Bước vào đầu năm học 1978 – 1979, vợ chồng tôi nhận quyết định đổi đi một trường miền núi ở Tây Bắc, cách trường đang dạy gần 250km khi vợ tôi mang thai con đầu lòng mới 3 tháng. Xa một nơi ngỡ sẽ định cư lâu dài, một nơi gắn bó với chúng tôi quá nhiều kỷ niệm, cả những vàng son khi mới ra trường trước và những đen tối muộn phiền sau 1975, thấy hụt hẫng và buồn. Chia tay với đất, với người và chỉ quay lại thăm hàng mấy tháng hoặc cả năm sau đó, vợ chồng tôi mất dấu nhiều học trò trong đó có em vì chúng tôi rời đi khi các em đang nghỉ hè!

17 năm sau tôi về lại nơi này, sống ở đây hơn 10 năm trong một công việc khác, chỉ về nhà cách 48 cây số vào cuối tuần từ trưa thứ Sáu đến sáng thứ Hai. Lứa học trò ngày ấy còn lại ở đây ít quá, đã trở thành những ông này bà nọ, trừ một số giữ liên lạc thường xuyên, phần lớn không gặp (hoặc gặp không nhớ), có em không nhận ra thầy, lại có em không hề quay trở lại vùng ký ức mênh mang sâu thẳm mà thời cuộc và sinh kế đã làm mờ nhạt đi nếu không có điều kiện hoặc ai đó nhắc nhớ dầu tôi là người biết trân trọng kỷ niệm, cả vui lẫn buồn. Em cũng ở trong số những học trò chúng tôi không nhớ đến.

Vài mươi năm gần đây, mối dây liên lạc với học trò ngày xưa được “lần” trở lại, nối lại và siết chặt ngày một nhiều khi các em đã vào tuổi trung niên, thành đạt, con cái lớn khôn, bắt đầu những hồi tưởng, một việc rất bình thường và tự nhiên theo độ tuổi, khi cuộc sống khá dần lên, khi các họp mặt nhóm, lớp, khối, trường … ngày một nhiều, khi giao thông liên lạc ngày một thuận tiện và nhất là Internet phát triển.

Một lần trước Tết âm lịch không lâu, khi vào Facebook, vợ tôi nhìn thấy trên trang nhà của mình hình ảnh một bàn tiệc trong tiệc cưới do học trò lứa 75-78 upload lên có một hình ảnh quen, cô ấy tìm hiểu và nói với tôi rằng đã thấy… trên FB, cô ấy nói tên em. Tôi hình dung ra khuôn mặt đầy thánh thiện, lễ phép, dễ thương và rất ngoan hiền ngày ấy nhưng vài ngày sau tôi mới quay lại FB, nhìn thấy em, khuôn mặt không khác xưa là bao nếu không nói là đẹp mặn mà hơn trước. Vợ tôi add friend với em, cô trò comment qua, reply lại với nhau có vẻ rất tâm đắc vì nghe thấy cô nhắc đến em nhiều sau đó. Trước khi tôi vào lại Sài Gòn vợ tôi gửi message cho tôi số phone của em, nói rằng em rất muốn gặp trong những ngày tôi ở đây.

Xem thêm:   Suy Đi Ngẫm Lại (09/26/2024)

Gần qua lại bên này, tôi gọi và sau đó biết rằng em và một số bạn cùng khối sẽ đến nhà con trai tôi, nơi tôi đang ở để thăm. Sài Gòn từ 16h30 là giờ “cao điểm” kẹt xe, nhất là những tuyến huyết mạch, đúng là có kẹt xe nhưng các em vẫn đến. Ra đầu hẻm đón, nhìn thấy em ngồi trên xe bạn chở, tôi  hình dung ra ngay và gọi tên em. Vào đến nhà, chào hỏi nhau, các em nói lý do đến trễ và chỉ với lý do đó, tôi đã thấy rất quý cuộc gặp này: Các em ở rất xa nhau và xa nơi tôi ở, em đến nhà một bạn khác và cả hai đi hai tuyến xe bus mới đến được trong lúc các bạn khác đi xe máy dầu các em được báo rằng chiều tối đó tôi có một lời mời ăn tối không thể từ chối! Câu đầu tiên em hỏi tôi sau khi ngồi: Có bao giờ thầy làm điều gì để cô của em buồn? “Cô của em”, “Thầy của em”, “Thầy Cô của em” là cụm từ duy nhất chỉ có em là học trò dùng trong tất cả comments trên FB khi em viết và trả lời cho chúng tôi, sau này, khi tôi add friend. Không biết đó có phải là cách xưng hô với tất cả những thầy cô cũ của em hay không nhưng cũng không hề gì, chỉ biết rằng có cái gì đó rất dễ thương tôi cảm nhận được trong tình cảm em dành cho chúng tôi! Cám ơn em vì điều đó!

Bảo Huân

Có lần thấy trên status của em một bài thơ post kèm tấm hình em đứng một mình, ở một nơi vắng vẻ, lời thơ trau chuốt, ý thơ man mác buồn như niềm tiếc nuối về một cuộc tình đã mất, tôi chỉ gõ vài hàng cmt và gửi message riêng nói qua suy nghĩ của mình. Em kể lại cho tôi những đẩy đưa của số phận để em không có một hôn nhân như mơ ước, (em và người bạn trên một lớp yêu nhau, đã ăn hỏi nhưng không rõ hai gia đình xích mích thế nào nên nhà trai trả lễ, vài tháng sau em đi lấy chồng qua mai mối, dĩ nhiên với người mình không yêu còn chàng thì đến nay vẫn chưa tìm được ai xứng đáng như em để lấy làm vợ), biết điều này chúng tôi rất chạnh lòng!. Bây giờ, em và chồng cũ không ở với nhau đã lâu, con cái đã lớn, tôi cứ nghĩ nếu họ quay lại với nhau thì dầu không thể có được những mặn nồng của thời trai trẻ nhưng chia sẻ với nhau ở tuổi sau 60 vẫn là điều hợp lý nên vẫn cầu mong điều đó dầu không biết có phải mình quá đa đoan?

Xem thêm:   Thất phủ cổ miếu

Nghĩ mãi mà không thể viết được chút gì, như một an ủi, một khuyên lơn để em nhìn nhận một cách nhẹ nhàng, thoải mái hơn trước những nghiệt ngã của cuộc đời. Vợ tôi bảo em là tín đồ Thiên Chúa giáo, tôi không biết đúng sai nhưng chừng như em đọc, nhận ra một số vấn đề căn bản trong Phật pháp, hiểu các khái niệm vô thường, nhân duyên sinh diệt, tôi thấy lòng mình vui và cứ mãi mong em sống và hành xử như những gì em hiểu.

Sau mấy mươi năm theo nghề, số học trò đi qua đời chúng tôi không ít, vợ chồng tôi còn lại một số học trò thân tín, “ruột rà”, đa số là con gái, nhiều thế hệ. Thầy trò, cô trò hiểu nhau, có thể chia sẻ cho nhau nhiều tâm sự ở những chặng đời của nhau. Có điều lạ là những em xinh đẹp, ngoan ngoãn, tài hoa, con nhà, có tâm hồn, học giỏi hay vài ba tố chất kia gộp lại thường không mấy suôn sẻ trong hôn nhân gia đình, điều mà thầy bói gọi là “lận đận tình duyên”. Có em con nhà, nhan sắc khá, làm thơ, vẽ tranh, viết văn đều hay, đẹp, không hiểu sao chả gặp được người; có em nhà giàu, vừa đẹp vừa sang trọng, đài các, ly dị chồng khi hãy còn xuân sắc, nuôi 2 con, thời gian sau tái giá với một người trẻ hơn mình thì con lâm vào nghiện ngập; lại có em lận đận lao đao thế nào nay đang sống với người chồng thứ tư nhưng không rõ gia đình mới này có êm ả hoặc êm ả bao lâu. Chúng tôi cũng tiếc một em khác, từ năm đệ tứ như là một minh tinh, lên đệ tam nhan sắc rực rỡ, thể hình cao ráo được công nhận như một trong những ngôi sao của trường, sắc đẹp đó bây giờ vẫn còn lưu lại trên khuôn mặt, lấy chồng 30 năm nay lại không có con!

Xem thêm:   Mưa tháng Chín

Vẫn nhớ đến thuyết “Tài mệnh tương đố”, vẫn hiểu câu “Thiên địa phong trần, hồng nhan đa truân” và như cụ Tố Như trong mấy câu kết truyện Kiều từng nói: “Ngẫm hay muôn sự tại trời/ Trời kia đã bắt làm người có thân/ Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao” nhưng không hiểu sao lòng mình vẫn cứ thấy bâng khuâng mỗi lần nghĩ về các em. Và em, cũng không thoát khỏi lẽ thường tình ấy vì chừng như trong trường hợp vừa bị “đành đòi một” lẫn “đành họa hai” theo kiểu “trời xanh quen thói…”.

Nghĩ, và nhiều lúc trong chuyện trò đề cập đến như một an ủi mơ hồ, rồi lại nghĩ, biết đâu cũng là một cách trả nghiệp từ vô lượng tiền kiếp theo cách của từng em.

PS: Tôi cũng nhận được từ em một thư khá dài có đoạn này:

“Thầy của Em! Thật xúc động khi biết Thầy yêu thương học trò nên luôn mong muốn các em bước đi trên con đường bằng phẳng… giá như có phép màu Thầy sẽ cho các em 10 điểm tròn cuộc đời… để Thầy không phải trăn trở… xót xa khi nghĩ về các em… Riêng em… bước đi hơn nửa đời người mới ngộ ra một điều: không có ai hạnh phúc và cũng không có ai đau khổ… mà chỉ là cách nhìn nhận của mình ở ngay từng thời khắc đó… nên em luôn bằng lòng với những điều mình đang có… mặc dù em không tránh khỏi những phút yếu lòng… khóc như trẻ con… Và rồi sau đó, lại cũng tự mình đứng dậy… không dựa… không chờ một bàn tay… thế là học trò của Thầy mạnh mẽ bước tiếp…”

NHQ