Cung Tích Biền là nhà văn nổi tiếng từ trong nước ra đến hải ngoại. Tên thật Trần Ngọc Thao. Sinh ngày 8-2-1937, dưới chân Nỗng Ông Tào, Thăng Bình, Quảng Nam.
Sống 8 năm thời Pháp thuộc [1937-1945]. 9 năm trong vùng Kháng chiến Liên khu V [1945-1954]. 21 năm Việt Nam Cộng Hòa [1954-1975]. Từ 1975 – 2008 dưới chế độ Cộng sản. Hiện sống cùng vợ con ở Cali.
Học trường Diên Hồng [Phố Cổ Hội An], Quốc Học Huế, Ðại học Văn khoa Huế, Ðại học Luật Sàigòn. Khởi nghiệp văn khá sớm. Năm 1961 dạy Anh văn và Việt văn tại các trường trung học ở Quảng Nam. Năm 1963 động viên vào trường Võ Bị Thủ Ðức, khóa 17. Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Hành chánh Tài chánh khóa 10, thuộc Bộ Quốc phòng Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Từng phục vụ qua nhiều đơn vị Pháo Binh. Từ 1970 là giảng viên Trường Sĩ quan Hành chánh [Sàigòn]. Lập gia đình năm 1972. Giải ngũ năm 1973, cấp bậc Ðại úy.
Sau 30 tháng 4-1975, sống lây lất bằng đủ thứ nghề. Ðạp xe ba gác, chạy xe ôm, thu gom ve chai, làm cu ly bốc vác, thợ mây tre lá, thợ sơn mài… Năm 1982 tạm ổn định nhờ vợ buôn bán sơn mài. Bản thân mang rất nhiều thứ bệnh. Hơn vài thập niên nay làm thân chùm gởi trong gia đình.
Nghề và nghiệp trọn đời: Viết văn. Cung Tích Biền là một nhà văn độc lập. Có truyện và thơ đăng báo từ 1958, với nhiều bút hiệu lúc ban đầu [Chương Dương, Việt Điểu, Uyên Linh] trước khi có bút hiệu Cung Tích Biền.
Bút hiệu Cung Tích Biền xuất hiện lần đầu tiên trên tuần báo Nghệ Thuật [tháng 3-1966] tại Sàigòn, với truyện ngắn Ngoại Ô Dĩ An và Linh Hồn Tôi. Nhanh chóng có truyện đăng trên hầu hết các nhật báo, tuần báo, tập san văn học nghệ thuật có giá trị, trước và sau 1975, trong và ngoài nước, cả trên các trang web văn học. Có tác phẩm dịch sang ngoại ngữ, in chung với nhiều tác giả, phát hành ngoài nước.
Hiện các tác phẩm của Cung Tích Biền sáng tác trước 1975 đang bị cấm lưu hành tại Việt Nam. Trả lời phỏng vấn của Mặc Lâm Ðài RFA, nhà văn Cung Tích Biền cho biết: Thời gian rất dài từ 75 đến 87 thì tôi không viết lách gì hết. Tôi không viết lách gì hết nhưng trong thời gian đó tôi cũng rất cẩn thận là vì tôi cũng không viết gì nữa hết chứ không phải là không viết lách. Riêng mình cộng tác vớí chế độ mới thì thực sự thời gian đó tôi cũng không viết, không xuất hiện gì cả. Mười hai năm sau, đến Năm 1987 thì tôi mới viết lại và truyện đầu tiên tôi viết là Mộng, rồi loạt truyện Dị Mộng, Qua Sông, Thằng Bắt Quỷ, một loạt đó được in. Rồi sau đó tập hợp xuất bản thành tập truyện Thằng Bắt Quỷ đó.
Trả lời câu hỏi của Mặc Lâm, “cơ quan nào in ấn và xuất bản những tác phẩm của Cung Tích Biền trong giai đoạn sau năm 1987”, nhà văn cho biết: Phần lớn các truyện như truyện Qua Sông, truyện Thằng Bắt Quỷ, Dị Mộng đăng ngay tại Việt Nam, nhưng mà có vấn đề là khi đăng rồi thì Ban Biên Tập Sông Hương và Cửa Việt bị phê phán nặng lắm nhưng có điều đặc biệt là đến sau nhiều năm, độ bảy tám năm gì đó, nhà xuất bản Hà Nội in lại Tuyển Tập Truyện Ngắn Việt Nam Thế Kỷ 20 họ lại lấy truyện Thằng Bắt Quỷ cho in vào tuyển tập.
Ðiểm đặc biệt trong nhân thân Cung Tích Biền, ông là công dân của miền Nam với thân phận đi giữa hai lằn đạn – ông có hai người anh, một “anh là Cộng sản chết không mồ, em là Quốc gia chết không tìm ra xác” (người tập kết, người bị tù “cải tạo”, hai cái chết đều do Cộng sản Hà-Nội gây ra!). Trước 1975, ông từng bị nghi ngờ nếu không vì xuất thân từ vùng kháng chiến chống Pháp thì cũng vì gia đình ông, cũng như nhiều người khác có anh em ở chiến tuyến đối nghịch; đời sĩ quan của ông không hanh thông, từng bị chỉ định nơi cư trú và giải ngũ sớm. Nạn nhân cả sau biến cố 30-4-1975, ông đã phải chịu đựng và câm lặng hơn 30 năm. Tuy vậy trong buổi tranh tối tranh sáng, ông cũng bị tai tiếng nhưng rồi qua đi. Dù muốn dù không, Cung Tích Biền cũng đã chứng kiến nhiều cảnh bạo lực, “nhân tình éo le” và chướng tai gai mắt. Tình cảnh nạn nhân và chứng nhân đó đã được ông đưa vào sáng tác, đã là nguồn, là chất liệu làm nền cho văn-chương Cung Tích Biền.
Trong các sáng tác khi có thể và không nhiều, ngọn bút của ông mang nặng tính nhân bản và không pha hận thù, nếu có chăng là suy tư, hài hước tình đời, là nhắc nhở để tránh, để khỏi… Dùng ẩn dụ, ví von xa xôi, xa xưa và không gian khác, lạ lẫm thay vì hiện thực dễ dàng thấy sao nói vậy. Ðề tài thời nhiễu loạn, “gió chướng”, do đó không hề thiếu, quan điểm và phê phán ông cũng không thiếu, nhưng biến thành con – chữ và đến được với người đọc là vấn nạn mà một nhà văn có bản lãnh như Cung Tích Biền không thể không đắn đo. Ðó có lẽ là lý do khiến những sáng tác hiếm hoi của ông sau 1975 khi còn ở lại trong nước khá cô đọng, kiệm lời, không thừa chữ, không phải lý lẽ cho ra lẽ, nhưng từ khi ông định cư ở Hoa-Kỳ, hết “kiểm duyệt”, hết phải “sống trong phòng đợi”, thì ngòi bút ông như ngựa mất cương, tha thiết hơn, dài hơi hơn và phê phán triệt để hơn. Người đọc sẽ thấy diễn biến đó từ những truyện trong Thằng Bắt Quỷ (Tân Thư, 1993) đến Xứ Ðộng Vật (“tân truyện”; Nhân Ảnh, 2018) và gần đây, Mùa Xuân Cô Mơ Bay (CA: Thao Thao, 2019).
Kinh nghiệm sống cũng như các biến cố lịch sử cận đại đã được và tiếp tục hiện hữu, “sống-còn” trong các sáng tác của Cung Tích Biền, và ông xác tín trong một phỏng vấn của Ðặng Thơ Thơ rằng “viết là một cách tự cứu rỗi, cũng là cách tối an tử dần dà. Ðó là Mệnh”. Vì theo ông, “Một văn chương hoàn chỉnh chính là Một Nạn Nhân./ Một Hoàn chỉnh Văn chương là tật nguyền ráp lại./ Một thường-trực-trả-lời, trong hoàn cảnh Việt Nam hôm nay, phải là một trung-thực-chịu-nạn./Văn chương có thể huyền ảo, nhưng trách nhiệm của Nhà văn không hề là một hư ảo” (Trích từ “Cung Tích Biền nói chuyện với Đặng Thơ Thơ”, 24-3-2008: https://damau.org/17335/ ctb-noi-chuyen-voi-dang-tho-tho).
N&BH – Tổng hợp
Kỳ tới
Mùa Xuân Cô Mơ Bay