Thời buổi cúm Tàu hoành hành, khiến cầu trường vắng vẻ rợn người, có thể gợi đôi chút hoài cảm về những lúc tranh hùng thể thao giữa tưng bừng khán giả, với đủ loại màu sắc âm thanh vui nhộn.

Khán giả Columbia – Ảnh AP       

Như một quy định bất thành văn: nhiều khách mộ điệu thể thao thích ăn mặc, trang điểm mộc cách đặc biệt trong các cuộc tranh tài thể thao. Làm sao cho thật là lạ mắt, càng không giống ai càng hay, càng tốt, càng thêm sáng tạo. Nhiều khi tới mức kỳ dị, lập dị. Ăn có theo nhu cầu này, cũng thấy không ít sản phẩm thương mại nhắm tới khách hàng thời trang muôn đời là nữ giới. Cũng y chang thế giới thời trang cổ điển, trên khán đài thể thao, vào các thời điểm khác nhau trong năm, cũng có đủ loại trang phục theo mùa. Cách riêng tại Hoa Kỳ, các trận thể thao vào mùa hóa trang ma quái hằng năm, gọi là “Halloween Costumes”, thì khán đài cũng rực rỡ màu sắc hơn thường lệ.

Khán giả Nhật Bản – Ảnh CNBC.com

Những người làm hóa trang thể thao trước tiên là giúp không khí các cuộc thư hùng thêm phần vui nhộn. Nhưng chính chuyện đó cũng có thể làm người khán giả nổi bật hẳn lên trong đám đông, có khi còn thu hút ống kính máy quay phim. Vài giây phút phù du trên màn hình TV cũng chưa chắc mang ý nghĩa “phù du”, nhất là trong trường hợp những người đã sẵn nổi tiếng như ca sĩ, người mẫu… hoàn toàn ý thức, biết tận dụng cơ hội như một cách tự lăng xê, biểu diễn chơi mà hốt bạc thiệt. Cũng có khi trang phục hóa trang thể thao đi chung với các công dụng rất thực tế như che mưa, che nắng, giữ ấm (áo len, áo “Sweatshirt” chẳng hạn).

Khán giả Argentina. Ảnh Yahoo Sport UK

Hình thức bề ngoài, nhiều khán giả trang phục đơn giản theo đồng phục của đội thể thao mình ưa thích. Cảm động nhất là vào các dịp đá banh World Cup xưa nay, TV, truyền thông, báo chí… đã ghi lại vô số hình ảnh khán giả hóa trang, phục trang mang màu cờ sắc áo quốc gia. Riêng ở Hoa Kỳ nơi có truyền thống thể thao học đường lâu đời và hùng mạnh, khán giả thích ăn mặc thể hiện tinh thần đoàn kết, hãnh diện về ngôi trường nào đó. Bên thể thao nhà nghề, cách riêng làng banh bầu dục NFL, một trong những hình ảnh bắt mắt, dễ nhớ nhất là quang cảnh khán giả đội Green Bay Packer đội nón hình cheese, là đặc sản địa phương (tiểu bang Wisconsin xếp hàng đầu quốc gia về chế biến đủ loại cheese khác nhau như Cheddar, American, Mozzarella, Brick, Muenster, Limburger…)

Khán giả Tour de France. Ảnh Travel Dilemma

Một quy định bất thành văn khác là hóa trang / phục trang vui nhộn phải phủ hết từ đầu tới chân, kín chừng nào tốt chừng đó. Chỉ lướt qua một vòng khán đài, dễ dàng thấy thiên hình vạn trạng nào là kiếng mắt, tóc tai, dây chuyền, bông tai, giày, dép, sandals… Và dù ngày hay đêm, mưa hay nắng, chiếc nón là một trong những phụ kiện không thể thiếu của dân mộ điệu sành sỏi: nón nhỏ, nón lớn, đen, trắng, vàng, nâu, đỏ, tím, cam, xanh… đủ mọi màu sắc.

Khán giả Mexico. Ảnh SB Nation

Sau hết, trang phục hóa trang cho vui nhộn, nhưng cũng cần tránh quá đáng, xúc phạm người khác. Một thí dụ: có bôi sơn thì chỉ nên sơn trên mặt. Muốn sơn trên người thì nên nhường bạn nào… trẻ trẻ mi nhon, những tấm thân sồ sề không nên tra tấn con mắt người khác. Và cũng có những chuyện hóa trang vui vẻ, tự phát, tính cách cá nhân, nhưng đã đi quá đà, đưa tới những quy định *thành văn* hẳn hoi. Ðó là những lúc nhà tổ chức các giải đấu, hay các vận động trường, ra chỉ thị ngăn cấm một vài loại “Costumes” quá tay nào đó khiến người khác phiền hà, thậm chí gây ra phản ứng không thuận lợi trong đám đông.

Khán giả đội Arkansas – Ảnh KICD AM 1240

Khán giả đội Yankee – Ảnh www.sportingnews.com

Khán giả Iowa Hawkeyes – Ảnh bleacherreport.com

TTD