“Continental ngày nay vẫn còn giữ vị trí đắc địa trên mỏm đất cao, nhìn về hướng bờ sông qua con đường Đồng Khởi (Catinat/Tự Do) xinh đẹp. Hào quang xưa nay đã lu mờ, nó không còn lợi thế so sánh vẻ lộng lẫy sang trọng với nhiều khách sạn xây mới sau này, nhưng nếu biết cách, vinh quang ấy sẽ trở lại” (Cha con Franchini và lãnh địa Continental).

Continental Palace thời đệ nhị VNCH còn có tên khách sạn Đại Lục (Nguồn: Manhhaiflickr)  

Ðó là nhận định của tác giả Phạm Công Luận trong tập V “Sài Gòn Chuyện Ðời Của Phố”. Cách nhìn nhận tương quan với nhiều người quan tâm đến việc bảo tồn văn hoá kiến trúc thuộc địa kể từ khi khách sạn xưa nhất Sài Gòn được trùng tu lớn trong ngoài vào năm 1989 đã làm thay đổi đường nét của khách sạn hơn trăm năm trước mà nó từng sở hữu. Và cũng chính vị chủ nhân đời thứ hai là ông Philippe Franchini từng viết thư cho tác giả trước khi ông về thăm lại Sài Gòn lần thứ hai vào giữa năm 2017 với một nhóm làm phim tài liệu về những người gốc đảo Corse thành công trên thế giới: “Continental ngày nay chẳng có gì để xem, ngoại trừ toà nhà, với người ta từng biết nó qua thời thuộc địa, chiến tranh Thái Bình Dương, rồi những năm tháng “Nhật Bản”, chiến tranh giải thực, chiến tranh Hoa Kỳ!”

Riêng tôi may mắn còn nhìn thấy hình ảnh của Continental ngày xưa trước khi nó đổi tên thành khách sạn Hải Âu sau năm 1975 khi chủ nhân Philippe Franchini rời bỏ Sài Gòn mà ông có thời gian 10 năm chẵn kế thừa làm chủ Continental. Thực ra, vào khoảng thời gian nhà hàng khách sạn Hải Âu thay bảng tên cũ được năm sáu năm, tôi mới bước chân ra đời đi làm kiếm tiền vì vậy mới có dịp ngồi với đám bạn bè bù khú cà phê dưới bóng tàn mấy cây sứ già bên trong khách sạn. Vào khu vực này, không cần vào cửa chính khách sạn, phía cuối dãy nhà hướng ra đường Công trường Lam Sơn có một lối dẫn vào khu vực cà phê rất yên tĩnh. Vào thời gian ấy, nhiều công trình xây dựng từ thời Pháp thuộc ở trung tâm Sài Gòn vẫn còn giữ được nét nguyên thuỷ ngày xưa.

Xem thêm:   Cao Xuân Huy

Công việc của chúng tôi có một phần gắn liền với kiến trúc. Ông sếp tổ trưởng là một vị lão thành, trước năm 1975 từng làm ở Nha Thiết kế Ðô thị. Nhâm nhi tách cà phê nói chuyện kiến trúc ở trung tâm Sài Gòn, ông gợi mở cho chúng tôi hiểu biết thêm nhiều điều thú vị, trong khi ông tỏ ra tiếc nuối việc cấu trúc quy hoạch Sài Gòn sau bị phá vỡ bởi tốc độ phát triển đô thị quá nhanh vào đầu thập niên 1960. Sài Gòn cũ mới đan xen. Tại trung tâm duy chỉ còn Continental Palace với một cái tên kèm theo là khách sạn Ðại Lục vào thời VNCH, và Nhà Hát Lớn còn cận kề nhau là điều an ủi cho người quan tâm bảo tồn kiến trúc.

Hàng hiên tầng dưới bên hông đường Catinat của khách sạn làm nơi bán cà phê thức ăn nhẹ sáng chiều trước 1954 (nguồn: Manhhailfickr)

Ðúng vậy. Phạm Công Luận viết: “Ông (Philippe Franchini) và cái khách sạn cũ kỹ qua bao thăng trầm như vậy vẫn còn tồn tại. Dù sao, vẫn còn lại nhiều thứ của một thời đã qua. Nhà Hát Thành Phố đã phục chế lại gần giống như thuở ông còn bé. Ðứng trên ban công của một căn phòng mặt tiền, nhìn ra phía đường Ðồng Khởi bên hông khách sạn Caravelle, đôi khi có một chiếc Traction phục chế đi qua, gần giống như hình ảnh trong bức bưu thiếp xưa. Sân trong khách sạn với những cây sứ trắng già cỗi có từ khi khách sạn hình thành trong nắng sớm…” Chẳng thế mà sau khi rời bỏ Sài Gòn năm 1975, ông Philippe Franchini về Pháp viết ngay cuốn sách Continental Saigon trong vòng một năm và xuất bản ngay sau đó. Tất cả những ký ức từ thời cha của ông mua lại khách sạn và chuyện cội nguồn quê ngoại ở đồng bằng sông Cửu Long đã thôi thúc ông trở về lại chốn xưa. “Tôi cảm thấy thoải mái như trở về nhà mình!” Franchini đã nói với bà phó giám đốc khách sạn trong lần trở về hồi năm 2005 (Phạm Công Luận).

Continental bắt đầu được xây dựng vào năm 1878, khánh thành hai năm sau đó. Ông Pierre Cazeau nguyên là một nhà buôn bán vật liệu xây dựng. Sở dĩ ông mua mảnh đất bên ngay trung tâm đắc địa ở Sài Gòn để xây khách sạn bởi lúc đó nhu cầu lưu trú khách du lịch từ Pháp sang Ðông Dương ngày một tăng do nhiều người muốn biết Sài Gòn và Angkor Wat. Quần thể Angkor Wat chỉ mới được phát hiện vào năm 1863, một di chỉ văn hoá Campuchia có từ ngàn năm trước bắt đầu được giới thiệu tại Paris trong các cuộc triển lãm từ năm 1889 đến 1937. Vẻ đẹp của Angkor Wat cũng xuất hiện trong Bảo tàng thạch cao của Louis Delaporte với tên gọi Bảo tàng Ðông Dương (Musée Indochinois) từng nằm trong Cung điện Trocadéro tại Paris từ năm 1880 cho đến giữa thập niên 1920. Người Pháp giàu có và các nước châu Âu khác rất muốn du lịch sang Ðông Dương. Ðể đến được Angkor Wat, cửa ngõ đường biển Sài Gòn là điểm đến trước tiên. Khách sạn Continental ra đời đúng giữa thời điểm đó. Và cũng là khách sạn xưa nhất Sài Gòn.

Xem thêm:   Người tháp chữ A vào tên PARIS

Tuy vậy, đến năm 1911, khách sạn được gia đình Cazeau sang tên cho công tước De Montpensier, người được cho là đã bỏ tiền xây dựng Lầu Ông Hoàng tại Phan Thiết. Ðến năm 1930, có chủ mới là Mathieu Franchini, một người đến từ đảo Corse. Philippe kể lại trong cuốn sách của mình, khi cha anh mới mua khách sạn, một người bạn của ông ta thốt lên: “Mathieu, anh vừa tậu được lịch sử của Sài Gòn đấy!” (Phạm Công Luận). Sau khi mua xong khách sạn, Mathieu Franchini bắt đầu cho sửa sang trang trí lại và bắt đầu kinh doanh nhà hàng khách sạn. Tầng một của khách sạn đặt một sòng bài, nơi mà các nhà quản trị hành chính, lữ khách, chủ đồn điền và chủ ngân hàng họp mặt chơi bài. Bên ngoài hành lang, tầng một bài trí bàn ghế cho khách ngồi uống cà phê hay rượu vang và thức ăn nhẹ.

Khách sạn Continental thuở Sài Gòn còn chưa xuất hiện xe hơi (Ảnh: Tài liệu)

Continental chắc chắn là “lịch sử” Sài Gòn thuở đó, bởi trước đó ba thập kỷ Sài Gòn đã có các quán Cafe (thực tế tiệm Cafe đều có bán rượu vang và rượu nặng nhập cảng từ các nước châu Âu, cũng như thức ăn sáng), như Grand Cafe de la Musique trên đường Catinat và Grand Hotel De Nations ngay góc đường Bonard và Charner (Lê Lợi và Nguyễn Huệ sau này). Ngoài những tiệm Cafe của người Pháp làm chủ, đến năm 1925 Hui Bon Hoa một tư sản người Hoa ở Sài Gòn mua mảnh đất tại Bến Sài Gòn và đầu đường Catinat, xây lên một khách sạn ba tầng lầu theo kiến trúc Pháp gồm 44 phòng, đó là khách sạn Majestic. Ông Mathieu Franchini ngoài điều hành khách sạn của mình, ông còn điều hành luôn cả Majestic sau khi khách sạn này thuộc về sở hữu của Sở Du lịch và Triển lãm Ðông Dương (The Indochina Tourism & Exhibition Department) vào năm 1948.

Xem thêm:   Triết Gia & Danh Ca

Mathieu Franchini là ai? Ông là một người sống ở đảo Corse, một hòn đảo nằm về phía Ðông Nam trên biển Ðịa Trung Hải. Dân sống ở đảo Corse không giàu, nên sau khi Pháp chiếm Sài Gòn, nhiều người ở đảo Corse muốn sang Sài Gòn tìm cuộc sống mới. Ông Mathieu Franchini đến Sài Gòn cuối thập niên 1920, nhờ lấy được vợ là bà Lê Thị Trọng, con gái của Ðốc phủ Lê Văn Mầu, điền chủ lớn tại Mỹ Tho. Ðất đai của Ðốc phủ Mầu rất nhiều, cả cù lao Năm Thôn (Ngũ Hiệp hiện nay) đều là của ông. Nhiều bài viết về Continental cho rằng, Ðốc phủ Mầu mua lại khách sạn để làm của hồi môn cho con gái khi lấy chồng. Tác giả Phạm Công Luận liên lạc được với ông Philippe Franchini để tìm hiểu hư thực: “Cha tôi mua Continental với số tiền 155.000 piastres (tiền Ðông Dương) thông qua cuộc đấu giá, ông đang là đại lý của hãng CIE Gerneral Motors (chuyên sản xuất xe Chevrolet, Pontiac, Cadillac…) Ðây là một khoản tiền trả góp khá lớn trong đó bao gồm chi phí cho những hạng mục cần sửa chữa. Ông ngoại tôi, Ðốc phủ Lê Văn Mầu, đã giúp cha tôi một khoản vay mà sau đó cha tôi đã trả hết khi khách sạn hoạt động trở lại.”

Ðến năm 1955, Mathieu Franchini trở về quê quán, thuê một công ty của Pháp tại Sài Gòn quản lý điều hành khách sạn. Ông mất vào năm 1965; con trai là Philippe Franchini sang Sài Gòn trực tiếp quản lý tài sản của gia đình. Về đến Sài Gòn, Philippe lại giao việc điều hành khách sạn cho một nhân viên thân tín của cha mình bởi ông muốn dành thời gian nhiều hơn cho nghệ thuật hội hoạ. Tại nhà hàng Dolce Vita trong khách sạn Continental có hẳn một góc trang trí tranh vẽ của các hoạ sĩ trẻ như Nguyễn Trung, Trịnh Cung, Ðỗ Quang Em, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm… cho đến những ngày cuối cùng của tháng 4/1975 khi ông Philippe Franchini rời khỏi Sài Gòn.

TN

(Fort Worth, TX)