Thời gian qua tiết mục Trong Hầm Rượu trên Tuần san Trẻ đã giới thiệu đến bạn đọc ba tập 15 Truyện Mùa Xuân, 15 Truyện Rừng 15 Truyện Biển do Nhà Sống Mới in tại Sàigòn đầu thập niên 70. Từ tuần này tiếp tục với 15 Truyện Mạo Hiểm vẫn do Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác. [Trần Vũ]

Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác

Người khách lạ tới thung lũng của chúng tôi vào một chiều hè. Tôi chú ý ngay đến cách ăn mặc của khách: chiếc quần chẽn dạ đen được nhét kỹ trong ủng; đôi ủng da mềm, vành thắt lưng to bản cũng đen nhánh, có những đường viền thêu tỉ mỉ. Chiếc áo vải thâm, nhuốm bụi đường, gần như đồng màu với khăn quàng cổ bằng lụa đen.

Tôi chưa rõ mặt khách: chiếc mũ dạ rộng vành làm tối hẳn nửa mặt. Nhưng thoáng nhìn cách khiển ngựa, tôi cũng đoán được người còn trẻ lắm. Ở đây tôi luôn gặp bọn chăn bò khắp nơi đi qua, tôi thích nhìn dáng dấp họ trên mình ngựa, lắm người trông thực mềm mại, nhưng chưa ai có phong độ hiên ngang như người khách chiều nay.

Ông ta dừng ngựa ngay trước trại của cha tôi.

Xưa nay tôi vẫn tự phụ về mặt tiền của khu trại. Trại chẳng lớn gì lắm, nhưng thực là xinh. Cha tôi sửa sang từ cột giậu đến giàn hoa nên đâu đó đều gọn, đẹp, khác hẳn các trang trại trong vùng.

Khách gật đầu chào cha tôi lúc đó đang đứng bên máng nước cho ngựa uống. Một giọng nói bình thản, trong và nhẹ cất lên:

– Ông vui lòng cho tôi ít nước, được không?

Tôi nghe tiếng cha tôi trả lời:

– Cứ tự nhiên… Nước trong lắm, ông bơm lên mà dùng.

Người khách khẽ vặn mình đã đứng dưới đất rồi, thực tài tình. Ông dắt ngựa lại máng bơm đầy nước cho ngựa uống rồi nhấc mũ, để lộ khuôn mặt trái xoan, hơi gầy, rám nắng. Cặp mắt đen, sáng, thoáng đảo về phía tôi. Tôi có cảm thưởng khách làm quen với tôi. Ông ta treo mũ lên cột giậu, tháo khăn quàng cổ thong thả vục nước rửa mặt. Cử động nào của ông cũng chắc chắn như đã tính trước.

Giây lát sau, khách đã lên ngựa, cúi chào cha tôi để cám ơn. Tôi thấy cha tôi lưỡng lự một giây rồi buột miệng:

– Ông đi vội vậy?… Mời ông nghỉ đêm ở đây với chúng tôi. Trời sắp tối rồi…

Người khách nhìn trời, nhìn chúng tôi, vui vẻ xuống ngựa:

– Xin vâng… Ông tử tế quá!…

Bữa cơm chiều thực là vui. Tôi biết tên khách là Sim. Ông ta vui chuyện và biết rất nhiều chuyện: tôi mê mải nghe những chuyện cướp bóc miền biên giới, những chuyện mọi da đỏ, chuyện săn bò rừng… Cha tôi hỏi ông về những tỉnh mới mở miền Viễn Tây, còn mẹ tôi chỉ chú trọng đến chuyện thời trang của các bà nơi đô thị.

Cơm xong, cha tôi ngồi uống cà phê với khách ngoài hiên. Tôi nghe hai người nói chuyện làm ăn. Ông Sim khen ngợi sự ngăn nắp của trang trại. Cha tôi trả lời khiêm tốn, nhưng tôi biết trong thâm tâm, ông bằng lòng lắm.

Cha tôi tâm sự:

– Có người cho tôi lầm khi mở khu trại này. Nhưng tôi thấy rõ đã đến lúc phải làm ăn như vậy. Tôi chỉ cần ít đất, trồng hoa mầu đủ sống, còn thừa tiền tôi mua bò: nuôi ít nhưng chăm chút cho béo, còn lời hơn chăn từng đàn lớn như lão Phiến mà để bò gầy trơ xương. Lão muốn gom hết đất đai của bọn tôi để thả bò bừa bãi như kiểu chăn nuôi lớn ngoài đồng cỏ thuở xưa với hàng ngàn súc vật và cả chục tay coi bò… Có thể chúng tôi gặp rắc rối với lão Phiến, nhưng tôi coi mảnh đất này như một phần thân thể rồi… Tôi đương đầu với y tới cùng…

Hai người còn nói chuyện nhiều; tôi thiếp đi lúc nào không hay.

Sáng hôm sau, trời mưa lớn. Cha tôi lưu ông Sim lại. Mẹ tôi làm món chả nướng rất ngon thết khách. Ông Sim ăn hai dĩa liền và thú thực từ ngày đặt chân tới miền Tây, chưa từng ăn món chả nào ngon như vậy.

Mẹ tôi cười:

– À! Nếu vậy, ông phải trả tiền tôi bằng câu chuyện về các kiểu mũ phụ nữ ở tỉnh nhé!

Thế là chuyện mũ nón bắt đầu… Ông Sim tỏ ra có nhận xét tinh tế. Chỉ nghe nói, mẹ tôi tưởng chừng cũng trông thấy trước mắt những kiểu hợp thời trang.

Mưa tạnh, cha tôi mời khách thăm vườn. Hai người vòng khu chuồng bò, tới khoảng đồng trống mới gieo lúa mì. Cha tôi vừa đi vừa nói những toan tính của người trong vụ mùa cuối năm. Ông Sim chỉ mỉm cười. Ông trỏ vào một gốc cây lớn sừng sững giữa cánh ruộng:

– Tôi tưởng ông không bao giờ chịu để gốc cây đó chắn trên luống cày mới phải.

Cha tôi lắc đầu:

– Tôi chưa bao giờ đủ thì giờ đánh vật với nó. Vả lại… Nó không dễ hạ như ông tưởng đâu.

Kể ra gốc cây lớn thực. Thân cây đốn từ đời nào, còn trơ gốc với những rễ nổi to bằng chiếc cột lớn. Gỗ rắn quá, đã nhiều lần cha tôi cố gắng chặt dần những rễ vô dụng đó mà lần nào cũng vậy, chỉ hạ được vài cái, cha tôi lại bỏ. Ông đã thử đốt gốc cây, nhưng lửa hình như chỉ làm cho nó rắn thêm lên.

Chợt từ xa có tiếng chân ngựa. Đó là người lái buôn hàng tháng vẫn đem hàng bán cho gia đình tôi.

Lần này y mang tới chiếc cày mới tinh.

– Ông Gio!… Chắc ông phải vừa lòng. Cày tốt thế này chỉ có 150 đôn!

Cha tôi gật gù khen cày đẹp. Người lái được thể ca tụng nào thép tốt, nào lưỡi bền, dùng 10 năm còn như mới… Y không bớt một xu nhỏ, thề sống chết là không có lãi.

Cha tôi quay lại nhìn ông khách, ông ta thủng thẳng nói:

– Cày này miền Nam bán 70 đôn, không hơn.

Tôi nghĩ gã lái buôn chết nghẹn vì bực tức. Mặt y tím lại:

– Ông Gio, chẳng lẽ ông tin lời anh chàng lang thang đó sao?… Miền Nam làm gì có thứ cày đặc biệt này… Đồ…

Gã không dám nói hết câu… Cặp mắt sắc như ánh thép của ông Sim làm gã bủn rủn chân tay. Cha tôi nói:

– Thôi, thêm vào đó 10 đôn lãi, 10 đôn phí tổn, là 90 chẵn, bằng lòng không?… Ấy là tôi không kể ông mua buôn được giá hạ rồi đó!

Tôi nghe rõ gã lái buôn thở dài:

– Thôi được, trả tiền đi!

Tôi có cảm tưởng y muốn rời nơi đây thực mau cho khỏi thấy mặt ông Sim.

Xem thêm:   Nghề nuôi hàu

Khi y nhận tiền, ông Sim đã vào nhà. Ông ta xách chiếc búa lớn lại gốc cây. Một lát sau, tiếng búa chặt vào gỗ vang lên đều đặn.

Cha tôi cất cày vào kho rồi cũng vác búa ra theo.

–oOo–

Trông hai người làm việc thực thích mắt. Ông Sim nhỏ nhắn hơn cha tôi, nhưng dẻo dang hơn. Nhát búa của ông chắc nịch. Ông vung búa nhịp nhàng quá, tôi tưởng như búa và thân ông chỉ là một. Hai người không ai nói câu nào. Mỗi khi có chiếc rễ đứt, cả hai chỉ mỉm cười. Tôi biết ngay lần này gốc cây đại thụ gan góc đó phải thua.

Quả vậy, khi mặt trời xế bóng, bao nhiêu rễ đã đứt hết; công việc này trước đây cha tôi tưởng chừng không bao giờ làm nổi.

Mẹ tôi đem ra một đĩa bánh bích quy mới nướng.

Cha tôi chia bánh làm hai phần, còn dư một chiếc, ông bẻ đôi đặt lên mỗi phần một nửa, đoạn ra hiệu cho ông Sim… Chẳng ai bảo ai, cả hai cứ lầm lì ngốn hết phần bánh của mình.

Mẹ tôi phá lên cười… Tất cả cũng cười theo, không khí thực thân mật cởi mở…

Khi mặt trời lặn, chiếc gốc cây đã nằm chình ình trong một góc thửa ruộng. Cha tôi vui vẻ xoa tay:

– Chưa bao giờ tôi làm việc thú vị như bữa nay.

Ông Sim vừa phủi bụi trên áo vừa nói:

– Tôi chưa đốn củi nhưng xét ra không vụng lắm phải không, ông?

Cha tôi gật gù:

– Nếu vậy, ông có khiếu về nghề nông… Nên ở lại đây làm trại với tôi cho rồi!

Hai người lại cười ha hả. Trong thâm tâm, tôi chắc cha tôi nói câu đó một cách thành thực.

Quả vậy, sau bữa cơm chiều, cha tôi ngỏ lời với ông Sim:

– Chúng ta mới biết nhau, nhưng tôi hiểu ông không như những người tôi thường gặp. Trước đây tôi có một người làm công, hắn còn trẻ quá nên bọn chăn bò của lão Phiến làm hắn phải bỏ đi. Lão Phiến cố ý hại tôi bằng cách khủng bố những ai giúp tôi. Từ bấy đến nay, tôi cắn răng chịu. Nay nếu có ông, tôi tin sẽ thắng bọn nó.

Ông Sim ngồi yên, mắt lơ đãng nhìn vào khoảng không, có lẽ ông nhớ lại cuộc sống phiêu lãng trên đường gió bụi ngày nào. Mẹ tôi nói thêm:

– Ông suy nghĩ, đi… Không lúc nào Gio cần có bạn bằng lúc này. Ông giúp Gio tức là giúp tất cả những trại chủ nhỏ đương đầu với lão Phiến.

Giọng ông Sim trầm trầm:

– Tôi chưa biết lão Phiến là ai, nhưng nếu hắn muốn chiếm độc quyền chăn nuôi ở đây thì… tôi không ưa. Tôi chỉ xin một điều: khi nào tôi muốn đi, ông bà đừng cản tôi, thế thôi.

Cha tôi vui vẻ đưa tay bắt tay ông Sim, còn mẹ tôi đứng dậy, mở tủ đem ra chai rượu mới nguyên, dành cho những dịp đặc biệt.

–oOo–

Từ ngày có ông Sim, trại của cha tôi mở mang nhanh chóng. Mấy mẫu cỏ cắt sớm, ruộng cày đúng kỳ, đàn bò béo tốt trông thấy. Ông ta chăm việc, làm khỏe không kém gì cha tôi. Hai người làm bằng 5 người khác, mà đã làm là cặm cụi suốt ngày.

Một bữa, phơi rơm xong, chiếc bồ cào bị gãy. Cha tôi toan đem đi sửa, ông Sim nhận ngay:

– Để tôi ra tỉnh cho.

Cha tôi ngại bọn chăn bò lão Phiến sinh sự với ông Sim nên muốn tự mình đi lấy. Nhưng chưa kịp cản, ông Sim đã dong xe khỏi trại. Tôi thót lên ngồi cạnh ông.

Nhà tôi cách tỉnh khoảng 4 dặm, nên chỉ một lát sau những nóc nhà san sát đã hiện ra trước mắt.

Sửa xong bồ cào, chúng tôi vào quán rượu. Cả tỉnh có mỗi quán rượu nên lúc nào cũng đông khách. Tôi chợt nhận ra đám chăn bò của lão Phiến: một người cao lớn tên là Kíp tôi vẫn gặp, mấy người kia gầy ốm hơn, chắc mới đến làm. Họ nhìn ông Sim đăm đăm. Ông ta làm như không để ý tới ai, nhưng tôi đoán ông trông thấy họ trước tôi.

Kíp gây sự: hắn lại bên quầy rượu, gọi hai ly uýt-ki:

– Ê!… Tụi nuôi heo đấy à!

Tôi thấy ông Sim thẳng người lên, chắc ông phải nén lắm mới giữ nổi bình tĩnh. Ông không hé răng, chỉ nhìn Kíp như ta nhìn một đứa nhỏ hỗn hào. Kíp chun mũi:

– Chà!… Mùi heo hôi quá đi… Chủ quán, lần sau phải có quầy riêng cho dân cày nhé!

Hắn chìa ly rượu trước mặt ông Sim:

– Uống chơi, ông bạn!

Tôi tưởng sẽ có chuyện lôi thôi to, trái lại, ông Sim đỡ ly rượu uống cạn, dáng điệu quý phái như người vẫn quen uống rượu xưa nay. Kíp reo lên:

– Ái cha!… Dân cày uống khá quá ta!

Ông Sim gật:

– Anh quen dùng những thứ hảo hạng kia… Thứ này chẳng đậm vị chút nào!

Bỗng giọng ông ta trở nên giá băng:

– Chú mày giỡn nhiều rồi… Anh không chấp. Về bảo ba Phiến gởi lại một đứa lớn hơn, nghe chưa!

Dứt lời, ông quay đi, mắt nhìn thẳng như không coi Kíp vào đâu, thong thả rời khỏi quán rượu.

–oOo–

Nhưng chỉ hai bữa sau, các bạn cha tôi đều khó chịu về chuyện xảy ra. Kíp đi khắp nơi, khoe khoang đã nhục mạ giỡn mặt ông Sim, ông này sợ bọn hắn, bỏ chạy v.v.

Nhiều người lo:

– Chúng nó được đằng chân lên đằng đầu cho coi.

Bọn chăn bò của lão Phiến bắt đầu lấn bước bằng cách cho bò vượt sang khu vực các trang trại. Ngày nào cũng có người phàn nàn bò làm hư hàng rào, đồng cỏ… Qua các câu chuyện, tôi nghĩ chừng một số cho là tại ông Sim quá nhút nhát.

Cho tới một hôm, 5 tên chăn bò qua cổng trại cha tôi. Chúng chun mũi hỏi nhau:

– Quái, mùi heo ở đâu hôi hám quá!

Một tên ngoảnh nhìn ông Sim lúc đó đang dựng nhà chứa cỏ, nói lớn:

– Chưa chắc mùi heo… Có khi mùi bọn dân cày không chừng. Phải không Kíp?

Tôi nghe Kíp cười ha hả:

– Đúng!… Như vậy mới đúng!

Ngay chiều hôm đó, ông Sim thắng ngựa ra tỉnh.

Chừng một giờ sau ông mới về, nét mặt bình thản như thường, Nhưng tối đến, cả chục người đến thăm cha tôi, thuật lại chuyện xảy ra ngoài tỉnh; ai cũng nhìn ông Sim với ánh mắt kính phục đặc biệt, chừng đó cha tôi mới hay.

–oOo–

Thì ra lúc ông Sim vào quán rượu, bọn chăn bò còn ngồi đó. Ông lại quầy, xách chai sô đa đặt trước mặt Kíp, ngọt ngào:

Xem thêm:   Thành phố chìm

– Bữa trước chú mời anh rượu, lần này anh đãi chú sô-đa, nghe không!

Kíp tái người đi, không sao nén giận được. Y đứng dậy vồ lấy chai nước… Nhưng tay y chưa chạm vào chai, ông Sim đã túm áo, nhấc bổng y lên, quăng xuống đất dễ dàng như ta ném mớ giẻ rách… Kíp vốn lực lưỡng, y chồm dậy…nhưng không có thì giờ giơ tay… Nhanh như cắt, ông Sim đấm liên tiếp vào hàm, vào mặt, vào ngực Kíp. Tên chăn bò lảo đảo lùi sát tường, nắm chiếc ghế gỗ… Tay trái ông Sim phóng mạnh vào cằm, trong lúc nắm tay phải nắm ngang bụng Kíp… Người ta nghe Kíp rống lên như bò… Môi hắn phồng lên, mũi tóe máu, hai mắt sưng húp. Ông Sim chưa tha, lạnh lùng bẻ ngược tay trái Kíp ra sau làm người hắn co rúm lại… Có tiếng xương gãy răng rắc, rồi Kíp lịm đi trên sàn… Thực thảm hại!

Ông Sim để hắn đó, tiến lại phía 4 tên chăn bò đang xanh mặt vì sợ hãi:

– Có lẽ chúng ta cần nói chuyện về…heo, một lúc chăng?

Tên nào tên nấy mặt cắt không còn hột máu. Chúng cúi mặt, tránh tia nhìn ghê rợn của ông Sim. Ông lắc đầu khinh bỉ, quay lại Kíp. Y còn nằm ôm tay rên rỉ. Ông Sim dằn từng tiếng:

– Kíp!… Mày không xấu bụng lắm, nhưng còn trẻ dại quá. Cuộc sống sẽ giáo dục cho mày!

Ông vẫy mấy tên chăn bò:

– Tay nó gãy nhẹ thôi. Đem về săn sóc trong một tuần là lành, nghe không!

Dứt lời, ông vuốt tóc, đội mũ, ung dung đi ra, thanh thản như vừa dự cuộc vui.

–oOo–

Từ bữa đó, tôi không thấy bò của lão Phiến bén mảng tới vùng chúng tôi. Bọn cao bồi hết nói cạnh nói khóe. Các trại chủ đều hả hê, tưởng chừng lão Phiến không hy vọng chiếm đoạt khu đồng ruộng phì nhiêu này.

Nhưng nghĩ vậy là không hiểu bụng dạ tên địa chủ. Y cần nhiều đất, y phải bằng mọi cách làm chủ miền thung lũng.

Muốn thế, y phải trừ cha tôi trước. Loại được cha tôi, các chủ trại khác sẽ phải bán đất hoặc bỏ đi nơi khác.

Điều trở ngại cho lão là bên cạnh cha tôi có ông Sim, lão cần nhổ cái gai đó trước.

Thường thường cứ vào cuối tháng, chúng tôi lên tỉnh một lần để mua sắm vật dụng. Lần ấy, cha tôi, ông Sim và tôi cùng đi. Chúng tôi dừng xe trước quán rượu. Cha tôi vào tiệm tạp hóa. Ông Sim dắt tôi vào quán uống nước. Tôi thấy 3 tên chăn bò theo chân chúng tôi… Tiếp đến 3 tên nữa đi kèm một gã cao lớn, vững như chiếc tủ áo: đó là Móc, viên cai phu của lão Phiến. Tên cai phu khỏe như bò mộng này nổi tiếng tàn nhẫn. Y đến tìm ông Sim để gây sự. Tôi ngạc nhiên thấy ông Sim chẳng coi y vào đâu. Ông đứng dựa vào quầy hững hờ nâng ly sô đa. Cai Móc hầm hầm lại gần:

– Sim!… Mi tưởng bắt nạt đàn em của ta mà yên à!… Bữa nay mi phải trả món nợ đó!

6 tên chăn bò chặn các cửa đề phòng ông Sim chạy trốn. Từ xưa tới nay, chúng chưa thấy ai thắng nổi cai Móc.

Móc giơ hai bàn tay lông lá toan chụp ông Sim, tôi thấy loáng như ánh chớp, cả ly nước quăng vào giữa mặt Móc, rồi hàng chục trái đấm tới tấp vào người y… Hai tên chăn bò vội áp tới… Chúng không giúp gì được chủ: một tên bị chiếc ghế đẩu quật vào đầu lịm đi, tên kia nhận tiếp hai đòn vào cằm, ngã ngồi xuống.

Móc khỏe lắm: y phóng ra những trái đấm tưởng chừng làm nát thây địch thủ. Tiếc cho y là ông Sim nhanh như vượn, đôi chân nhún nhảy thoăn thoắt để né đòn, thành thử y chỉ đánh vào khoảng không. Nhưng mỗi lần sát nhau là mỗi lần Móc phải lùi. Giá là người khác chắc đã bị ông Sim hạ ngã, nhưng Móc sức lực gấp đôi người thường… Y bị đập đầu vào tường hàng chục cái mới chịu ngã ngồi xuống giây lát…để rồi lại đứng dậy…đánh nữa…

Khi đám chăn bò xông vào vòng chiến thì ông Sim đã thấm mệt. Ông hạ thêm hai tên bằng hai đòn hiểm vào bụng dưới. Nhưng tên thứ ba có thì giờ vác một chai rượu đánh lén vào đầu… Ông lảo đảo gục xuống… Tôi thét lên khi lão Móc cười gằn tiến lại gần ông, tay lăm lăm chai rượu.

Đúng lúc ấy, cha tôi xô cửa vào… Tôi hoa mắt không nhận thấy gì nữa, chỉ biết cha tôi đánh lộn với Móc rất nhanh. Những tiếng đấm, tiếng hự, tiếng rên la lẫn lộn, và khi yên tĩnh trở lại thì Móc đã nằm lăn trên mặt sàn.

Ông Sim cũng tỉnh hẳn. Bọn chăn bò chạy hết, trừ 4 tên nằm ngất ngư với lão Móc. Cha tôi tươi cười đỡ bạn ra khỏi tiệm. Người quay lại bảo ông Mác, chủ quán:

– Cứ ghi vào sổ… Tôi đền tất cả thiệt hại bữa nay.

Đi đã xa, tôi còn nghe tiếng ông Mác gọi bọn chăn bò tới khiêng cai Móc về.

–oOo–

Chiều hôm đó, các trại chủ họp tại nhà tôi mừng thắng trận. Ông Sim được coi như một anh hùng. Ông bảo cha tôi:

– Tôi không tin lão Phiến chịu thua ta, hắn sẽ kiếm cách khác.

Ông đoán không sai. Chỉ tuần lễ sau, chúng tôi được tin Phiến đi Chi-ca-go và cùng về với một người đứng tuổi, ăn vận lịch sự, có đeo bên sườn hai khẩu súng lục. Người ta thấy Phiến lễ phép gọi gã là Sơn. Không ai rõ Sơn làm nghề gì, chỉ có ông Sim biết thành tích gã:

– Sơn là tên giết mướn nổi danh miền Nam. Y bắn giỏi có tiếng… Mới đây y gây sự với 3 người, y chấp cả 3 rút súng trước… Vậy mà y bắn nhanh tới độ hạ cả 3 một lúc… Y sở trường lối bắn 2 tay 2 súng.

Cha tôi ngẫm nghĩ rồi hỏi:

– Lão Phiến đem gã về làm gì?

– Để khiêu khích rồi giết vài người… Tự khắc ai cũng sợ, âm thầm nhường trại cho lão… Thực giản dị, êm ả.

– Ta đối phó ra sao đây?

– Còn tùy… Có điều phải nhịn nhục để khỏi mắc mưu hắn.

Ông Sim ngập ngừng hỏi cha tôi:

– Trong bọn các ông, ai nóng nảy nhất?

– Có Tác… Y nóng tính lắm, lại vừa lên tỉnh từ sớm, cùng với Duy.

Mọi người đang băn khoăn thì có tiếng chân ngựa lộp cộp trước cổng. Đó là Duy từ tỉnh về. Trông nét mặt hốt hoảng của Duy, chúng tôi biết là có chuyện chẳng lành. Giọng Duy đẫm nước mắt:

– Tác chết rồi… Y bị Sơn bắn trong tiệm rượu.

Thực là tin sét đánh!… Đúng như lời ông Sim, Sơn gây sự, nhiếc Tác là đồ lai da đỏ. Tác nổi dóa, rút súng ra: chưa kịp làm gì đã bị Sơn hạ.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 27 tháng 2 năm 2025

Khi mọi người ra về, ông Sim bảo cha tôi:

– Tôi đoán hắn sẽ tới tìm ông để điều đình. Hắn giết Tác để dọa cho ông sợ… Ông theo hắn là mọi chuyện êm đẹp.

Tôi thấy cha tôi cười khinh bỉ:

– Không đời nào!

Khoảng 8 giờ tối, cha tôi vừa đưa đám Tác về thì lão Phiến đến. Lão đi cùng tên giết mướn. Ông Sim không rời cha tôi nửa bước.

Lão Phiến ngọt ngào:

– Ông Gio!… Tôi cần một người đảm đang để coi vùng này, ông giúp tôi được không?

– Ông cho tôi biết tôi phải làm gì đây?

– Ông bán trại cho tôi, giá cả do ông định. Sau đó tôi trả ông mỗi tháng 300 đôn để làm quản lý đồn điền…

– Còn những người khác?

– Họ phải rời vùng này, tất nhiên!

Cha tôi lắc đầu, giọng cương quyết:

– Nếu vậy không được… Tôi và các bạn trại chủ không chịu để ai ức hiếp đâu.

– Ông nghe chuyện Tác không?

– Chính vì chuyện đó mà chúng tôi phải sống chết có nhau.

Lão Phiến cười gằn:

– Đừng nói thế ông Gio… Ở đời kẻ nào ương ngạnh chỉ thiệt thân. Ông nghĩ kỹ đi… 10 giờ đêm nay ta gặp nhau ở quán rượu.

Gã giết mướn lúc này mới nhếch mép:

– Nếu không dám đến, thì tôi sẽ tới tìm ông.

Gã vừa nói vừa vỗ nhẹ vào báng súng.

Cả hai quay đi, tiếng vó ngựa dồn dập trên đường vắng.

Cha tôi vỗ vai ông Sim:

– Chúng nó tưởng đe dọa được tôi… Chúng sẽ thấy Gio xứng đáng với lòng tin cậy của anh em. Lát nữa tôi tới quán rượu.

Nhưng cha tôi không thực hiện ý định của mình. Khi người sửa soạn đi thì bị ông Sim bất ngờ dùng báng súng đập mạnh vào gáy. Cha tôi ngất lịm. Ông đặt cha tôi lên giường, ngậm ngùi nói với má tôi:

– Tôi rất tiếc!… Nhưng không làm thế không được.

Mẹ tôi thở dài:

– Tôi biết… Ông dấn thân vào nơi nguy hiểm vì gia đình tôi… Chúng tôi không bao giờ quên điều đó.

Khi ông Sim rời trại, tôi nhận ra ông ăn mặc như ngày mới tới. Có khác một chút là bên sườn ông có khẩu súng lục ánh lên màu thép biếc. Không kịp suy nghĩ, tôi thót lên ngựa của cha tôi, phóng theo.

Đúng 10 giờ, ông Sim đến quán rượu. Ông buộc ngựa bên cửa sổ, bước lên thềm. 3 tên chăn bò của lão Phiến ngồi đó len lén đứng dậy. Giọng ông Sim đanh thép như ra lệnh:

– Bước vào… Đi thẳng… Liệu xác đứa nào quay đầu lại.

Ông đi sau, thân hình uyển chuyển như con báo. Trong tiệm có khoảng 10 người. Tôi thấy gã giết mướn ngồi một mình một bàn, ở góc phòng. Kíp cũng có mặt, tay y còn đeo băng.

Tiếng ông Sim vang lên:

– Lão Phiến đâu?

Không ai trả lời, tuy ai cũng biết lão vừa có mặt nơi đây. Một giọng khàn khàn cất lên, đó là tiếng gã giết mướn:

– Lão Gio đâu?

Ông Sim quay lại, ánh mắt chiếu thẳng vào mặt Sơn. Không ai nói gì thêm, 4 mắt đăm đăm nhìn nhau. Trong tiệm im lặng hoàn toàn. Sơn từ từ đứng dậy:

– Gio đâu?… Chúng tao cần gặp nó kìa!

– Dễ vậy!… Từ chỗ mày “muốn” tới chỗ “được gặp” còn có một khoảng cách, đó là tao, Sim đây!

Sơn khó chịu ra mặt:

– Không ai gây chuyện với người ngoài… Bảo Gio đến coi.

Giọng ông Sim đầy khinh bỉ:

– Nghe đây, Sơn “súng đôi”!… Mi giết quá nhiều người rồi… Bây giờ đến lượt mi đền tội… Ta thách mi rút súng ra… Tên “súng đôi” ghê tởm kia!

Tôi thấy tay Sơn từ từ đặt lên sườn… Cặp mắt y nheo lại; qua hàng mi gần khép kín, lấp lánh tia mắt giá băng của kẻ sát nhân.

Bỗng hai tia chớp lóe lên…. Hai tiếng nổ nhập làm một. Ông Sim đứng vững như pho tượng… Gã giết mướn hơi lảo đảo, tay phải buông thõng, khẩu súng rớt trong vũng máu. Giọng ông Sim ngọt ngào thúc giục:

– Bắn nữa đi, “súng đôi”… Ta cho mi dùng nốt tay kia nữa. Bắn mau, “súng đôi”!

Một lần nữa, tiếng súng nổ vang… Lần này, “súng đôi” khuỵu xuống, sọ hắn vỡ làm hai… Vài mảnh óc trắng toát vấy máu bắn lên tường…

Chợt có tiếng Kíp thét lên:

– Ông Sim… Coi chừng phía sau!

Kíp vừa kêu vừa xô ông Sim sang một bên, đúng vào lúc làn đạn từ trên gác bắn xuống. Ông Sim xoay mình nhanh như chớp; hai tiếng súng nổ liên tiếp… Một xác người từ trên cao lộn xuống, giãy giụa trên sàn gỗ: đó là lão Phiến.

Ông Sim bắt tay Kíp:

– Cám ơn bạn!

Ông nhìn bọn người trong phòng, nhẹ nhàng như người anh dặn đàn em nhỏ:

– Đừng ai nghĩ chuyện ăn hiếp người như lão Phiến. Ở đây ai cũng có quyền yên ổn làm ăn… Tạm biệt tất cả!

Tự nhiên tôi khóc òa: tôi biết lần này ông Sim bỏ chúng tôi. Tôi lẽo đẽo chạy theo ông.

Ông âu yếm xoa đầu tôi:

– Về đi em!… Ta còn có dịp gặp nhau!… Em thích bắn lắm phải không?… Ráng tập nhiều đi. Nếu anh không gác súng làm ruộng với ba em trong bấy lâu thì hôm nay Sơn đâu có thì giờ rút súng ra… Y đã nát sọ ngay khi tay vừa đụng tới báng súng kia… Thôi em về nhé.

Khi tôi lau khô nước mắt, tiếng vó ngựa đã biệt tăm.

–oOo–

Chỉ ít lâu sau, khu vực chúng tôi ở trở nên phồn thịnh. Cha tôi được bầu làm Thị trưởng. Chiều chiều chúng tôi thường trông ngóng người áo đen ngày nào, nhưng chẳng bao giờ thấy.

Từ đấy cho tới khôn lớn, mỗi khi nói đến một người anh hùng tôi lại nghĩ đến ông Sim, trang hiệp khách ân nhân của quê hương tôi.

NMT phóng tác

(Theo J. Scheater)

Trần Vũ đánh máy lại tháng 10-2023 từ tuyển tập 15 Truyện Mạo Hiểm của Nxb Sống Mới in tại Sàigòn trước 75.

Imilla vel eum hil ma que seque iditium faccus poreperi voluptur modipsam eaqui ullabo. Itas soloria quis iligenias ius ium sitio mosam nimil eaturio. Xime occaepudae con eatur ame nossitaqui cus erum que optatius utendi verum con cumque sim atem. Nemquamet fuga. Pidem re conseni hilitiis que que etum fuga. Nimi, sandicabo. Ullabor represti que laborroribus ad quiae dellabo repudit et ulparciaspe netume pa voluptam, quaspelique pa sint reprati doluptatium incillorrore nonsequo expel es expe reptatem quiam, nos nonem ipitentur si odipiet umquam, omnisque plitemo lenihil laccae atetus, que endent, invelit vendae plaut pa nimus que porem quatur?