Necro-branding là thuật ngữ dùng để chỉ việc hình ảnh của người nổi tiếng – như ca sĩ, diễn viên, hay nhân vật lịch sử – được sử dụng và quảng cáo rộng rãi ngay cả sau khi họ đã qua đời. Những sản phẩm liên quan đến họ như áo thun, bưu thiếp, nhạc, phim… thường được xem như “bùa hộ mệnh”, giúp người hâm mộ lưu giữ ký ức và kết nối với một thời đại đã qua.
Hiện tượng này không chỉ phổ biến mà còn trở thành một ngành công nghiệp hàng tỷ đôla. Ví dụ điển hình nhất chính là Elvis Presley – ông vua nhạc Rock & Roll. Sau khi ông mất vào năm 1977, giá trị thương hiệu của ông không những không giảm mà còn tăng mạnh. Từ các buổi biểu diễn của người đóng giả Elvis đến các sản phẩm lưu niệm, hình ảnh của ông được tái sử dụng khắp nơi. Elvis thậm chí còn xuất hiện trên tem thư của nhiều quốc gia như Mỹ, Congo, Rwanda hay Burundi. Khi mất, tài sản của Elvis ước tính khoảng 5 triệu USD, nhưng đến năm 2022, giá trị thương hiệu của ông đã tăng lên 400-500 triệu USD.
Không chỉ nhắm đến người hâm mộ lớn tuổi, necro-branding còn tiếp cận giới trẻ. Chẳng hạn, bản remix “A Little Less Conversation” của DJ Junkie XL từng trở thành hit toàn cầu, hay nhạc của Elvis xuất hiện trong phim hoạt họa Disney nổi tiếng Lilo and Stitch.
Ngoài Elvis, nhiều ngôi sao khác như Michael Jackson, David Bowie, John Lennon, Johnny Cash hay Marilyn Monroe cũng trở thành biểu tượng của necro-branding. Sau khi mất, giá trị thương hiệu của họ tăng vọt nhờ sự gắn bó cảm xúc mạnh mẽ từ người hâm mộ. Một số nghiên cứu còn cho thấy người hâm mộ tưởng niệm họ như cách tôn giáo tôn vinh thần thánh.
Một nhân tố đang làm thay đổi mạnh mẽ necro-branding là trí tuệ nhân tạo (AI). Nhờ AI, các bản ghi âm, video cũ có thể được “nâng cấp” và tái hiện chân thực hơn. Trong tương lai, AI hoàn toàn có thể tạo ra một “Taylor Swift ảo” biểu diễn những bài hát mới cho thế hệ sau, dù cô không còn sống.
Giọng hát của người đã khuất cũng có thể được dùng để trình bày những bài hát mà họ chưa từng thể hiện. Ví dụ, AI từng tạo ra phiên bản bài hát Barbie Girl do “Johnny Cash” hát – dù ngoài đời, ông chưa từng trình bày ca khúc này. Những công nghệ như vậy đang xóa mờ ranh giới giữa thực và ảo, tạo ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới cho ngành quảng cáo và giải trí.
Dù chưa từng nghe đến từ necro-branding, nhưng nếu bạn từng nghe lại nhạc của nghệ sĩ quá cố hay mua sản phẩm có hình ảnh họ, bạn đã là một phần của thị trường này.