Ngày 28-5-2022

Me Linh

Trong một bài viết trên báo Trẻ, có chữ “paparazi”, nghe hay hay, hơi giống món “pizza pepperoni” mà tôi ưa thích. Đây là món ăn hay sao ạ, âm ngữ từa tựa, chắc cũng xuất phát từ Ý phải không anh chị?

Bạn có một sự liên tưởng rất nhạy bén, có thể nhờ sự phong phú trong tâm hồn ăn uống của bạn chăng :) Đúng là chữ paparazzi gốc từ Ý (viết đúng là “paparazzi” chứ không phải “paparazi”), cùng quê với món pepperoni mà bạn ưa thích. Tuy nhiên, tin không vui cho bạn, nó không phải là món ăn, mà một thuật ngữ chỉ những người hành nghề săn ảnh, chuyên rình chụp ảnh các nhân vật nổi tiếng, như tài tử xi nê, ngôi sao ca nhạc hay chính trị gia…

Ngày 4-6-2022

Hue Chau Duong

Hai Quê vừa thấy bài dự thi “Cầu Covid” (đã đăng tại https://chuyenmacdich.baotreonline.com/cau-covid-hai-que/) cho mục Chuyện Mắc Dịch đăng trên số báo 1298 hôm qua, thứ sáu, 03/06/22.

Có được giải hay không là chuyện sáu tháng nữa mới biết. Ngay bây giờ, Hai Quê muốn bày tỏ lòng tri ân Trẻ đã có sáng kiến tổ chức cuộc thi viết rất thích đáng này. Cuộc thi cho người viết cơ hội trút bầu tâm sự, và cho người đọc tìm thấy chia sẻ mà chính bản thân họ cũng chịu nhiều khổ đau vì Covid nhưng không viết ra (được). 

Hai Quê xin nhờ Ban Biên Tập đặc biệt chuyển lời cảm tạ của Hai Quê đến họa sĩ Bảo Huân. Cảm ơn họa sĩ đã đọc bài, thông hiểu và vẽ tranh minh họa khiến Hai Quê ngẩn người vì tình cờ, tranh minh họa lại vẽ rất giống chân dung song thân của Hai Quê. Thật là kỳ diệu !!!

Ngày 1-6-2022

Xem thêm:   Trang thư tín ngày 14 tháng 3 năm 2024

Truong Nguyen

Đọc phiếm sự của Du Uyên thật độc đáo, vừa sâu sắc và tỉ mỉ trong từng dữ kiện, trong số báo vừa qua, bài “Không ai ở phía trước” (đã đăng tại https://baotreonline.com/van-hoc/duyen-sai-gon/khong-ai-o-phia-truoc.baotre), có “slogan” mà các “lãnh đạo” trong nước sính dùng là “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, nghe quen lắm…

Bạn nghe quen là đúng, câu này được sĩ quan Robert Rogers sáng tác hồi chiến tranh Pháp – Ấn (1754), nguyên gốc là “No Man Left Behind” để trấn an binh sĩ. Sau này người Mỹ đưa “khẩu hiệu” này vào quân đội để khẳng định tình huynh đệ chi binh, giúp đỡ thân nhân binh sĩ giải ngũ hay tử trận, đưa hài cốt người lính về quê nhà (như chương trình MIA – Missing In Action – trong chiến tranh Việt Nam hay Triều Tiên…)