Câu Hỏi
Bố mất sớm. Anh Cả của tôi luôn được mẹ cưng chiều. Từ bé tôi vẫn luôn tủi thân khi thấy mẹ đối xử không công bằng. Miếng ngon là mẹ để dành hết cho anh. Cái gì tốt mẹ cũng nói tôi phải nhường cho anh. Bây giờ anh tôi đã hơn 40 tuổi và đã có gia đình, nhưng mẹ vẫn giặt đồ và nấu ăn cho anh. Chính chị dâu tôi nhiều khi cũng không thoải mái về chuyện đó nhưng vì cả hai vợ chồng đều làm biếng, không có công ăn việc làm gì lâu bền, mà chỉ muốn mẹ tôi nuôi nên chị dâu tôi không ra mặt nói thẳng với mẹ tôi.
Cách đây 5 năm, ông ngoại tôi qua đời. Trong di chúc của ông có ghi rõ là ông để lại căn nhà của ông cho mẹ tôi, nhưng nếu mẹ tôi mất thì cả hai anh em chúng tôi được chia đều quyền thừa hưởng căn nhà này. Nên tôi luôn chắc mẩm trong bụng đây là tài sản tôi và anh Cả sẽ chia nhau 50/50 sau khi mẹ mất.
Ban đầu mẹ tôi cho mướn căn nhà đó và tiền thuê nhà mẹ giữ, coi như đây là một lợi tức “income” thêm của mẹ hằng tháng. Một thời gian sau khi ông ngoại qua đời, anh Cả tôi nói là anh muốn mua căn nhà đó để cả gia đình vợ chồng, con cái anh dọn vào ở. Mẹ hỏi ý kiến tôi và chúng tôi thỏa thuận là tôi sẽ được chia tiền bán căn nhà. Tôi đưa ra điều kiện là anh tôi phải trả tiền trong một thời gian hợp lý, không hơn 6 tháng từ ngày anh tôi dọn vào, và nếu hôn nhân của anh tôi bị trở ngại thì người chị dâu không được tiếp tục ở đó và cũng không được đòi quyền phân chia tài sản căn nhà này. Mọi người ngồi xuống nói chuyện thẳng thắn, “ba mặt một lời đồng ý” với nhau. Sau đó gia đình anh Cả tôi dọn vào ở.
Gần 2 năm sau khi gia đình anh dọn vào ở, anh Cả tôi vẫn chưa trả tiền mua nhà. Ổng viện lý do hôn nhân trục trặc có thể dẫn đến ly dị, y chang như điều tôi từng tiên đoán, và ổng nói tình hình kinh tế khó khăn do bệnh dịch dẫn đến công việc của ổng bấp bênh khó có khả năng trả tiền mua nhà. Sau khi mọi người trong gia đình ngồi xuống tranh luận gay gắt về vấn đề này, anh Cả tôi mới chịu làm giấy tờ mượn tiền nhà băng và trả hết tiền mua nhà cho mẹ tôi.
Khi tôi đề cập vấn đề chia cho tôi phân nửa tiền anh Cả tôi trả cho mẹ. Mẹ tôi không đồng ý mà chỉ muốn cho tôi 10% của tổng số tiền. Tôi giận dữ từ chối và cảm thấy bị lường gạt bởi cả mẹ tôi và anh Cả tôi. Từ đó tôi không liên lạc hay qua lại với họ nữa.
Cả cuộc đời tôi phải sớm bươn chải, ra đời, tự lực cánh sinh để được thành đạt như ngày hôm nay. Còn người anh Cả luôn được mẹ cưng chiều, chăm sóc. Mẹ luôn đối xử không công bằng giữa hai anh em tôi. Tôi từng hay buồn và tủi thân lắm nhưng không biết làm gì hơn vì mỗi khi tôi nói chuyện đó là mẹ tôi lại gạt ra và cho là tôi phân bì, nhỏ nhen với anh Cả của tôi. Đã nhiều lần tôi cảm thấy bị thiệt thòi nhưng cũng ráng nhẫn nhục cắn răng chịu đựng. Nhưng giờ tôi đã trưởng thành và muốn làm một lần cho ra lẽ để gia đình tôi không ăn hiếp, bất công với tôi nữa. Tôi muốn biết theo luật pháp, những quyền lợi của tôi là gì và tôi có thể kiện mẹ tôi và người anh Cả để bảo vệ quyền lợi của mình hay không?
Trả Lời: Theo luật pháp bạn không có quyền gì cả. Căn nhà đã thuộc về chủ quyền của người anh Cả, và mẹ bạn không phải đưa cho bạn một đồng nào nếu mẹ bạn không muốn. Hợp đồng duy nhất trước pháp luật là giữa mẹ bạn và người anh Cả trong vấn đề mua bán, chuyển nhượng chủ quyền căn nhà đó.
Khó có thể biết được chính xác đây có thể là dự tính từ ban đầu của họ hay không để gạt bạn ra khỏi quyền thừa kế của bạn mà ông ngoại bạn nêu ra trong di chúc. Tuy nhiên, theo luật pháp, người đầu tiên có quyền thừa kế là người có trọn quyền quyết định về tài sản đó. Còn những người thừa kế “dự bị” không hề có quyền gì hết khi người có quyền thừa kế trước vẫn còn sống. Nếu khi ông ngoại bạn mất mà mẹ bạn không còn sống, thì bạn và người anh Cả mới có quyền chính thức thừa hưởng tài sản này. Còn nếu mẹ bạn còn sống khi ông ngoại bạn mất, bà được trọn quyền thừa kế căn nhà đó. Nếu sau đó bà bán căn nhà đó đi và tiêu xài hết mà không cho bạn một đồng nào thì bạn cũng không có quyền gì hết trước pháp luật. Chúng ta có ngồi đoán mò về động cơ từ đầu giữa mẹ bạn và người anh Cả thì chỉ gây thêm tức giận cho bạn mà chẳng đem lại lợi ích gì.
Theo pháp luật, mẹ bạn có quyền bán căn nhà đó cho người anh Cả không? Dĩ nhiên là có vì đó là tài sản thừa kế của bà mà bà có trọn quyền quyết định. Dù bà muốn cho không người anh Cả cũng hợp pháp nữa chứ đừng nói gì đến việc mua bán. Có công bằng cho bạn không? Như thế nào là công bằng hay không công bằng? Cái mà người cha mẹ cho là công bằng thì đối với người con có thể không công bằng. Chẳng hạn, tôi có người khách hàng luôn giấu diếm đưa tiền riêng cho một người con út vì người con đó nghèo khó hơn những người con khác và không được may mắn, suôn sẻ trong cuộc sống. Nên cha mẹ muốn kín đáo giúp người con đó. Nhưng nếu những người con khác biết, họ cũng có thể phân bì và trách móc cha mẹ dù họ giàu có, may mắn trong cuộc sống hơn nhiều. Công bằng hay không trong vấn đề này không dựa vào luật pháp nữa mà đó là quyền suy nghĩ và quyền quyết định của mỗi người mà trước luật pháp chúng ta phải tôn trọng.
Theo câu chuyện của bạn tâm sự, bạn đã thành công và có lẽ số tiền bán nhà bạn cũng không cần. Nhưng việc bạn muốn thưa kiện những người thân ruột thịt như một hình thức bạn “dằn mặt” họ hay “dạy cho họ một bài học” cho quá trình suốt cuộc đời bạn cho là bạn bị mẹ đối xử bất công. Dĩ nhiên, lôi nhau ra kiện tụng sẽ luôn tốn kém và nhức đầu mà chưa chắc đã được thắng. Trong trường hợp này, dựa vào luật pháp khả năng bạn thua kiện rất cao. Mà thật sự ngay cả nếu bạn thắng kiện người thân của mình, thì điều duy nhất bạn đạt được là bạn “trả thù” người thân của mình chứ không hề giải tỏa những uẩn ức trong lòng bạn hay giải tỏa mối quan hệ căng thẳng giữa bạn với những người thân trong gia đình. Không có số tiền nào có thể thay thế mối quan hệ giữa bạn với người nhà.
Bạn đã tự vươn lên trong cuộc sống và thành công trong xã hội. Tiền bạc, của cải ai mà chẳng thích, nhưng không có số tiền của một nửa tiền bán nhà, có thể cuộc sống bạn vẫn ổn định. Bạn có bao giờ suy nghĩ xem bạn có bao giờ muốn hoán đổi cuộc sống của bạn với cuộc sống của người anh Cả hay không? Có lẽ bạn có nhiều điều may mắn và tốt đẹp trong cuộc sống hơn người anh Cả của mình vì bạn phải học tự lập mà mạnh mẽ từ bé.
Còn phần thừa hưởng của căn nhà, hy vọng tiền đã bán nhà mà mẹ bạn giữ thì đó là chủ quyền tuyệt đối của bà mà trong di chúc, bà có thể chia ra giữa người anh Cả và bạn. Phần chia không nhất thiết phải là 50/50. Ngoài ra, có khi trong thời gian bà còn sống, bà cần xài hết số tiền đó để chi trả những chi phí của cuộc sống, hay đi du lịch, hưởng thụ theo ý muốn của bà mà không ai có quyền can thiệp.
Thật sự, theo luật pháp, mẹ bạn không phải cho bạn một đồng nào hết nếu bà không muốn. Bạn không thể nào kiện tụng để đòi số tiền mà theo luật pháp chưa bao giờ nó thuộc về chủ quyền của bạn. Dù gì đi nữa, căn nhà ông ngoại bạn để lại vẫn trọn quyền thuộc về của mẹ bạn. Mẹ bạn cho bạn 10% đã là rộng lượng và rất tốt rồi.
Ls. AT