Tin tức nổi bật trong những tuần qua là việc Thụy Điển và Phần Lan muốn gia nhập NATO sau cuộc xâm lăng Ukraine của Putin. Điều gì đã khiến hai quốc gia này thay đổi thái độ sau nhiều năm cố duy trì chính sách trung lập?
Chúng ta biết NATO là viết tắt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Treaty Organization, hoặc OTAN, tiếng Pháp: Organisation du traité de l’Atlantique nord) – một liên minh quân sự hiện gồm 30 nước, được thành lập năm 1949, có trụ sở chính tại Brussels (Bỉ). Đây là một liên minh xuyên Đại Tây Dương giữa các quốc gia ở Châu Âu và Bắc Mỹ.
Lý do chính gia nhập NATO
Lý do hầu hết các nước gia nhập NATO là vì Điều 5 của Hiệp ước này quy định rằng tất cả các bên ký kết coi một cuộc tấn công vào một thành viên là cuộc tấn công chống lại tất cả.
Điểm đặc biệt của Hiệp ước là ngăn chặn Liên Xô tấn công các nền dân chủ tự do vốn thiếu sức mạnh quân sự. Điều 5 bảo đảm rằng các nguồn lực của cả liên minh – bao gồm quân đội khổng lồ của Mỹ – có thể được sử dụng để bảo vệ bất cứ quốc gia thành viên nào, cả những quốc gia nhỏ không thể tự vệ như Iceland không có quân đội thường trực.
Nguyên nhân Nga ghét NATO
Putin cho rằng NATO đã tiến quá gần với Nga và nên rút lui về biên giới của những năm 1990, là thời điểm trước khi một số nước láng giềng của Nga hoặc là các quốc gia thuộc Liên Xô cũ gia nhập NATO.
Mong muốn gia nhập NATO của Ukraine là một trong những điều khiến Putin bất bình. Đến nay thì đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển càng làm cho Putin nổi nóng.
Điều trớ trêu là cuộc chiến ở Ukraine đã làm cho NATO trở thành một chỗ dựa cần thiết của một số quốc gia trước các mối đe dọa tiềm ẩn từ Nga.
Tại sao Phần Lan và Thụy Điển thay đổi chính sách?
Các nước Bắc Âu khác như Na Uy, Đan Mạch và Iceland là thành viên ban đầu của NATO, nhưng Thụy Điển và Phần Lan đã không tham gia vì lý do lịch sử và địa – chính trị. Sau khi Liên Xô sụp đổ, hai nước này cùng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào năm 1995 nhưng vẫn không gia nhập NATO.
Cuộc xâm lăng Ukraine của Nga là giọt nước tràn ly, thúc đẩy Thụy Điển và Phần Lan hướng về phía NATO, với mong muốn được bảo vệ như quy định trong Điều 5, vì lực lượng võ trang của hai nước này nhỏ hơn cả Ukraine (có 44 triệu dân và lực lượng vũ trang 200,000 quân).