Tạ Tỵ, tên thật là Tạ Văn Tỵ, là một họa sĩ và còn là một nhà thơ, nhà văn Việt Nam. Ông có nhiều đóng góp quan trọng trên cả lãnh vực hội họa và văn chương.
Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia ghi:
Ông sinh năm 1921 tại Hà Nội.
Từ khi còn là sinh viên, Tạ Tỵ đã thành danh khá sớm. Năm 1941, nhờ nhận một giải thưởng tranh, ông được đến thăm kinh đô Huế. Năm 1943, ông tốt nghiệp tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương. Và cũng năm này, bức tranh «Mùa Hè» của Tạ Tỵ đoạt một giải thưởng của Salon Unique.
Năm 1946, chiến tranh nổ ra giữa Việt Nam và Pháp, Tạ Tỵ cùng với nhiều họa sĩ Việt Nam khác, đã tham gia mặt trận Việt Minh chống Pháp và ông là người thầy dạy mỹ thuật đầu tiên trong Liên khu 3. Tác phẩm “Nhớ Hà Nội” năm 1947 (20 × 25 cm) được Tạ Tỵ vẽ trong giai đoạn này.
Tháng 5 năm 1950, Tạ Tỵ rời khỏi vùng kháng chiến để trở về Hà Nội. Ông viết cho một người bạn rằng “Cách suy nghĩ của tôi không hợp với kháng chiến sau mấy năm chung sống với họ”.
Bắt đầu từ đầu thập niên 1950, ngoài tài vẽ chân dung hí họa, ông còn sáng tác trên nhiều lĩnh vực khác, như: truyện, thơ, kịch bản, bút ký…
Năm 1951, ông triển lãm 60 bức tranh tại Hà Nội.
Sau 1954, ông vào Nam và sống ở Sài Gòn. Ở đây ông đã phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa với cấp bậc sau cùng là trung tá trong Tổng cục Chiến tranh Chính trị.
Năm 1956, Tạ Tỵ triển lãm hơn 60 bức tranh đầu tiên tại Sài Gòn. Năm 1961, ông triển lãm lần thứ hai 60 bức tranh lập thể và trừu tượng cũng ở nơi đó.
Năm 1975, sau thời gian học tập cải tạo, ông cùng vợ con vượt biển đến Malaysia và đến định cư tại Hoa Kỳ.
Trong thời gian sống ở nước ngoài, Tạ Tỵ lại tiếp tục sáng tác. Năm 2003 sau khi vợ ông qua đời tại Hoa Kỳ, ông quyết định trở về Việt Nam với ước vọng sống những ngày cuối cùng ở quê hương mình.
Tạ Tỵ qua đời tại nhà riêng số 18/8 đường Phan Văn Trị, Quận 5, SG, ngày 24 tháng 8 năm 2004 sau một cơn bệnh kéo dài do tuổi già, hưởng thọ 83 tuổi.
Họa sĩ Tạ Tỵ
Trang web Người Nổi Tiếng viết về Tạ Tỵ như sau:
Tạ Tỵ là một họa sĩ và là một nhà thơ. Ông được đánh giá là một nghệ sĩ đa tài. Khi mới bắt đầu vẽ tranh, ông thường sáng tác chủ yếu trên chất liệu sơn mài. Nhưng sau đó ông đã gây được sự chú ý với nhiều tác phẩm theo trường phái tranh lập thể. Sau đó ông lại chuyển sang phong cách trừu tượng.
Năm 1941, khi còn là một sinh viên, ông đã nổi tiếng nhờ giành được một giải thưởng tranh. Năm 1943 ông tốt nghiệp tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương. Cũng trong năm này ông đã đoạt được giải thưởng của Salon Unique cho bức tranh «Mùa Hè». Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông về giảng dạy mỹ thuật tại Liên khu 3, đồng thời sáng tác tác phẩm «Nhớ Hà Nội» khổ 20 × 25 cm. Những năm 1950, Tạ Tỵ vừa vẽ tranh vừa sáng tác các tác phẩm truyện, thơ, kịch bản, bút ký… Năm 1951, ông tổ chức một cuộc triển lãm tại Hà Nội với 60 bức tranh. Trong đó có bức tranh sơn dầu “Cô Ðơn” (khổ 67 x 54.5 cm), đây là bức tranh được nhà Sotheby đấu giá và bán được với giá 19,550 Singapore dollars vào tháng 04/2000. Năm 1956, tổ chức cuộc triển lãm đầu tiên tại Sài Gòn với hơn 60 bức tranh. Năm 1960, Tạ Tỵ vẽ khoảng 50 bức tranh chân dung các nhân vật văn nghệ của miền Nam Việt Nam. Ðây là những bức tranh mang phong cách đặc biệt, thể hiện phong cách cá nhân vô cùng độc đáo. Năm 1961, cuộc triển lãm lần thứ hai của ông gồm 60 tác phẩm tranh lập thể và trừu tượng. Bức tranh “ Chân dung Vi Huyền Ðắc” là một bức tranh tiêu biểu về chân dung của Tạ Tỵ.
Sau năm 1975, ông cùng gia đinh sang định cư tại Hoa Kỳ. Tại đây ông vẫn tiếp tục sáng tác. Năm 2003, sau khi vợ ông qua đời, ông quyết định về Việt Nam sinh sống những ngày cuối đời. Sau khi về Việt Nam ông vẽ bức «Mùa hè đỏ lửa “ (khổ 350 x 170 cm). Hiện nay, bức tranh này được treo tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, đây cũng chính là bức tranh sơn dầu lớn nhất trong bộ sưu tập của bảo tàng này.

Tranh Tạ Tỵ
Tác phẩm văn chương:
– Ý Nghĩ (tạp văn)
– Ðáy Ðịa Ngục (hồi ký)
– Những Viên Sỏi (tập truyện)
– Xóm Nhà Tôi (tập truyện)
– Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay (Nhận định văn học)
– Bao Giờ (tập truyện)
– Yêu Và Thù (tập truyện)
– Phạm Duy Còn Ðó Nỗi Buồn
– Cho Cuộc Ðời (thơ)
– Những Khuôn Mặt Văn Nghệ – Ðã Ði Qua Ðời Tôi (hồi ký)
Tại sao viết
Ngô Thế Vinh trong bài viết tựa đề “100 Năm Sinh Hoạ Sĩ Tạ Tỵ Và Giấc Mộng Con Năm 2000” ghi nhận:
Trả lời câu hỏi ấy trên tạp chí Hợp Lưu (số 32, Xuân Ðinh Sửu 1997, trang 216), khi Tạ Tỵ đã ở tuổi 76, ông tâm sự:
“Tôi sinh ra đời, hình như định mệnh đã an bài, bởi vậy tất cả những gì tôi làm ra đều có bàn tay của định mệnh dính vào.Lúc còn trẻ tôi yêu tất cả những thứ gì thuộc về văn chương nghệ thuật, nhưng tôi mê kéo vĩ cầm hơn cả. Vào năm 1936-37 gì đó, tôi được nghe tiếng đàn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Giệp tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Anh chơi bản Danse Macabre với tiếng dương cầm phụ họa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiếu. Tất cả nhà hát đều yên lặng để thưởng thức tiếng đàn tuyệt vời của hai nhạc sĩ trứ danh nhất của đất Thăng Long thời đó. Tôi về nhà xin Mẹ tiền mua cây đàn và quyển Mazas, là cuốn sách học kéo violon vỡ lòng.Tôi học kéo đàn song song với học vẽ ở trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Ðông Dương. Vì mê học nhạc nên tôi quen với cố nhạc sĩ Ðỗ Thế Phiệt. Sau mấy năm học thấy không có tiến bộ, tôi bỏ đàn, chuyên về vẽ…
Còn một trở ngại to lớn nữa là người họa sĩ chỉ vẽ tấm tranh duy nhất, nếu bán đi, người họa sĩ không còn gì ngoài tấm ảnh chụp giữ làm kỷ niệm. Vì nhìn thấy cái thế “yếu” của hội họa, vả lại, cuộc sống trong chiến tranh có rất nhiều sự việc tác động mạnh và sâu đậm trong tâm cảm mà hội họa bất lực, không thể nói bằng màu sắc được. Do đó, tôi phải nhờ tới văn chương cũng như thi ca để bày tỏ lập trường, cùng thái độ sống trước tập thể, trước xã hội.
Biết bao nhiêu đổ vỡ, tang thương do chiến tranh gây ra. Biết bao nhiêu tuổi trẻ đã lên đường và cũng có bao nhiêu vòng khăn tang đã quấn ngang đầu, bao nhiêu tiếng khóc than vật vã, với đôi tay bé nhỏ xanh xao của người góa phụ, ôm lấy chiếc quan tài phủ lá quốc kỳ với vòng hoa cườm có hàng chữ “Tổ Quốc Ghi Ơn”, nhưng tôi được biết, trong chiếc quan tài đó chỉ có chiếc bọc nylon ôm gọn thây người chiến sĩ đã nát bấy vì pháo địch, chỉ còn lại một đống thịt xương bầy nhầy với chiếc thẻ bài lẫn lộn trong vũng máu đông đặc vì được cất kỹ trong ô kéo của căn phòng chứa xác cực lạnh. Ngay cạnh đó, một đứa nhỏ chừng ba tuổi gầy ốm đứng nhìn ngơ ngác!
Còn biết bao nhiêu cuộc tình tan tác như những chiếc bong bóng thổi bằng bọt xà bông. Ðại lộ kinh hoàng còn đó. Xác những chiếc xe tăng của Trung Cộng, của Liên Xô, của Mỹ còn nằm rải rác dọc theo đường số 1 như những con quái vật thời tiền sử và còn nhiều, nhiều nữa những dấu ấn của chiến tranh cần phải nói ra, nhưng hội họa quả tình bất lực trước vấn đề này. Chỉ có văn chương mới đủ sức khai quật những oan khuất chìm ở đáy sâu tâm cảm.”
Tranh Tạ Tỵ
Thơ Tạ Tỵ
Thương về năm cửa Ô xưa
Tôi đứng bên này vĩ tuyến
Thương về năm cửa Ô xưa
Quan Chưởng đêm tàn dẫn lối
Ðê cao hun hút chợ Dừa
Cầu Rền mưa dầm lầy lội
Gió về đã buốt lòng chưa?
Yên Phụ đôi bờ sóng vỗ
Nhị Hà lấp lánh sao thưa
Cầu Giấy đường hoa phượng vĩ
Nhớ nhung biết mấy cho vừa…
Cửa Ô ơi, cửa Ô
Năm ngả đường đất nước
Trôi từ vạn nẻo sông hồ
Nắng mưa bốn hướng đổ vào lòng Hà Nội
Gục đầu nhớ tiếng võng đưa!…
Có biết chăng ai, mái tóc bồng bềnh chảy xuôi ý đẹp
Có nhớ chăng ai, lệ nào ướt đẫm tình người
Tê tái tiếng cười
Từng cánh hoa đời khép lại
Thương về năm cửa Ô xưa!…
Tạ Tỵ
NGUYỄN & BẠN HỮU – Tổng Hợp