Đang là mùa Xuân, mời bạn cùng đọc 15 Truyện Mùa Xuân do Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác từ tiểu thuyết Sammy Going South của W. H. CANAWAY mà tôi đánh máy lại. Là câu chuyện của một cậu bé đi 5 ngàn dặm từ kênh đào Suez dọc sông Nile đến thị trấn Durban ở Nam Phi, về sau quay thành phim A Boy Ten Feet Tall vào năm 1963. [Trần Vũ]

Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác

Rừng Phi Châu 

Sam-mi theo dọc sông, đi về phía hạ lưu. Nó hơi ngạc nhiên vì cảnh hoang vắng hai bên đường. Ðôi lúc, còn vài ba người Ả-Rập, nhưng đa số người nó gặp là dân da đen, trần như nhộng.

Nó nghĩ tới những bộ lạc man rợ còn ăn thịt người, ngần ngại mãi, mới dám tiếp tục, hy vọng họ chẳng thèm bắt nó làm gì. Nó còn bé, lại gầy tóp, ăn không bổ!

Mãi suy nghĩ, Sam-mi đâm đầu vào bụng một ông già hồi nào không hay. Nghe tiếng rên, nó mới vội vàng xin lỗi… Ông ta già lắm, đầu tròn vo, quấn chiếc khăn vải xanh, râu dài, thưa, bạc như cước. Tấm áo khoác trên người ông ta là thứ vải bông có sọc xanh, đỏ, đủ màu, phất phơ như cánh bướm.

Giọng ông già không có vẻ giận dữ, khiến nó yên tâm:

– Ði đâu, cháu?… Sao vội quá vậy?

– Dạ… Ði về Nam.

Khuôn mặt dăn dúm của ông già gần như tách đôi vì nụ cười nở rộng. Sam-mi chưa thấy ai cười như vậy: răng đã khấp khểnh, lại vàng khè, trông thực xấu… Nhưng không hiểu sao, nó thấy nụ cười hồn nhiên đó đáng tin cậy lạ!

Ông già nheo mắt ngắm nó:

– Về Nam… Mà con tính đi thế nào?

Sam-mi ngần ngại, không biết có nên nói thực không?

– Dạ… Cháu cũng chưa rõ nữa!

Khoảng hai chục người da đen khác vừa đi tới, họ bao quanh ông già, nghe ngóng. Tất cả đều choàng thứ áo sặc sỡ lạ mắt, và đội khăn xanh lè. Như vậy là nhóm người đi hành hương đây!… Ðiều này Sam-mi biết, Ba đã có lần nói chuyện với nó: Họ ăn chay, làm việc thiện suốt thời gian hành hương mà!

Nó lễ phép nhắc lại:

– Thưa Ðại Ðức…cháu cũng chưa rõ đi như thế nào.

Ông già cười, có đôi chút hãnh diện khi thấy nó biết mình là hạng người nào:

– Vậy chớ cha cháu đâu?

– Bây giờ cháu không còn cha mẹ nữa… Chết trong trận ném bom mới rồi…

– A… Cực chưa!… Mà cháu có tiền để đi chứ?

Sam-mi lấy chiếc ví, chìa ra mớ giấy bạc. Có tiếng xầm xì trong đám người đứng quanh; khi ông già vừa giơ tay, họ im ngay.

Ông ta nói vừa đủ nghe, nhưng thật nghiêm nghị:

– Nghe đây: kinh Thánh dạy rằng ai ăn cướp của trẻ mồ côi, sẽ muôn kiếp chịu cực hình trong hỏa ngục, dưới âm phủ… Nhớ không?

Rồi quay lại Sam-mi:

– Ta là Lu-ba, các anh em đây cũng về Nam theo đường thủy… Con thấy tàu kia không?

Vừa nói, ông ta vừa trỏ cho Sam-mi hai chiếc tàu nhỏ chạy bằng guồng nước, đậu sát ven sông.

– Nếu con muốn cùng đi, hãy theo chúng ta, không phải lo ngại gì hết.

Sam-mi reo lên:

– Cám ơn Ðại đức… Cám ơn các bác… Cháu muốn đi lắm chứ!… Mà biết tàu tới Ðua-băng không?

Ông già suy nghĩ một lát:

– Ta đi nhiều nơi lắm, mà không nghe tên tỉnh đó. Chắc phải xa lắm…

– Cháu cũng nghĩ vậy.

Rồi nó thuật lại chuyến đi của nó từ lúc khởi hành.

– Cháu đi cũng lâu lắm rồi… Cả tháng trời!

Ông già xoa đầu nó:

– Trời đất bao la bát ngát mà!… Ði biết bao giờ hết!

Rồi ông ta trỏ vào nhóm người đứng đó:

– Cháu đoán chừng họ đi hành hương bao lâu nay rồi?

Sam-mi ngần ngừ đoán liều:

– Dễ tới cả năm?

Ông già lắc đầu, nói thực thong thả, như trong giấc mơ:

Xem thêm:   Bạn cao tuổi ở Cần Thơ

– Hơn thế, cháu à!… Bảy năm… Phải, bảy năm trời ròng rã trên đường tu thân rồi… cháu biết không!

Con tàu ngược dòng sông một cách lừ đừ như con vịt say rượu, đôi lúc chòng chành tới độ những chiếc thuyền dòng theo, dạt mãi ra xa.

Thoạt tiên Sam-mi nghĩ chừng mình được lên tàu, nhưng không: tàu chỉ dành cho một số người quyền thế, giàu có. Hai chiếc xà lan bên hông đầy nhóc kiện hàng. Nhóm người hành hương, nó, và vài mươi hành khách nghèo chỉ được ngồi trên chiếc phà gỗ neo phía sau.

– Chẳng sao… Miễn khỏi mỏi chân là được rồi.

Sam-mi nghĩ vậy.

Sau hai ngày lênh đênh, con tàu êm đềm lướt giữa đôi bờ hoang vắng. Ðó đây chỉ có rừng rậm hoặc vách đá cheo leo. Nhóm người hành hương chia sẻ thức ăn với Sam-mi, coi nó như đồng bọn. Những lúc rảnh rang, không cầu nguyện, họ ngồi dựa vào mạn phà, kể cho nó nghe những chuyện cổ tích, hoặc dạy thằng bé nhiều bài dân ca Phi-châu.

Giá cuộc hành trình không bị cái nắng thiêu đốt và đàn muỗi vo ve bên tai suốt ngày làm nó đứng ngồi không yên, thì Sam-mi chẳng phàn nàn gì hết. Ðằng này nắng làm da nó rộp từng mảng, còn muỗi bắt nó gãi luôn tay.

Ông già nhìn nó, lắc đầu rồi lấy trong đãy hai nhánh tỏi, bóp nát, xoa vào móng tay thằng bé:

– Có vậy, da con mới khỏi làm độc.

Sam-mi chun mũi:

– Có lẽ… Nhưng mùi tỏi khó chịu quá, Bác ơi!

Tới một khúc quanh, tàu lượn chậm lại, ông già trỏ vào đám sậy ven sông:

– Coi!… Con thấy gì không?

Sam-mi thấy rõ lắm chứ: đó là xác con trâu nước chết hồi nào, trương lên như con voi, bụng đã rã ra, từng đàn kên kên bu lại, đen ngòm. Một mùi hôi thối nồng nặc tỏa ra, bao lấy con tàu, khiến Sam-mi choáng váng… Nó bịt chặt mũi, nín thở tới mặt đỏ gay. Ông già mỉm cười, ghé vào tai nó:

– Bây giờ, con thử ngửi đầu ngón tay xem sao.

Sam-mi nghe theo: tự nhiên nó thấy mùi hăng nồng của nhánh tỏi sao tinh khiết lạ!

Chợt có người dọa nó:

– Nhớ nhé… Một đứa bé chết cũng giống in con trâu nước đó, cẩn thận, nghen!

Nó không giận, chỉ lắc đầu, cười: Ðời nào nó chết được… Có Ba, Má ở trên trời che chở cho nó chứ!

Sam-mi rảo bước qua khu rừng thưa, đôi chỗ loáng thoáng vệt cỏ với bụi gai. Ngay phía tay phải nó, cách chừng dăm trăm thước, có đàn hươu cao cổ bình thản nhón lá non trên ngọn cây. Thằng bé mãi đi, chẳng buồn nhìn làm gì. Nó nhớ những bạn trên tàu và ông già hiền từ, khôn ngoan…

Bữa đó, tàu tới đoạn chót của dòng sông thông thương được -phía dưới toàn ghềnh thác- nên hành khách lên cả trên bộ. Nhóm người hành hương tiếp tục đi về đất thánh, còn Sam-mi lẫn lên chiếc xe cam-nhông chở gỗ lúp; nó đoán chừng xe cũng cùng đường với nó. Ðiều đó đúng. Nhưng tới chiều hôm đó, nhân lúc xe ngừng, nó hé mắt nhìn thấy ngay ven đường bạt ngàn những bụi dâu rừng trĩu quả chín đen… Thằng bè thèm rỏ dãi.

– Chắc là ngọt lịm… Phải hái một túi mới được.

Nó thót xuống xe, mất hút trong rừng dâu… Dâu ngọt mọng nước, thơm mùi mật, nó ăn không chán miệng, có điều khi trở ra tới đường, chiếc xe chạy hồi nào!

Thằng bé bơ vơ giữa rừng.

Nó không thấy sợ… Cảnh cô đơn này nó quen rồi.

– Trước sau gì cũng tới một xóm có người chớ!… Lo gì!

Nhưng đi khá lâu vẫn chẳng thấy mái lều tranh nào, hai chân nó bắt đầu mỏi. Gai góc mỗi lúc một nhiều, chắn cả lối mòn, nhiều lần nó phải đi quanh, thật là cực. Chợt nó vướng chân vào sợi dây leo, suýt ngã ngồi vào đống phân cao nghệu, xanh lè… Thằng bé ngạc nhiên lắm:

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân – Kỷ niệm về đời lính dù

– Con gì mà phân nhiều vậy cà? Chắc voi!

Nghĩ tới những con vật to lớn, vòi dài, ngà nhọn, bước rung cả mặt đất trước đây nó từng thấy trên màn ảnh, Sam-mi ớn lạnh nơi sống lưng. Nó vùng chạy thực nhanh…

Nhưng không phải voi… Vì mới chạy được một quãng, thằng bé nghe ai thở phì phì phía sau, thứ hơi thở ào ạt như kéo bễ. Nó quay phắt lại và đứng sững như trời trồng: ngay trước mặt nó là con tê giác lớn cỡ chiếc thiết giáp.

Từ lúc đặt chân vào rừng, chẳng bao giờ nó nghĩ tới chuyện gặp thú dữ, vậy mà đùng một cái, con tê giác lù lù ra đó, làm nó muốn nghẹt thở… Sự thực là vậy: Sam-mi muốn kêu cứu nhưng miệng lưỡi cứng đờ…

Cũng chưa bao giờ nó tưởng tượng tê giác lại lớn vậy!… Con vật dễ cao tới hai thước hơn, mà dài ơi là dài!… Cái sừng nhọn chĩa ra trước bóng loáng, dễ sợ như mũi lao, cũng phải tới thước rưỡi chắc! Thân hình nặng nề vững chãi như bọc giáp sắt của con vật bê bết bùn, khô cong, loang lở dưới ánh nắng trông càng dễ sợ.

Con tê giác ở cuối gió, nên đánh hơi thấy Sam-mi ngay… Vài con chim xanh, giống con sáo, đậu trên lưng nó cũng bay lên, ríu rít báo động.

Sam-mi cách con vật khoảng ba chục thước… Khi nó thấy tê giác lắc đầu rồi chĩa sừng ra trước liền cắm cổ chạy… Lần này nó biết, không mau chân là chết!

Nó nghe tiếng chân dồn dập phía sau nhưng không dám ngoảnh lại…

Lão Vạn đi thực thong thả, đôi lúc dừng chân, đá tung đám bụi phủ lên cỏ… Lão nhìn bụi bốc lên, từ từ rớt xuống, để đoán hướng gió. Nghề đi săn phải vậy, ngược hướng gió là chẳng bao giờ gặp con gì!

Ông Cúc theo sau lão, cách chừng mươi bước; kế đó là hai gã da đen vác hai khẩu súng săn, hạng tốt.

Cả bọn êm ru, rón rén tránh từ mẩu cành khô.

Ông Cúc bây giờ già rồi… Già hơn cả lão Vạn; người thợ săn dẫn đường thân tín từ bao năm nay. Thân hình vạm vỡ của ông bắt đầu gù đôi chút, nhưng cũng còn cao tới thước tám… Thế là khá lắm đối với một người da trắng đã tung hoành khoảng nửa thế kỷ nay trong rừng rú Phi-châu.

Ông làm nghề săn voi, thứ voi đực có ngà vàng óng, đôi khi dài tới hai thước. Nắng, gió ngoài trời khiến lớp da màu gạch trên mặt ông chi chít nếp nhăn. Tuy vậy mắt ông còn tinh lắm, nhưng phải nhận là trong những chuyến đi trong rừng, bao giờ lão Vạn cũng tinh hơn ông. Lão có tài đánh hơi thấy thú rừng trước khi trông thấy chúng.

Chợt lão Vạn giơ tay trái… Tất cả đứng phắt lại: lão đánh hơi thấy gì khác lạ đây!

Ông Cúc đón khẩu súng trong tay gã da đen. Như vậy là ông sẵn sàng rồi… Ðúng vào lúc đó ông trông thấy con tê giác, thứ tê giác đen có chiếc sừng tuyệt đẹp!

Kể ra còn khá xa, khoảng hơn thước, nhưng cũng phải bắn… Gió có cơ đổi chiều mất! Ông Cúc đang cần hạ một con tê giác, có người khách đặt mua trước cả sừng lẫn da. Từ trước tới nay, một tay ông bắn được cỡ hai ngàn con như vậy; voi thì nhiều hơn, dễ đến sáu ngàn không chừng.

Ông đưa súng lên vai, nhắm thực kỹ…đúng vào khoảng dưới nách con vật… Như vậy, đạn xuyên ngay trúng tim. Chợt con tê giác cúi đầu rồi phóng vọt đi, như đuổi ai trước mặt…

Hai phát đạn nổ giòn… Con vật to lớn loạng choạng ngã vật sang một bên.

Ông Cúc và lão Vạn băng nhanh qua đám bụi gai, vừa chạy người thợ săn già vừa nạp thêm đạn vào nòng súng:

Xem thêm:   Hành lang hẹp

– Cái giống tê giác kỳ lắm… Ðôi khi bất ngờ hồi lại như không!

Lão Vạn tóm được Sam-mi trước… Thằng bé ngơ ngác hết nhìn hai người lạ lại nhìn con thú ghê gớm nằm ngay đơ trên mặt cỏ.

Ông Cúc cười tít mắt:

– Chú mày chạy đua chắc!… Khá lắm! Qua săn đã nhiều thú rừng, nhưng chưa gặp con nào ngộ như chú mày vậy đó!

Sam-mi chẳng hiểu ông già mặc chiếc quần bạc phếch với chiếc áo da cũ kỹ đó là ai, nhưng lòng nó tràn ngập sự biết ơn… Không có ông ta, chắc nó chết đứ đừ!

– Cháu là Sam-mi… Bác tới đúng lúc quá… Chậm chút nữa, con tê giác giẫm nát cháu rồi.

Ông Cúc lại cười, lần này cười to hơn:

– Bỏ qua chuyện đó đi… Cháu theo bác, nghe!… Ðói rồi chứ gì? Trông cháu gầy nhom như con châu chấu, biết không?

Trại của bác gần đây, có thịt nướng, với trứng chim… Có điều ăn đồ nguội thôi… Trong rừng này không đốt lửa được…

Lão Vạn nháy mắt với nó:

– Ðây gần sở kiểm lâm mà, mình săn trộm nên phải cẩn thận.

Sam-mi thấy tin cậy hai người thợ săn ngay từ phút đầu, cũng như khi nó gặp nhóm người đi hành hương vậy.

Nó thở phào, nhẹ nhõm… Trong thâm tâm, nó đoán chừng Ba, Má ở trên trời đưa họ tới cứu nó.

Trại của ông Cúc gồm nhóm nhà tranh quay quanh căn lều vải, phía trước có chiếc xe cam-nhông 4, 5 tấn. 5 người da đen đang lột da thú hay quét dọn. Ông ta vỗ vào lưng Sam-mi:

– Tới nơi rồi đó!… Lang thang mãi, có chỗ nghỉ chân cũng thú, phải không?… Ăn no, ngủ kỹ, mai ta lên đường.

Một người da đen đem lại bình nước chanh, mát rượi. Sam-mi uống một hơi, tắc lưỡi:

– Ở nhà cháu vẫn uống nước chanh, rồi ăn lạc rang.

Ông Cúc quay về phía lão Vạn, nheo mắt cười:

– Lão còn lạc rang chớ?

Ông già gật đầu:

– Sẵn mà!

Rồi lão đem tới một khay những viên tròn, vàng óng, nhai giòn tan, hơi mặn đôi chút, nhưng ăn rồi thấy thơm miệng lạ.

Ông Cúc nhìn Sam-mi:

– Ngon há!… Không bùi như lạc rang, nhưng bổ hơn nhiều.

– Chắc lạc rừng, phải không bác?

Lão Vạn phá lên cười:

– Ðúng!… Lạc rừng. Nói vậy chứ trứng kiến đó.

Sam-mi chẳng thấy ghê chút nào, nó ăn ngon miệng thực.

Giá ông Cúc hỏi han về nó nhiều hơn có lẽ nó có dịp kể hết chuyện riêng cho ông nghe, như vậy bụng nó nhẹ nhàng đôi phần. Nhưng người thợ săn chỉ bảo thằng bé:

– Cháu phải về nhà chứ!… Lang thang mãi đâu được.

Sam-mi nhìn chiếc ô-tô cũ kỹ: được đi chiếc xe đó cũng đỡ lắm rồi. Nó thủ thỉ:

– Thế bác đi đâu?

– Bác làm ra vẻ đi về phương Bắc, nhưng mai đây, bác phải đi thực nhanh về Nam.

– Cháu cũng về Nam mà!… Xe bác tới Ðua-băng không?

Ông Cúc không ngạc nhiên:

– Bác đi chừng sáu trăm cây thôi… Ðua-băng hơi xa, khoảng ba ngàn cây số nữa.

Ðứa bé reo lên: có bao giờ nó nghĩ đến đoạn đường dài ghê gớm như vậy đâu.

Người thợ săn xoa đầu nó:

– Chú mày rỡn phải không?… Ai nỡ bắt cháu đi xa quá vậy?… Ba cháu đâu? Chắc là công chức?… Ðiều đó chẳng sao, cứ ngủ cho lại sức đã.

Ông ta dắt Sam-mi tới chiếc xe cam-nhông, một người da đen có hàm răng sáng lóng lánh dưới ánh trăng đỡ nó lên, đặt xuống nệm rơm trong góc xe. Ông Cúc dặn thêm:

– Nghe bác đây: cháu cứ ngủ ngon… Xe xóc đôi chút không hề gì. Chừng nào chán ngủ lên phía trước ngồi với bác. Ta ngắm cảnh, vui lắm.

Rồi ông ta để mặc nó ngỡ ngàng, nằm đó.

(còn tiếp 1 kỳ)

Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác, Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970

Trần Vũ đánh máy lại tháng 4-2022