Thuật ngữ ‘fairy tale – truyện cổ’ được hình thành vào thế kỷ 17. Trước khi được ghi chép lại, những truyện này đã lan truyền ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, và được thuật lại bằng cách truyền miệng bởi những người kể chuyện khác nhau, được thay đổi và thêm thắt, theo sở thích và hoàn cảnh. Những người ghi chép chuyện chỉ là những kẻ sưu tầm, chứ không phải người sáng tạo. Dù là những chuyện có thể hoang đường, nhưng chúng vẫn luôn hấp dẫn và trường tồn.

KỲ 5

 Ngụ ngôn Aesop

Hy Lạp, thế kỷ 6 TCN

Một trong những tuyển tập nổi tiếng nhất của những câu chuyện huyền bí từ lịch sử, đó là Aesop’s Fables (Ngụ ngôn Aesop). Tuyển tập này thường được coi là những câu chuyện đạo đức, ban đầu được sáng tác trong truyền thống truyền miệng ở Hy Lạp cổ đại và sau đó được ghi chép lại. Các truyện trong tuyển tập của Aesop chủ yếu xoay quanh các nhân vật là động vật với những phẩm chất giống con người, chúng tương tác với nhau để làm nổi bật những khuyết điểm và hành vi xấu xa nơi con người.

Nhà sử học Herodotus mô tả tác giả của những truyện ngụ ngôn này là một người nô lệ, nhưng triết gia Plutarch người Hy Lạp lại cho rằng Aesop là cố vấn của Croesus, Vua của xứ Lydia (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Tuy nhiên, mặc dù cái tên Aesop được gắn liền với bộ sưu tập ngụ ngôn, một số nhà sử học nghi ngờ liệu nhân vật Aesop có thực sự tồn tại hay không, và cho rằng các truyện này có thể được sáng tác bởi một nhóm tác giả vô danh. Có thể cái tên Aesop đã được tạo ra để mang lại sự gắn kết cho những câu chuyện thuộc thể loại này.

Xem thêm:   Lạm phát (kỳ 2)

Trong huyền thoại về Aesop, việc ông được miêu tả là một người nô lệ cho thấy rằng những câu chuyện này có thể đã được sáng tạo và kể lại bởi những người nô lệ. Nếu đúng như vậy, có thể là những người nô lệ đã giấu những thông điệp quan trọng trong các truyện ngụ ngôn, phản ảnh những kinh nghiệm thực tế của họ trong vai trò là những thành viên bị gạt ra ngoài lề và bị áp bức trong xã hội.

Một số ngụ ngôn nổi tiếng nhất của Aesop vẫn tiếp tục phổ biến cho đến ngày nay, như truyện “Rùa và Thỏ” và “Ngỗng đẻ trứng vàng”.

(còn tiếp – theo All about History)