Các cháu Sherry và Quỳnh, Cầm,

Sắp đến sinh nhật của bà rồi đấy. Ông kể lại câu chuyện sau đây để các cháu nghe và tưởng nhớ bà. Có phải lúc còn sống bà đã mua cho các cháu mỗi đứa một cây đàn piano? Câu chuyện kể về một người bà. Bà rất nghèo, ở trong một túp lều xiêu vẹo với đứa cháu gái, chung quanh chỉ có đàn gà. Thế giới đó thật là nhỏ bé, nhưng tình yêu thương của bà dành cho cháu là vô bờ bến. Suốt bao nhiêu năm bà đã tận tụy hy sinh, chắt chiu từng đồng bạc để cháu có được một tặng phẩm tuyệt vời: chiếc đàn dương cầm màu đỏ sậm.

NS

Năm 20 tuổi, tôi đứng bán hàng cho một tiệm đàn piano ở St. Louis. Còn nhớ một lần, chúng tôi nhận được một “đơn đặt hàng” thật là đặc biệt, nó là một bưu thiếp gửi từ vùng quê ở đông nam Missouri.

Trên tấm bưu thiếp viết: “Xin hãy mang một chiếc đàn piano màu đỏ sậm tới cho cháu tôi. Tôi sẽ trả góp 10 đôla mỗi tháng bằng tiền bán trứng gà”. Nhìn nét chữ có thể đoán được người viết là một bà già. Bà đã viết câu trên lặp đi lặp lại nhiều lần đến đặc kín tấm bưu thiếp, chỉ còn một khung nhỏ ghi địa chỉ.

Tất nhiên, công ty chúng tôi không thể bán piano trả góp 10 đô mỗi tháng. Do đó chúng tôi lờ tờ bưu thiếp đi.

Xem thêm:   Sự sống và tình thương còn mãi

Cho đến một ngày kia, ở vùng đông nam Missouri có thêm vài người đặt mua đàn piano và chúng tôi phải chở đàn đến đó. Nhớ lại tấm bưu thiếp của bà cụ, tôi tìm tới địa chỉ của bà để xem bà sống như thế nào. Quả đúng như những gì tôi tưởng tượng: bà cụ ở trong một túp lều lụp xụp bên cạnh một cánh đồng. Nền nhà rất bẩn thỉu. Gà qué chạy lung tung. Không xe, không điện thoại, không máy giặt. Chẳng có gì cả trừ một mái lều đã cũ gần như mục nát. Cháu gái của bà lão độ chừng 10 tuổi, đi chân đất và mặc váy vá tồi tàn.

Tôi nói cho bà cụ biết chúng tôi rất buồn vì không giúp được bà cụ. Nhưng dường như những gì tôi giải thích chẳng có hiệu quả. Cứ 4 tuần một lần, chúng tôi lại nhận được một cái bưu thiếp y như nhau. Bà cụ nhất quyết phải có một cái đàn piano màu đỏ sậm, và thề rằng bà sẽ trả 10 đôla/tháng và trả đủ. Thời gian trôi qua. Độ chừng hai năm sau, tôi đã có thể mở một công ty giao bán piano của riêng mình, và tôi thường đăng quảng cáo trên báo địa phương Missouri. Và vẫn như những năm tháng về trước, tiệm của tôi lại nhận được những bưu thiếp như từng nhận ở công ty cũ. Trong nhiều tháng, tôi cũng lại lờ những tờ bưu thiếp đó đi, coi như không có. Các bạn thử nghĩ xem, tôi đâu có thể làm gì hơn?

Xem thêm:   Con búp bê và cô bé

Nhưng rồi, một hôm ở công ty tôi có nhập về một số đàn piano kiểu mới, trong đó có một chiếc màu đỏ sậm như bà cụ mong ước cho cháu. Dù biết việc này có thể gây thiệt hại cho công ty, tôi vẫn quyết định đưa chiếc đàn lên xe truck chở tới nhà bà cụ và nói rằng nếu bà trả 10 đôla/tháng thì bà sẽ phải trả 52 lần nữa. Nhìn quanh căn lều của bà cụ, tôi tìm chỗ có thể không bị dột để đặt đàn. Tôi cũng dặn bà lão và cháu bé cố gắng giữ gìn, đừng để cho bọn gà nhảy lên mặt đàn. Rồi tôi lên xe về tiệm, cầm chắc là mình đã cho không một cây piano.

Bảo Huân microsoft ai

Nhưng điều tôi không ngờ nhất là sau đó tôi nhận được 10 đôla gửi đến cho tôi rất đều đặn mỗi tháng. Đúng tất cả 52 tháng. Đôi khi không chỉ là tiền giấy mà có cả những đồng xu được dùng băng keo dính đính vào bưu thiếp.

Sau khi nhận đủ tiền, tôi không còn liên lạc gì với bà cụ nữa trong suốt 20 năm. Câu chuyện tưởng đã chìm vào làn sương mù quá khứ. Cho đến một ngày nọ khi đi công tác ở Memphis, tôi ghé vào một nhà hàng để ăn tối. Trong lúc ăn, tôi nghe tiếng đàn piano từ trong góc phòng vọng lại, tiếng đàn thật huyền ảo tôi chưa từng được nghe bao giờ. Người chơi đàn là một thiếu nữ diễm lệ.

Xem thêm:   Tự tình của người lắc chuông

Tôi lại gần cô ấy và đứng lặng im nghe đàn. Tôi như lạc vào thế giới của những giấc mơ. Bản đàn dứt, cô gái ngước lên nhìn tôi, mỉm cười. Tôi bày tỏ lòng cảm động, hân hoan và mời cô ra bàn ngồi uống nước. Chúng tôi nói chuyện với nhau, và thật như một điều kỳ diệu, đó chính là cô bé mặc váy vá trong căn lều rách nát 20 năm trước.

Cô gái kể từ khi được bà đặt mua cho chiếc piano màu đỏ sậm, cô say mê học đàn và đã giành được nhiều giải thưởng âm nhạc ở trường và ở địa phương. Bây giờ cô đã có gia đình còn bà cô đã mất lâu rồi.

Tôi hỏi cô có biết chiếc đàn piano ấy có ý nghĩa như thế nào không. Cô nói hồi đó cô còn quá nhỏ, chỉ biết bà mua cho chiếc đàn, ngoài ra không hiểu gì nhiều hơn. Nhưng tôi thì tôi hiểu.

Cuối cùng, tôi bảo cô:

– Tôi rất mừng được gặp lại cô và nghe cô đàn. Ôi, thật là tuyệt vời. Và bây giờ tôi phải đi về.

Và quả thật tôi phải đi về, vì bạn biết đấy, đàn ông không bao giờ muốn bị người ta nhìn thấy mình khóc, nhất là ở chỗ đông người.

NS

(theo Andy Burns)