Võ Tứ Xuyên

Tính tới tính lui kể cả năm 2020 đang mon men cận kề sắp đến đã 45 năm trôi qua, người nhỏ nhất ngày trước từng là lính VNCH nay cũng đã hơn 60 tuổi. Ví dụ anh ấy nhập ngũ lúc 18 tuổi vào đầu năm 1975 thì đến giờ cũng đã 62 tuổi. Những con người này cho dù có lành lặn bình thường thì nay về tuổi tác họ cũng đã già cả không còn nhiều sức lực, chưa kể đến những anh em Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa (TPB/VNCH) vốn đã thiếu một phần thân thể, suốt ngày buộc phải lê lết hết chỗ này đến chỗ kia, ngày no ngày đói và phải bươn chải đủ thứ nghề nghiệp nhằm kiếm sống qua ngày cho hết trọn cuộc đời trót đa mang quá nhiều chuyện khổ ải.

Có lẽ chúng ta ít biết về cuộc sống của các anh em TPB/VNCH ở Việt Nam hiện giờ, họ vất vưởng hệt như những bóng ma đêm. Kỷ niệm đau đớn nhất luôn hằn sâu trong ký ức họ có lẽ chính là cái ngày đen tối 30/4/1975. Có người kể cho chúng tôi nghe chuyện thế này: Vào sáng sớm ngày 1/5/1975, các anh em TPB/VNCH đang điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hòa ở Gò Vấp đã chứng kiến cảnh  các binh lính Việt cộng trên 2 chiếc xe Jeep có cắm lá cờ sao vàng, nửa xanh, nửa đỏ phóng thẳng vào cổng Tổng Y Viện Cộng Hòa. Tiếp theo, 2 chiếc xe Jeep ngừng ngay trước cửa văn phòng của Chỉ huy trưởng Tổng Y Viện. Các binh lính Việt cộng súng AK trên tay hùng hổ xông vào trong, chừng hơn mười phút sau họ dẫn vị y sĩ – Chuẩn tướng Phạm Hà Thanh lên một trong 2 chiếc xe Jeep và chở ông đi đâu không rõ.

Nguyễn Văn Đức  

Chừng 15 phút sau nữa, một thông báo phát bằng loa phóng thanh do người của các Việt cộng đọc, nói rõ rằng tất cả các thương bệnh binh Việt Nam Cộng Hòa đều “phải lập tức rời khỏi bệnh viện trong vòng 24 giờ kể từ sau khi nghe xong thông báo này”. Vậy là một quang cảnh hoảng loạn bắt đầu xảy ra. Các anh em TPB/VNCH cứ người còn đi được hoặc may mắn còn chút sức tàn dắt díu các thương binh bạn, lục tục khập khiễng kéo nhau rời khỏi nơi điều trị.

Xem thêm:   TPB Dương Việt Trung

Sau khi phần đông người đã đi hết, số còn lại chỉ còn các anh em thương bệnh binh bị thương nặng, máu me đầy áo quần còn dính bùn đất. cố bò, lết rời khỏi cổng Tổng Y Viện Cộng Hòa.

…Vào một ngày cuối tháng 10/2019, thông qua một người liên lạc các anh chị em TPB/VNCH vẫn còn ở Việt Nam là anh L. chúng tôi tìm đến thăm hỏi một số anh. Do điều kiện chưa cho phép, chúng tôi chỉ mới tìm đến các anh em hiện ở quanh thành phố Sài Gòn mà thôi, còn những người ở xa hơn – dù có biết – nhưng đành khất lại vào một dịp khác.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là anh Nguyễn Văn Ðức, năm nay 68 tuổi. Anh Ðức bị cụt cả hai chân hiện sống nương nhờ cùng với 2 đứa cháu ở Long Thành (tỉnh Ðồng Nai). Anh cho biết trước kia anh phục vụ tại Tiểu đoàn 203, Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 1 Bộ binh. Trong một trận chiến ở chiến trường Huế – Quảng Trị đã khiến anh mất đi một phần thân thể. Hiện tại để có tiền sinh sống, hàng ngày anh phải di chuyển từ Long Thành về Thủ Ðức (quãng đường đi về ngót hơn 80km) để bán vé số, kiếm dược khoản lợi nhuận trên dưới trăm ngàn bạc VN. Anh kể thêm: “Ngày nào bán ế ẩm quá thì mình đành đi… xin tiền người ta, ai thương tình giúp cho, mình rất cám ơn!”.

Vũ Văn Nuôi

Người TPB/VNCH thứ hai chúng tôi tìm gặp ở quận Bình Thạnh. Anh là Vũ Văn Nuôi, sinh năm 1950. Ngày trước anh Nuôi tùng sự tại Ðại đội chỉ huy Trung đoàn 43 thuộc Lữ đoàn 4/Biệt động quân thuộc hậu cứ Vĩnh Long. Năm 1969, trong một trận chiến tại Cầu Kè (Vĩnh Long), anh Nuôi bị Việt cộng bắt làm tù binh. Vào ngày 4/4/1975 khi lực lượng bạn hành quân tiến vào mật khu của Việt cộng, trong khi hai bên giao tranh ác liệt, anh trúng phải đạn pháo bị thương cụt mất 2 chân. Sau đó anh được đưa về Bệnh viện 3 Dã chiến Mỹ Tho. Ngày 1/5/1975 cùng số phận các thương bệnh binh khác (như đã nói ở phần trên) anh Nuôi bị Việt cộng đuổi ra khỏi nơi này với vết thương vẫn đang còn rỉ máu.

Xem thêm:   TPB LẼ NHUNG

Hiện tại anh Vũ Văn Nuôi sống trong ngôi nhà nhỏ tuềnh toàng tại địa chỉ 2/9 đường Tăng Bạt Hổ, phường 11, quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Anh không có vợ, ngày ngày sống nhờ vào tình thương của bà con lối xóm chung quanh, ai cho gì ăn nấy. Anh còn mắc phải căn bệnh lao phổi cùng các thứ bệnh lão khác và lâu lâu gặp phải thời tiết khắc nghiệt, vết thương cũ tái phát khiến anh rất đau nhức, khổ sở.

Một người nữa chúng tôi tìm đến là anh Huỳnh Ðạt Hùng, ngụ trong căn nhà nhỏ xíu ở đường Thái Phiên, phường 8, quận 11, Sài Gòn. Anh Hùng năm nay 63 tuổi, ngày trước phục vụ tại Sư đoàn 9 Bộ binh. Trong một chiến dịch chống giặc ở chiến trường Mỹ Tho năm 1974, anh cũng bị trúng mìn bị mất cả hai chân. Năm 1991, rất may anh được một người phụ nữ thương tình, giúp anh nương tựa đến giờ tuy nhiên hai người không có con và bây giờ họ vẫn đang đùm bọc sống cùng nhau. Tuy nhiên chị vợ của anh Hùng cũng mắc nhiều căn bệnh lão nên chỉ mỗi việc xoay trở xem ra cũng rất khó nhọc (chị bằng tuổi anh). Bản thân anh Hùng gần đây cũng bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người, nói chuyện lắp bắp không thành tiếng và thậm chí khi ăn còn phải nhờ vợ đút. Hai vợ chồng anh Hùng hiện sinh sống bằng việc bán xăng lẻ ngay tại nhà, ngày kiếm được số tiền lãi khoảng chừng dăm ba chục ngàn đồng VN, gia cảnh cũng vô cùng khốn khó, túng thiếu…

Anh Huỳnh Đạt Hùng và vợ

Như đã nói, cho dù đôi khi bị xã hội ngược đãi, nhưng những anh em TPB/VNCH này cũng phải sống vì thế bằng mọi giá họ vẫn phải tìm cách mưu sinh như bao con người khác. Trừ một vài trường hợp may mắn, chúng tôi cảm nhận rằng đa số họ đều rơi vào cảnh túng quẫn. Trong trường hợp không nương nhờ được vào người thân hoặc không còn người thân, nhiều anh em TPB/VNCH đành phải kiếm lấy cái ăn bằng những nghề mà đa số người khuyết tật ở Việt Nam thường theo đuổi bao đời nay như đi bán vé số, bán tăm nhang, đi hát dạo…thậm chí là ngửa tay đi ăn xin để hòng đắp đổi qua ngày đoạn tháng.

Xem thêm:   TPB LẼ NHUNG

Một số anh em TPB/VNCH may mắn, gặp lại những đồng đội xưa từ nước ngoài trở về, đã nhín chút ít để giúp đỡ cho những chiến hữu cũ đang chịu cảnh đói rách, tật nguyền.

Khi chúng tôi thử hỏi các anh em TPB/VNCH nêu trên có nguyện ước, mong muốn gì trong thời gian sắp tới, họ đều chung một suy nghĩ như lời anh Nguyễn Văn Ðức đã nói: “Anh em chúng tôi chỉ mong muốn các nhà từ thiện, các Hội thương phế  binh ở nước ngoài cũng như các bạn đồng đội xưa vẫn còn tưởng nhớ đến mình, dành cho chúng tôi chút đỉnh tiền quà gì đó để qua ngày qua tháng, được chút nào cũng tốt chút ấy; vậy thôi chứ chúng tôi đâu dám “há miệng, há mồm” gì nữa! Chúng tôi luôn ngóng trông, rất mong được nhận sự giúp đỡ dù ít dù nhiều và rất cảm ơn mọi người còn nhớ đến các anh em TPB/VNCH chúng tôi…”

VTX

(SÀI GÒN, VIỆT NAM)