Thời nhỏ ở Vương Phủ -Vỹ Dạ, khoảng những năm 1949-1950, Nguyễn tôi say mê đọc Sách Hồng, Truyền Bá… Đọc dưới ánh đèn dầu tù mù, cả những đêm mưa lạnh rơi lộp bộp trên mái ngói âm dương, trên những tàu chuối, bờ ngâu, cành bưởi, cành tre… Khung cảnh đó không là gì đối với nhiều người, nhưng với Nguyễn tôi là cả một thời sống mãi trong trí tưởng, nó mở đường cho những bước chân đi vào văn học. Từ sách Hồng, Truyền Bá rồi tới sách Lá Mạ và những sách khác. Hồi đó nhà nghèo và còn bé xíu, lấy tiền đâu ra mua sách. Dạ thưa: nhờ tiền cha mẹ cho dành dụm lại mua được vài cuốn còn thì trao đổi với bạn bè. Vậy mà cũng hưởng được những niềm vui từ việc đọc sách.

Những ảnh bóng và mùi hương từ thời xa xưa ấy thỉnh thoảng sống dậy trong lòng Nguyễn. Gần đây lại có dịp bừng dậy khi đọc những trang viết của Lại Nguyên Ân về tủ sách tuổi thơ của một thời trước 1945 gồm sách Hồng, Truyền Bá và Hoa Mai. Nhất là khi được cùng với nhà thơ Đỗ Quý Toàn đi lạc vào thế giới của sách Hồng-Les Livres Roses. Xin mời các bạn cùng Nguyễn chia sẻ những trang văn của Đỗ Quý Toàn trong bài viết có tựa đề “Sách Hồng. Một chủ trương “Xây Dựng” của Tự Lực Văn Đoàn” trích từ Diễn Đàn Thế Kỷ. NGUYỄN & BẠN HỮU

ĐỖ QUÝ TOÀN

Tự Lực Văn Ðoàn xuất bản các truyện “Sách Hồng” với cuốn Ông Ðồ Bể của Khái Hưng, nhà in ký nộp bản ngày 31 tháng Tám năm 1939. Từ năm 1940 hai tháng in một tập Sách Hồng, mỗi cuốn có đánh số thứ tự, cho đến năm 1945, ngoài ra còn có thêm Sách Hồng Ðặc Biệt không đánh số. Tên “Sách Hồng” vì bìa trang trí màu hồng, vẽ bông hoa hồng trên một góc; giống loạt truyện tiếng Pháp của Nhà Xuất bản Larousse, mang tên “Sách Hồng cho giới trẻ” (Les livres roses pour la jeunesse, xuất bản từ năm 1909 đến 1939, tổng cộng 719 cuốn). Những sách Livres Roses này chắc cũng phổ biến ở Việt Nam, lúc đó do Pháp cai trị, và nhiều người Việt học trường Pháp đã quen đọc tiếng Pháp. Sách Hồng của Tự Lực Văn Ðoàn nhắm vào trẻ em không biết tiếng Pháp hoặc biết nhưng cha mẹ muốn khuyến khích đọc tiếng Việt. Nội dung các cuốn Sách Hồng mang tính chất giáo dục tương tự Les Livres Roses. Cách trình bày bìa, minh họa bên trong cũng chịu ảnh hưởng của bộ sách Larousse in. Sách Hồng thường ghi do tên các nhà xuất bản Ngày Nay, Ðời Nay. Sau năm 1952, Nhất Linh tái bản, đề tên nhà xuất bản Phượng Giang. Khoảng thập niên 1960 thành viên của gia đình Khái Hưng thành lập nhà xuất bản Văn Nghệ, và cũng cho tái bản Sách Hồng của Khái Hưng với tiêu đề “Sách-Hồng Khái-Hưng”, thí dụ: Ðể của bí mật, 1960, bìa màu đỏ cũng vẽ hoa hồng.

Xem thêm:   Nhà văn Võ Hoàng & tình yêu đất nước

Trên trang bìa sau Sách Hồng do nhà xuất bản Phượng Giang ở Saigon ấn hành, do Nhất Linh tự chăm sóc về văn chương và đã khẳng định “Sách Hồng là loại tiểu thuyết lý thú và hữu ích cho Nhi-đồng và Thanh-niên nam nữ. Các bậc phụ huynh không phải lo ngại băn khoăn, cứ việc yên tâm mua Sách Hồng đưa ngay cho con em đọc. Sách Hồng lại vừa là sách giáo khoa Việt-ngữ, các giáo sư muốn trích dẫn những đoạn văn hợp trình độ học sinh đều cần có đủ bộ.”

Các nhà phê bình văn học và viết văn học sử Việt Nam thường bỏ qua Sách Hồng. Nếu có nhắc đến một cách sơ lược họ cũng không phân tích kỹ về nội dung các cuốn sách, vì coi đó chỉ là những “sách trẻ con.” Ðiều này đáng tiếc, vì bỏ qua bộ Sách Hồng thì không nhìn thấy một khía cạnh quan trọng trong chủ trương của Tự Lực Văn Ðoàn. Sau khi dùng tiểu thuyết tấn công mạnh vào các hủ tục, các quy tắc đạo đức lỗi thời thuộc nền văn hóa cũ, từ năm 1939 Tự Lực Văn Ðoàn cũng dùng Sách Hồng để đề cao nhiều giá trị luân lý cổ truyền, giúp các thanh thiếu niên hiểu biết thêm những quy tắc đạo đức trong truyền thống dân tộc.

Khi viết về Tự Lực Văn Ðoàn trong cuốn Nhà Văn Hiện Ðại, Vũ Ngọc Phan chỉ nhắc qua đến bộ Sách Hồng, không coi là những tác phẩm văn chương quan trọng. Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam Văn Học Giản Ước Tân Biên không nói tới các sách này. Trong Bảng Lược đồ Văn Học Việt Nam – Quyển Hạ – Ba thế hệ của nền văn học mới (1862-1945) (Trình Bày, Sài Gòn, 1967) Thanh Lãng chú ý đến Sách Hồng hơn, ông viết: “Hai loại xuất bản lớn ra đời do những nhà văn thời danh chủ trương: chúng tôi muốn nói đến hai tủ sách: Sách Truyền Bá và Sách Hồng, ta cũng có thể gặp nhiều tác phẩm quả thực có giá trị lâu bền. Những huyền truyện trên đây gây trong dân chúng một tiếng vang to tát: chúng là món ăn tinh thần hợp giọng của thanh thiếu niên đang ham mê những cảnh thần tiên, mơ mộng. Không nguyên giải trí, Sách Truyền Bá và Sách Hồng còn là những phương tiện hiệu lực vô cùng để truyền bá chữ quốc ngữ và phổ thông vào trong dân chúng nghệ thuật mới. So sánh với các huyền truyện của Huỳnh Tịnh Của, của Trương Vĩnh Ký, hay của Phan Kế Bính, các huyền truyện trong hai tủ sách Truyền Bá và Sách Hồng đã vượt hẳn lên một bậc: cách kết cấu chặt chẽ, mạch lạc; ý tưởng sâu sắc; văn từ dễ dãi, nhất là lưu loát.” (trang 711-712; dẫn lại theo Luận văn chưa ấn hành viết về Khái Hưng của Tanaka Aki ( 田中 あき), sinh viên Đại học Ngoại ngữ Tokyo – tên chính thức là Đông Kinh Ngoại Quốc Ngữ Đại học).

Xem thêm:   “Chân Dung Người Lính Thi Sĩ Miền Nam”

Thực ra các bộ Truyền Bá và Sách Hồng không chỉ kể lại những “huyền truyện, truyện biến ngôn, những truyện hoang đường thuộc di sản văn chương cũ” như Thanh Lãng tóm tắt. Hai bộ sách này in những sáng tác mới, phần lớn nội dung là khung cảnh xã hội đương thời. Nhiều tác giả đã nổi danh trước khi tham gia trong các bộ sách thiếu nhi này.

Sau đây, mời các bạn đọc truyện Cái Ấm Ðất của Khái Hưng theo lời thuật lại của Ðỗ Quý Toàn:

Trong Cái Ấm Ðất của Khái Hưng (số 9, 1940); một nhà cự phú trước khi chết đã thú tội với các con “Cha đã hà hiếp bóp hầu bóp họng người ta để có được cái tài sản ngày nay mà cha sắp đem chia cho các con. Cha xuất thân với nghề bán nước vối rong.”

Người cha để lại gia tài rất lớn, với một di sản đặc biệt là cái ấm đất: “Nó là người bạn hàn vi của cha. Nó là người bạn thân-mật của một quãng đời trong sạch của cha, vì ngày còn phải kiếm ăn với cái ấm đất, cha hiền lành, ngay thẳng, thành thực. Rồi sau, một ngày một thêm giàu có, cha cũng một ngày một thêm lừa lọc, gian trá, ác nghiệt, tàn nhẫn. …cái ấm đất thì nó hoàn toàn trong trắng, không hề nhuộm máu, (không) đựng mồ hôi nước mắt của một ai.”

Xem thêm:   Kể từ ngày 31 tháng Tư

Khi chia gia tài, người anh Cả nhận lấy ruộng và trâu; anh Hai lấy dinh cơ nhà cửa; chỉ cậu em út nhận cái ấm đất. Hai anh muốn giúp nhưng cậu em từ chối. Anh Ba đi bán nước vối, một ông cụ uống hết cả ấm mà không trả tiền, một bà cụ làm đổ hết cả nước vối, đổ hai lần, nhưng anh Ba vẫn vui vẻ. Vị thần thử thách anh xong mới nói: “Tôi là linh hồn của cái ấm đất này, tôi là Thần Ấm Ðất,” và hỏi anh ước muốn gì sẽ giúp. Anh Ba không thích giầu, không thích sang, chỉ thích sống “đủ ăn, không làm phiền ai và không bị ai làm phiền mình.” Giữa hai mục tiêu “giàu có hay sung sướng,” anh Ba chỉ mong sống sung sướng. “Ba sẽ sung sướng được sống một đời trong sạch. Ba sẽ sung sướng với sự giúp đỡ kẻ nghèo, vì không giàu có Ba cũng có thể giúp đỡ kẻ nghèo bằng một bát nước vối nóng, thơm ngọt.

… Ba sẽ sung sướng vì một đời bình dị sẽ không thay đổi lòng Ba như một đời giàu có. Ba sẽ mãi mãi giữ được nguyên vẹn lòng tốt của mình.”

ĐQT