Nhà văn Khuất Ðẩu tên thật là Trương Ðẩu. Tên thường gọi: Trương Thanh Sơn. Sinh năm 1940. Hiện sống tại Việt Nam. Cộng tác với Tiền Vệ, Talawas, Thư Quán Bản Thảo, Thông Luận, Văn Chương Việt, T.Vấn & Bạn Hữu…

Theo ghi nhận: Vào giữa năm 2010 trên trang mạng Talawas xuất hiện tác phẩm “Những tháng năm cuồng nộ” được người đọc đón nhận và yêu thích không những do đề tài cấm kỵ được một cây viết đang sống trong nước khai thác mà bởi chính phong cách riêng của tác phẩm đã khiến nó được tìm đọc và lan truyền. Ngoài Những Tháng Năm Cuồng Nộ, Khuất Ðẩu còn là tác giả của Lão Tiền BốiNgười Giữ Nhà Thờ Họ, hợp thành một bộ Trio về cùng một chủ đề. Qua đó người cùng thời và các thế hệ mai sau sẽ có cơ hội hiểu và biết thêm nhiều điều về những tháng năm cuồng nộ của một giai đọan lịch sử não lòng. Tưởng cũng cần kể thêm Người Tử Tù viết năm 1970, các truyện ngắn và một số thơ không vần, đã được đăng tải trên các trang mạng.

Khởi đầu với “Những tháng năm cuồng nộ” xác định chỗ đứng của mình trong lòng người đọc, rồi kế đến là “Lão Tiền Bối’, “Người giữ nhà thờ Họ” v.v. và mới nhất là tập “Buồn như ly rượu cạn”, ngòi bút của Khuất Ðẩu tiêu biểu cho lớp nhà văn lúc nào cũng không cho phép mình được quên rằng mình đang sống trên mảnh đất nghèo khổ hết chia ly đổ nát vì chiến tranh thì lại tới ách thống trị tàn bạo của một chế độ bất nhân vô đạo. Họ cầm bút không chỉ để thỏa mãn đam mê cầm bút của mình mà còn ý thức rõ ràng nhiệm vụ của nhà văn là sáng tạo nên những tác phẩm đủ tầm vóc gợi lên được những suy nghĩ nơi người đọc, để từ đó, thúc đẩy người đọc đi tìm câu trả lời cho chính mình, cho thời đại về những nỗi thống khổ mà dân tộc phải gánh chịu từ hơn 50 năm nay. Vì thế, tính thời cuộc xuyên suốt những tác phẩm của Khuất Ðẩu, bất kể ông viết dài hay viết ngắn, tiểu thuyết hay tản văn, và cả trong những bài thơ hiếm hoi ông phổ biến trên mạng điện tử. Cùng một đề tài thời sự, Khuất Ðẩu chọn chữ nghĩa văn chương để diễn đạt. Với chữ nghĩa văn chương, đề tài thời sự ấy có tác dụng sâu hơn, ở lại lâu hơn trong lòng người đọc. Ðó là một lựa chọn không phải ai muốn cũng làm được.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Và đó là nỗi buồn như ly rượu cạn của Khuất Ðẩu. “Giờ, tôi “uống ngụm nắng tàn trong chiếc ly không”. (Khuất Đẩu: Buồn như ly rượu cạn)

Có thể nói: Ngắn gọn, mạnh mẽ mà sâu sắc… đó là những nét riêng của văn chương Khuất Ðẩu.

Trên là Tổng hợp từ T. Vấn & Mặc Lâm.

Nhà văn Khuất Đẩu

Gần đây, T.Vấn & Bạn Hữu còn thực hiện một e.book nhan đề Nghĩ Vẩn Vơ, Cuối Ðời, tản văn, cũng của Khuất Ðẩu. Về tác phẩm này, T.Vấn có nhận định: Ở tuổi xấp xỉ 80, nhà văn sau một thời gian dài “im tiếng” đã quay trở lại với lối viết ngắn đầy thuyết phục của ông mà ông gọi là “nghĩ vẩn vơ, cuối đời”. Sau khoảng thời gian gần một năm, ông đã gởi đến TV & BH 25 bài viết (ngắn) cũng với sự cô đọng như “những trang viết ngắn” trước đó 7 năm. Nay, để mừng nhà văn đã vượt qua ngưỡng 82 hiếm có, chúng tôi gom góp lại và gởi đến quý độc giả tập “Nghĩ vẩn vơ, cuối đời” của nhà văn Khuất Ðẩu với hy vọng rằng đây không phải là tác phẩm cuối cùng của nhà văn.

Trang viết giới thiệu sau đây là trích theo T.Vấn.

Nhà văn Khuất Ðẩu không còn trẻ nữa. Ông đang bước vào giai đọan “ẩn tàng” của đời người, giai đọan chiều rơi chầm chậm trên mái tóc muối che phủ hết cả tiêu. Ðây cũng là lúc ông ngó về quê mẹ. Lạ lùng thay không làm dâu xứ lạ mà ruột vẫn cứ đau chín chiều. Tôi gọi đó là cảm thức lưu vong ngay trên chính quê hương mình. Ðời ta tha hương ngay trên quê hương. . .

Những trang viết ngắn của Khuất Ðẩu sẽ là những cô đọng khoảnh khắc ngoảnh lại của một người biết mình đã đến lúc về thu xếp lại. Vì là viết ngắn, nên chữ ít. Có lẽ vì người già thường hay kiệm lời? Hay sau những tháng năm cuồng nộ của đất nước, ngán ngẩm vì chưa thấy có gì thay đổi, ông để nỗi buồn chảy ngược vào trong, như một phản ứng xuôi tay bất lực?

Những tản văn ngắn mới nhất của ông thật sự là những tác phẩm tiêu biểu của một ngòi viết sắc sảo có cái nhìn soi rọi và chuẩn xác của một người đã thông qua hết nẻo đời và mọi diễn biến xã hội. Ðây là những khoảnh khắc hồi tưởng của một người biết mình đã đến lúc “về thu xếp lại”.

Sau đây, mời các bạn đọc một bài văn ngắn của Khuất Ðẩu để cảm cách viết độc đáo của tác giả.

Chào tám mươi!

Xem thêm:   Viếng mộ tao nhân

KHUẤT ĐẨU

Xin chào tám mươi năm cuộc đời!

Xin chào bốn phần năm thế kỷ dông bão đã qua!

Xin chào những ai cùng sinh năm bốn mươi thế kỷ trước!

Sống sót qua cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc, rồi bốn mươi lăm năm dưới chế độ tốt đẹp gấp vạn lần tư bản, đến nỗi ăn bo bo vẫn sống, đau bệnh uống xuyên tâm liên vẫn không chết…

Lại nữa, không chết vì bệnh lạ, vì vấp ngã lan can rơi xuống từ tầng lầu thứ tám, không phải thắt cổ bằng sợi dây thun ở trong đồn công an, cũng không lo bị tiêm thuốc độc vì nhận hối lộ đến ba triệu đô.

Mai đây có chết, cả nước cũng không vui đến nỗi nhảy múa ăn mừng vì chẳng phải bộ tam hay bộ tứ.

Chẳng dưới một người mà trên cả vạn người, trơ khấc là phó thường dân cùi bắp, nên chỉ có vợ con buồn năm phút mà thôi.

Vậy thì, xin chào tám mươi năm một lần nữa.

Xin chào những tháng năm cuồng nộ đã qua!

Xin chào những nỗi nhục của một công dân trong một đất nước không chịu tiến bộ!

Xin chào những nỗi buồn dài của những người mẹ phải nhận xác con lạnh giá trong thùng đông lạnh từ xứ sở sương mù xa xôi!

Xin chào những đêm không ngủ vì vận nước đã hết rồi, không chỉ một mà cả triệu tấc đất của tổ tiên hết rao bán lại cho thuê, cứ như hàng ve chai!

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Và, dù chỉ một ngày được sống thêm ngoài tám mươi năm, tôi vẫn muốn xin được nói lời cảm ơn.

Cảm ơn núi rừng dù bị tàn phá vẫn ráng giữ màu xanh dưới ánh mặt trời.

Cảm ơn sông biển dù bị đổ đầy chất thải độc hại, vẫn cố sức làm sạch chính mình để nuôi bắp lúa và cá tôm.

Cảm ơn những chiến sĩ hải quân đã kiên cường trước các tàu hải dương và hải cảnh của Tàu phù ở Trường Sa và bãi Tư Chính.

Các anh đã cho chúng tôi niềm tin và hy vọng, rằng nước Nam vẫn là của người Việt Nam, Tập Cận Bình có tàn bạo như Tần Thủy Hoàng, gian ác như Tào Tháo, cũng không thể nào cướp được một xứ sở có anh hùng tri hữu chủ như Quang Trung Nguyễn Huệ.

Sau cùng, cảm ơn tôi, dù xác thân trông ốm yếu ho hen, nhưng tinh thần vẫn mạnh mẽ, thà làm một con chó sói lạc bầy bị săn đuổi chứ không làm một con cừu đi theo hàng.

Vẫn còn bước đi trong nắng xuân ấm áp, trong gió xuân mát mẻ, trong hương xuân thơm tho… thật là kỳ diệu.

Xin uống cạn đời tôi!

– 1/1/2020