Theo truyền thuyết, nếu ai đó tự mình xếp được 1,000 con hạc giấy hoặc được bạn bè xếp cho thì sẽ thực hiện được điều mơ ước thiết tha nhất của mình.

Sau đệ nhị thế chiến ở Nhật có một câu chuyện cảm động có thật về việc xếp 1,000 con hạc giấy. Câu chuyện liên quan đến cô bé Sadako Sasaki, sinh ngày 7 tháng 1 năm 1943 tại Hiroshima…

Năm 1945, cô bé Sadako Sasaki mới lên hai. Cùng với nửa triệu người khác ở Hiroshima, Nhật Bản, cô bé đã trở thành nạn nhân của quả bom nguyên tử đầu tiên của loài người. Thành phố hầu như bị phá hủy thành bình địa. Lúc đó Sadako ở cách chỗ bom nổ hơn 2 cây số, trên người không bị một vết thương nào. Một vài tuần sau, những người còn sống sót khỏe mạnh bắt đầu chết vì một chứng bệnh kỳ lạ. Ðột nhiên họ gầy yếu hẳn đi rồi chết rất nhanh. Các bác sĩ đều bó tay trước tác hại phóng xạ ác liệt này.

Khi Sadako 12 tuổi, học lớp 7, cô vẫn bình thường vui vẻ đến trường học hành và chơi đùa như mọi trẻ khác. Mười năm đã qua và cô bé đã quên cái dĩ vãng khủng khiếp để chỉ còn nuôi dưỡng ước mơ trở thành một vận động viên điền kinh. Một hôm, sau một cuộc chạy đua tiếp sức mà cô đã góp phần thắng cho trường mình, Sadako thấy mệt mỏi và chóng mặt, rồi lại bình thường đâu vào đấy. Một vài tuần sau nữa, trong lúc chạy, cô lại thấy chóng mặt ghê gớm. Cô giấu hết mọi người, kể cả với cô bạn thân Chizuko.

Xem thêm:   Dòng chữ trên tường

Cuối cùng, vào một buổi sáng, Sadako đã ngã và nằm lịm trên đường chạy. Mọi người vội đưa cô đến bệnh viện và các bác sĩ cho biết cô bé bị ung thư máu, còn được gọi là bệnh Bom A. Hầu như những ai mắc bệnh đều chết, nên Sadako rất sợ, cô không muốn chết một chút nào cả.

Chizuko đến thăm bạn ở bệnh viện. Cô mang theo một số tờ giấy và ngồi gấp ngay một con hạc theo phương pháp xếp giấy Origami đặc thù của người Nhật. Vừa gấp, Chizuko vừa kể cho bạn nghe một truyện thần thoại. Hạc là một loại chim thần ở Nhật, sống thọ nghìn năm. Câu chuyện dặn rằng: hễ ai đau ốm mà gấp được một nghìn con hạc giấy thì chắc chắn được chữa lành. Thế là cô bé Sadako đáng thương quyết định tự tay gấp một nghìn con hạc cho dù sức khỏe ngày một suy yếu. Cuối cùng, cô cũng đã gấp đủ số nghìn con hạc giấy, nhưng sức khỏe thì vẫn không khá một chút nào cả.

Thắm Nguyễn

Thế nhưng cô bé không tức giận, không mất đi niềm tin ngây thơ trong sáng, cô lại tiếp tục gấp sang nghìn con hạc giấy thứ hai. Mọi người đều kinh ngạc trước sự can đảm và kiên nhẫn của cô. Ngày 25.10.1955, Sadako đã nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ vĩnh viễn giữa những người thân yêu và giữa hàng nghìn cánh hạc giấy trắng xóa vây quanh bên giường bệnh…

Xem thêm:   Trở về thế giới tuổi thơ

Câu chuyện chưa ngừng lại ở đây. Bạn bè yêu mến và thương nhớ Sadako, họ cũng nhớ đến biết bao nhiêu em bé khác ở Hiroshima đã chết hoặc đang chết dần mòn vì căn bệnh Bom A. Thế rồi 39 bạn học cùng lớp với Sadako đã thành lập Câu Lạc Bộ Hạc Giấy và bắt đầu quyên góp một số tiền lớn để dựng một đài kỷ niệm Sadako.

Tin truyền đi nhanh chóng, học sinh từ 3,100 trường học ở Nhật và từ 9 nước khác trên thế giới đã gửi tiền đến giúp đỡ. Cuối cùng, vào ngày 5.5.1958 thì công trình hoàn tất, mang tên Tượng Ðài Hòa Bình của Thiếu Nhi, nằm ngay công viên Hòa Bình ở trung tâm thành phố Hiroshima, đúng nơi quả bom đã nổ năm 1945.

Phong trào xây dựng tượng đài được ghi lại trong một bộ phim mang tên Nghìn Cánh Hạc Giấy, với khoảng 60 trẻ em từ Hiroshima và 20 em khác từ Tokyo tham gia. Cuốn phim gây tiếng vang lớn khắp thế giới, nó mời gọi các em thiếu nhi đến với Câu Lạc Bộ Hạc Giấy, tập họp bên nhau để suy nghĩ và hành động vì hòa bình.

Ðến nay, câu lạc bộ này đã tồn tại mấy chục năm, các thành viên trẻ tuổi có nhiệm vụ coi sóc tượng đài hoặc đến viếng thăm những người còn sống sót sau vụ nổ, tức là những người đã có mặt ở Hiroshima khi quả bom nguyên tử ném xuống, nay đã tàn tật già yếu cần được chăm sóc.

Xem thêm:   Con búp bê thời nhỏ

Các em vẫn tiếp tục gấp những con hạc giấy, khi thì để treo lên tượng đài tưởng nhớ Sadako, khi thì các em gửi những con chim ấy tới các nhà lãnh đạo thế giới để nhắc nhở họ rằng: Trẻ em trên toàn thế giới không muốn có chiến tranh hạt nhân, các em chỉ muốn có hòa bình trên địa cầu, trên quê hương của các em.

NS

(theo Tạp chí LE COURIER DE L’UNESCO)