lan man chị kể, hồi xưa thuê nhà trên kênh, buổi tối không chú ý có khi đến khuya nước lên ướt nệm. Hay như buổi sáng lúc đi bán thấy trên mặt nước có cái quần màu xanh lẫn trong đám bèo, chiều về nước rút thấy xác người nổi lên. Hồi đó nước dơ và hôi lắm. Bây giờ sạch và mùi hôi giảm đến 90% vì dòng kênh được dọn rác mỗi ngày.
Mấy chục năm buôn bán chắt chiu dành dụm chị mua được miếng đất và xây ngôi nhà ở quê làm từ đường sau này già về quê sống.
Có rất nhiều gánh, xe đẩy, xe đạp đậu hủ trên khắp đường phố Sài Gòn. Tôi không biết có bao nhiêu gánh đậu hủ lõm vai đưa con cái vào đại học, giúp đỡ người ở quê, tích lũy khi về già… Người miền Trung cần cù chịu khó, Sài Gòn là vùng đất rộng mở, hết thế hệ này đến thế hệ khác tìm đến nối tiếp cuộc mưu sinh xa xứ!
Bài và hình ĐTTT