Ngày 5 – 6 – 2023

Nghia Bui  (Oklahoma City)

Tôi đang hào hứng theo dõi câu chuyện “Con nợ chú một đời” trên báo Trẻ, câu chuyện thật sống động, lôi cuốn. Nhưng tiếc là ngắn quá anh chị ơi, có thể nào đăng dài hơn mỗi tuần được không ạ?

Trẻ hiện nay khá nhiều Chuyên Mục mỗi tuần, nên việc phân bổ “đất đai” có giới hạn. Mong bạn thông cảm.

Ngày 11 – 6 – 2023

Nguyen Anh Do  (lilburn – ga)

Cũng khá lâu rồi, tôi ít đọc báo giấy, lâu nay tôi thường lướt mạng, nhanh-tiện-gọn, chắc thói quen này “du nhập” trong thời gian giữ hai đứa cháu Ngoại.

Vừa rồi có cô bạn khoe có bài đăng báo, cổ khoe, còn cho tôi tờ Trẻ. Hôm ghé chơi tặng tôi một tờ. Nể bạn, tôi định đọc bài của bạn tôi mà thôi (thực ra cũng có dính tên tụi tôi vô trỏng tí xíu, hihiii)…

Nhưng càng đọc càng thích, báo Trẻ có nhiều mục hay, hữu dụng như Thuế Vụ, An Sinh Xã Hội, và những bài viết rất hay, hình vẽ thật đẹp. Tôi thấy mình học hỏi trên tờ báo này những điều thiết thực hơn là những thông tin tầm xàm trên mạng…

Cảm ơn bạn. Chúng tôi tin rằng, tất cả anh chị em làm việc tại Trẻ cũng như tất cả cộng tác viên sẽ cảm thấy “mát lòng” khi nghe những dòng tâm sự của bạn.

Ngày 8 – 6 – 2023

Xem thêm:   Trang thư tín ngày 20 tháng 3 năm 2025

Denny Mạnh   (Deerfield Beach – FL)

Tôi tìm đọc báo Trẻ mỗi tuần, đặc biệt người yêu thích “đồng hương” thông thái Trần Lý Lê của chúng tôi. Trong bài “Lại chuyện cà phê” (đã đăng tại https://baotreonline.com/van-hoc/the-gioi-cua-de-men/lai-chuyen-ca-phe.baotre), tôi đọc thấy đoạn “…hồi trước, cà phê “cứt chồn” của Việt Nam ta được bán cao giá nhất. Nhà vườn cho chồn hương ăn hạt cà phê, chờ thức ăn tiêu hóa rồi bài tiết mà thu hoạch cà phê từ phân….”. Thời Pháp, gia đình tôi có hàng trăm mẫu cà phê tại Lâm Đồng. Những người nhân công thường lượm cà phê cứt chồn cho ông Nội tôi, ông tôi rất thích, bảo là “chất lượng” hơn cà phê hái. Ông giải thích, con chồn chọn những hạt chín nhất, ngon nhất để ăn. Khi tiêu hóa phần thịt, tức lớp vỏ (có chất ngọt ngọt), còn hạt cà phê chúng thải ra nguyên si, vón vào nhau một những cục nhỏ. Đây là một sự chọn lọc tự nhiên chứ nuôi bao nhiêu con chồn để cung cấp cà phê cho đủ :) ha ha…

Cách giải thích của bạn có lý và thú vị. Rất đáng để các nhà nghiên cứu về cà phê trên thế giới ghi nhận, tham khảo, và bổ túc.