Nhà văn Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long, sinh năm 1935 tại thị xã tỉnh Thái Bình, Bắc Việt, bên bờ sông Trà Lý. Ông mất tại Paris, Pháp quốc năm 1997.

Sự nghiêp văn chương và báo chí của Duyên Anh khá đồ sộ với hơn 50 tác phẩm đã xuất bản. Ông là một trong những nhà văn tiêu biểu của miền Nam trước năm 1975. Những chủ đề nổi tiếng nhất trong tiểu thuyết Duyên Anh là truyện thiếu nhi, tuổi mới lớn, truyện tình yêu, đặc biệt là truyện về giới giang hồ, bụi đời như Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Châu Kool, Điệu Ru Nước Mắt… Nhiều người cho rằng Duyên Anh là người viết truyện thiếu nhi tuổi mới lớn hay nhất miền Nam trước đây ngay cả đến nay cũng không ai qua được ông. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu với độc giả truyện ‘Con Sáo Của Em Tôi’ qua bài viết của Trương Đình Tuân trên Sách Nghé Online.

NGUYỄN & BẠN HỮU

Trương Đình Tuân

Mùa Xuân năm ấy tôi còn bé nhưng đã mê đọc truyện, dưới ánh lửa bập bùng sáng quanh nồi bánh tét, tôi đã đọc say mê quyển sách Hoa Thiên Lý của nhà văn Duyên Anh.

Ðọc sách vào ngày cuối năm thật thú vị, nhẩn nha đọc từng con chữ trong không khí nao nức nơi nơi ai cũng sửa soạn đón Giao thừa. Tôi nằm dài trên ghế bố kê gần bên nồi bánh tét, đọc từ từ sợ hết chữ vì quyển sách này dì tôi đã mượn của bạn về đọc trong mấy ngày Tết

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Trong tập truyện ngắn của quyển sách Hoa Thiên Lý, tôi mê nhất là truyện “Con sáo của em tôi” vì câu chuyện thật cảm động  của hai anh em nhà nghèo nuôi được con chim sáo. Người anh trai tên là Hữu, đến ngày Tết mà nhà  thì nghèo quá, mẹ lại bị bịnh nên Hữu dù yêu con sáo lắm nhưng đành phải làm thịt con sáo nấu với su hào, để sáng Mùng Một Tết có đồ để cúng cha và sau nữa có “bữa cỗ” cho em gái của mình ăn.

Bìa Hoa Thiên Lý của Duyên Anh

Một đoạn trích trong truyện ngắn “Con sáo của em tôi”:

“Lúc này đứng nhìn thiên hạ đón xuân, tôi nghĩ đến em gái tôi, nghĩ đến miếng thịt gà, thịt lợn hay thịt chim khi em tôi tỉnh dậy. Anh em tôi chỉ có mỗi con sáo. Con sáo nuôi bao nhiêu ngày mới biết nói. Chẳng lẽ tôi giết nó? Chẳng lẽ em tôi ăn cơm với muối ngày đầu năm? Năm nay em tôi mười tuổi, mười mùa xuân bay vụt qua, mười mùa xuân tẻ nhạt, buồn thảm chấp nối thành thời thơ ấu của em tôi. Mùa Xuân trôi theo kỷ niệm, có khi nào níu lại được? Tôi không muốn em tôi lớn lên phải nghẹn ngào nhắc tới một trang chua chát, xiên lệch trong cuộc đời. Vậy thì tôi sẽ giết con sáo. Tôi nghĩ tôi biết buộc tổ, biết nuôi sáo, nuôi bằng cái lồng của chú Nghị thì sáo nào chẳng biết nói, biết hót. Dẫu con sáo này chết, tháng sau tôi buộc tổ sáo khác. Mùa Xuân tàn rất nhanh, tôi có đàn sáo mới, tôi nuôi một đôi để chúng quyến luyến nhau cơ hồ anh em tôi, chắc em tôi sung sướng lắm. Ý tưởng ấy khiến tôi bớt se sắt, bớt tủi nhục. Tôi len lén trở vào xách cái lồng sáo xuống bếp. Trời còn tối, sáo không nhận ra tôi. Nếu nó chết thì nó oán hờn sự nghèo khổ và bàn tay tàn ác nào đó. Vong hồn cha tôi sẽ phù hộ tôi. Giết nó, tôi đau đớn vô ngần nhưng tôi phải thương em tôi hơn. Em tôi phải được ăn thịt sáo nấu su hào ngày mồng một tháng giêng năm mới. Chỉ vì em, tôi quên tất cả”

Câu chuyện của một gia đình nghèo được nhà văn Duyên Anh viết làm cho độc giả xúc động không cầm được nước mắt. Câu chuyện thương tâm bắt nguồn từ mẹ của hai đứa trẻ Hữu và Mai bị họ hàng bên nhà chồng khinh miệt, ghẻ lạnh vì vượt lễ giáo gia phong vì có thai trước khi về nhà chồng. Một thời gian sau cha của Hữu chết và mẹ Hữu không chịu nổi sự khắc nghiệt của nhà chồng, đã bồng bế dắt díu hai đứa con về nương nhờ nhà ngoại. Nhưng bên ngoại đối xử với gia đình của Hữu cũng không có gì hơn bên nội, và ba mẹ con côi cút đã chỉ cho được ở tạm trong một túp lều ở góc vườn, nơi mà  dành riêng cho bọn gặt mỗi vụ mùa.

Nhà văn Duyên Anh – hình Cao Lĩnh

Trong truyện ngắn “Con sáo của em tôi” có lẽ không  người đọc nào mà không ngậm ngùi và bị ám ảnh bởi một câu chuyện bi thương của kiếp người. Một phụ nữ sinh ra hai đứa trẻ bị mang tiếng là “con hoang” giữa xã hội cũ còn đầy cổ hủ và phong kiến, họ đã bị lạc loài ngay chính trong lòng đại gia đình của mình là những người thân thích họ hàng.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Hai đứa trẻ mồ côi đã bị khi thường, phân biệt đối xử của hai bên họ hàng, đã nuôi được con sáo và thương yêu coi sáo như là bạn thân. Nhưng cuối cùng Hữu phải làm thịt con sáo để làm cỗ cúng cha trong ngày Tết và cũng để có cái cho em gái mình ăn. Câu chuyện thật đau lòng và cảm động về tình yêu thương của một gia đình nghèo, khi tất cả họ hàng nhà nào cũng vui vẻ mổ gà vịt để ăn Tết mà nhà mình thì không biết lấy gì để dọn lên bàn thờ cúng cha trong ngày đầu Xuân.

Tôi đã đọc nhiều tác phẩm của nhà văn Duyên Anh và thích nhất là truyện ngắn “Con sáo của em tôi”, đã đọc nhiều lần và lần nào cũng ngậm ngùi và cảm động trước một câu chuyện ám ảnh về một “bữa cỗ” bằng thịt con chim sáo để cúng cha,  trong ngày Mùng Một Tết đầu năm.

Nhà văn Duyên Anh và tác phẩm

TDT