“Bầu cho ai hay bầu cho đảng nào?” là một câu hỏi chắc hẳn nhìều người ở Mỹ trăn trở trong những ngày gần đây khi mùa bầu cử đang đến gần. Đối với tôi được trăn trở vì câu hỏi nầy là một điều may mắn vì ít nhất tôi có hai hay nhiều đảng để lựa chọn và quan trọng nhất là tôi có tự do thực sự để được đi bầu cho những người lãnh đạo đất nước của mình.
Ở đây chúng ta có đầy đủ thông tin để hiểu rõ chính sách và đường hướng của mỗi ứng cử viên và mỗi đảng. Tuy nhiên việc lựa chọn cũng không phải là dễ dàng vì nói cho cùng không có ứng cử viên hay đảng phái nào có những đường hướng, chính sách hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của mình.Cho nên cuối cùng mỗi lá phiếu được bỏ cho ai đều tùy thuộc vào ưu tiên của mỗi công dân cho những vấn đề của đất nước, xã hội hay cá nhân mình.
Đành rằng môĩ ngươì đều có những ưu tiên khác nhau, nhưng đã là một công dân của một quốc gia có tầm cở lớn mạnh nhất nhì thế giới như Hoa Kỳ thì chắc hẳn ai cũng hiểu rằng sự lưạ chọn những người lãnh đạo đất nước không những quan trọng cho Hoa Kỳ mà còn cho cả thế giới. Trên quan điểm đó, sự an ninh, hoà bình, ổn định trên toàn thế giới trong ngắn hạn cũng như dài hạn chắc hẳn được nhìều người cho là quan trọng và đặt vào thứ bậc ưu tiên cao cả nhất.
Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để bảo đảm an ninh, hòa bình, ổn định cho cả thế giới?
Câu hỏi trên quả là không dễ tí nào vì thế giới nầy là mênh mông với nhiều quốc gia có những quyền lợi khác nhau và chủ đích khác nhau, có những nước có thể sống yên bình với nhau và có những nước luôn coi nhau là thù nghịch. Nhưng dù gì đi nữa thì một lãnh đạo quốc gia như Hoa Kỳ thì phải có một cái nhìn bao quát và lâu dài cho những mối nguy của nhân loại để có những chính sách đối ngoại khôn khéo và phù hợp. Chắc hẳn ở trong thời đại của chúng ta, nhiều người cũng nhận thấy rằng, các nguyên cơ của sự bất ổn phần lớn là có xuất phát hay dính dáng đến Trung Cộng và cái mộng bá chủ của nó. Trung Cộng luôn mong muốn và có kế hoạch để vượt qua Hoa Kỳ về nhiều phương diện từ quốc phòng, kinh tế, khoa học kỷ thuật, và ảnh hưởng quốc tế. Nhưng để thực hiện cái mộng bá chủ của mình họ đã dùng đủ mọi thủ đoạn, dù cho đó là gian lận, là ăn cắp bản quyền, là gây ra ổ nhiểm môi trường, là chiếm đất chiếm biển, chèn ép bắt nạt các nước nhỏ, là vi phạm luật pháp quốc tế họ cũng không từ nan. Đó là nguyên nhân cho những sự bất an hay xung đột trên thế giới và nếu không được ngăn chặn và sửa đổi thì cái kết quả cuối cùng sẽ là chiến tranh.
Luật pháp quốc tế được đặt ra là để gìn giữ hòa bình và ổn định. Nếu luật pháp quốc tế không được tôn trọng thì đó là khởi đầu cho chiến tranh. Lấy ví dụ ở tuyên bố đường lưỡi bò của Trung Cộng và những hành động của nó như xua đuổi, cấm đoán, đâm chìm những tàu bè qua lại ở trong vùng lưỡi bò đó là một vi phạm luật pháp quốc tế.
Ai là người đã mạnh dạn lên án và có những hành động trừng phạt những công ty và cá nhân của Trung Cộng liên hệ đến sự vi phạm trên, cũng như có nhiều chính sách khác để bắt buộc Trung Cộng phải thay đổi những chủ trương và hành động bất chính của nó?
Và ai là người tuyên bố sẽ để cho Trung Cộng tiếp tục hành xử như xưa nay nếu thắng cử?
Đây là một câu hỏi không khó để trả lời nhưng vô cùng quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng đến sự an ninh, ổn định và hòa bình thế giới trong đó có sự an nguy của mỗi ngưòi chúng ta.
Một lãnh vực khác cũng không kém phần quan trọng và luôn là ưu tiên hàng đầu cho nhiều người, đó là lãnh vực kinh tế. Câu hỏi được đặt ra là ai có kinh nghiệm và thành tích phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy đầu tư, quân bình cán cân thương mại, xây dựng niềm tin để mọi người đầu tư cho tương lai đất nước? Chỉ cần nhìn vào những con số không biết nói dối thì mọi người sẽ biết được ai là người đã làm được những điều đó và xứng đáng nhận điểm cộng của mình.
Có nhìều vấn đề trong xã hội dù lớn hay nhỏ cũng có thể là ưu tiên của mỗi ngươì, chẳng hạn là vấn đề di dân, giáo dục, trợ cấp xã hội, y tế, bảo hiểm sức khoẻ… Mỗi ưu tiên đều rất chính đáng, tuy nhiên trong mỗi lãnh vực tự nó không thể tồn tại một mình mà phụ thuộc vào nhau. Chẳng hạn như để có bảo hiểm sức khỏe không tốn tiền, hay trợ cấp xã hội cao, thì trước hết chính phủ phải có đủ tiền. Để có đủ tiền thì chính phủ phải có những chính sách thành công trong việc phát triển kinh tế. Nếu nền kinh tế èo uột, nạn thất nghiệp tăng cao thì những dịch vụ khác trong xã hội sẻ bị ảnh hưởng.Cho nên nếu một ứng cử viên chỉ chú trọng đến các phúc lơị xã hội mà coi nhẹ sự phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm thì chắc hẳn rất ít người bỏ phiếu cho ông ta.
Có hai vấn đề nghiêm trọng đã xảy ra trong năm 2020 mà sẽ ảnh hưởng đến sự quyết định bầu cử của mỗi người đó là đại dịch COVID-19 và phong trào biểu tình đòi công lý phần lớn do BLM (Black Lives Matter) chủ xướng.
Đại dịch COVID-19 đã làm thiệt hại lớn lao về nhân mạng và kinh tế cho nước Mỹ và cho cả thế giới. Điều quan trọng nhất bây giờ là làm sao để ngăn chặn sự phát triển và cuối cùng là triệt tiêu nó, sau đó là tìm biện pháp phòng ngừa để một đại dịch tương tự sẽ không xảy ra. Thực tế cho chúng ta thấy thì những biện pháp phòng ngừa đã được loan báo từ lâu như giữ khoảng cách xã hội, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, và tự động ngăn cách khi bị nhiễm bịnh, vấn đề quan trọng ở đây là những hướng dẫn trên có được tuân thủ một cách triệt để và đúng đắn hay không? Qua những thống kê thì rõ ràng số người bị nhiễm COVID-19 tăng cao khi có những tụ tâp đông người như ở các quán bar, các nhà hàng, các bãi biển, các cuộc xuống đường biểu tình. Nước Mỹ đã không phòng ngừa tốt như những nước khác như Đài Loan, Tân Tây Lan, Canada …vì nước Mỹ đông dân, rộng lớn, du khách và sinh viên ra vô tấp nập, và nhất là có nhiều người dân Mỹ quá coi trọng sự tự do và không thể chịu đựng sự gò bó. Vì khó để mà tự cô lập nước Mỹ một cách toàn diện trong một thời gian lâu, chính phủ Mỹ đã tập trung tối đa vào việc tìm kiếm và thử nghiệm thuốc ngừa và thuốc trị COVID-19, và cho đến ngày hôm nay, chúng ta đã nghe nhiều thông tin về các loại thuốc ngừa đang được thử nghiệm ở giai đoạn cuối và có thể được chuẩn thuận và xử dụng trong vài tháng tới. Đây là sự đột phá chưa có tiền lệ vì thông thường một loại thuốc chủng ngừa phải tốn nhiều năm để được tìm ra và đưa vào xử dụng.
Ngăn ngừa và chấm dứt đại dịch COVID-19 là điều vô cùng quan trọng, tuy nhiên một việc khác cũng không kém phần quan trọng là tìm hiểu cội nguồn và những lý do đã làm cho con vi trùng Vũ Hán lan truyền đi khắp thế giới. Điều đó sẽ giúp cho nhân loại có những biện pháp ngăn ngừa hoặc chận đứng trước khi quá trễ những con vi trùng mới có thể gây đại dịch tương tự trong tương lai. Với những gì chúng ta biết đến ngày hôm nay, thì COVID-19 đã xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc và lan truyền đi cả thế giới vì không được phong tỏa và ngăn chận từ đầu. Có điều tra, có minh bạch hóa, có qui trách nhiệm và thủ phạm có bị lên án và bị bắt bồi thường thì mới học được bài học mà tránh đươc sự tái phạm lần sau.
Chắc hẳn ứng cử viên nào làm tốt hai điều trên sẽ nhận được điểm cộng của người dân.
Về phong trào biểu tình đòi công lý đã và đang xảy ra ở nhiều nơi, chắc hẳn đa số chúng ta ủng hộ những cuộc biểu tình ôn hòa vì đó là một trong những quyền tự do có ghi rõ trong hiến pháp Hoa Kỳ. Tuy nhiên nếu lợi dụng biểu tình để đập phá và hôi của thì đã vi phạm luật pháp và là điều không ai đồng ý. Kêu gọi thực thi công lý, cải tổ luật pháp để tránh sự lạm dụng quyền lực của Cảnh Sát là điều nên làm, nhưng đòi xóa bỏ hay giảm ngân sách Cảnh Sát, hay lập các khu tự trị không tuân thủ luật pháp là đi ngược lại trào lưu tiến hóa của nhân loại. Nêu rõ những trường hợp bất công mà một số Cảnh Sát đã đối xử với người da màu và đòi công lý cho nạn nhân là điều đáng làm, nhưng kêu gọi bạo động và vu cáo chính quyền là phân biệt chủng tộc một cách có hệ thống là cố tình bóp méo sự thực để gây rối loạn xã hội. Từ những hành động sai trái của một số Cảnh Sát có tính cách địa phương không dính dáng gì đến đảng phái, vấn đề lại được qui trách nhiệm về trung ương và cho đảng cầm quyền là điều không công bằng. Tuy vậy phần lớn cử tri sẽ nhận ra đâu là sự thực và ai sẽ là người có thể giải quyết vấn đề. Chúng ta thấy hai đường hướng khác nhau: một là thực thi công lý, tái lập trật tự, cải tổ Cảnh Sát để giảm thiểu sự lạm dụng quyền lực, hai là xoá bỏ Cảnh Sát, lập những khu tự trị và đưa nước Mỹ trở về thời kỳ ăn lông ở lỗ? Sự lựa chọn đã quá rõ ràng.
Càng đến gần ngày bầu cử thì những chiến dịch tranh cử càng rầm rộ và sôi động, và hai phe ủng hộ Dân Chủ và Cộng Hòa cũng có những lời đã kích lẫn nhau, thậm chí có người cho là đảng nầy tốt, đảng kia xấu, hay đảng nầy thân cộng, đảng kia kỳ thị…
Sự thật thì nước Mỹ đã có đa đảng từ hàng trăm năm qua và hai chính đảng Dân chủ và Cộng Hòa đã thay nhau lèo lái con thuyền nước Mỹ vượt qua bao sóng gió để có được ngày hôm nay. Một nướcMỹ giàu mạnh và tư do nhất thế giới. Đảng nào cũng có những người tài giỏi hay yếu kém, tuy nhiên nhờ hệ thống đa đảng và một hệ thống luật pháp nghiêm minh, công bằng và khá hoàn thiện, nước Mỹ có nhiều nhà lãnh đạo tài năng, lỗi lạc dẫn dắt đất nước tiến lên.
Bên đảng Dân Chủ thì có những vị tổng thổng như Woodrow Wilson lãnh đạo đất nước trãi qua thời kỳ khó khăn của đệ nhất thế chiến. Sau đó là tổng thống Franklin D. Roosevelt lãnh đạo đất nước đánh bại khối Phát Xít Đức, Ý, Nhật trong đệ nhị thế chiến để giải cứu hàng trăm triệu dân lành ở Âu Châu và Á Châu ra khỏi vòng kềm kẹp của Phát Xít. Trong thời chiến tranh lạnh thì có tổng thống John F. Kenedy mạnh mẽ chống lại sự bành trướng của khối Cộng Sản do Liên Xô lãnh đạo và những nước Cộng Sản đàn em như Cuba hay Việt Cộng tiếp tay gây hấn.
Bên đảng Cộng Hòa thì có tổng thống Abraham Lincoln là vị tổng thống tài ba trong thời kỳ nội chiến của Mỹ. Ông đã có công trong việc thống nhất đất nước và làm cho Hoa Kỳ giàu mạnh nhờ vào những chương trình hiện đại hóa quốc gia. Đặc biệt nhất là chủ trương xóa bỏ nô lệ và giải phóng những người da màu của ông đã mở ra một thời đại mới cho nước Mỹ để mọi người cùng chung tay xây dựng đất nước. Sau đó là tổng thống Ronald Reagan, người nổi tiếng với thành quả là làm cho khối Cộng Sản Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Ông đã có công lớn trong việc giải phóng hàng trăm triệu người dân ở nhiều nước trên thế giới ra khỏi sự tàn bạo và vô nhân của chủ nghĩa Cộng Sản.
Nhìn về quá khứ để chúng ta nhớ lại rằng đảng Dân Chủ cũng đã từng đi đầu trong những chính sách chống Cộng. Có chăng là những cá nhân được cho là cực tả len lỏi vào được trong đảng Dân Chủ và công khai chủ trương vận động cho một đường hướng cực tả có tên là Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa (Democratic socialism). Điều nầy làm cho nhiều người lo sợ, vì thực tế là có người như vậy, Bernie Sanders, suýt được đảng Dân Chủ đề cử làm ứng cử viên tổng thống. Tuy nhiên đảng Dân Chủ sớm hay muộn gì cũng phải chỉnh đốn lại hàng ngũ vì họ biết rằng đa số người Mỹ rất yêu chuộng tự do và không bao giờ chấp nhận chủ nghĩa Xã Hội hay Cộng Sản ở đất nước nầy.
Về bên phía đảng Cộng Hòa, họ không thể nào là một đảng phái có chủ trương kỳ thị người da màu vì thực tế những người nô lệ da màu ở Mỹ đã được giải phóng bởi một vị tổng thống của đảng Cộng Hòa.
Trở lại câu hỏi “Bầu cho ai?” thì chúng ta hãy xem đó là một niềm trăn trở của mỗi người. Chắc hẳn mỗi người đều có những suy nghĩ và ưu tiên riêng. Có người đặt nặng ưu tiên cho cuộc sống thực tế của mình hay những gì trước mắt. Có người lo cho quê hương, đất nước hay sự an nguy của cả thế giới và nhân loại nầy. Có người thay đổi quan điểm tùy theo thời cuộc nhưng có người nhìn xa trông rộng và đặt nặng ưu tiên của mình dựa trên chính sách và hành động có tính cách lâu dài. Dù gì đi nữa thì đi bầu là thể hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân của mỗi người, chúng ta nên trân trọng nó và cũng nên trân trọng cái kết quả của những cuộc bầu cử vậy.
Đinh Hoàng Việt