Cách đây chừng dăm bảy năm, Ðào Nguyên Dạ Thảo có gởi cho Nguyễn một tệp bài sưu tập Thơ và Ca Từ của Nguyễn Ðình Toàn bảo chuẩn bị để ấn hành. Thời gian trôi qua tưởng mọi sự đã đi vào lãng quên. Nhưng gần đây, Trịnh Y Thư gởi cho bản thông cáo báo chí cho biết ấn bản Thơ và Ca Từ của Nguyễn Ðình Toàn đã hoàn thành và đang bày bán trên Barnes & Noble. Ðây là công trình có sự phối hợp của Culture Art Education Exchange Resource của Dạ Thảo và Văn Học Press. Trình bày bìa: Ðào Nguyên Dạ Thảo.Giá bán: 19 USD.

Từ lâu mọi người đều đồng ý với nhận định sau đây: Truyện của Nguyễn  Ðình Toàn, thơ và ca từ những bài hát của ông đều đẫm chất thơ, với những hình ảnh sáng, đẹp, mong manh, đây đó thoáng hiện những nét dao sắc cứa hồn người chảy máu. Với Nguyễn Ðình Toàn thơ, văn, nhạc hòa vào nhau làm một. Lời trong nhiều ca khúc của ông là các bài thơ.

QUỲNH GIAO

Ca sĩ Quỳnh Giao ngày nào đã viết về chương trình Nhạc Chủ Ðề của Nguyễn Ðình Toàn trên Ðài Sài Gòn: “Ông viết lời giới thiệu như người ta làm thơ. Văn phong ông cổ điển, khác với lời viết của Mai Thảo, hay lời nhạc của Trịnh Công Sơn, nhưng là một loại thơ dẫn vào nhạc. Chương trình ăn khách và tạo ra một trào lưu chính là nhờ giọng nói truyền cảm, như lời thủ thỉ của Nguyễn Ðình Toàn. Ông dẫn thính giả vào nhạc bằng câu ‘Hỡi em yêu dấu’ như chỉ nói với một người. Qua làn sóng điện người nghe thấy lời thì thầm với riêng mình những cảm xúc do ca khúc gợi lên. Ông tạo ra một không khí tình cảm dịu dàng, điệu nghệ, để người nghe chuẩn bị đón nhận. Nhạc Chủ Ðề Nguyễn Ðình Toàn đã là nơi báo hiệu hào quang lên các ca sĩ sau này là những tên tuổi lẫy lừng như Sĩ Phú, Khánh Ly, Lệ Thu”. (trích Nhacxua.vn)

CÁT LINH

Nguyễn Ðình Toàn, một tiếng nói mà cách đây 40 năm, từng được nhà thơ Du Tử Lê gọi là “người tình không chân dung” của thính giả Việt Nam. Ðó là một nhạc sĩ, một nhà thơ, một nhà văn, và là một người đã mang đến cho người nghe thời ấy một cách nghe nhạc hoàn toàn mới lạ trên đài phát thanh Sài Gòn mỗi tối Thứ Năm với chương trình “Nhạc chủ đề”.

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

“Tình ca, những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời nhất của một đời người, bao giờ cũng được bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau. Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta. Em đâu ngờ, anh còn nghe vang tiếng em, trong tất cả tiếng động ngù ngờ nhất, của cái ngày sung sướng đó, tiếng gió mây thổi trên những cành liễu nhỏ, tiếng giọt sương rơi trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố. Ngần ấy những tiếng động ngân nga trong trí tưởng anh, một thuở thanh bình nào, bây giờ đã gần im hơi, nhưng một đôi khi vẫn còn đủ sức làm vang lên trong ký ức một mùa Hè háo hức, một đêm mưa trở về, gió cuốn từng cơn nhớ, anh bỗng nhận ra, anh vẫn còn yêu em, dù chúng ta đã xa nhau như hai thành phố.”

Chắc hẳn quý vị thính giả, ai đã lớn lên trong những ngày tháng cũ, đã hít thở mùi vị của khói lửa chiến tranh, tâm hồn được sưởi ấm bằng nền văn học nghệ thuật miền Nam, thì có lẽ đang có cái cảm giác bồi hồi khi nghe lại tiếng nói trầm ấm này, tiếng nói như chỉ đang thủ thỉ cho một người.

Những ngày tháng đó, cứ mỗi tối thứ Năm, trên đài phát thanh Sài Gòn, tiếng nói của chàng Nguyễn Ðình Toàn lại vang lên… Mỗi một ca khúc đều được ông đưa đến người nghe bằng lời giới thiệu truyền cảm, tình tứ và nhẹ như tơ. Người ta sẽ tìm thấy trong mỗi lời giới thiệu ấy là một bài thơ, do chính chàng viết lên và đưa họ đi vào ca khúc chủ đề.

THO VA CA TU: NGUYEN DINH TOAN by Dao Nguyen Da Thao, Paperback | Barnes & Noble® (barnesandnoble.com) 

“…Tình chúng ta bắt đầu như mùa Thu trở lại. Khi những chùm hoa thạch thảo ngát hương trên lối đi quen. Mùa  Thu bắt đầu trên dòng sông bát ngát. Mùa Thu nhuộm vàng những cánh rừng. Mùa Thu phơi áo mơ phai, chiều võ vàng với xác hoa trên hình bướm…”

Từ chương trình “Nhạc chủ đề” cùng lời giới thiệu như thơ của Nguyễn Ðình Toàn, các ca khúc tiền chiến cùng những tiếng hát ngày đó đã ru ấm giấc ngủ cho biết bao trái tim người nghe trong thời loạn ly.

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

… Người yêu nhạc sẽ yêu cái tên Nguyễn Ðình Toàn vì những bản tình ca nặng lòng với quê hương

“Mai tôi đi, tôi đi vào sương đêm

Sương rất độc, tẩm vào người nỗi chết

Quê hương ta sống chia giòng vĩnh biệt

Chảy về đâu những nước mắt đưa tin…”

(Mai tôi đi)

“Rồi mai đây em có quay về nơi cũ

Mang trong tim mình những ước mơ đã nhoà xưa

Làm sao khi tóc ta  thay màu lòng ta vẫn

Tìm lại được bao hình bóng đã phai mờ

 

Ðêm có mây sầu đưa

Trăng giấu đi tuổi thơ

Ven con sông dài

Quê ta thiu ngủ

 

Ðêm nào đó ta đứng trông xa ngọn đèn lu

Thắp trong sương mù dáng ai ngồi co ro

Như quê hương mình thu nhỏ

Ðể người viễn xứ mang cho vừa…”

(Quê hương thu nhỏ)

Người ta nhìn thấy đâu đó trong khắp các lời ca của ông là hiện thân của người tình và quê hương. Hai cuộc tình ấy hoà lẫn, hiện diện dung hoà trong một cuộc tình lớn. Tình yêu nở hoa khi có em, có anh, có mái trường xưa nhiều kỷ niệm, có con đường rợp hàng cây phượng vĩ. Nhưng rồi, bên cạnh hàng cây ấy giờ có thêm hai hàng nước mắt khóc rưng rưng, khi tình yêu đó, giờ xa nhau như đời xa cõi chết.

“Em còn yêu anh còn yêu anh

Cây còn xanh còn tươi đầy kỷ niệm

Mái trường xưa mỗi mùa phượng đến

Ve còn kêu vang, ve còn kêu vang

 

Ðường ta đi vẫn hai hàng lá biếc

Có hai hàng nước mắt khóc rưng rưng

Nơi em về nghe lạnh bốn mùa đông

Cho hồn anh đủ bốn mùa rét mướt

Ta đã xa nhau như đời xa cõi chết

Có bao giờ ta thấy lại nhau không…”

(Em còn yêu anh)

Ðến với âm nhạc của Nguyễn Ðình Toàn, hình như ai cũng nhìn thấy một hình ảnh thân quen nào đó đã đi thoáng qua đời mình. Có thể đó là tình yêu đầu tiên, mà cũng có thể là cuối cùng. Nhưng với riêng ông, tình yêu chính là quê hương.

ĐẶNG MAI LAN

Tôi biết đến nhà văn Nguyễn Ðình Toàn qua tiếng nói, rồi đến văn chương. Dù cái biết về văn chương thuở ấy chỉ là một “con đường” không dài, không ngắn mà đi qua là mãi hoài lưu luyến.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Mãi mãi, cho đến tận bây giờ…

Có những đêm mất ngủ, tôi vẫn tìm thấy lại mình của những đêm thứ Năm xưa. Những đêm nằm cong mình, đắm chìm theo tiếng nói, trong bóng tối của căn gác nhỏ.

Chỉ là hồi tưởng, vậy mà tôi cũng tìm lại được cái cảm giác khi nằm nghe những bản tình ca, cùng với âm thanh của gió, mưa, của tiếng lá khô rơi trên đường… Dù thứ cảm giác thuở ấy chỉ là sự mường tượng, dù thực tại  bên ngoài ngập đầy băng tuyết của mùa Ðông.

Vẫn nhớ chiếc radio xinh xắn như một hộp bánh biscuit hình chữ nhật bằng nhựa cứng màu hồng pha trắng, mà trên mặt có khắc một hàng chữ: “Chính phủ quốc gia Nhật Bản kính tặng những chiến sĩ của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà”.

Poster chương trình nhạc Nguyễn Đình Toàn

Chiếc radio thời chiến chẳng phải chỉ dành cho những chiến sĩ nơi tiền đồn heo hút, mà cả người nhà chiến sĩ là tôi cũng may mắn được sở hữu.

Vẫn nhớ đến hình vẽ trên một bìa nhạc mà tôi đã dùng để bọc cuốn nhật ký của những ngày tháng chớm biết mong đợi, nhớ nhung.

“Ngày thần tiên em bước lên ngôi, đã nghe son vàng tả tơi…” Bài hát tôi yêu, mê từ thuở chưa lên ngôi, chưa hiểu thế nào là vàng son tơi tả.

Bây giờ thì tiếng nói đã thành tiếng hát. Bàn tay ngồi viết từng trang sách giờ lướt trên những cung đàn. Và văn chương làm rung động bao tâm hồn thiếu nữ nay là những khúc bi ca, tiếng nói của kiếp người trên một quê hương khốn khổ.

Ðêm quê hương, đêm treo trên một cành ngang

Chôn nhau xong làm dấu nhớ chỗ ai nằm

Cơn mưa giông, đêm qua đông trời lạnh lắm

Gió khắp bốn bề cây rừng

núi run hình bóng

Mai rạng đông

đến lượt ai đem chôn

Cố thắp cho em một ngọn đèn

Bằng nhọc nhằn cay đắng

Của hình hài rã trong trại giam.

Tôi đã lắng nghe tiếng hát và bùi ngùi với những câu ca, trong những bản nhạc như thế. Cũng với bóng đêm, cũng là những khoảnh khắc một mình, hay những đêm trở giấc.

(ĐẶNG MAI LAN. Những đêm nhớ lại)

Như vậy, thơ và ca từ của Nguyễn Ðình Toàn đã hòa làm một để đi vào lòng người Việt ở nơi đây, trong những ngày lưu lãng này. Xin đón nhận với tấm lòng trân trọng, dấu yêu.

N&BH