Một bản phúc trình về tình báo của Hoa Kỳ mới đây tiết lộ cho biết Nga đã phóng lên không gian một vệ tinh vào tháng 2 năm 2022, được thiết kế để thử nghiệm các bộ phận của một loại vũ khí chống vệ tinh có khả năng mang theo thiết bị hạt nhân.

Vũ khí chống vệ tinh của Nga – futuroprossimo.it  

Chiếc vệ tinh phóng đi không có mang theo vũ khí nguyên tử. Nhưng các giới chức Hoa Kỳ nói rằng vệ tinh này có liên quan tới một chương trình hạt nhân chống vệ tinh đang được thử nghiệm của Nga, và đang ngày càng trở thành mối lo ngại lớn đối với Tổng Thống Biden, quốc hội Hoa Kỳ và các chuyên gia bên ngoài chính phủ trong những tháng gần đây. Loại vũ khí này nếu được đưa vào sử dụng trong tương lai sẽ giúp Moscow có khả năng phá hủy hàng trăm vệ tinh đang hoạt động ở quỹ đạo thấp của trái đất bằng một vụ nổ nguyên tử.

Chiếc vệ tinh đang gây sự chú ý nói trên, có tên gọi là Cosmos-2553, được phóng đi vào ngày 5 tháng 2 năm 2022, và vẫn đang di chuyển quanh trái đất ở một quỹ đạo không bình thường (với độ cao 1,240 dặm cách mặt đất, thay vì 1,200 dặm của quỹ đạo thấp). Kể từ khi được phóng đi, vệ tinh bí mật hoạt động như một phần của chương trình nghiên cứu và phát triển các bộ phận phi hạt nhân của một hệ thống vũ khí mới của Nga.

Nga nói rằng vệ tinh này chỉ nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, lời tuyên bố đã bị các giới chức Hoa Kỳ bác bỏ cho rằng không chính đáng. Mặc dù Hoa Kỳ từ lâu biết Nga rất muốn có trong tay một loại vũ khí hạt nhân có khả năng chống vệ tinh, nhưng chỉ trong thời gian gần đây Hoa Kỳ mới có thể xác định rõ hơn về sự tiến bộ của chương trình thử nghiệm này.

Tham vọng của Nga

Loại vũ khí này nếu nghiên cứu thành công và được phóng lên quỹ đạo thấp có thể phá huỷ hết các vệ tinh đang hoạt động ở phần không gian mà lâu nay do chính phủ và các công ty tư nhân của Hoa Kỳ hầu như làm chủ, trong đó bao gồm cả hệ thống vệ tinh internet Starlink của công ty SpaceX, hiện đang đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp quân đội Ukraine chống lại cuộc xâm lăng của Nga.

Xem thêm:   Báo thủ

Thông tin chi tiết về vệ tinh nghiên cứu nói trên, trước đây chưa từng được ghi trong báo cáo, khiến gây ra không ít xôn xao trong các cuộc thảo luận ở Washington về tham vọng không gian hạt nhân của Nga. Câu chuyện được bắt đầu vào tháng 2 khi Dân biểu Mike Turner (Cộng hoà, Ohio), chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, phát biểu một cách úp mở về một “mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng” chưa được xác định đối với Hoa Kỳ và yêu cầu Tổng thống Biden giải mật thông tin liên quan đến việc này.

Toà Bạch Ốc sau đó đã công khai lên tiếng nói rằng Nga đang nghiên cứu một loại vũ khí “đáng lo ngại” có khả năng chống vệ tinh. Các giới chức Toà Bạch Ốc mô tả vấn đề này là mối quan tâm nghiêm trọng, mặc dù nó không gây ra mối đe dọa thực sự đối với sự an toàn của người dân Mỹ, vì loại vũ khí này chưa được đưa lên không gian và không nhằm mục đích tấn công các mục tiêu trên trái đất.

Một nhân vật am hiểu về vấn đề mô tả chiếc vệ tinh được phóng đi là mô hình sơ khởi cho loại vũ khí tương lai đó, tuy nhiên một số người khác thì nói rằng chương trình của Nga chưa tiến triển tới mức đó.

Hoa Kỳ và Nhật Bản đã tìm cách nêu ra vấn đề này cho thế giới biết vào tháng trước bằng cách yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu cho một nghị quyết khẳng định Hiệp ước Ngoài Không gian năm 1967, cấm đưa vũ khí hạt nhân vào quỹ đạo. Nga phủ quyết nghị quyết này, cho rằng nghị quyết chưa đi xa đủ vì đã không cấm tất cả các loại vũ khí trong không gian.

Xem thêm:   Tiến vào Nga

Hoa Kỳ còn tìm cách để thảo luận trực tiếp với các giới chức Nga về mối quan ngại của họ về chương trình vũ khí chống vệ tinh nhưng đã bị phía Nga từ chối.

Tầng quỹ đạo nơi Cosmos-2553 đang hoạt động – DoD/WSJ

Vệ tinh Cosmos-2553

Chiếc vệ tinh Cosmos-2553 được một hoả tiễn phóng lên quỹ đạo 19 ngày trước khi ông Putin ra lệnh cho quân đội Nga xâm lăng Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Theo Bộ Quốc phòng Nga cho biết thì vệ tinh này “được trang bị các thiết bị và hệ thống mới được chế tạo để thử nghiệm chúng trong điều kiện tiếp xúc với bức xạ và các vật thể có tích điện cao.”

Tuy nhiên, Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mallory Stewart đã phản bác lại lời giải thích này của Nga và nói rằng quỹ đạo mà chiếc vệ tinh này hoạt động là nằm trong khu vực không có bất kỳ vệ tinh nào khác sử dụng, và nội việc này thôi đã đủ nói lên có điều gì đó bất thường. Hơn nữa, trên quỹ đạo đó môi trường bức xạ không đủ cao để cho phép thử nghiệm cấp tốc các thiết bị điện tử.

Theo các chuyên viên theo dõi hoạt động của vệ tinh, chiếc vệ tinh Cosmos-2553 hiện vẫn còn bay trong quỹ đạo.

Mối đe doạ thực sự

Các giới chức tình báo Hoa Kỳ trong nhiều thập niên qua đã bày tỏ sự lo ngại về khả năng không gian của Nga và Trung Quốc và từ lâu đã coi vệ tinh là mục tiêu dễ bị đánh phá trong trường hợp xảy ra xung đột lớn với một trong hai đối thủ nói trên. Những lo ngại đó càng trở nên cấp thiết hơn trong những năm gần đây khi các vệ tinh ngày càng trở nên gắn kết hơn với khả năng quân sự và hệ thống thông tin liên lạc toàn cầu.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cũng ngày càng cần đến sự trợ giúp của các vệ tinh thương mại, vốn thường được thiết kế không đủ cứng cáp để có thể chịu được bức xạ mạnh từ một vụ nổ nguyên tử, không giống như vệ tinh quân sự và tình báo.

Xem thêm:   Nails Việt & Olympic

Một thiết bị hạt nhân chống vệ tinh của Nga có thể được sử dụng để đe dọa các vệ tinh khác đang hoạt động ở quỹ đạo thấp của trái đất, nơi mà các công ty tư và các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ đang vận hành nhiều vệ tinh hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Theo công ty dữ liệu không gian LeoLabs, tính đến cuối tháng 4, đã có gần 6,700 vệ tinh của Mỹ hoạt động trong phần không gian này. Trung Quốc có 780 vệ tinh ở đó, trong khi Nga có 149.

Phần lớn các vệ tinh của Hoa Kỳ là thuộc mạng lưới vệ tinh internet Starlink của công ty SpaceX, trong khi các công ty khác có các thiết bị có nhiệm vụ thu thập dữ liệu về các hoạt động trên mặt đất. Cơ quan Phát triển Không gian, là một phần của Lực lượng Không gian Hoa Kỳ (Space Force), hiện đang xây dựng một mạng lưới vệ tinh mới để cung cấp khả năng theo dõi hoả tiễn và các dịch vụ quân sự khác trên quỹ đạo thấp của trái đất, thường được định nghĩa là ở độ cao không quá 1,200 dặm.

Đối với các giới chức bộ quốc phòng chuyên về không gian, việc bố trí các vệ tinh ở gần trái đất sẽ giúp sự hoạt động vững vàng hơn vì nếu trong trường hợp bị kẻ địch bắn hạ bất kỳ vệ tinh nào, thì mạng lưới vệ tinh tổng thể vẫn sẽ tiếp tục hoạt động và cung cấp tin tức tình báo và các thông tin cập nhật khác cho quân đội. Với một thiết bị hạt nhân chống vệ tinh của Nga có thể làm thay đổi phương trình đó.

Hơn nữa, nó còn là mối đe dọa chung cho tất cả các vệ tinh do các quốc gia và các công ty trên toàn cầu vận hành, cũng như đối với các dịch vụ quan trọng liên quan đến thông tin liên lạc, khoa học, khí tượng, nông nghiệp, thương mại mà tất cả chúng ta sống trong thời hiện đại đều cần đến trong các sinh hoạt hàng ngày.

Hoả tiễn Soyuz dùng để phóng vệ tinh Cosmos-2553 hồi tháng 2 – NASASpaceFlight.com

VH