Nhà văn Lê Xuyên tên thật là Lê Bình Tăng, sinh năm 1927 tại Phong Điền – Tỉnh Cần Thơ. Ông là tác giả của nhiều tiểu thuyết nổi danh tại Sài Gòn, ngay từ tác phẩm đầu tay của ông là Chú Tư Cầu đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Tác phẩm Chú Tư Cầu, tuy là tác phẩm đầu tay của tác giả, nhưng vào thời điểm mà tác phẩm chưa in thành sách, chỉ đăng trên nhật báo, dưới hình thức một tiểu thuyết nhiều kỳ đã tạo được một tiếng vang khiến anh em văn nghệ sĩ sau đó ít ai gọi nhà văn bằng bút hiệu Lê Xuyên nữa mà đã vui miệng gọi ông là “Chú Tư Cầu” hay “Chú Tư” thay cho cái tên Lê Xuyên.

Sau ngày 30/4/1975 nhà văn Lê Xuyên bị CSVN bắt giữ cùng chung khoảng trên dưới 100 văn nghệ sĩ ở Miền Nam với tội danh “văn nghệ sĩ phản động”. Sau khi được trả tự do, nhiều năm ông sống lầm than ở Sài Gòn, bán thuốc lá lẻ đầu phố, không thẻ căn cước (Chứng minh Nhân Dân) và cũng chẳng có sổ gia đình (hộ khẩu). Ông qua đời ngày 2 tháng 3. 2004.

Lê Xuyên được xem là nhà văn tiêu biểu của dòng văn học Miền Nam. Để hiểu thêm về tài năng của Lê Xuyên, Trang Văn Học mời các bạn đọc bài viết sau đây của nhà văn Nguyễn Đình Toàn. NGUYỄN & BẠN HỮU

Nguyễn Đình Toàn

Lê Xuyên thuộc thế hệ các nhà văn Việt Nam nổi tiếng sau 1954 tại miền Nam. Cái chết của ông là một mất mát lớn đối với văn học của chúng ta, nhất là mảng văn học miền Nam.

Chúng ta có nhiều nhà văn sử dụng tiếng Nam để viết văn như Hồ Biểu Chánh, Phi Vân, Vương Hồng Sển, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam… mỗi người một sắc thái riêng, và đều sử dụng tiếng Nam một cách nhuần nhuyễn, tuyệt vời. Nhưng đọc ai trong số những nhà văn ấy, người đọc đôi lúc vẫn có cảm tưởng đó là một thứ ngôn ngữ đã được trau chuốt, nghĩa là đã có sự can thiệp của tri thức.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng (kỳ 2)

Cái tiếng Nam Lê Xuyên sử dụng để viết văn hình như được chuyển thẳng từ đời sống vào. Nó còn nguyên cái chất nửa phèn/nửa ngọt. Nó nồng hương vị cỏ cây hoang dã. Nó ngùn ngụt dục vọng, thứ dục vọng tự nhiên của sinh tồn, trời đất.

Chỉ cần đọc một đoạn ngắn trong “Chú Tư Cầu” của Lê Xuyên đủ để người ta nhận ra điều đó.

Tư Cầu mười bảy tuổi, Phấn mười sáu. Hai đứa ở chòi, chăn vịt giữa đồng hoang.

Lê Xuyên viết:

“Tư Cầu chống xuồng vừa tới nơi đã nghe tiếng Phấn hỏi vọng từ phía sau chòi:

– Anh Tư hả anh Tư?

– Ừa, thì tao chứ còn ai nữa! Sao đèn đuốc gì mà không có, tối om vậy nè?

– Vậy mà cũng hỏi! Bộ anh quên đem đèn rọi mù u qua rồi hả?

Nhớ lại hồi nãy Phấn có hỏi mượn dầu lửa để đốt đèn. Tư Cầu bắt tức cười vì nó quên lú đi mất để Phấn phải hỏi vặn vẹo như vậy.

– Có chớ sao quên! Mà mày làm gì lục đục ở đằng sau đó Phấn?

– Tắm chớ làm gì mà hỏi! Ðốt rọi lên đi anh Tư… Chứ bộ đứng như trời trồng đó hả!”

Trong cái bóng tranh tối tranh sáng của con rọi mù u, cái câu “tắm chớ làm gì” của con nhỏ nghe dễ sợ!”

Lê Xuyên cũng được coi là một trong những nhà văn viết đối thoại hay nhất của chúng ta. Ðối thoại của ông vừa có sức bật của những trái banh đánh đi / dội lại, vừa có cái giản dị, kỳ ảo của những tấm gương nhỏ, nếu biết cách soi, người ta có thể nhìn thấy nhiều thứ phản ánh ở đằng sau, ở bên trong. Sức hấp dẫn của các trang sách của Lê Xuyên nằm trong các đối thoại của ông, trở thành một thứ duyên ngầm.

Nhà văn Lê Xuyên

Bằng hữu và những người đã có dịp làm việc chung với Lê Xuyên đều cùng có chung một nhận xét, ông là người trung thực, không để ý đến bề ngoài, lúc nào cũng ăn mặc xuề xòa.

Xem thêm:   Ngô Thế Vinh: nhà văn của một thời bão nổi

Từng làm tổng thư ký cho nhiều tờ báo lớn, nhưng ông luôn đối xử nhã nhặn với tất cả mọi người, không làm ra cách biệt ngay đối với những người thuộc quyền.

Trong buổi lễ tưởng niệm ông, do nhật báo Người Việt tổ chức tại Quận Cam, sau khi ông qua đời, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo như Nguyễn Mộng Giác, Viên Linh, Thảo Trường, Võ Long Triều, Vũ Ánh, đã lên tiếng ca ngợi các tác phẩm và nhân cách của Lê Xuyên trong đời sống. Và, cứ như nhận xét có tính cách chuyên môn của chính các nhà văn, nhà thơ này thì, riêng các tiểu thuyết của Lê Xuyên, còn hứa hẹn có nhiều người đọc hơn nữa, nhiều khám phá hơn nữa.

Sau biến cố 75, Lê Xuyên cũng bị liệt vào hàng ngũ “biệt kích văn hóa” và bị cộng sản nhốt tù 7 năm. Ðược tha ra khỏi tù, ông làm đủ mọi nghề không tên để kiếm sống, và công việc cuối cùng ông làm được nhiều năm, cho tới lúc chết là ngồi bán thuốc lá lẻ bên lề đường Nguyễn Kim, Chợ Lớn.

Ông không viết văn nữa, như một cách bày tỏ thái độ đối với nhà cầm quyền. Trong một điều kiện thời tiết nào đó, chỉ những thứ cây nào đấy mọc được.

Vài người quen biết cũ của ông, có người đã viết trở lại, đề nghị ông “viết chui” viết giấu tên, chắc chắn đời sống sẽ khá hơn, đỡ vất vả hơn, nhưng ông đã nhất quyết từ chối, và tiếp tục thu tấm thân còm cõi với chiếc mũ phớt sau quầy thuốc lá… “bữa nào cũng đói cả”, như thư của các nhà văn Nguyễn Thụy Long, Văn Quang ở trong nước cho biết.

Từ khi ra khỏi tù, Lê Xuyên sống không hộ khẩu, không được cấp bất cứ một thứ giấy tờ hộ thân gì, khi chết phải nhờ những người sống lâu năm trong xóm làm chứng mới xin được giấy

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

khai tử để mang thiêu.

Như thế, nói Lê Xuyên hưởng thọ 77 tuổi là một cách nói theo thói quen, văn chương chữ nghĩa. Chứ sự thực, có thể coi như Lê Xuyên đã không còn nữa kể từ sau ngày 30 tháng 4, 1975.

Thật vậy, đối với một nhà văn, cái chết phải được kể từ lúc người ấy không còn viết nữa. Lê Xuyên đã ngừng viết, thực sự ngừng viết, kể từ ngày 30 tháng 4 ai oán đó.

Những ngày còn lại của ông, từ đó cho đến 09 giờ tối ngày 02 tháng 03, 2004, không thể gọi là những ngày ông “hưởng thọ” được. Thực sự thì phải gọi là một cuộc chịu đựng. Ông đã phải chịu đựng cuộc sống gần 30 năm sau cùng của đời mình.

Ông không được cấp ngay cả những giấy tờ chứng minh là một người Việt Nam! Những người còn ở lại miền Nam sau ngày 30 tháng 4, 1975, hẳn biết rõ trong hoàn cảnh như thế, đời sống hàng ngày của cá nhân ông, của gia đình ông, khó khăn biết chừng nào!

Tại sao Lê Xuyên bị đối xử như vậy? Có phải vì ông là tác giả những cuốn: Chú Tư Cầu, Rặng trâm bầu, Vợ thầy Hương, Kinh Cầu Muống, Vùng bão lửa, Nguyệt Ðồng Xoài…?

Ông đã tự xóa bỏ mình trước khi chết.

Trong mấy tấm hình Lê Xuyên, được gửi từ trong nước ra, có tấm ông chụp một mình với chiếc mũ phớt và nụ cười thật tươi dưới bộ râu trắng như cước, và một tấm chụp chung với hai nhà văn Văn Quang, Nguyễn Thụy Long, để đầu trần, vẻ mặt xa vắng nhiều hơn nghiêm túc, chắc là trong một buổi thăm hỏi nhau gì đó, người ta không biết hình ảnh nào hợp với cái chết của ông? Ðể hai cái hình gần nhau người ta có cảm tưởng như ông cười cợt chính mình.

NĐT – theo Viet Herald