“Không Gian Tiệm Nước. Sài Gòn Tạp Văn” được nhà xuất bản Thời Ðại ở trong nước ấn hành năm 2011, là một cuộc hội ngộ của các cây bút vốn quen thuộc với bạn đọc Sài Gòn: Ðoàn Tú Anh, Nguyễn Nhật Ánh, Mạc Ðại, Lê Giang, Phan Triều Hải, Lý Lan, Ngô Liêm Khoan, Ðỗ Trung Quân, Lê Minh Quốc, Trần Nhã Thụy… Các đề tài bình thường, dung dị, nhưng trên hết vẫn là những nghĩa tình đâu đó, những ấn tượng, những câu chuyện về phố, về người rất đặc trưng. Sau đây Trang Văn Học xin gới thiệu hai bài viết về cuốn sách đặc sắc này.

– Sài Gòn nhìn từ những tiệm nước

Qua cuốn sách Không gian tiệm nước vừa phát hành tại Sài Gòn, người đọc được nhìn thấy nhiều mặt của Sài Gòn bây giờ.

Không gian tiệm nước còn được gọi đơn giản là Sài Gòn tạp văn tập hợp 26 tác giả, cũng là 26 tính cách đại diện cho các vùng miền khác nhau cùng “nhìn về” Sài Gòn. Hầu hết những tác giả trong Không gian tiệm nước đều không sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Nhưng họ cùng gặp nhau trong cuốn sách này vì tình yêu Sài Gòn.

Chất cởi mở của người Sài Gòn làm cho mọi người từ khắp nơi tự đến với Sài Gòn. Người thành công đã đành mà ngay cả những người thất bại cũng tìm đến đây để làm lại”.  Với những người sinh sống quanh năm ở thành phố này, thì Sài Gòn đôi khi nằm trong những gì “nho nhỏ”, nhỏ như không gian be bé của một tiệm nước. Nhà thơ Trần Tiến Dũng đã nhìn thấy văn hóa, tính cách của Sài Gòn ở những tiệm nước như thế. Và bài Không gian tiệm nước của ông đã được dùng để đặt tên cho cuốn sách này.

Vì sao tiệm nước lại quan trọng trong văn hóa của người Sài Gòn như vậy? Người viết bài này thử làm một phép so sánh vui vui khi có dịp đến thủ đô Hà Nội. Người Hà Nội thường mời khách phương xa về nhà để giới thiệu mái ấm của mình – cũng là thể hiện sự trân trọng với khách. Người Sài Gòn thì ngược lại, họ thường mời khách ra tiệm nước, rồi nhà ai nấy về. Ðiều này thể hiện phần nào tính “bất định” của người Sài Gòn. Nói thế không phải người Sài Gòn ít hiếu khách. Bởi vì, có thể hôm nay, hai người cùng “làm người Sài Gòn” nhưng ngày mai không thể biết họ sẽ “định cư” nơi nào. Ngày hôm nay, có thể họ “thường trú” quận này nhưng mai đây họ sẽ dời đi quận khác. Vậy thì biết nhà nhau cũng… chẳng để làm gì!

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Sài Gòn tạp văn Không gian tiệm nước’ còn thể hiện được tính cách của từng người viết do văn hóa nơi họ sinh trưởng quy định. Với những tác giả sinh sống lâu năm ở Sài Gòn, thì thành phố này bao gồm những gì nhỏ nhất như chuyện đi chợ mua mớ rau, con cá đồng của nhà thơ Lê Giang. Hoặc một gian phòng nhỏ tranh tối tranh sáng ở khu Chợ Lớn của Phan Triều Hải. Hay một “con đường Duy Tân cây dài bóng mát” của Ðoàn Tú Anh, dù đường Duy Tân nay đã đổi tên thành Phạm Ngọc Thạch.

Sài Gòn đôi khi chỉ nằm trong các bài hát của một nhạc sĩ. Riêng nhà văn Huỳnh Như Phương thì Sài Gòn nằm trong âm nhạc của Từ Công Phụng. Ðôi khi chỉ là một góc ngồi riêng mang tên Cà phê 7x của Ngô Liêm Khoan…

Sài Gòn với những tác giả như thế còn là những kỷ niệm. Tác giả Nguyễn Ngọc Hà được xem là người “Sài Gòn gốc” duy nhất góp mặt trong cuốn sách này, vì chị sinh ra và lớn lên ở đây. Kỷ niệm của Nguyễn Ngọc Hà với Sài Gòn không chỉ ở khu Eden vàng son một thuở với chiếc áo mưa giá gần lượng vàng được người cha mua tặng chị, sau hơn 30 năm chiếc áo mưa ấy vẫn còn giá trị sử dụng. Kỷ niệm còn là một ngôi chợ trong ký ức mang tên Xóm Chiếu rất… Sài Gòn.

Hình như vậy, Sài Gòn rất chung nhưng cũng rất riêng của mỗi người. Nhà thơ Lê Minh Quốc viết dạng “khảo cứu” khá công phu để đưa ra ‘Tính cách người Sài Gòn’. Nhưng nói đơn giản như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong buổi ra mắt Sài Gòn tạp văn: “Nếu đội bóng đá của Sài Gòn gặp đội của Nghệ An, Huế hay Thanh Hóa trên sân Thống Nhất TP.HCM, thì chắc chắn cổ động viên của Nghệ An, Huế, Thanh Hóa đông hơn cổ động viên đội Sài Gòn dù tất cả đều sinh sống tại Sài Gòn”. Phải chăng đó là tính cách, nét văn hóa của người Sài Gòn? Người viết bài này chỉ biết rằng khi khép lại từng trang sách của ‘Sài Gòn tạp văn’ mà thấy rưng rưng!

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

TRẦN HOÀNG NHÂN- (Nguồn: viet-studies.info)

– “Không gian tiệm nước -Sài Gòn tạp văn” – Lắng đọng nỗi nhớ, niềm thương phố thị.

Cách đây 45 năm nhà văn Bình Nguyên Lộc trong tập tạp bút Những Bước Lang Thang Trên Hè Phố Của Gã Bình Nguyên Lộc [NXB: Thịnh Ký (1966)] nói lên tâm tư, cảm nghĩ của chính tác giả khi dạo chơi trên hè phố Sàigòn.

“Lòng sầu xứ quê của những kẻ lạc loài vào đô thị Sàigòn được dịu đi vài phần khi nhìn những hàng me Nguyễn Du và Hồng Thập Tự ngả màu rồi lại thắm màu.

Những ngày mà toàn thân me đều khoác áo màu đọt chuối non, là những ngày người mến thiên nhiên nghe tiếng hát của Mùa, là những ngày họ hồi hộp rình Mùa, hồi hộp lắng nghe bước chân Mùa trên xi măng của thành phố”(Những hàng me Sài Gòn)

“Chim ơi, nên về rừng, về thôn quê, địa hạt riêng của các bạn. Ơ đây là đất của loài người. Họ tranh sống quyết liệt quá không sao tránh đụng chạm tới các bạn được, mặc dầu họ không thù hằn gì các bạn.

Ở đây bạn hót chẳng ai buồn nghe, người ta chỉ thích nghe tiếng thịt của các bạn xèo xèo trong chảo mỡ thôi”(Khóc bạn chim)

Giờ cầm trên tay tập “Không gian tiệm nướcSài Gòn tạp văn” do NXB Thời Ðại ấn hành quý 1 năm 2011 của 26 tác giả (Phan Triều Hải, Lê Giang, Lý Lan, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Nhã Thụy, Huỳnh Như Phương, Ðỗ Trung Quân, Nguyễn Quang Lập, Ðỗ Hồng Ngọc…) tôi không khỏi thoáng chút bâng khuâng, náo nức giở ra đọc chậm rãi từng tác giả.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Ở đây, thành phố và con người Sài Gòn được nhìn với nhiều góc độ khác nhau, kể cả cái chiều kích rộng lớn là không gian và thời gian, tùy theo cảm nhận qua sự trải nghiệm của từng người viết. Trần Tiến Dũng vẽ lại Sài Gòn qua không gian tiệm nước. Huỳnh Như Phương chợt rung động chiều mưa qua bài hát Mắt lệ cho người của Từ Công Phụng. Sài Gòn của Trần Nhã Thụy là Những người chơi mặt buồn. Sài Gòn của Nguyễn Quang Lập là Chín khúc buồn thiu, với Lê Minh Quốc là Tính cách người Sài Gòn…

“Ðừng nói là ở Sài Gòn làm gì có ếch nhái? Có vài chỗ, thí dụ một cái hồ nho nhỏ trong công viên…” (Đêm Sài Gòn nghe ếch nhái kêu-Lý Lan).

“Nhạc êm. Ngày cuối tuần nhẹ, hẫng. Và những giọt của ly cà phê phin sáng nay có vẻ như chảy không đều, nhưng giọt nào dường như cũng muốn hoàn thành nhiệm vụ nhỏ nhoi của mình : làm nên một ly cà phê sáng” (Cà phê 7X-Ngô Liêm Khoan).

“Ðường Nguyễn Huệ xưa là một con kênh đổ vào sông Sài Gòn. Tấp nập trên bến dưới thuyền. Gió thốc từ mặt sông mơn man những buồm những lái của một vùng đất phương Nam nắng vàng rực rỡ…Nếu tôi là nhà thiết kế, năm nay tôi sẽ rải trên đường hoa Nguyễn Huệ những tà áo dài để không phải chạnh lòng nhớ gió giữa mùa Xuân sang!” (Bỗng dưng…nhớ gió – Đỗ Hồng Ngọc)

Giọng văn tâm tình lôi cuốn, những tự sự, suy nghĩ sâu sắc, hóm hỉnh…tất cả hòa quyện lại trong tập tạp văn Sài Gòn tạo nên một bức tranh chấm phá về con người, vùng đất này khá linh động, hấp dẫn. Hai tập tản văn cách nhau gần nửa thế kỷ mà vẫn liền mạch, một của Bình Nguyên Lộc, người của thuở trước, và 26 tác giả đương thời khiến cho bạn đọc càng thêm yêu mến Sài Gòn, vùng đất lành chim đậu này. Chả thế mà GS Trần Hữu Dũng ở Mỹ trên trang web http://www.viet-studies.info/ của mình từng thốt lên: “Ước gì tôi được đọc cuốn này!”.

TRẦN HỮU DŨNG – (Nguồn: Văn Chương Việt)

N&BH