Paris 2024 đánh dấu một mùa Thế Vận Hội đầy kỳ tích cho các nữ lực sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới. Từ nước giàu nhất đến nước nghèo nhất, nhìn đâu cũng thấy các kỷ lục mới được liên tục lập nên và phá vỡ. Simone Biles (trái) trở thành nữ lực sĩ gymnastics với nhiều huy chương nhất trong lịch sử (9), và Sunisa Lee (phải) là người H’Mong duy nhất sở hữu hai HC Vàng, một HC Bạc, một HC Đồng.

Ảnh: AP       

Trong cuộc chạy đua 100m, mệnh danh người nhanh nhất hành tinh, Sha’Carri Richardson (trái) và Melissa Jefferson (phải) của Mỹ đã bị qua mặt dễ dàng bởi Julien Alfred của Saint Lucia, một đảo quốc trong vùng Caribe gần Nam Mỹ. Saint Lucia chưa bao giờ thắng bất cứ huy chương Olympics nào. Đây là lần đầu tiên quốc kỳ và quốc ca của Saint Lucia được trổi lên tại Thế Vận Hội, thật là một niềm hãnh diện cho 180,000 cư dân trên hòn đảo nhỏ bé này!

Ảnh: David Phillip/AP

Cuộc thư hùng trong hồ bơi giữa hai đội kình ngư Mỹ/Úc đã không gây thất vọng, với kết quả nghiêng ngửa 8/7 HC Vàng cho Mỹ. Mỹ cũng thắng tổng cộng 28/18 huy chương cả thảy. Tuy nhiên lần này đội Nam chỉ giành được 1 HC Vàng, trong khi đội Nữ thắng đến 4. Riêng Katie Ledecky của Mỹ còn là nữ lực sĩ bơi lội đoạt nhiều huy chương nhất trong lịch sử Olympics (14), với 9 chiếc HC Vàng.

Ảnh: Tsvangirayi Mukwazhi/AP

Trong mục bắn cung, Nam Hàn chứng tỏ họ vẫn là nhà vô địch không có đối thủ, với chiếc HC Vàng Nữ đồng đội thứ mười trong 10 giải Olympic liên tiếp! Riêng tại Paris, Nam Hàn thắng 5 HC Vàng, 1 HC Bạc, 1 HC Đồng trong tất cả các nội dung, kể cả Nam Nữ hỗn hợp. Có thể nói bắn cung là một trong những môn thi cổ xưa nhất của con người, với nguồn gốc đến từ săn bắn và chiến tranh. Đáng lý đây phải là môn thể thao được người Việt đầu tư vào nhiều hơn, vì nó không đòi hỏi phải có thể lực hay cao to như nhiều môn khác. Bằng chứng là các nữ lực sĩ Hàn tuy nhỏ nhắn, gọn xinh nhưng bắn rất chính xác.

Ảnh: Yonhap News

Đáng kinh ngạc nhất, và cũng vẻ vang nhất, phải kể đến chiến thắng ngựa về ngược của đội Rugby Sevens của Mỹ trong trận HC Đồng trước đối thủ nặng ký Úc. Bị gác 12-7 với chỉ còn 10 giây, Alex Sedrick của Mỹ đã liều mạng ôm banh chạy gần hết chiều dài sân banh trong sự ngỡ ngàng của đội tuyển và huấn luyện viên Úc. Rugby là môn thể thao khá xa lạ với khán giả Mỹ, và các lực sĩ nữ này phần lớn không được trả tiền để chơi. Thậm chí cách đây không lâu đa số còn phải *đóng tiền* để được chơi trong đội tuyển quốc gia. Sau chiến thắng, hiệp hội Rugby của Mỹ đã nhận được 4 triệu Mỹ kim từ nữ doanh nhân Michele Kang để giúp đào tạo nhân tài và chuẩn bị cho TVH 2028 tại Los Angeles.

Ảnh: Carl De Souza/AFP

Bắn súng cũng là một môn thi không đòi hỏi thể lực mà người Việt có thể dư sức cạnh tranh ngang hàng với thế giới. Song từ trước tới nay vẫn chưa có tay súng người Việt nào thắng Olympic. Trong khi đó tại Paris 2024 Adriana Ruano Oliva (trong ảnh) đã làm nên lịch sử khi cô trở thành nhà quán quân TVH đầu tiên đến từ Guatemala – một quốc gia vùng Trung Mỹ dân số chưa đầy 20 triệu và thu nhập bình quân chỉ khoảng $5,800 mỗi đầu người. Oliva đoạt HC Vàng trong nội dung Trap Shooting, tức bắn dĩa — một môn chơi cực kỳ vui mắt vì xạ thủ phải nhắm bắn một chiếc dĩa bằng đất nung được phóng lên không trung!

Ảnh: Photosport

Đánh kiếm cũng là một môn thể thao có nguồn gốc chiến tranh. Và như ta biết, Olympics 2024 diễn ra trong lúc Âu Châu đang sôi sục bởi cuộc chiến xâm lược của Nga tại Ukraine. Vì vậy mà tại TVH năm nay các lực sĩ Ukraine đều thi đấu trong tâm trạng căng thẳng hơn hầu hết những lực sĩ khác. Mọi nỗ lực của họ, dù nhỏ cách mấy, cũng được khán giả trên thế giới ghi nhận và ủng hộ nhiệt tình. Khi đội kiếm nữ của Ukraine đoạt HC Vàng và hát quốc ca trên bục, những giọt nước mắt của họ chắc chắn không chỉ đến từ niềm vui chiến thắng mà còn đại diện cho bao mất mát và đau thương của người dân Ukraine.

Ảnh: Getty Image

Trong tất cả các lực sĩ Ukraine tham dự TVH năm nay, người được chú ý nhiều nhất có lẽ là Yaroslava Mahuchikh, chuyên gia môn nhảy cao đang giữ kỷ lục thế giới sau giải điền kinh quốc tế hồi đầu năm. Mahuchikh nói mỗi khi cô phải đụng độ các lực sĩ Nga, cô luôn nghĩ đến bao nhiêu người Ukraine đã bỏ mình trong cuộc chiến phi nghĩa của Putin. Điều này không những làm tăng áp lực mà còn khiến cô tập trung nhiều hơn nữa. Tại Paris 2024 Mahuchikh đã đạt được mục đích với chiếc HC Vàng, trước sự ngưỡng mộ của cộng đồng thể thao nói riêng và của cả thế giới nói chung.

Ảnh: Kirby Lee/USA Today