Ðứng trên đài quan sát ở Rú Chá (1) nhìn bao quát Phá Tam Giang mới thấm hiểu bài thơ “Chiều trên phá Tam Giang” của Tô Thùy Yên:

“Chiếc trực thăng bay là mặt nước

Như cơn mộng nhanh

Phá Tam Giang, phá Tam Giang

Bờ bãi hỗn mang, dòng bát ngát

Cát hôn mê, nước miệt mài trôi

Ngó xuống cảm thương người lỡ bước

Trời nước mông mênh, thân nhỏ nhoi

Phá Tam Giang, phá Tam Giang

Nhớ câu ca dao sầu vạn cổ

Chiều giòn tan, nắng đọng nứt ran ran

Trời thơm nước, thơm cây, thơm xác r

Thơm cả thiết tha đời

Rào rào trận gió nhám mặt mũi

Rào rào trận buồn ngây chân tay…”

Mùa hoa sứ trắng trong Đại Nội         

Hay, câu ca dao xưa: “Yêu em anh cũng muốn vô/Sợ truông Nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang”. Truông nhà Hồ tôi chưa hình dung được chứ Phá Tam Giang mà tôi đang nhìn ngắm đây quả thật bao la “Trời nước mông mênh, thân nhỏ nhoi”. Ðể cảm nhận “Trời thơm nước, thơm cây, thơm xác rạ/Thơm cả thiết tha đời”. Tất nhiên giờ đây không như ngày xưa giao thông không thuận tiện và Phá Tam Giang được ví von như một trở ngại cho tình yêu đôi lứa.

Cảnh đẹp của khu rừng ngập mặn Rú Chá khiến tôi choáng ngợp. Thảm cây xanh dày được giới hạn bởi “vành đai” Phá Tam Giang. Trông nên thơ lãng mạn nhưng mạnh mẽ, sức vóc.

Là ngày thứ hai trong chương trình trở lại Huế ba ngày của tôi vào đầu tháng Tư. Những con đường nhỏ, hai hàng cây chụm đầu vào nhau suốt ngày rì rầm trò chuyện, những chiếc lá bay bay, cổ thành bí ẩn, dòng sông Hương lặng lờ trôi, êm đềm buổi sáng, lười biếng buổi trưa, mềm mại buổi chiều…

Phá Tam Giang

Con đường dẫn vào Ðại Nội đang mùa hoa sứ đẹp và thơm một cách thanh khiết sang trọng. Những vệt nắng lúc đậm, lúc nhạt chập chờn loang lổ trên bãi cỏ xanh càng thêm quyến rũ, níu bước chân háo hức của du khách.

Dù đã đến một hay vài lần, nhiều người vẫn cho rằng mỗi lần đến Huế một cảm xúc khác. Huế luôn là điều bí ẩn, không chỉ cảnh đẹp, con người….

Và tôi chắc, Ðại Nội là một nơi bạn sẽ đi không hết nếu chỉ đến một lần.

Nhóm bạn trẻ

Có khi bạn luyến tiếc hứa sẽ quay trở lại không chỉ vẻ đẹp cuốn hút mà bởi có quá nhiều điều bí ẩn khiến bạn phải tra Google về lịch sử nơi bạn vừa đi qua hay đang đứng…

Xem thêm:   Đông Tây hội ngộ

Tôi trở lại nơi này lần thứ tư. Ba lần trước tôi đi lớt phớt “cưỡi ngựa xem hoa”. Nhủ thầm, mình sẽ trở lại đây lần nữa, đi chậm, ngắm cho kỹ, bằng hết. Ðiều đơn giản vậy mà mãi đến hơn mười năm sau tôi mới thực hiện được.

Bạn đừng vội vào cổng sau khi mua vé mà hãy tận hưởng vẻ đẹp bên ngoài Ðại Nội. Nhìn bao quát, bạn tự hỏi, qua thời gian con người ta có thể quên hay vì lý do nào đó, không ghi chép lại hết; nhưng bức tường thành kia nếu biết nói nó sẽ kể cho bạn tường tận chuyện bên trong cung cấm, có những diễn biến lịch sử nào mà cho đến bây giờ vẫn còn là điều bí mật?

Tác giả – Cầu Trung Đạo bắc qua hồ Thái Dịch nối Ngọ Môn và Điện Thái Hòa

Một nhóm bạn trẻ nhờ tôi chụp giúp tấm hình cả nhóm. Con đường xanh lá, cổng thành uy nghi, trầm mặc nhưng nhẹ nhàng đều là cảnh làm nên những tấm hình đẹp. Chúng tôi chụp hình qua lại cho nhau kèm theo những tiếng cười trong nắng thật hồn nhiên và có chút hối hả vì sợ không kịp thời gian đi cho hết.

Ðể thuận tiện, hợp lý khi viếng cảnh Ðại Nội bạn nên đi chậm từ ngoài vào trong và không quay trở ra theo lối cũ nữa. Nếu không có thời gian, bạn hãy chọn những nơi chính cần xem như Ðiện Thái Hòa, Tử Cấm Thành, Thế Miếu, vườn ngự uyển… Còn quyết tâm đi cho hết, tôi chắc trong một ngày bạn có thể sẽ bỏ sót vài nơi.

Một bạn trẻ đến từ Hà Nội nói với tôi khi hai cô cháu ngồi uống nước ở một quầy bán hàng lưu niệm: “Lần đầu tiên cháu đến Huế và cháu thực sự bị sốc vì Huế sạch quá”.

Trên biển Hải Dương

Chúng tôi dừng lại hơi lâu dưới một gốc cây ngô đồng còn sót lại ít hoa cuối mùa bởi ánh nắng chiều chiếu vào khiến màu hồng ửng lên đẹp quá. Ai nấy ngồi bệt xuống đất chuyện trò, vừa nghỉ chân và cảm nhận Huế bình yên và dễ thương chi lạ.

Ngày thứ hai tôi được bạn đưa đi Rú Chá là điểm dừng đầu tiên. Một lần nữa lại “ồ à” khi ngắm vùng quê Huế thanh bình hiền hòa. Tôi không phải là dân nông nghiệp nên thêm một ngạc nhiên không chỉ ruộng đồng xanh bát ngát mà tự hỏi sao cây lúa ở đây cao thế. Có phải một đặc sản nông nghiệp riêng của Huế không?

Rừng thông trên đồi Vọng Cảnh

Từ Rú Chá chúng tôi về biển Hải Dương. Trên nền cát trắng mịn, nước trong vắt, chúng tôi bỏ giày lội nước và cười đùa như trẻ thơ. Dân vùng biển như tôi cảm thấy lạ là ở đây nghe đến hai lần tiếng sóng biển đan xen. Nơi chúng tôi đang đứng như một cái “eo”, sóng lăn tăn vỗ nhẹ vào bờ với những âm thanh dịu, nhẹ. Nhưng ngoài xa kia, lại có tiếng sóng khác vừa mạnh mẽ, vừa dịu êm, cảm giác như vừa mơn trớn nhẹ nhàng lại vừa suồng sã một cách tự do, phóng khoáng. Hai đợt tiếng sóng biển chen nhau làm nên sự thú vị cho vùng biển vắng, chỉ có hai chúng tôi cùng một con chó nhà ai lẩn quẩn dưới chân. Phía xa có hai chiếc lưới giăng khiến máy hình của tôi cứ lẩn quẩn quanh nó với nhiều góc cạnh. Khung cảnh thật êm đềm mà sống động bởi thỉnh thoảng có tiếng ghe chạy ngang qua và hình dung được sự nhộn nhịp trên biển mỗi sáng sớm hay chiều muộn khi ghe cá trở về.

Xem thêm:   Rất lâu quê nhà

Khoảng 30km từ Hải Dương về đồi Vọng Cảnh (2). Giữa trưa nắng mà không thấy mệt. Trên đồi gió mát, khách phương xa thêm ngỡ ngàng khi nhìn xuống sông Hương. Dòng nước uốn lượn mềm mại bên dưới thỉnh thoảng điểm xuyết vài chiếc thuyền trôi qua chậm, đẹp như tranh vẽ.

– Hồ Thủy Tiên

Tôi còn trở lại đồi Vọng Cảnh một lần nữa vào buổi chiều chỉ vì muốn ngắm sông Hương sáng và chiều có gì khác. Chỉ là cái “ngông” của người thích khám phá thiên nhiên thôi mà.

Từ đồi Vọng Cảnh, chúng tôi đi đến hồ Thủy Tiên (3). Tôi đến đây một lần vào hai năm trước nên không háo hức lắm, nhưng bạn tôi dứt khoát phải đến để “mục sở thị” cái “view” trong tập 2 bộ phim truyền hình “Taxi Driver” mùa 2 của Hàn Quốc vừa chiếu trên Netflix.

Hoàng hôn bên hồ thật tuyệt. Mặt trời xuống chậm, màu chiều vàng ửng trên thảm thực vật xanh dày. Và, cái vòng tròn màu đỏ mê hoặc, khiến chúng tôi mất khá nhiều thời gian canh sao cho đầu rồng ngậm được viên “hồng ngọc”. Tôi còn “kiếm thêm” vài tấm hình mặt trời in bóng xuống hồ nước vào hai ngón tay con rồng. Chụp hình thôi, mà say!

– Hoàng hôn trên hồ Thủy Tiên

Tôi zoom máy hình nhìn về đồi Thiên An. Chóp nhà thờ in trên nền trời thật đẹp. Bảy năm rồi, cùng với nhóm bạn Sài Gòn trong những chuyến hành hương Ðức Mẹ La Vang (Quảng Trị), năm nào chúng tôi cũng ghé lại Ðan viện Thiên An, thường vào dịp cuối năm.

Xem thêm:   Cám ơn kỷ niệm nuôi em lớn

Chúng tôi rời hồ Thủy Tiên trong tâm trạng thật luyến tiếc vì không còn thời gian nữa. Thật tình, tôi muốn ngồi lại nơi đây lâu hơn, chờ mặt trời xuống hết, tận hưởng sự bình yên hiếm hoi trong không gian nhẹ nhàng, êm ái và thật thanh bình này.

Chóp nhà thờ Đan viện Thiên An nhìn từ khu vực hồ Thủy Tiên

Tôi dành buổi sáng cuối cùng để “sống chậm”, ngồi cà phê với bạn ngắm sông Hương. Bạn nói, chị biết slogan của người Huế là gì không? Tôi nói ngay vì câu này tôi đã nghe từ một người bạn và anh chàng chạy Grabbike: “Lượm một cọng rác là bạn đã làm cho Huế sạch hơn”. Bạn cười: “Chị đến Huế đang mùa đẹp, không nóng quá và hoa đang nở”.

Tôi cảm thấy mình may mắn khi chọn đúng thời điểm.

Chưa rời Huế mà tôi biết mình sẽ nhớ Huế để rồi nôn nao trở lại nơi này lần nữa.

Sông Hương nhìn từ đồi Vọng Cảnh

ĐTTT

(1) Cách trung tâm Huế khoảng 15km, rừng ngập mặn Rú Chá (thuộc làng Thuận Hòa, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà) là khu rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn sót lại trên phá Tam Giang. Khu rừng này ban đầu có diện tích khoảng 4 ha, để ngăn mặn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đất liền. Rừng không đa dạng về thành phần loài, đa phần là cây chá (Excoecaria agallocha) mọc tự nhiên.

Theo tiếng địa phương Huế, “rú” ở đây nghĩa là rừng, còn “chá” là tên cây. Về sau, diện tích rừng ngập mặn tại khu vực này được mở rộng lên gần 22 ha, có thêm các loài cây ngập mặn khác như đước, sú, vẹt, bần… Vào mùa thu, cây chá ngả lá vàng, sông nước cây cối làm nên bức họa mùa thu vàng tuyệt đẹp cho Rú Chá.

(2) Đồi Vọng Cảnh là một ngọn đồi cao 43m ở phía Tây Nam thành phố Huế, chân đồi tiếp giáp bờ sông Hương, tọa lạc giữa vùng lăng tẩm các vua chúa nhà Nguyễn. Trong phạm vi khoảng bảy trăm mét tính từ đồi Vọng Cảnh có lăng Đồng Khánh, Tự Đức, Thiệu Trị, Hiếu Đông (vợ vua Minh Mạng), lăng Xương Thọ (của bà Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị), lăng bà Thánh Cung (vợ vua Đồng Khánh), lăng bà Từ Cung (vợ vua Khải Định), lăng Hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long)…

(3) Hồ Thủy Tiên nằm trong địa phận xã Thủy Bằng, cách trung tâm thành phố Huế 18km. Khu này nằm trên đồi Thiên An, được biết đến với vẻ lạ lùng, bí hiểm, ma mị… Đây là khu du lịch bị bỏ hoang nhiều năm nên trông hoang tàn, gỉ sét và úa vàng, những bức tường bê tông loang lổ hình vẽ… Có một sân khấu nhạc nước bỏ hoang đầy cỏ dại… Càng tạo thêm vẻ u tịch, gây sợ hãi. Nhưng là nơi đến hấp dẫn với nhiều du khách nước ngoài.