“The Third Wife” của nữ đạo diễn Ash Mayfair, tức Nguyễn Phương Anh, vừa được trình chiếu tại Liên Hoan Phim Á Châu tại Dallas vào tháng 7 vừa qua. Đây là một tác phẩm nghệ thuật giá trị, có chiều sâu, đầy chất ẩn dụ và cực kỳ đẹp.

Sau 5 năm cần cù làm việc, cuối cùng thì Nguyễn Phương Anh cũng hoàn tất bộ phim đầu tay của mình. Ra mắt khán giả thế giới lần đầu tại Liên Hoan Phim Toronto vào tháng 9 năm 2018, “Vợ Ba” đã đoạt giải NETPAC Award (Network for the Promotion of Asian Cinema). Sau đó phim được đề cử cho nhiều giải thưởng khác tại các liên hoan phim quốc tế – tổng cộng 12 lần, và thắng 7.

Tháng 5, 2019 phim được trình chiếu tại Việt Nam, nhưng chỉ sau 4 ngày thì nhà sản xuất yêu cầu Cục Ðiện Ảnh ngưng chiếu vì áp lực từ báo chí và dư luận xã hội xung quanh một số cảnh nhạy cảm do nữ diễn viên Nguyễn Phương Trà My, 13 tuổi, thủ diễn. Nhà sản xuất đồng thời đã khởi kiện một số đơn vị truyền thông trong nước vì đã gây ảnh hưởng xấu đến bộ phim cũng như đối với diễn viên Trà My và gia đình cô, mặc dù họ bảo đảm tất cả những điều họ làm đều đúng theo quy định của luật pháp. Mẹ của Trà My cho biết bà đã tháp tùng con gái mình ở phim trường; những cảnh nhạy cảm chỉ được quay với thành phần phim đoàn toàn là phụ nữ, với sự giám sát của gia đình Trà My. Ngoài ra, đạo diễn đã dùng vật giả để quay cận cảnh những phần liên quan đến bộ phận sinh dục. Do đó không có lý do gì để cho rằng nhà làm phim đã “lạm dụng” trẻ em vị thành niên hay vi phạm luật pháp. Chuyện dư luận người Việt trong và ngoài nước ồn ào tranh cãi về những cái gọi là “cảnh nóng” trong “Vợ Ba” thật sự không có cơ sở cả về đạo lý lẫn pháp lý, nhất là khi đại đa số chưa hề xem qua cuốn phim. Như Trà My trả lời trong một cuộc phỏng vấn: “Nếu xem phim xong họ vẫn suy nghĩ tiêu cực thì tôi không có gì để giải thích.”

Từ trái: Cô Xuân, vợ Hai (Maya); cô Hà,vợ Cả (Trần Nữ Yến Khê); Mây, vợ Ba (Nguyễn Phương Trà My). nguồn: hollywoodreporter

Nhìn từ góc độ nghệ thuật và kỹ thuật, đây là một bộ phim hết sức nghiêm túc. Ðạo diễn Phương Anh đã thực hiện “Vợ Ba” với sự quan tâm và chăm sóc không khác nào một người mẹ chăm lo cho đứa con từ khi thai nghén đến lúc chào đời. Và rồi sau đó lại phải tiếp tục đối phó với phong ba bão táp của xã hội cùng những lời gièm pha của người ngoài cuộc. Nhưng trớ trêu thay, điều đó lại càng làm nổi bật thông điệp chính của câu chuyện – thân phận người phụ nữ trong một xã hội bảo thủ đầy những hủ tục – và khiến ta nhận ra rằng điều đó vẫn tồn tại trong xã hội Việt Nam ngày nay, và có phần còn kinh khủng hơn xưa (phụ nữ Việt bị bán làm dâu nước ngoài chỉ là một ví dụ).

Nguyễn Phương Anh cho biết ý tưởng cho truyện đến từ gia đình của mình; bà cố của cô từng phải làm vợ bé trong một gia đình đa thê khi mới 14 tuổi. Trong phim, nhân vật Mây (Trà My) là một cô gái, cũng 14 tuổi, được gả làm vợ ba cho Hùng (Lê Vũ Long) một địa chủ giàu có ngoài Bắc vào cuối thế kỷ 19. Người vợ cả, cô Hà (Trần Nữ Yến Khê) đã sanh cho Hùng một người con trai tên Sơn. Người vợ thứ nhì, cô Xuân (ca sĩ Maya), tuy rất trẻ đẹp nhưng chỉ sanh được cho Hùng hai cô con gái là Liên và Nhàn (Mai Cát Vi). Từ một cô bé ngây thơ không biết gì về cuộc đời, Mây đã nhanh chóng phát hiện ra sự quan trọng của việc phải đẻ một đứa con trai để giữ được vị thế trong gia tộc. Những người đàn bà trong phim, kể cả người làm như cụ Lào (Như Quỳnh), là biểu tượng cho người phụ nữ Việt Nam qua từng thời kỳ trong cuộc đời – từ khi trinh trắng đến lúc già nua, lúc nào cũng phải cắn răng chấp nhận đóng vai phụ trong một xã hội trọng nam khinh nữ. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không có những đam mê hay khát khao bình thường của con người.

Vợ Hai (Maya) gội tóc cho Vợ Ba (Trà My). nguồn: vnexpress

Ðạo diễn Phương Anh và nhà quay phim Chananun Chotrungoj (bạn học của cô tại trường phimTisch ở New York University) đã vô cùng cẩn trọng trong việc diễn tả những tình cảm và tình huống ấy bằng những góc quay khéo léo, không dung tục nhưng rất đạt. Ðối thoại được tiết giảm tối đa, buộc người xem phải tập trung theo dõi từng chi tiết trên nét mặt, từng cử chỉ nhỏ nhặt của các nhân vật. Mỗi khung ảnh đều được cắt xén kỹ lưỡng và ánh sáng thiên nhiên được tận dụng, tạo cho bộ phim một vẻ đẹp trong sáng tự nhiên, nhất là những cảnh ngoài trời hay bên sông nước.

Phương Anh soạn ra kịch bản này khi còn là sinh viên, nhưng lúc ấy cô vẫn chưa biết sẽ dùng nó sau này để làm gì – kịch, phim, hay nhạc kịch? Nhưng nhờ thắng giải Spike Lee Film Production Award của nhà đạo diễn Hollywood danh tiếng nên kịch bản này đã được nhiều nhà đầu tư góp vốn để làm thành phim. Sau khi chọn được địa điểm (Ninh Bình) và diễn viên, phim đoàn đã bỏ nhiều thời gian sinh hoạt ngay tại chỗ. Quá trình này đã giúp Phương Anh gọt giũa lại kịch bản, thay đổi một số tình tiết cho hợp với phong cách của diễn viên, và cắt bớt đối thoại cho phù hợp với lối giao tiếp của người dân thường.

Nhà quay phim Chananun Chotrungoj đang lấy góc. nguồn: Duy dinh/soundandpicture

Nhịp độ có vẻ như quá chậm của cuốn phim cũng không phải do tình cờ, mà đến từ sự quan sát cách sống của người dân, nhất là của những người đàn bà chân quê. Họ chậm rãi, không hấp tấp, nhưng vẫn làm đầy đủ mọi công việc được đòi hỏi nơi họ, kể cả việc sex. Toàn bộ cuốn phim toát lên một vẻ đẹp tuy từ tốn nhưng đầy căng thẳng, chứa đựng những cảnh đời đáng thương của người phụ nữ bị gò ép bởi đàn ông, bởi quyền lực, bởi thiên kiến xã hội, và luôn cả bởi chính họ.

Nét tươi sáng duy nhất trong truyện đến từ Nhàn (Mai Cát Vi), một cô bé thông minh bướng bỉnh thích làm con trai (“Lớn lên tao sẽ làm đàn ông và lấy nhiều vợ!”) Cuối phim Nhàn quyết định cắt mái tóc dài của mình – một hành động mang tính ẩn dụ, báo hiệu cho sự chuyển mình của một xã hội cổ hủ đang bị văn hoá Tây Phương xâm lấn, và cũng như để phản đối cái chết bất nhẫn của bạn mình là Tuyết bị ép gả cho Sơn, tình nhân của người Vợ Hai (một ẩn dụ khốc liệt khác).

Đạo diễn Ash Mayfair (Nguyễn Phương Anh) tại phim trường. nguồn: duy dinh/soundandpicture

Từ góc nhìn đương thời, quyết định của Nhàn còn mang một ý nghĩa tương tự phong trào #metoo hiện nay – đòi hỏi phụ nữ phải được tôn trọng và yêu cầu chấm dứt mọi sự lạm dụng về thể xác cũng như tinh thần. Có lẽ vì vậy mà khi “Vợ Ba” được trình chiếu trên thế giới, nhất là tại các nước mà phụ nữ thường xuyên bị đàn áp, nhiều người đã đến cảm ơn đạo diễn Phương Anh vì cô đã giúp họ nói lên những uẩn ức họ phải gánh chịu bao lâu nay.

Và cuối cùng cũng không thể không nhắc tới vai trò của âm thanh và âm nhạc trong bộ phim. Phần nhạc đệm của nhạc sĩ Tôn Thất An không những cực kỳ hay và sáng tạo mà còn được sử dụng đúng nơi, đúng lúc hết sức hiệu quả.

Gia trưởng Hùng (Lê Vũ Long) và người vợ ba (Trà My). nguồn: filmforum.org

Nghệ thuật không là thứ chỉ dùng để giải trí. Giống như âm nhạc, điện ảnh cũng là một phương tiện có thể giúp con người hướng đến những mục tiêu tốt đẹp hơn, thiện lành hơn. “Vợ Ba” không phải là loại phim xi-nê kinh doanh nhắm vào đại chúng, mà là một tác phẩm nghệ thuật – “art house film”, đúng nghĩa.

Nhưng không vì thế mà “Vợ Ba” kén khán giả. Nếu bạn có khả năng gác bỏ mọi thiên kiến sang một bên khi bước chân vào rạp, và có đủ kiên nhẫn để tập trung sự chú ý trong 1 tiếng rưỡi đồng hồ, thì bạn sẽ nhận lại một phần thưởng vô cùng xứng đáng.

Chấm điểm: 4 sao

PA

Dallas