Hạ Quảng

Ông là lính Địa Phương Quân với lon Thiếu Úy, ông tham gia nhiều trận đánh và bị thương, cụt mất hai chân trong trận Phước Sơn năm 1972, những ngày sau 30 tháng 4 năm 1975, ông không có xe lăn, dùng hai chiếc ghế đẩu làm nạng và chống đi khắp nơi để ai thuê gì làm nấy, ông tuyệt đối không xin ăn. Năm 1976, ông được một người phụ nữ thương tình, lấy ông làm chồng. Thời đó, những ai cưới thương binh chế độ “ngụy” là một sự điên rồ, bà đã chọn điên rồ để sinh con đẻ cái với ông. Và chọn cả chịu đựng thống khổ cho đến ngày hôm nay, không hề suy suyển.

Những đứa bé không may mắn

Đứa con gái đầu lòng của hai ông bà được sinh ra trong bối cảnh đói khổ “vĩ đại”, người mẹ mất sữa vì thiếu ăn và đi cấy ruộng tập thể suốt ngày, cũng không có thời gian cho nó bú, cha nó (tức là ông – Lương Xuân Dũng, hiện sống tại Điện Minh, Điện Bàn Quảng Nam – người thương binh tội nghiệp mà chúng tôi vừa đề cập) phải dùng nước cơm để thay sữa. Mà nước cơm thời đó có vài hạt gạo bám một lát khoai mì, sức khỏe con bé yếu ớt, khi lớn lên, nó bị tật hai chân, đi đứng không như người khác.

H2

Ông Dũng đang chăm sóc con trên giường bệnh

Rồi lớn lên, bởi bản tính thông minh, sắc sảo, gương mặt đẹp, nó cũng có chồng. Chồng cưới được 5 năm, nó sinh được hai đứa con gái, nhà chồng hất hủi, chồng coi thường vì nó không đẻ được con nối dõi, cuối cùng, chồng bỏ đi, nó sống không nổi với nhà chồng, lại phải dắt díu hai đứa con gái về ở với cha mẹ. Nhà ông Dũng có thêm hai đứa cháu ngoại, lúc này ông cũng đỡ hơn xưa vì gia đình ông đi bán vé số, có đồng ra đồng vào.

Cũng xin nói thêm, hai vợ chồng ông Dũng sinh được hai người con gái và một người con trai. Gia cảnh nghèo khổ, vợ chồng ông Dũng làm nhà trên mảnh đất của cha mẹ ông Dũng để ở qua ngày đoạn tháng nhưng cũng không yên bởi khi giá đất tăng vọt, chuyện tranh chấp giữa các anh chị em trong nhà khiến cho ông Dũng có nguy cơ ra đường với một ít tiền “hồi môn”. Cả ba người con của ông Dũng đều học tốt nhưng chỉ dừng ở lớp 9 vì không đủ điều kiện học tiếp, lại đi bán vé số giống như vợ chồng ông.

Hai người con gái không có chồng, ông Dũng có hai đứa cháu ngoại. Người con trai bán vé số suốt hơn mười năm, dành dụm mua được chiếc xe gắn máy cho cả gia đình. Xe mua chưa được nửa năm thì anh bị tai nạn xe sau một trận đá bóng. Sau khi chạy xe đi trả vé số thừa cho đại lý về, trên đường đi, một đám thanh niên kèn trống, cờ phướng chạy càn qua, anh bị ngã đập đầu bất tỉnh, đám kia chạy luôn. Khi người đi đường đưa anh đi cấp cứu thì đã bị hôn mê sâu, tụ máu não nhưng vẫn may là còn cứu kịp.

Anh về nhà trong tình trạng ngồi xe lăn, không biết gì, sống đời thực vật. Lúc này, gia đình ông Dũng ngoài việc đi bán vé số hàng ngày còn nhận thêm việc in các loại giấy tiền, vàng mã để bỏ mối cho các chợ. Đời sống có vẻ “khấm khá” hơn chút xíu thì gánh nặng cũng nặng hơn rất nhiều. Khi chúng tôi đến thăm ông Dũng và con trai trong bệnh viện đa khoa Đà Nẵng vì anh bị biến chứng sau tai nạn, các lỗ chân lông xuất huyết, phải nằm hồi sức trong tình trạng mê man… Ông tâm sự: “Nhà có bốn người lành nhưng trong bốn người lành thì có hai người què, một người huyết áp cao, chỉ có con bé thứ ba là chưa bị bệnh gì. Bốn người thay nhau nuôi em chứ biết tính sao giờ! Nhiều lúc tuyệt vọng quá chú xin bệnh viện về nhưng rồi nghĩ lại, lại tiếp tục điều trị cho em…”.

H5

Ông nhận in các loại giấy tiền, vàng mã tại nhà

“Hiện tại tình trạng của gia đình mình như thế nào chú?”.

“Thực sự thì hiện nay chú thiếu 5 triệu đồng để đóng viện phí, vì có thẻ bảo hiểm người nghèo đó nhưng thuốc điều trị lại nằm ngoài danh mục bảo hiểm nên mình phải đóng. Chú không còn tiền nữa, xoay chi cũng không ra chừng đó, đang nợ bệnh viện..”.

“Nhà mình không còn gì để bán hay tạm thời thế chấp sao chú?”.

“Không còn chi hết, vì cái nhà thì chú không bán được, đất đâu phải của chú mà bán, đất của cha mẹ để lại, muốn bán thì anh em phải ký cho mình bán, nhưng chuyện này khó lắm, không ai chấp nhận đâu! Nên giờ mình cứ liều cho con mình sống thôi chứ biết làm sao bây giờ!”.

“Chú đi lại khó khăn vậy rồi làm sao để chăm sóc cho em khi em tiểu tiện? Một tuần chú trực mấy ngày?”.

“Hiện tại thì chú trực thứ Hai, Tư, Sáu, đứa con gái nhỏ trực thứ Ba, Năm, Bảy, mẹ mấy đứa thì trực ngày Chủ Nhật. Mỗi khi em nó tiểu tiện thì chú cứ rị mọ mà làm, xong thì lau cho nó, bữa nào giường bên cạnh người ta rảnh thì người ta giúp mình một tay. Chứ cả phòng này toàn người bệnh nặng hết nên ai cũng mệt mỏi hết, chợp mắt một cái là ngủ như chết à, mình có cần nhờ cũng không dám gọi dậy mặc dù ai cũng nhiệt tình giúp mình. Còn bà xã chú thì bị huyết áp cao, rối loạn tiền đình nên chỉ phụ thôi chứ bả ra chăm nhiều có khi mình lại khổ. Nói chung là khi cái khổ mà nó lao dốc thì thôi khỏi phải nói nữa! Chú khổ đến mức này thì chú chỉ biết khóc mà khóc cũng không được…”.

Câu chuyện của chúng tôi và ông tạm dừng, chúng tôi cũng không thể làm gì thêm ngoài việc biếu ông 500 ngàn đồng (số tiền không nhỏ đối với chúng tôi nhưng nó chẳng là gì trong hoàn cảnh của ông cũng như trong lúc vật giá leo thang, thậm chí nó chỉ đủ cho một bữa ăn tàm tạm của một gia đình trung lưu). Và chúng tôi cũng hết sức bất ngờ khi ông từ chối, nói rằng số tiền này nhiều quá, ông không dám nhận. Chúng tôi năn nỉ một lúc thì ông bảo chỉ chịu nhận tờ 100,000 còn lại của tôi chứ không nhận tờ 500,000 (vì ông nhìn thấy tôi còn đúng 2 tờ này khi rút ra khỏi ví).

Sau khi thuyết phục một lúc, ông vui vẻ nhận tiền và cảm ơn nhiều lần. Ông không quên nói “Bây giờ bán một tờ vé số khó lắm, in vàng mã cũng vậy, để có tờ này, tốn cả tuần mới có được. Thôi cho chú cảm ơn một lần nữa nghe!”.

Chúng tôi tạm biệt ông, người con trai của ông vẫn nằm thiêm thiếp, mê man, bất động. Bệnh viện mùa này đông người, nằm ngồi la liệt, chỉ mỗi việc đi qua những đám đông này không thôi cũng đã mệt. Tự dưng, nghĩ tới cảnh một người thương binh già, sống qua một chế độ khác mà ở chế độ đó, ông không được hỗ trợ gì ngoài nỗi mặc cảm và nỗi đau, và bây giờ ông phải đi xe buýt mỗi ngày cả đi và về hơn 60km, đến bến cuối lại tự lăn xe đi hơn 3km qua các con phố để tới bệnh viện, rồi chen chúc thang máy lên tầng 6 để chăm sóc đứa con trai nằm bất động, đứa con trai lẽ là là trụ cột của gia đình ông!

Thực lòng mà nói chẳng còn gì để nói thêm về nỗi khổ của ông cũng như gia đình ông đang gánh chịu!

Độc giả và quý nhà hảo tâm có thể liên lạc với gia đình ông qua:

 Ông Lương Xuân Dũng.

 Điện Minh, Điện Bàn, Quảng Nam.

 Số điện thoại: 0905893438