Trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, truyện cây tre trăm đốt là câu chuyện để lại ấn tượng mạnh nhất với không riêng gì tôi, không biết có phải do tâm thức làng quê, lũy tre, cây đa, giếng nước, đình làng, bến sông quê, vạt cải vàng… đã ăn lậm vào tôi hay do một thứ gì khác. Thế nhưng có một điều là địa giới hành chính Việt Nam, kể từ thời tôi biết tìm hiểu về địa lý, lịch sử, thì chuyện “khắc xuất khắc nhập” đã xảy ra mấy bận, nó cứ như hóa thân của cây tre trăm đốt. Lần này, Tổng Bí thư lại hô “khắc nhập, khắc nhập”, sự khắc nhập thần tốc trong một thời gian ngắn ngủi để lại rất nhiều hệ lụy…

Không biết ai sẽ là hành khách trên chuyến tàu thuyên chuyển vị trí, rời ghế về quê?!
Kéo về quê
Tôi có làm bạn với một người Hà Nội, từng sống lâu năm trong chung cư, gia đình ông có 4 người đều làm cán bộ chuyên viên, tức cán bộ có chuyên môn, bằng cấp đầy mình, học thật, người thật việc thật. Thế nhưng đùng cái, có chỉ thị tinh giản biên chế, không hiểu sao 2 trong 4 người bị xét vào diện “tinh giản”, vậy là khăn gói về quê, vì hết đất sống.
Tôi lấy làm lạ bởi ông còn chung cư, còn chuyên môn và còn 2 người con mới xin được việc, mới thi đỗ ngạch cán bộ, sao lại quyết định về quê gấp gáp như vậy. Chú Chiêu (tên người bạn vong niên của tôi, đã đổi vì lý do nhạy cảm), đăm chiêu:
– Không về quê thì chết chùm trên này à! Không đơn giản đâu, sau đợt này, sẽ có rất nhiều người lũ lượt kéo về quê.
– Sao họ không ở lại thành phố, họ có chung cư mà chú?
– Họ cũng giống như gia đình tôi thôi, toàn chung cư thuê cả thôi, làm lương chuyên viên, cao đó, vài chục triệu đồng mỗi tháng, thế nhưng hở tí là chúng tôi nợ tiền thuê chung cư đấy. Vì trong thời gian công tác, chúng tôi xác định mình là người có chữ, là hạng chuyên viên, bán kiến thức mà ăn chứ chẳng quyền thế gì, nên chúng tôi chọn đầu tư đất ở một số vùng ven, chúng tôi chấp nhận vay ngân hàng, khấu trừ vào tiền lương để mua đất. Và đến lúc này, gia đình tôi là may mắn nhất, vì đã có đất để cắm dùi ngoài ngoại ô, cũng là vùng quê nhưng ít chát chúa hơn người khác.

Rời thành phố về quê sau một quá trình dài làm công ăn lương, lao động thuê …
– Những người mà chú nói họ “chát chúa” thì sao?
– Những người đó cũng cán bộ, nhưng họ không có chuyên môn cao, lương thấp, họ cũng nhìn thấy tương lai của họ nên đầu tư đất vùng ven nhưng lại mua dạng đất nông nghiệp, gọi là đất giấy tờ ba lá, tức có mấy tờ giấy công nhận chủ quyền sử dụng để làm nông, rồi ký đấm với nhau với hy vọng sẽ sửa đổi mục đích sử dụng sau khi đóng thuế chuyển đổi. Thế nhưng đất đai ngày càng đắt đỏ, chẳng thể sửa đổi được, vậy là chỉ còn cách che một cái chòi vịt mà làm ruộng.
– Theo chú quan sát thì lượng cán bộ về vườn như vậy nhiều không ạ?
– Rất nhiều, có một số người cũng nên về, nhưng có một số người không nên ở lại nhưng họ vẫn được xếp vào diện ở lại. Bởi yếu tố đảng vô cùng quan trọng trong đợt tinh giản này, họ ưu tiên cho đảng viên. Cái này dễ hiểu mà, đảng viên trông chờ vào các quyền lợi do đảng ban phát, giờ đảng cắt, sửa thì ai dám tin vào đảng nữa (cười), còn những người như mình, sắp tuổi hưu, thôi thì về cũng an bài. Có điều sẽ có một cuộc xáo trộn dân cư rất lớn.

Đất quê giờ không phải giá cũng thấp với bất cứ ai
Đúng như lời ông Chiêu, có một cuộc xáo trộn rất lớn. Trong một cuộc cà phê, một người làm trong bộ máy công an huyện vừa giải thể chia sẻ rằng “phải thay máu gần như 80% cán bộ thì mới hy vọng mọi thứ tốt lên, còn nếu làm không quyết liệt, không rốt ráo, thì cái hạng (chữ của anh này) ăn bám, thi 5 năm, 7 năm đại học không đậu, bu bám ủy ban xã làm phong trào, ăn chực kinh niên, đến kỳ đại hội đảng thì chạy một chân trong hội đồng nhân dân, rồi lên làm quan, phách đốc… đầy rẫy ra đó. Nhiều vô kể. Và phải thay máu cả hệ thống cán bộ địa chính, bởi đám này vừa thiếu chuyên môn vừa gây nhiễu loạn, tham lam, quấy rối người dân không tả xiết…”
Anh cán bộ công an này sau đó được triệu hồi về tỉnh làm một chức vụ kha khá để điều hành vấn đề an ninh kinh tế. Anh nói rằng nếu bây giờ muốn tốt, không khó, nhưng hầu hết người ta chọn không tốt để làm, thế mới cay!
Cả nước hiện nay náo động chuyện người ta kéo về quê, đất quê bây giờ cũng không còn nhiều như xưa, vậy người ta sẽ sống như thế nào, làm ăn ra sao, đó là một ẩn số.

Mua đất ngoại thành rồi dính đất không làm được giấy tờ, nhiều người ôm nợ, thêm phần khó khi tinh giản biên chế
Khắc xuất – khắc nhập
Hiện tại, cán bộ thì run như cầy sấy bởi khi nhập tỉnh, sẽ dư ra một lượng cán bộ khổng lồ, trước đây 63 tỉnh thành sẽ có 63 sở của mỗi ngành, bây giờ, 2, 3 tỉnh nhập lại thành một, thì các giám đốc sở sẽ lo lắng, đứng ngồi không yên, không biết mình sẽ được giữ lại hay mình phải ra đi. Hiện tại, tiêu chuẩn trẻ, chuyên môn và “hồng” (có đảng) vẫn đang là ưu tiên.
Một giám đốc sở ở miền Trung, không muốn nêu tên, tỏ ra hồ hởi:
– Lần này thì mình hơi khổ vì làm giám đốc đến 3 nơi nhập thành 1, trước đây một tỉnh đã thấy khổ, giờ nhập 3 tỉnh lại, mà tỉnh Quảng Bình là cái tỉnh quá dài.
– Chị có vẻ chắc ăn về vấn đề nhân sự nhỉ?! (Tôi hỏi rất thoải mái vì chị là bạn lâu năm của chúng tôi).
– Chắc chắn mình sẽ vào đó, vì trong 3 tiêu chuẩn trẻ, chuyên môn và hồng thì mình có đủ, mình trẻ nhất, hai cụ kia sắp tuổi hưu, hơn nữa bằng cấp mình là bằng thật, cái Tiến Sĩ của mình được mua bằng mấy chục năm học ròng rã từ tiểu học lên tới cao học luôn ở diện học sinh giỏi, cháu ngoan bác Hồ… Mình cũng là đảng viên. Mình phải biết tự tin vào khả năng của mình chứ, hơn nữa, trong quá trình công tác, mình chỉ quản lý và ăn lương, nếu có lợi dụng chức vụ thì mình nhân danh cái uy tín giám đốc sở và tiến sĩ của mình để mình giúp gia đình mở phòng khám đa khoa, làm dịch vụ chăm sóc răng bên ngoài. Mình giàu nhờ chuyện này. Mình rất tự tin.

Khắc xuất, khắc nhập, đời sống liệu thay đổi ra sao?!
– Chị không đặt phương án luân chuyển hay có thể hên xui gì nữa sao? Nghe chị chắc ăn đến mức tôi thấy ngại?
– Không, mình tin vào khả năng của mình và hơn hết, đợt tinh giản biên chế, luân chuyển cán bộ này, mình đặt mình vào thước đo sự thật, tức người như mình mà bị cho ra rìa, để hai cụ kia lên làm giám đốc sở thì thú thực, mình sổ toẹt và mình chẳng có tha thiết với một loại cơ chế như vậy. Vì mình biết mình là ai, họ là ai. Họ thiếu chuyên môn mặc dù bằng cấp đầy mình, có cả học hàm nữa kia! Nhưng chuyên môn và tư cách yếu quá!
Chị giám đốc sở y tế của một tỉnh miền Trung này vốn là người có thành tích học tập xuất sắc trong suốt quá trình học từ tiểu học đến đại học, cao học, chị cũng là một đảng viên thuộc diện có vi có vảy nên tự tin cũng có cái lý của chị. Nhưng trong thực tế, sẽ còn rất nhiều chuyện khuất tất, không thể giải quyết ngày một, ngày hai được. Bởi khắc xuất một thời đã khó, như năm 1997 thế kỷ trước, tỉnh Nghĩa Bình tách thành hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Ở các cơ quan rộ lên chuyện có một cơ quan nọ, khi cán bộ Bình Định dời về Quy Nhơn, họ đã xin cán bộ Quảng Ngãi cho họ cái bàn vào văn phòng mới. Phía Quảng Ngãi không đồng ý, và cuối cùng, cưa đôi cái bàn.
UC