Trao tặng hoa, chocolate, thiệp… là những tập tục thịnh hành vào Valentine’s Day. Nhưng đâu là lý do của những truyền thống đó?

Tại sao mừng ngày 14 tháng Hai?

14 tháng Hai là lễ kính St. Valentine, một vị Thánh Công Giáo bị Hoàng đế La Mã Claudius II xử tử hình ngày đó vào khoảng thế kỷ thứ 3 sau Công Nguyên.

Có nhiều truyền thuyết về lý do tại sao ông bị kết án tử. Chuyện nhiều người kể nhất nói ông là một linh mục đã làm phép cưới cho những cặp tình nhân trẻ trong lúc vua Claudius cấm cản việc hôn nhân của thanh niên (vì muốn cho binh lính tinh nhuệ hơn nếu không bị ràng buộc chuyện gia đình). Chuyện khác thì kể ông đã giúp cứu những giáo dân bị tù tội vì đức tin.

Dù sao, lễ này có thể được cử hành để làm lu mờ một lễ hội ngoại giáo Lupercalia thời đó. Từ 13 đến 15 tháng Hai, người La Mã sát tế một con dê và một con chó, lấy da còn máu me quất lên những người phụ nữ sắp hàng chờ đợi, tin là họ sẽ  dễ sinh đẻ hơn. Vào thế kỷ thứ 5, Giáo Hoàng Gelasius I phế bỏ lễ hội Lupercalia và chính thức công bố ngày 14 tháng Hai là Valentine’s Day.

ISTOCK/POIKE   

Tại sao gọi người mến thương bằng “Valentine”?

Theo truyền thuyết thì khi Thánh Valentine ở trong tù, ngài đã cầu nguyện và chữa khỏi mù cho con gái một trong những phán quan xử tội ngài. Trước khi bị hành hình, ngài có viết cho cô gái này một lá thư và ký tên “From your Valentine”. Chữ ký lãng mạn đó vẫn còn dùng cho đến ngày nay để tỏ tình thương mến.

ISTOCK/SQUAREDPIXELS

Tại sao ở Nhật lại khác?

Xem thêm:   Roma - La Mã

Ở Hoa Kỳ, nam giới tiêu tiền mua quà Valentine gấp đôi phụ nữ, nhưng tại Nhật Bản, đàn ông nhận quà và phụ nữ mới là người hao tốn.

Năm 1936 công ty chocolate Morozoff đưa tập tục Valentine vào Nhật Bản và được đón nhận, nhưng chẳng biết có phải vì ngôn ngữ bất đồng hay không mà họ mừng khác biệt đôi chút.

Ngày 14 tháng Hai, phụ nữ tặng chocolate cho chồng, cho người tình, để rồi một tháng sau đó, ngày 14 tháng Ba, nam giới trao quà lại cho họ, thường là chocolate trắng.

KITIGAN/SHUTTERSTOCK

Tại sao Cupid tượng trưng cho tình yêu?

Trước khi mang tên Cupid, vị thần này được người Hy Lạp gọi là Eros, thần Ái Tình, được coi là biểu tượng của tính dục vì đã có thể thu hút cả thần linh lẫn con người vì vẻ đẹp ngoại hình. Thần có hai mũi tên: tên vàng để làm cho người ta yêu nhau và tên chì để làm họ ghét nhau. Người La Mã thêm vị thần này vào thần thoại của họ nhưng mang tên Cupid, là con của Venus, nữ thần tình yêu.

Vào thời Phục Hưng, các họa sĩ vẽ Cupid thành một thiên thần có cánh giống đứa trẻ khỏa thân, và hình ảnh đó còn mãi tới nay.

ISTOCK/ALESSANDRO0770