Ông Trời không nâng ai, dìm ai nếu như tất cả đều thật thà, trung thực như nhau. Đó là cái chơn lý mà người nhà nông nghiệm ra. Khi thế giới trở nên quay cuồng vì rất nhiều thứ, thì có một thứ níu kéo người ta trở về, không bị lạc lối và an trụ với đời sống của mình, đó là lòng thật thà, lòng thật thà lại là thứ quý giá nhất khi làm kinh tế, khi kiếm sống…

Bán bánh, bán bắp, bao năm vẫn vậy nhưng dạo này các chị, các mẹ gần nhau hơn    

Hầu hết người đời nói với nhau rằng “thật thà là cha đứa dại”, tức đừng sống thật thà với tha nhân mà dẫn tới khổ thân. Nhất là trong thời đại kim tiền, thời đại mà sự giả dối lên ngôi đến mức nó trở thành thứ chuẩn mực xã hội. Thời đại mà kẻ giả dối ăn trên ngồi trốc, viết sách, lên giọng đạo đức dạy đời người khác… Mãi cho đến khi cây kim thò khỏi bọc, lòi tội ác rành rành… Chính cái xã hội ít nhiều có chất khốn nạn pha lẫn côn đồ và lưu manh này đã khiến cho lòng thật thà nhanh chóng mất đi.

Nói theo cách khác, một cánh rừng có quá nhiều bão tố thì sẽ không có cái cây cổ thụ nào trụ nổi và cánh rừng ấy nguy cơ thành đồi trọc. Thế nhưng cũng có một thứ quy luật khác, có những cái cây chịu đựng được bão tố, sống bằng chính sức của nó và nghiễm nhiên trở thành thứ danh mộc quý hiếm, trầm hương là một ví dụ. Cuộc đời của cây dó bầu nếu cứ suôn sẻ, ung dung mọc, ung dung lớn và ung dung thành cổ thụ thì chẳng có tí trầm nào. Mà cây dó bầu phải bị bão giông đánh gãy, trầy trụa, thậm chí bị xô ngã sấp mặt, sự dập dụi càng nặng nề thì giá trị của cây dó càng lớn.

Xem thêm:   Sáp nhập ai vui ai buồn?

Khi cây dó bầu bị thương, từ chỗ vết thương sẽ tiết ra mủ để bọc lấy vết thương và để chống “nhiễm trùng” bởi các loài côn trùng, chất mủ này chiết ra mùi hương, theo thời gian, trầm hương hình thành… Những cây bị xô ngã sát đất, sấp mặt tưởng chừng như chết đi, kỳ thực, sức sống của nó vẫn cứ âm thầm, rỉ rả chiết ra mủ bọc lấy vết thương, sự “tự chữa” này kéo dài cho đến khi cây chết đi, chỗ thương tích đó trở thành kỳ nam quý hiếm.

Khi mọi thứ cuống cuồng thì những gì thuộc về bản sắc sẽ để lại dấu ấn

Thời đại kim tiền, con người luôn phải đối mặt với cơn bão tố của giả dối, từ hàng fake cho đến chính trị fake, văn hóa fake… chúng gây tổn thương cho lòng thật thà, cho người trung thực… Thế rồi dịch giã kéo qua, khủng hoảng kinh tế kéo đến, thiên tai và chiến tranh cũng rình rập, lúc này, người ta thực sự đối mặt với chính mình, với cái câu hỏi: “Rốt cuộc mình sống để làm gì và đâu là con người thật của mình?”. Chính cái câu hỏi ấy lại thôi thúc người ta trở về với giá trị thật của họ, lòng thật thà như một viên ngọc bị giấu trong đống rác, như một thỏi kỳ nam hay trầm hương bị chôn vùi trong củi mục, tự dưng, tỏa sáng, tỏa hương …

Chừng 2 năm trước, tình hình kinh tế khó khăn sau dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế bắt đầu, dường như người dân trở nên cuống cuồng, loay hoay và đời sống đảo lộn. Người ta chạy vạy tìm cách lạng lách để cò cuốc, từ cò đất cho đến cò bến xe, cò bệnh viện, bất kỳ nơi nào có dịch vụ thì nơi đó có cò, nơi nào có cò thì dịch vụ trở nên lộn xộn và đắt đỏ, nhặng xị, vô văn hóa… Thế rồi mọi thứ lộn xộn bỗng dưng lắng xuống, không phải vì một bàn tay vô hình nào đó dẹp bỏ mà vì chính bản thân của nó không còn đất sống.

Xem thêm:   Rượu "dỏm" giết người

Vì khi những người lao động nghèo bị chèn ép, bị đẩy vào đường cùng, đến mức không còn gì để mất nữa, không còn gì để bị gạt nữa thì người ta chuyển sang trở về với mớ rau, con tôm con tép và ung dung tự tại, an phận thủ thường với nó, mọi động tịnh, thị phi xã hội không còn gây khó cho họ nữa. Bù vào đó, lúc này cò cuốc không còn mấy người để lừa phỉnh, để “chặt hẻo” (ngôn ngữ dân cò) thì chuyển sang tự gây hấn, tự lừa gạt và ăn thịt lẫn nhau… Hiện trạng xã hội vài năm trở lại đây là như vậy, cho đến lúc cả dân cò cuốc cũng thấy mệt mỏi vì nhiều thứ, chính sách thuế cũng như chính sách tái cơ cấu bộ máy nhà nước một lần nữa xô đổ mọi thứ bùng nhùng… người ta lại mơ về cái gì đó dung dị, hiền hòa một thuở, lúc này, vô tình khoai sắn lên ngôi!

Hạt mầm ươm xuống, cây sẽ mọc

Một người bán khoai, bán sắn ở chợ Vĩnh Điện, Điện Bàn, xưa kia là xứ Quảng Nam, bây giờ đã thuộc Đà Nẵng, tâm sự:

– Năm nay người ta bán khoai, bán sắn rất nhiều nhưng lại vui.

– Chứ mọi năm, khoai sắn đi đâu hết chị hè? Hay là người ta không trồng?

– Mọi năm người ta cũng có trồng như năm nay, nhưng chủ yếu là trồng, xắt phơi khô để xay cho heo. Còn bây giờ, người ta không làm vậy nữa, người ta dành nó làm thức ăn, củ khoai luộc, sắn luộc trở nên có giá trị.

Xem thêm:   Hát quán nhậu

– Nhiều người đi bán như vậy chị có bị giảm bớt lượng bán ra không?

– Vui thôi, chứ không bị giảm, thậm chí bán được nhiều nữa, vì mình bán khoai sắn ở đây lâu năm, mình dân buôn, còn mấy người kia nhà vườn, họ không bán chuyên nghiệp như mình. Có nhiều người bán thêm vui thôi em!

Khoai sắn cũng bán online

– Như vậy, thường thì người buôn sẽ rất khó bán vì nhà vườn bán giá vừa phải, nhà buôn phải bán giá chênh lệch mới có lãi, sao chị lại lạc quan vậy?

– Mình nhà buôn nên mình mua hàng có thời điểm, tức thời điểm giá rẻ mình cắm cọc và khai thác dần, còn người làm nông thì lại bán theo thời vụ, tức khi có khoai, sắn thì người ta nấu bán và khả năng tính toán không cao bằng nhà buôn, kế hoạch thị trường họ cũng không có nên họ không bao giờ bán đắt hàng như nhà buôn. Mình bán lấy số nhiều làm lãi, chấp nhận lời ít một chút, còn nhà nông họ chỉ có mớ khoai, mớ sắn, mớ bắp, có chừng rồi, họ phải cố gắng bán giá càng cao càng tốt, không có luân chuyển như mình.

– Lúc này đời sống chung quanh có thay đổi gì không chị?

– Trước đây người ta coi rẻ củ khoai, trái bắp hay củ sắn, trước đây người ta sống ảo. Bây giờ chị thấy mọi người có lẽ sống thực lòng thực bụng hơn…

Chị Lan, người bán khoai, cười xòa, nụ cười rất dễ thương, ấm áp. Và hình như nụ cười như chị bây giờ cũng không hiếm hoi nữa, gương mặt của những người nhà nông đi bán khoai bán sắn, có gì đó an nhiên, hồn hậu. Mọi thứ trở nên tốt đẹp khi người ta suy nghĩ tốt đẹp.

Cải nhà trồng, trứng gà nhà đẻ, đặt cái bàn phía trước đường và ai mua thì gọi, chủ nhà chạy ra, chẳng lo mất cắp

UC