Quách Thoại là nhà thơ nổi tiếng xuất hiện vào buổi giao thời Quốc Cộng. Sự xuất hiện ngắn ngủi và cuộc đời bất hạnh của Thoại đã để lại ấn tượng rực rỡ trong thi ca Việt Nam. Bên cạnh Hàn Mặc Tử, Bích Khê, thi sĩ Quách Thoại được xem là poète maudit. Hôm nay, một ngày đầu tháng 7, ngồi nhớ bạn bè xưa, xin được điểm lại đôi nét về cuộc đời và tác phẩm của một tác giả sáng giá trong nền văn học Miền Nam.

Quách Thoại (1930-1957) tên thật là Đoàn Thoại, sinh năm 1930 tại Huế. Ông là em ruột nhà văn Lý Hoàng Phong (Đoàn Tường). Quách Thoại từ nhỏ đã đọc thơ và say mê Tagore. Năm 1948, khi 18 tuổi, ông vào Sài Gòn tham gia sinh hoạt báo chí. Thơ của ông thường đăng trên các báo xuất bản thời ấy: Người Việt, Sáng Tạo, Thế Kỷ 20… Quách Thoại mang một tâm hồn thơ mộng, tính tình phóng khoáng, sống mãnh liệt. Ông chết vì bệnh lao, ngày 7/11/1957,  trong hoàn cảnh nghèo khó, cô đơn, đến phút chót vẫn “kêu gào muốn sống” (lời Lý Hoàng Phong).

Quách Thọai – tranh Đinh Cường

Quách Thoại là một nhà thơ u uẩn và nhiều đam mê. Ông đam mê tình ái, thi ca, tình bạn và lý tưởng. Trong thời của mình, Quách Thoại đã lên án chiến tranh, bạo lực, đồng thời chào mừng tự do và đòi hỏi dân chủ. Thơ Quách Thoại còn mang hình ảnh của những buổi chiều Việt Nam thê lương, đầy sắc máu và khổ đau. Nhà thơ Viên Linh đã viết về Quách Thoại như sau: “Quách Thoại là người thơ trẻ duy nhất của thời thế lúc đó xứng đáng là thi sĩ của thời đại…”

Tác phẩm tiêu biểu của Quách Thoại gồm 3 tập bản thảo: Giữa Lòng Cuộc Ðời, Những Bài Thơ Tình, Cờ Dân Chủ. Trong số đó, Giữa Lòng Cuộc Ðời là tập thơ duy nhất được xuất bản tại Sài Gòn năm 1963 và được Tiếng Quê Hương của Uyên Thao ở Virginia tái bản năm 2013.

Thơ Quách Thoại có nhiều hình ảnh đầy sáng tạo, lạ kỳ, huyền bí. Trần Tuấn Kiệt nhận định: Thi phẩm Thược Dược được giới phê bình đánh giá là một trong những đỉnh cao của dãy Thiền Thi trong văn học Việt Nam.

bài thược dược

Ðứng im ngoài hàng giậu

Em mỉm nụ nhiệm mầu

Lặng nhìn em kinh ngạc

Vừa thoáng nghe em hát

Lời ca em thiên thâu

Ta sụp lạy cúi đầu

Ngoài ra Thoại còn có những bài nổi tiếng như Sáng Tạo, Ðường Tự Do, Những Buổi Chiều Việt Nam, Như Băng Trường Tình… Trong buổi giới thiệu tập thơ GIỮA LÒNG CUỘC ÐỜI của QUÁCH THOẠI tại Hội Trường Việt Báo chiều Chúa Nhật 12 tháng 1 năm 2014, nhà thơ Trần Dạ Từ cho biết thi phẩm “Giữa Lòng Cuộc Ðời” được Tạp Chí Văn Nghệ in lần đầu vào ngày 6 tháng 6 năm 1963 tại Sài Gòn. Nhân đó nhà thơ Trần Dạ Từ kể về số phận lao đao của thi phẩm này, mà nhà văn Nhã Ca trong một bài viết đăng trong thi phẩm nói là “Thơ có hồn thiêng.” Câu chuyện mà nhà thơ Trần Dạ Từ nói đến là chiến dịch truy bắt văn nghệ sĩ và đốt sách văn học miền Nam của chế độ CSVN sau năm 1975. Trong chiến dịch này, đêm 3 tháng 4 năm 1976, công an CSVN đã phá cổng vào nhà của nhà thơ Trần Dạ Từ-Nhã Ca và lục tung lên hết tất cả mọi thứ rồi chở đi 2, 3 xe sách. Khi xe công an CS chở sách đi thì thi phẩm “Giữa Lòng Cuộc Ðời” của thi sĩ Quách Thoại bị rớt lại trên vườn cỏ trước nhà, nhờ có Sớm Mai là con gái của nhà thơ Trần Dạ Từ-Nhã Ca lượm lên đem đi cất. Ðến đêm 30 tháng 10 năm 1977, một biến cố khác lại xảy đến cũng liên quan tới số phận của thi phẩm “Giữa Lòng Cuộc Ðời” của thi sĩ Quách Thoại. Lúc đó nhà văn Mai Thảo vì không còn chỗ nào để trốn nên đến tá túc nhà Trần Dạ Từ-Nhã Ca. Ðêm hôm ấy, khi nghe công an CS vào lục soát, nhà văn Mai Thảo trong một hành động vô tình đá đôi dép vào gầm giường để giấu trước khi leo lên gờ mái nhà trốn. Sáng hôm sau, khi nhà văn Mai Thảo và cháu Sớm Mai đi tìm đôi dép thì phát hiện thi phẩm “Giữa Lòng Cuộc Ðời” bị hất vô gầm giường. Họ lôi nó ra. Từ đó, nhà văn Mai Thảo mang nó theo bên mình cả ngày lẫn đêm. Khi nhà thơ Trần Dạ Từ và Nhã Ca đi định cư tại Thụy Ðiển thì mang nó theo.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Một tập thơ, hai phận số. Giữa Lòng Cuộc Ðời, ấn bản đầu tiên do nhà xuất bản của tạp chí Văn Nghệ in vào đầu thập niên 60. Hơn 60 năm sau, cũng tập thơ ấy lại được tái bản ở hải ngoại bởi nhà xuất bản Tiếng Quê Hương. Quách Thoại, một thi sĩ một đời thống khổ, làm thơ như một chứng nhân của thời thế và thơ chỉ được in sau khi đã từ trần. Ông chết rất trẻ khi vừa 27 tuổi và khi còn sinh tiền đã làm những câu thơ như tiên đoán số phận của mình:

“Mặt trời mọc

Mặt trời mọc

Rưng rưng màu hoa gạo

Lỡ một ngày mai tôi chết trần truồng không cơm áo

Thì hồn tôi phảng phất chốn trăng sao

Ðể nhìn các anh

Như vừa gặp buổi hôm nào

Và trong câu chuyện tôi sẽ cười nhắc bảo

còn sáng tạo ta hãy còn sáng tạo.”

Nhà văn Nguyễn Ðức Sơn tức thi sĩ Sao Trên Rừng đã viết trên tạp chí Văn Nghệ 6 năm sau ngày Quách Thoại từ trần: “Quách Thoại là thi sĩ. Tôi nói gì về Quách Thoại? Ngày Quách Thoại chết đi là ngày tâm hồn tôi cũng vừa lớn. Một tuần sau khi Quách Thoại chết, tôi bỏ học lang thang, làm như mình là bạn thân và đồng lứa của chàng thi sĩ khổ đau kia cũng không bằng.”

mùa hè của thoại

Sau đây là bài tản văn Nguyễn tôi viết khi làm báo Phố Văn năm 2000 về cuộc gặp gỡ đầu tiên với Quách Thoại ở Huế.

Những cây phượng nở đỏ ven bờ sông Hương, dọc theo hoàng thành. Tiếng ve kêu rợp những khu vườn, như một dàn đại hợp xướng, vừa mới lặng tiếng ở một nơi này, bỗng lại bùng lên ở một góc khác, một khu vườn khác.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Ðó là mùa Hè ở Huế, qua đôi nét phác thảo. Nhưng là một mùa Hè đã xa, xa lắm. Năm mươi năm về trước lận. Tôi gặp Quách Thoại lần đầu tiên mùa Hè ấy. Xa, quả là quá xa, vậy mà tưởng như vừa mới đây thôi.

Ngày ấy, Quách Thoại từ Sài Gòn về Huế, quê hương anh, định ẩn cư với đá và cây cùng chim muông trong vườn. Tôi gặp Thoại qua một người bạn, không nhớ rõ là ai. Thoại ăn mặc đẹp, dáng vẻ một dandy kiểu Baudelaire. Complet màu beige, mũ feutre. Tôi thì hãy còn là học sinh, đi chiếc xe đạp đàn ông hiệu Saint-Etienne sơn đen, có một cái chuông rất lớn, một porte-bagage rất chắc. Những bài thơ, một vài tùy bút và truyện ngắn đầu tiên, hãy còn non dại lắm, đăng trên Ðời Mới, Thẩm Mỹ, dưới bút hiệu Châu Liêm… gây được sự chú ý ở bạn bè xa gần. Ðinh Cường, Tô Thùy Yên, Minh Ðăng Khánh, Trần Lê Nguyễn, và Quách Thoại.

Thoại về Huế năm ấy, như đã nói, vào dạo Hè. Mùa Hè nóng như một cơn điên màu đỏ, nhưng có lúc chợt lãng đãng trong màu tím trôi trên sông. Ngồi ở đây, một thành phố miền Trung Mỹ, mà tôi như còn thấy lại hình ảnh Quách Thoại. Dáng anh cao, nghiêng, chiếc mũ dạ cũng nghiêng theo chiều gió, bước qua cầu, nhìn những lá đò trôi trên sông và dãy núi xa, mờ.

Xem thêm:   Hoài cổ đầu Xuân

Một buổi chiều, chúng tôi họp mặt ở nhà anh Thái bên An Cựu, uống trà và nói chuyện thơ. Lần đầu tiên tôi được nghe Như Băng Trường Tình của Quách Thoại. Như Băng, một thời là người Thoại yêu, sau ẩn mình trong tu viện. Như Băng ơi, vì đâu mà lệ ứa, Ta khóc than nghĩ tủi phận đời ta…  Chúng tôi kéo nhau đi ăn bánh bèo dưới chân núi Ngự. Thoại vui, nói chuyện có duyên. Anh có vẻ xanh, gầy, nhưng trong và sáng. Cuối buổi đi chơi, tôi chở Quách Thoại về miệt Bãi Dâu, trên chiếc xe đạp cổ lỗ sĩ của tôi. Thoại ngồi sau xe, lật tờ Ðời Mới có đăng bài tôi, nói: “Văn anh viết như giọng văn Thạch Lam…”  Thời trẻ dại ấy, được nghe lời khen đó, tôi sướng lắm. Tôi chở Thoại tới nơi anh ẩn cư. Giường anh nằm giữa hai dãy giường dài, chung quanh cũng là những người gầy xanh như Thoại. Thì ra đây là nơi cho những người đau dưỡng bệnh.

Sau 1956, gặp lại Quách Thoại ở Sài Gòn. Quán cà phê hè phố Kim Sơn. Trên đường Catinat. Anh trông gầy và xơ xác đi nhiều lắm. Nhưng đôi mắt lấp lánh. Ðây là thời của anh và các bạn. Thời tạp chí Sáng Tạo. Rồi ít lâu sau, anh mất. Với tôi, hình ảnh đẹp nhất của anh không phải là trên hè phố Sài Gòn. Mà là bên bờ sông Hương ở Huế. Và trong thơ:

Quách Thoại đi

giữa lòng cuộc đời

còn sót

lẻ loi

một bông

thược dược

NXT – Tổng hợp