“Chiều năm xưa. đi trên đường quê hương

thấy lòng mình bát ngát

thương yêu người

thương yêu đời

và muốn làm thi sĩ

chia sẻ bát cơm cho trẻ mồ côi

chuyện trò cùng người tuyệt vọng

đắp bài thơ trên những phận người”

Vâng. Người thi sĩ viết những câu thơ trên khi hãy còn rất trẻ, lòng còn trong trắng, hồn nhiên. Nghĩa là đầy lý tưởng. Bây giờ, tuổi thanh xuân đã qua lâu rồi, mắt vương bụi đời, liệu người thi sĩ ấy còn giữ được tấm lòng thương yêu người thương yêu đời như ngày xưa. Mà tình yêu nhân loại không thể chỉ là một ý nghĩ trừu tượng. Yêu nhân loại phải là yêu từng con người cụ thể. Làm sao ta có thể ôm vào lòng một em bé lạc mẹ đứng khóc trên đường phố. Hay nắm lấy bàn tay an ủi một người vừa mất đi mái nhà và những người thân yêu trong cơn bão. Hoặc mang những phần ăn đến cho người homeless trong đêm mùa đông tuyết rơi. Và như người lính Thủy Quân Lục Chiến trẻ tuổi sau đây trong một đêm ở bệnh viện đèn mờ…   

NS

Ðây, con trai của ông đây!” Người nữ điều dưỡng nói với ông già đang nằm trên giường bệnh. Cô phải lặp đi lặp lại câu nói nhiều lần ông già mới mở mắt. Thật ra, sau một cơn suy tim nặng hồi đêm qua, giờ đây ông chỉ thấy mờ mờ hình dáng người thanh niên trong bộ quân phục Thủy Quân Lục Chiến đang đứng cạnh giường ông.

Xem thêm:   Con búp bê thời nhỏ

Và rồi ông đưa bàn tay khô héo ra cho chàng thanh niên nắm lấy. Những ngón tay thô cứng vụng về của anh siết nhè nhẹ cổ tay khẳng khiu của ông già. Cô nữ điều dưỡng đem một cái ghế tới đặt cạnh giường và người lính trẻ ngồi xuống đó.

Suốt đêm, người lính Thủy Quân Lục Chiến vẫn ngồi thức trong khu bệnh viện đèn mờ, tay anh nắm lấy tay người bệnh và anh nói những lời an ủi bên tai ông. Ông già vẫn nằm im không nói gì, bàn tay chỉ bóp nhẹ tay người thanh niên. Trong khi đó, người lính trẻ hầu như không để ý gì tới âm thanh của bình dưỡng khí bên cạnh, cả tiếng rên của những người bệnh khác và tiếng bước chân lạt sạt của nhân viên bệnh viện vào ra, anh ngồi yên canh thức bên cạnh giường người bệnh.

Nhiều lần người nữ điều dưỡng đi thăm bệnh nhân ghé qua vẫn thấy người thanh niên ngồi đó, nói những lời thật dịu dàng với người bệnh đang mê man. Có lúc cô đến gần nhắc anh ta hãy tạm đi nghỉ một lúc nhưng anh ta vẫn không rời ghế.

Thắm Nguyễn

Trời vừa hừng sáng thì bệnh nhân lìa đời. Người lính Thủy Quân Lục Chiến nhẹ nhàng đặt cánh tay giá lạnh của ông già xuống giường rồi đứng lên đi tìm người nữ điều dưỡng. Và trong lúc cô bận đưa ông già đi và thực hiện vài thủ tục cần thiết, anh kiên nhẫn chờ. Rồi cô trở lại và ngỏ lời chia buồn với anh. Ngạc nhiên, anh ngắt lời cô:

Xem thêm:   Khi con đau, hãy siết chặt bàn tay của Mẹ…

– “Thưa cô, cô nói gì vậy? Tôi đâu phải là người để cô chia buồn.”

Cô nữ điều dưỡng giật mình:

– Ông ấy là cha của anh mà!

– Không, không phải,  người lính trẻ nói. Tôi chưa bao giờ gặp ông ấy trong đời.

– Thế sao anh không nói gì cả khi tôi đưa anh vào gặp ông ấy?

– Tôi đã biết là có một sự nhầm lẫn nào đó khi người ta khẩn cấp cho tôi nghỉ phép về nhà. Sự thật là tôi và con trai ruột ông ấy trùng tên, lại ở cùng thành phố và có số quân tương tự như nhau. Chẳng qua vì một sự nhầm lẫn mà họ cho tôi về. Người lính trẻ giải thích. Và anh nói thêm: Nhưng tôi biết chắc một điều ông ấy rất cần người con trai mà anh ấy thì lại không có mặt bên cạnh ông lúc lâm chung. Tôi cũng biết lúc ấy ông đã quá yếu không còn nhận ra tôi có đúng là con trai ông không. Và khi tôi hiểu rằng ông cần một ai đó bên giường bệnh trước lúc ra đi, tôi liền quyết định ở lại với ông.

NS

(theo Roy Popkin)