Cách Denver chừng 1 tiếng lái xe có một ngôi làng nhỏ tên Nederland, nơi cựu chiến binh Việt Nam Scott Harrison đã chế tác một chiếc kéo quân (carousel) hết sức độc đáo. Qua lời giới thiệu của Chris B., quản lý khách điếm Boulder Creek Lodge, Scott đã thân hành đến gặp chúng tôi để kể chuyện về chiếc “Carousel of Happiness” của mình.

vong-xoay-hanh-ngo6

Nghệ nhân Scott Harrison với bản vẽ chiếc “Carousel of Happiness”. ảnh: ianbui/Trẻ:

Năm 1966, khi vừa ra trường Trung Học Irving (Texas) Scott Harrison tình nguyện đăng lính Thuỷ Quân Lục Chiến hai năm và sang Hawaii để huấn luyện. Tại đây anh được cho học một khoá tiếng Việt cấp tốc do Trường Ngôn Ngữ của Bộ Ngoại Giao đảm trách. Sau ba tháng, Scott và sáu binh sĩ khác được đưa thẳng sang Việt Nam để phân bổ đến các làng mạc xa xôi.

Chàng trai trẻ mới 19 tuổi tưởng rằng nhờ có mảnh bằng Việt ngữ đàm thoại mình sẽ không phải tác chiến. Ngờ đâu vừa cập bến Ðà Nẵng tháng 8/1967 Scott bị ném ngay vào chảo lửa Quảng Trị. Ngay ngày đầu tiên Scott đã phải thế chỗ một xạ thủ trực thăng vừa đền nợ nước. Rốt cuộc Scott không được đặt chân đến bất cứ một ngôi làng nào để làm công tác dân vận như hằng tưởng, mà chỉ biết mỗi một đồn trại bên bờ sông Cam Lộ, nơi chẳng có người Việt nào để anh… trổ tài ăn nói.

vong-xoay-hanh-ngo5

Trục quay khổng lồ, trên trăm tuổi nhưng vẫn còn chạy tốt. ảnh: ianbui/trẻ:

Trong thời gian đóng quân tại Cam Lộ, chị của Scott gởi anh chiếc trục quay của một cái hộp nhạc (music box), chơi bài “Tristesse” của Chopin. Những khi có thì giờ nghỉ ngơi, Scott thường kiếm chỗ vắng vẻ, vặn dây cót rồi đặt nó trên đầu bên trong chiếc nón sắt; chiếc nón trở thành dụng cụ khuếch đại âm thanh giúp tạo nên tiếng nhạc chỉ một mình anh nghe. Bản nhạc và chiếc trục quay đơn sơ ấy đã trở thành người bạn bất khả ly thân của Scott Harrison tại VN. Nó là sợi dây nối liền anh với gia đình, cũng như với thế giới an ổn anh bỏ sau lưng.

Cuối năm 1967 quân Bắc Việt di chuyển ào ạt xuống miền Nam. Từ bờ bên này sông Cam Lộ, đại đội India của Scott (Tiểu đoàn 3, Sư đoàn 4 TQLC) có thể nhìn thấy từ xa những đoàn quân chính quy vượt sông và ẩn nấp trong các vùng cỏ cao. Tháng Giêng 1968, một cuộc giao tranh lớn xảy ra quanh ngọn đồi nơi đại đội Mike bị bao vây. Khi India được lệnh giải vây, đại đội của Scott rơi vào chiếc bẫy đã giăng sẵn.

vong-xoay-hanh-ngo4

Một trong hàng mấy chục tác phẩm bằng gỗ của Scott Harrison. ảnh: ianbui/trẻ:

Mike’s Hill, tên trận đánh, là một trong những cuộc đụng độ ác liệt nhất của cuộc chiến; hai phe đều bị tổn thất nặng nề. Tiểu đoàn 3 mất 21 mạng, 62 bị thương. Số tử thương phía Bắc Việt còn cao hơn nữa. Scott là một trong 62 người may mắn, chỉ bị trúng đạn nơi đầu gối trong khi phải mục kích hai đồng đội của mình bị bắn chết ngay trước mắt. Ngày hôm sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân mở màn, khi ấy Scott đã được chở sang Nhật để điều trị.

Xem thêm:   Allen PAC

Sau khi dưỡng thương vài tháng, Scott bị gọi trở lại Ðà Nẵng. Nhưng vì phải nhổ mấy cái răng cấm ở Okinawa, Scott chỉ còn 59 ngày là mãn hạn hai năm phục vụ. Theo thông lệ, lính tình nguyện không được đưa trở lại chiến trường nếu chỉ còn dưới 60 ngày trong hợp đồng (vì phí công chuyên chở). Thế là ngày 1 tháng 5, 1968 Scott Harrison đặt chân trở lại đất Mỹ, bốn hôm trước sinh nhật thứ 20 của một chàng thanh niên già trước tuổi.

vong-xoay-hanh-ngo3

Cây đàn Wurlitzer đời 1913 được phục hồi để phục vụ cho chiếc “Kéo Quân của Niềm Vui” ảnh: ianbui/trẻ:

Sau trận Mike’s Hill, Scott được trao huy chương Purple Heart, đồng thời đơn vị của anh cũng được nhận Bằng Khen của Tổng Thống. Nhưng cái giá họ phải trả cũng rất cao. Bị mất quá nhiều lính, đại đội India phải giải thể—số binh sĩ sống sót được san sẻ cho hai đại đội Lima và Mike. Ðó là lần duy nhất trong chiến tranh Việt Nam có một đơn vị lính Mỹ bị “xoá sổ”. Trở về Mỹ, Scott ghi danh vào đại học Texas ở Austin và ra trường với mảnh bằng cử nhân môn Ðịa Lý Học (Geography). Nhưng lúc nào anh cũng bị cái chết của hai người bạn ám ảnh. Và thỉnh thoảng chiếc trục quay nhạc, bị bỏ lại đâu đó bên bờ sông Cam Lộ, vẫn tiếp tục chơi bài “Tristesse” ở trong đầu anh.

Thập niên 1980, Scott đưa vợ con từ San Francisco về sống tại ngôi làng Nederland hẻo lánh. Tại đây anh tập tễnh đẽo gọt các con thú bằng gỗ, thường là về đêm. Công việc này giúp anh giữ đầu óc tỉnh táo, xoa dịu những căng thẳng hậu chiến tranh. Một hôm tình cờ anh biết có người muốn bán một chiếc carousel cũ sắp bị phế thải với giá rẻ mạt $2,000. Từ Colorado anh lặn lội sang Utah để tháo dỡ nó và chở về Nederland. Anh tiếp tục gọt đẽo bộ thú mà anh dự tính một ngày đẹp trời sẽ gắn lên chiếc carousel trong mơ của mình.

vong-xoay-hanh-ngo2

“Khỉ Đột”, tác phẩm ngộ nghĩnh nhất và tốn nhiều thời gian đẽo gọt nhất ảnh: ianbui/trẻ:

Scott Harrison cần mẫn đẽo gọt suốt 25 năm trời. Ðể tạo tác mỗi con vật, Scott sưu tầm rất kỹ về loài thú đó, nhất là về khía cạnh văn hoá và văn chương dân gian. Mỗi bức tượng là một câu chuyện, với nhiều chi tiết ý nhị, thâm thúy và hài hước. Sau khi làm xong một con thú nào Scott đều nhét vào bụng nó một mảnh giấy—có khi là một mẩu văn hay bài thơ ngăn ngắn, để thêm cái phần hồn mà anh gọi là “căn cước” (identity).

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Năm 2008 kinh tế bị đứt thắng, nhiều thầy thợ trong vùng bị thất nghiệp; một số xoay qua tình nguyện giúp việc không công cho Scott tái tạo chiếc carousel. Ðể hợp thức hoá việc gây quỹ, Scott thành lập một tổ chức bất vụ lợi mang tên “Carousel of Happiness” (Kéo Quân của Niềm Vui). Vài công ty lớn như Coors Beers bằng lòng đứng ra bảo trợ, số tiền còn lại đến từ người dân trong vùng Denver/Boulder. Chỉ sau hai năm họ đã hoàn tất một căn nhà tối tân và hiện đại để chứa chiếc carousel hơn 100 tuổi đời. Ðể tăng phần “cổ tích”, Scott tậu thêm một cây đàn organ Wurlitzer thời 1913, loại chơi nhạc tự động bằng những cuộn giấy có đục lỗ—một hình thức từa tựa như chiếc trục quay của hộp nhạc mà Scott từng nghe khi ở Việt Nam. Giấc mơ của Scott Harison cuối cùng đã trở thành hiện thực.

carousel

Ông già Noel Chris B. trong mùa Giáng Sinh 2018. nguồn: carouselofhappiness.org

Từ lúc khai trương năm 2010 đến nay, căn nhà mà dân làng gọi tắt là “The Carousel” đã trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch và dân chúng quanh vùng. Giá vé $1/chuyến chỉ đủ trả tiền điện và lương cho một vài nhân viên, nhưng nhờ cư dân Boulder (cách đó 30 phút) thích mướn chỗ này để tổ chức tiệc sinh nhật cho con cái nên chỗ này hầu như lúc nào cũng nhộn nhịp. “The Carousel” thật ra không chỉ dành cho trẻ em, nó là nơi nhiều người lớn đến để hồi tưởng và tìm lại tuổi xuân đã mất. Trên tường Scott cho treo ảnh hai đồng đội của mình đã hy sinh dưới chân đồi Mike’s Hill, cùng với hai lá quốc kỳ được xếp thành hình tam giác theo đúng quân kỷ. Trong một góc tường, phía trên bức tượng một chú hươu cao cổ, có cái lỗ vuông. Scott nói bức tường đó rỗng, và khách viếng có thể bỏ vào đó bất cứ thông điệp nào họ muốn—như một lá thư cho người đã khuất chẳng hạn…

vong-xoay-hanh-ngo1

Trên tường Scott cho treo hình và hai lá cờ tưởng niệm đồng đội đã hy sinh dưới chân đồi Mike’s Hill. ảnh: ianbui/trẻ:

Bước vào nơi này ta có cảm giác nó là một nhà nguyện hay là viện bảo tàng hơn là một chỗ giải trí. Thậm chí có người còn gọi chiếc carousel này là cái máy du hành thời gian. Scott kể có một bà cụ bị ung thư, không lái xe được nhưng cứ mỗi một hai tuần lại đón xe bus từ dưới Boulder lên Nederland. Bà ngồi im lặng hàng giờ dõi nhìn bá tánh nhấp nhô trên những con thú gỗ, quay vòng theo tiếng nhạc xa xưa phát ra từ chiếc Wurlitzer cũ kỹ. Xong bà lặng lẽ lên xe bus đi về. Từ đấy Scott nảy ra ý tưởng làm một dự án mới gọi là “Council of Kindness” (Hội đồng Tử tế), cũng với những con thú gỗ, làm nơi cho những người cần tìm nơi yên tĩnh để tịnh tâm, chữa lành những vết thương tâm lý. Khi nói chuyện với chúng tôi, anh đã hoàn tất con thú cuối cùng cho dự án này, một chú gấu đen thật to nhưng trông rất hiền lành. Dự tính đầu năm nay Hội đồng
Tử tế sẽ được trình làng trong một nhà băng tại Nederland.

Xem thêm:   Allen PAC

Cuộc chiến nào cũng gây nên chết chóc và những chấn thương vô hình; Việt Nam không ngoại lệ. Tuy nhiên, chiến tranh cũng có thể mang đến cho ta những món quà tinh thần khiêm tốn nhưng cao quý, như chiếc “Kéo Quân của Niềm Vui” với những con thú bằng gỗ của Scott Harrison. Người cựu chiến binh thổ lộ, đã rất lâu anh không kể lại cho ai nghe về kinh nghiệm xương máu của mình dưới chân đồi Mike’s Hill. Có lẽ cuộc gặp gỡ hết sức tình cờ với chúng tôi đêm ấy là minh chứng cho vòng xoay hạnh ngộ cõi nhân duyên.

vong-xoay-hanh-ngo

Scott Harrison trò chuyện cùng tác giả. ảnh: D.C./Trẻ:

IB

Dallas, TX