Có thể lý giải câu tục ngữ Việt Nam “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” theo vài nhìn nhận lẫn tập quán của người Việt theo dăm cách khác nhau. Giải thích cách nào thì có một ý nghĩa hiển hiện là, mẹ thương con và bà thương cháu. Bởi bà, ngoại hay nội thì đó cũng là những người mẹ. Truyền tình yêu thương với con cái xuống các cháu.

Không chỉ mối quan hệ ông bà và con cháu có trong văn hóa Việt Nam mà ở bất cứ nền văn hóa nào. Người Mỹ còn có cả ngày Ông Bà (Grandparents’ Day) vào tháng Chín hàng năm, nhắc nhở và tôn vinh mối quan hệ và tình yêu thương vô điều kiện của ông bà cùng các cháu.

Những năm các con tôi còn học bậc tiểu học, năm nào tôi cũng chở mẹ tôi đến trường trong ngày Ông Bà để các cháu dẫn ông bà thăm lớp học, gặp thầy cô giáo rồi bưng mời bà Nội cái bánh, chai nước mà thầy cô giáo chuẩn bị. Ðó là một tập tục, một văn hóa đáng trân trọng và cần học hỏi.

Các số liệu cho biết khoảng một phần tư ông bà Mỹ trông nom các cháu nội-ngoại cho con. Không có số liệu về ông bà người Việt nhưng ắt phải cao hơn nếu ông bà còn khoẻ mạnh, đủ sức trông nom các cháu sau nghỉ hưu. Ðó là niềm vui của ông bà và đồng thời là lợi ích to lớn cho các em, không kể đó là điều giúp đỡ con cái rất nhiều, về thời gian và tiền bạc.

Xem thêm:   Cây trứng cá trong trại "cải tạo"

Các cháu học được sự gắn bó, lòng yêu thương trong gia đình qua tình yêu thương của ông bà. Học thêm được những bài học đời sống mà cha mẹ các em vì công việc và thời gian đã không thể làm hết những điều cần làm. Ông bà cũng truyền dạy cả những kinh nghiệm nuôi con, sự hiểu biết của người già cho con cái trong việc nuôi dưỡng các cháu, đặc biệt là những cha mẹ trẻ, lần đầu tiên có con nhỏ.

Và ngược lại, đó là niềm vui của tuổi già, của những ông bà còn khoẻ mạnh sau khi nghỉ hưu. Vào mạng xã hội, rất nhiều ông bà hầu như chỉ đăng hình, đưa các mẩu chuyện nho nhỏ về các cháu của mình. Tất nhiên không phải ông bà nào cũng yêu thương cháu như vậy, nhưng chúng ta không nói về những điều cá biệt.

Những tối khi các con tôi còn nhỏ, tôi không đọc sách cho các con nghe như người Mỹ hay các em gốc Việt sinh ra, lớn lên tại Mỹ làm hàng đêm mà tôi mở vài đoạn phim về giải trí giáo dục lẫn kiến thức dành riêng cho trẻ nhỏ để các cha con cùng xem và nghe trước khi ngủ. Tôi giải thích thêm về văn hóa, lịch sử lẫn kiến thức từ những đoạn phim nho nhỏ như vậy. Và tôi thường kể về chuyện gia đình cho các con nghe, để hiểu thêm về hành trình của ông bà, cha mẹ và lý do người Việt đã đến và sống trên nước Mỹ.

Xem thêm:   Sài Gòn còn mãi tuổi xuân

Tôi thường bảo các con, những gì các con có được ngày nay là nhờ lòng yêu thương và hy sinh vô bờ của ông bà nội, ngoại. Bởi ông bà là những người đã nuôi nấng dưỡng dục cha mẹ trở thành những người hôm nay và có điều kiện lo lại cho các con. Sự đầy đủ và may mắn của các con không chỉ từ cha mẹ mà cả từ ông bà.

Không biết những điều tôi dạy các con có tác dụng hay ảnh hưởng gì nhiều, bởi trẻ nhỏ không chỉ nghe mà còn quan sát, học hỏi từ việc cha mẹ mình đối xử với ông bà mình. Nhưng các con tôi lớn lên với sự gắn bó, thân thiết với mẹ tôi rất nhiều.

Mười mấy năm trước, khi mẹ tôi sang sống thành phố khác theo em gái tôi vừa có con nhỏ, tuần đầu tiên là những ngày khó khăn nhất. Con gái tôi đi học về là đi tìm bà Nội, cứ đứng khóc mà gọi Nội. Tôi gọi điện thoại cho con nói chuyện với bà Nội rồi cả hai bà cháu cùng khóc trên điện thoại. Chắc đâu cũng vài tháng mới nguôi ngoai.

Lòng yêu thương của ông bà không thay đổi nhưng các em đến tuổi thiếu niên thì mối quan hệ, gắn bó với ông bà không còn thể hiện nhiều như lúc nhỏ.

Không phải lòng yêu thương, kính trọng ông bà sút giảm mà đến cái tuổi mà việc học hành, các hoạt động học đường rồi bạn bè trở thành mối quan tâm hàng đầu của các em. Nếu không hiểu những giai đoạn phát triển tâm sinh lý của các em, không ít người sẽ xem các em như vô tâm, không biết quan tâm đến cha mẹ, ông bà, thậm chí tỏ thái độ không hài lòng hay chỉ trích. Ðó là điều bắt đầu rạn nứt mối quan hệ gia đình với các em đang vào tuổi ương bướng. Một số người không nhận thấy những lý do hay cách ứng xử của mình, chỉ đổ lỗi cho con cháu, đó là điều không nên.

Xem thêm:   Cây trứng cá trong trại "cải tạo"

Mùa Vu Lan, tôi không chia sẻ cùng các bạn về Mẹ mà về bà cháu, về một tình yêu thương thế hệ to lớn và sâu đậm không kém tình mẫu tử. Những bà nội, bà ngoại rồi sẽ già đi, thậm chí đến lúc nào đó sẽ phải chia tay với con cháu theo quy luật thời gian nhưng lòng yêu thương không bao giờ già đi của ông bà là một tài sản to lớn để lại cho con cái và các cháu trong hành trình cuộc đời và tiếp tục qua các thế hệ.

ĐYT

Mùa Vu Lan 2022