Một trong những bệnh mà người lớn tuổi thường gặp nhất là cao huyết áp hay cao máu. Hệ thống mạch máu trong cơ thể thay đổi theo tuổi, càng lớn tuổi mạch máu càng cứng làm cho huyết áp tăng, ngay cả ở người có sức khỏe tốt. Mặc dầu cao máu ảnh hưởng tới khoảng một nửa số người lớn tuổi, rất nhiều trong số đó không nhận ra mình bị bệnh. Không kiểm soát được cao máu sẽ đưa tới nhiều thứ bệnh. Dưới đây là một vài điều cần biết.
- Ai có thể bị cao huyết áp?. Bất cứ ai cũng có thể bị cao huyết áp. Người bị các bệnh như hội chứng về trao đổi chất, bệnh thận, bệnh tuyến giáp, sẽ bị cao huyết áp. Một số vấn đề khác cũng ảnh hưởng như: (1) tuổi, càng lớn tuổi càng dễ bị cao huyết áp; (2) giới tính, trước 55 tuổi nam giới dễ bị cao huyết áp hơn nữ giới; (3) di truyền; (4) chủng tộc, người gốc Phi Châu dễ bị cao huyết áp hơn chủng tộc khác.
Ban đầu, người ta không thấy triệu chứng bệnh cao huyết áp cho tới khi bác sĩ kiểm tra vài lần vẫn cho kết quả cao, lúc đó mới xác định bị cao huyết áp và bắt đầu dùng thuốc điều trị.
- Làm sao kiểm soát được huyết áp. Huyết áp có thể giảm bằng cách thay đổi cách sống và thói quen, hoặc dùng thuốc. Dưới đây là một số điều cần tránh để giúp giữ huyết áp điều hòa:
– Giữ cho đừng bị béo phì. Càng nặng cân, càng dễ bị cao huyết áp. Vì vậy cần phải đốt bớt năng lượng thu vào từ ăn uống.
– Tập thể dục: Hoạt động bình thường, đi bộ, bơi lội đều giúp giảm huyết áp. Nên cố gắng tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần hay 20 phút mỗi ngày.
– Ăn uống điều hòa: nên ăn nhiều rau, trái cây, hạt, chất đạm, sữa. Huyết áp sẽ giảm nếu ăn uống cẩn thận.
– Bớt ăn muối.
– Không uống rượu.
– Không hút thuốc.
– Ngủ đầy đủ.
– Giảm căng thẳng.
Ngoài việc phải thay đổi cách sống, bác sĩ sẽ cho thuốc để làm giảm huyết áp. Người già bị huyết áp tâm thu (systolic hypertension) cũng được điều trị tương tự như người bị huyết áp cao khác. Thuốc giúp kiểm soát huyết áp nhưng không làm cho nó hết hẳn. Vì vậy thường phải uống thuốc trong thời gian rất dài.