Vương Hồng Sển là học giả kính yêu gốc ở Miền Nam.

Ông sinh ngày 27 tháng 9 năm 1902, tại Sóc Trăng. Thời học sinh, ông học tại trường Collège Chasseloup Laubat (nay là Lê Quý Ðôn). Sau khi đậu bằng Brevet Elémentaire, ông làm công chức ngạch thư ký và phục vụ nhiều nơi từ năm 1923 đến năm 1943, trong đó có dinh Thống đốc Nam Kỳ (1939 – 1943). Từ năm 1948, ông làm Quyền quản thủ Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn cho đến khi về hưu vào năm 1964.

Vương Hồng Sển là người mê sách, mê đồ cổ và đã để lại một sự nghiệp đồ sộ.

Ông rất ham mê đọc sách và thích ghi chép tất cả những điều tai nghe, mắt thấy. Phần lớn những tác phẩm của ông rút tỉa từ những tài liệu dưới dạng hồi ký mà ông còn giữ gìn được. Các nhà phê bình nhận xét về văn của ông Vương Hồng Sển như sau: “Giọng tuy nói cà rỡn nửa đùa nửa thật, nửa giấm chua, nửa tiêu ớt thỉnh thoảng có đôi chỗ chọc cười, cho bớt buồn ngủ. Văn ấy các học giả có tánh lập nghiêm và chưa quen tai, lấy làm khó chịu, nhưng thét rồi cũng phải nhìn nhận, biết nói pha lửng như dọn cơm trong cảnh nghèo, lấy trái ớt tép hành để dễ nuốt cơm và chọc cười cho dễ nhớ, thêm nhớ được lâu.”

Hay như nhà văn Sơn Nam đã nhận xét về ông “Những gì ông viết ra như trăng trối, có khi chỉ là chuyện lụn vụn “tào lao”, “loạn xà ngầu”, nhưng với những người đến sau, nó mang một giá trị to lớn, nó chất chứa những niềm say mê và quyến rũ”.

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Ngay từ thuở nhỏ ông đã sớm biểu lộ sự ưa thích đồ cổ. Sau khi về hưu, ông chuyên sưu tập các loại sứ gốm cổ, khảo cổ về hát bội, cải lương. Ngoài ra, ông còn khảo cứu về các trò chơi cổ truyền: đá dế, chọi gà, chọi cá, chơi chim, trồng kiểng, nghệ thuật chơi cổ ngoạn, nghiên cứu về chuyện tiếu lâm xưa và nay, rất sành về đồ cổ. Có thể nói ông là kho tàng sống về các lãnh vực kể trên.  Những ai muốn nghiên cứu về lịch sử miền Nam sẽ tìm thấy trong các tác phẩm của ông một nguồn tài liệu bổ ích qua nhãn quan một chứng nhân thời cuộc nước Việt của thế kỷ 20.

Nói như học giả Nguyễn Hiến Lê, (1912 – 1984) thì: … Quả như lời Vương quan viết trong bài tựa “Coi vậy mà xài được”. Kẻ ít học như tôi (Nguyễn Hiến Lê) còn thấy là xài được gần trọn kia đấy. Chúng ta nên cảm ơn ông đã ghi lại – mặc dầu là hấp tấp trong sự trình bày – vô số tài liệu mà trong mấy chục năm, ông đã tốn công đạp xe máy đi sưu tầm khắp Sài Gòn, Chợ Lớn và các vùng lân cận. Về nhà cân nhắc chọn lựa với tinh thần thận trọng đáng khen: chỗ nào chưa đủ chứng cớ thì tồn nghi…

Ông mất ngày 9 tháng 12 năm 1996 tại Sài Gòn, thọ 94 tuổi.

Ở đây để tưởng nhớ một nhân tài của đất nước, kỳ này chúng tôi chỉ xin giới thiệu Hơn Nửa Ðời Hư của Vương Hồng Sển

Hơn nửa đời hư là cách nói lộng ngữ mang tính tự trào, tự mỉa của tác giả: Vương Hồng Sển; mà theo ông cho đến cuối đời, vẫn chưa làm nên sự nghiệp, dù chỉ với ý nghĩ khiêm nhường.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng (kỳ 2)

Ðây là một thiên hồi ức của một nhà văn hóa, một lão học giả học cao, hiểu rộng, có vốn sống vô cùng phong phú và một phương pháp làm việc khoa học – nói có sách, mách có chứng – vì ông nhiều năm làm Viện trưởng Viện Bảo tàng, tinh thông nghề sưu tầm cổ ngoạn, ghi chép những sự việc, những điều chính ông nghe, thấy, làm và biết được. Ðó là những bước thăng trầm, “những nỗi buồn, vui, đau khổ” ăn năn, tự vấn, “những tâm sự rải rác phân tán manh mún, vụn vặt về cuộc đời và con người” quanh ông hơn nửa thế kỷ, ở một thời mà ông gọi là “ kinh cụ, khóc, cười lẫn lộn”, nào “Tây cuốn gói, Nhật chạy càng, đến ông Ngô băng lẹ như diều đứt dây” . Trong đó, chính ông dù “địa vị thua, chức phận thua duy về chua tân khổ há dám thua ai”.

Bạn đọc sẽ tìm được trong sách những chuỗi ngày xưa tuy xa mà gần của vùng đất phương Nam này, từ Sóc Trăng, Sa Ðéc, lên Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Ðịnh… những phong tục, tập quán xã hội, phong cách sống, nét ứng xử, tình bạn thủy chung, tình thầy và trò cung kính, tình gia đình, cha mẹ, xóm làng ấm áp, đầy tình thương và trách nhiệm. Bên cạnh đó, tuy phác họa đơn sơ nhưng người đọc chúng ta cũng hình dung khá rõ chân tướng của hạng người sâu mọt, lọc lừa, nịnh trên nạt dưới, các thói kịch cỡm, rởm đời  mà bọn họ cũng điển hình trong các cách đe nẹt, hù dọa, miệt thị lẫn nhau, ăn hối lộ, hà lạm, hiếp dân để vinh thân phì gia.

Xem thêm:   Đọc thơ Phan Xuân Sinh

Ở tuổi của ông, việc dùng từ pha cổ, xen nhiều tiếng địa phương, cách viết cách tả đôi lúc rề rà, cà kê nhưng bạn đọc chắc chắn dễ thông cảm và thể theo sở nguyện của ông, những nét tốt, đức lành cùng những tật xấu, thói hư, tiếng thơm, tiếng thảo tôi cố giữ y như đã nghe thấy, được biết, chép lại đúng sự thật, ghi dấu một thời đã qua để làm gương cho hậu thế. (theo Vikipedia)

Tên tuổi và sự nghiệp Vương Hồng Sển chắc chắn sẽ tồn tại lâu dài.

Vương Hồng Sển (1902 – 1996)

NGUYỄN & BẠN HỮU

Tuyển tập sách

Vương Hồng Sển

– Thú chơi sách (1960)

– Sài Gòn năm xưa (tập I, II 1960, III 1992)

– Hồi ký 50 năm mê hát (1968)

– Phong lưu cũ mới (1970)

– Thú xem chuyện Tàu (1970)

– Thú chơi cổ ngoạn (1971)

– Chuyện cười cố nhân (1971)

– Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa (1972)

– Cảnh Đức trấn đào lục (1972)

– Cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoạn (1972)

– Hơn nửa đời hư (1992)

– Tạp bút năm Nhâm Thân (1992)

– Khảo về đồ sứ từ hậu Lê đến sơ Nguyễn (1993)

– Những đồ sứ do đi sứ mang về (1993)

– Những đồ sứ khác Quốc dụng, Ngự dụng v.v.. (1993)

– Tạp bút năm Quý Dậu (1993)

– Tự vị tiếng Việt miền Nam (1994)

– Nửa đời còn lại (1995)

– Thú ăn chơi

– Khảo về hát bội

– Sài Gòn Tạp Pí Lù