Cung Tích Biền là tác giả của nhiều tác phẩm đặc sắc. Cuộc đời ông thì nhiều mặt sáng tối với nhiều biến chuyển.

Nói riêng về văn của Cung Tích Biền, nhà thơ Trần Tuấn Kiệt có nhận định: Ðây là loại chữ nghĩa không dễ đọc. Nó là thế giới của ẩn ngữ, hàm dụ, của hiện thực huyền ảo. Chỉ đọc vài trang thôi, ta đã như bị Quỷ ám.

Cung Tích Biền sống trọn qua đôi bờ lịch sử, lúc thiếu thời trong vùng kháng chiến, lớn lên trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, và hơn   30 năm trong vòng vây xã hội chủ nghĩa. Anh sống khiêm tốn, và sáng tác khá âm thầm, miệt mài đơn độc. Nhiều người như thế đã từ lâu bỏ cuộc. Còn anh, Cung Tích Biền vẫn sống. Sáng tác của anh chứng tỏ tinh thần và ý chí mãnh liệt, bền bỉ… Văn tài nhà văn Cung Tích Biền thì không ai chối cãi được. Ðọc truyện anh – vẫn lời Trần Tuấn Kiệt – tôi nhớ tới lối hành văn, văn phong của Fyodor Dostoyevsky, của William Faulkner… Ðọc văn anh, đôi khi phải lạnh gáy. Ðó là những thiên tài, phải khó khăn lắm lịch sử mới tạo ra được.

Một trong những truyện đặc sắc của Cung Tích Biền là Mùa Xuân Cô Mơ Bay. Tác phẩm này do nhà xuất bản Thao Thao của Cung Tích Biền xuất bản năm 2019 khi ông đã ở Mỹ. Xin đọc lá thư giới thiệu của nhà xuất bản ThaoThao:

Mùa Xuân Cô Mơ Bay là một tập truyện ngắn của Nhà văn Cung Tích Biền, một nhà văn nổi tiếng, có nhiều tác phẩm in ấn và phát hành rộng rãi thời  Việt Nam Cộng Hòa, từ những năm của thập niên 60 thế kỷ trước, tại Sàigòn. Ông có rất nhiều độc giả trong hơn 50 năm qua.

Mùa Xuân Cô Mơ Bay gồm 16 [mười sáu] truyện ngắn. Có nội dung thuần túy văn chương, chủ đề về những biến động lịch sử, văn hóa, thời sự, và sinh hoạt xã hội Việt Nam. Mỗi truyện ngắn có một chủ đề nhất định, về con người trong thời nội chiến Bắc – Nam cũng như thời bình. Ở đó, mỗi thân phận con người trôi nổi theo những biến động thời cuộc khá bi tráng và phức tạp. Việt Nam là một đất nước có một dòng chảy lịch sự khá đặc biệt, đầy nghịch cảnh và mâu thuẫn ý thức hệ chính trị. Sự đối kháng này đưa tới một cuộc nội chiến trên 20 năm. Và, hòa bình được lập lại từ tháng Tư 1975, nhưng một cuộc ly tán khác đã xảy ra. Và, cuộc chiến tử sinh về lý tưởng vẫn còn chưa có ngày chấm dứt.

Với một văn phong trong sáng và thanh thoát, thủ pháp của hiện thực huyền ảo, Mùa Xuân Cô Mơ Bay đã biểu đạt rõ nét phần nào những chiêm nghiệm mà Ðộc giả mong muốn. (Nhà xuất bản Thao Thao)

Xem thêm:   Nguyễn Thanh Châu là rồi một chuyện kể chưa xong

Sau đây xin mời đọc trích đoạn bài của Lê Hữu ‘Những cô Mơ Bay trong truyện Cung Tích Biền’ đăng trên Diễn Ðàn Thế Kỷ.

“Mơ là ngọn đèn, tôi là ánh sáng.” (Mùa Xuân cô Mơ Bay, Cung Tích Biền)

Nhân vật chính trong truyện là cô Mơ Bay. Tên thực cô là Mơ. Lúc nào cô cũng muốn bay nên nhà văn cho thêm chữ “Bay” vào sau tên cô. Cô là Mơ ngoài đời thực, là Mơ Bay trong những trang viết của nhà văn.

Mơ Bay, tên đẹp quá đi chứ. Mơ mộng quá, bay bổng quá. Cô là giấc mơ có cánh.

Cô mộng mơ, cô bay lượn thế nào thì chỉ có đọc qua mới biết được.

Mơ là mơ Thoát, bay là bay Thoát

Tác giả, người kể lại câu chuyện, cho biết, “Mơ Bay còn trẻ, rất đẹp, học giỏi, trưởng thành trong một gia đình nền nếp, giàu gia hạnh.” Cô lại “quá thông minh, giàu mộng tưởng. Mộng ước của cô lớn lao, ngoài giới hạn”. Mơ Bay tin tưởng một cách mãnh liệt rằng loài người là hậu duệ của chim chứ chẳng phải của tinh tinh, đười ươi, khỉ vượn chi cả.

Vì ham rong chơi trên mặt đất, ham suối trong, rừng xanh và thích tắm biển nên chim sa đà vào kiếp đi bộ. Ðôi chân chim dần dà bự ra như chân người, và đôi cánh teo lại thành đôi tay. (Mùa Xuân Cô Mơ Bay) (1)

Lập luận của Mơ Bay là rất có logic, không thua bất cứ một đỉnh cao trí tuệ nào. “Cánh tay”, không phải tự nhiên mà loài người gọi như vậy. Phải trả đôi cánh về cho đôi tay. Mơ Bay tin rằng một ngày kia cô sẽ bay lượn được như chim, bằng đôi tay làm cánh. Cô sẽ phục hồi chức năng cho đôi tay mình. Bay xa bay gần, bay thấp bay cao thế nào không biết, nhưng mà nhất định là bay được.

Xem thêm:   Bùi Vĩnh Phúc & ‘9 khuôn mặt. 9 phong khí văn chương’

Vì sao cô muốn bay? Vì sao cô phải bay? Vì rằng bằng mọi giá cô phải thoát ra ngoài “cái thế gian tàn rụi ấy, cái xã hội rã tan đầy thương tích ấy”, nói như Cung Tích Biền.

Càng điêu đứng khốn khổ, càng không có lối thoát người ta càng muốn bay, muốn thoát.

Nhà văn gọi bay này là “Bay Thoát”.

Bay được là thoát. Bay tới đâu không biết nhưng lúc nào Mơ Bay cũng muốn bay. Bay bổng trên không trung, bay vút chín từng mây hoặc bay lơ lửng, bay là đà. Bay thế nào cũng được, bay “đi đâu cũng được, miễn đạt đỉnh ước mơ”, bay “đến đâu cũng được, miễn là miền hạnh phúc.”

Nhà văn cứ để Mơ Bay mải mê đuổi bắt mộng tưởng như đuổi bắt 7 sắc cầu vồng lung linh, óng ánh trong màn mưa thưa. Tuy gần mà xa, tuy xa mà gần. Tìm nhưng không gặp được, đuổi nhưng không bắt được những màu sắc trá hình đầy quyến rũ ấy.

Mơ Bay là giấc mơ hoang. Cô mơ gì? Dõi mắt nhìn theo cánh chim bay lượn cô mơ “một sớm mai nào bỗng dưng đôi cánh mọc ra từ hai bờ vai”. Cô mơ là chim hạc vàng.

“Anh có thấy đường bay của con hạc vàng kia không?” cô hỏi nhà văn. “Anh ạ, em sẽ bay thanh thoát. Em nhẹ lướt như mây. Em sẽ tường thuật anh hay khi em nhìn về trái đất dưới kia nhỏ nhoi như một hòn bi xanh [xao]. Khi anh không còn bắt được đường truyền tín hiệu của em thì anh nên mừng là em đã thoát ra được ngoài ‘vùng phủ sóng’ của cái xã-hội-mang-nhãn-hiệu-người.”

Nhà văn gọi mơ này là “Mơ Thoát”.

Trong khó khăn của ngày ngày, chỗ hiểm nghèo của định mệnh, người ta hay mơ thoát… Mơ thoát? Là một cách từ biệt cái tình trạng bao la xám màu của suy đồi, lạc nẻo.

Không chần chờ được nữa, Mơ Bay quyết định phải bay thôi. Mơ Bay mọc cánh, cô bay lượn như chim. Bằng “đôi cánh vô hình”, cô cất cánh bay thẳng một lèo từ bờ vực xuống đáy vực sâu hun hút.

Xem thêm:   Chia tay Viên Linh

Mơ Bay rơi tự do.

Cô bay thật. Khổ nỗi, cô bay xuống chứ không bay lên. Cô đã hoàn thành tâm nguyện cho dù giấc mơ bay có làm cô gãy cần cổ, bể sọ não.

Cuối truyện, toàn thân Mơ Bay phủ tấm chăn trắng, hình hài cô được quấn băng kín mít từ đầu tới chân, chỉ chừa ra hai con mắt nhắm nghiền. Mơ Bay hệt như “Người tình không chân dung” trong phim Hoàng Vĩnh Lộc.

Trích lá thư viết vội để lại cho nhà văn, Mơ Bay giãi bày tâm sự:

“Bên vực thẳm giữa hai hẻm núi, em bay. Anh yên chí, em không hề rơi xuống vực sâu. Chính đôi mắt ta nhìn hẻm núi thăm thẳm bên dưới. Sợ hãi kia, thay vì đầu hàng rơi xuống, sẽ giúp em mạnh mẽ bay lên cao. Anh sẽ thấy trong trời mùa Xuân này một con chim lạ. Em đấy. Khi một con chim biến ra một con người là số phận không may. Con người biến được thành con chim mới là hạnh phúc, là ân sủng của Tự Do.”

Khi Mơ bay là khi Mơ hạnh phúc. Hạnh phúc trong mơ.

Tội nghiệp Mơ Bay, cố gắng lắm cô cũng chỉ như chim cánh cụt chứ chẳng được là hạc vàng. Thế nhưng, trong một nghĩa nào đó, quả là Mơ Bay đã bay được. Mơ Bay đã Thoát. Cô đã thực hiện được cuộc đào thoát ra khỏi “vùng phủ sóng của cái xã-hội-mang-nhãn-hiệu-người” như cô nói.

Mơ Bay vẫn đang bay, cô vẫn còn bay dài dài. Mơ Bay chưa bao giờ thôi bay. (Lê Hữu-Diễn Đàn Thế Kỷ)

NGUYỄN & BẠN HỮU xin được chia buồn cùng Cô Mơ của Cung Tích Biền. Cô đã đạt được giấc mơ dù kết cục bi thảm. Sau đây là một lời nhắn chung: Xin các cô bé trên đời này hãy tiếp tục mơ – như Alexandra Huỳnh như Amanda Gorman… Mơ và phấn đấu, học hỏi không ngừng với niềm đam mê son sắt. Rồi một ngày kia các bé sẽ thành công hay ít ra là cảm thấy bằng lòng với mình.

N& BH – Tổng hợp