Nhân dịp làm một chuyến du hành bằng đường bộ (road trip) từ New York City về Texas, trên đường được ghé nhiều địa điểm lý thú, thăm viếng những di tích lịch sử, thử những món ăn đặc sản – tiện tay ghi lại một số cảm nhận cùng những điều mắt thấy tai nghe để cống hiến độc giả

philadelphia6

Dinh Độc Lập (Independence Hall), nơi Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến Pháp Hoa Kỳ được soạn thảo ảnh: IB

Mang biệt danh “Thành Phố Của Tình Huynh Ðệ” (City of Brotherly Love), Philadelphia gắn liền với sự ra đời của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, đồng thời cũng là một điểm du lịch hấp dẫn. Nằm cách New York City chừng hai tiếng đồng hồ lái xe về hướng Tây Nam, Philadelphia là thành phố lớn nhất của tiểu bang Pennsylvania với dân số khoảng 1 triệu rưỡi người. Thành phố được ông William Penn thành lập năm 1682 để làm trung tâm hành chánh cho vùng thuộc địa Pennsylvania, vốn là mảnh đất ông Penn được vua Charles II của Anh Quốc ban cho để toàn quyền cai quản. Thời phong kiến xa xưa các vị vua thường trả công cho những người thân trong hoàng tộc hoặc những người chống lưng cho vương triều bằng cách phong tặng đất đai. Chẳng hạn như vùng New Netherland gần Pennsylvania cũng được Charles II giao cho em trai mình – Công Tước York (Duke of York) làm chủ, do đó nó mới có tên là New York.

Cho đến giữa thế kỷ thứ 18 thì các vùng thuộc địa của Anh trên đất Mỹ đã trở thành những tiểu bang tự trị, với luật lệ cũng như hệ thống hành chánh riêng biệt – mặc dù tất cả vẫn nằm dưới quyền của vương triều Anh. Tuy nhiên, đến thập niên 1770 thì có một cuộc cách mạng đòi thoát ra khỏi sự kiểm soát của nhà vua, phần lớn vì lý do thuế má và kinh tế. Mùa hè năm 1776 một số nhân sĩ trí thức của các tiểu bang đã tụ họp tại Philadelphia và cho ra bản “Tuyên Ngôn Ðộc Lập”, tức “Declaration of Independence”. Ðó chính là khởi điểm của một tân quốc gia mang tên United States of America mà hàng năm cứ đến ngày 4/7 là mọi người được nghỉ lễ và đốt pháo bông ăn mừng.

philadelphia5

Phòng làm việc của George Washington, với bức tranh “Marie Antoinette” nguyên bản được treo tại vị trí này từ đó tới nay ảnh: IB

Ngày nay ngôi nhà nơi các vị khai quốc công thần đó tề tựu để bàn cãi về tương lai đất nước đã được bảo tồn làm di sản lịch sử và đặt tên là “Independence Hall”- nôm na là Dinh Ðộc Lập. Cách đó mấy bước là căn nhà xưa kia dùng làm Nghị Viện (Congress House) nơi các đại biểu họp hành. Du khách ngày nay có thể đến thăm, thậm chí ngồi vào những chiếc ghế trong nhà Nghị Viện đầu tiên của nước Mỹ.

Xem thêm:   Nghệ sĩ Chí Tâm

Xin nhớ rằng sau khi chiến tranh giành độc lập thành công, thành phố Washington D.C. chưa được xây lên nên Philadelphia đã là thủ phủ của nước Mỹ trong khoảng thời gian 10 năm. Nghị Viện ở Philadelphia là nơi George Washington từng tuyên thệ nhậm chức. Ngày nay căn phòng ấy vẫn còn được giữ nguyên vẹn với tất cả bàn ghế và tranh ảnh thời đó. Trước sân, ngoài bức tượng của George Washington bằng đồng ta còn thấy hai cái bơm nước bằng gỗ được giữ lại y nguyên tuy không còn sử dụng; ngày xưa chúng được dùng để bơm nước lên cho ngựa uống.

philadelphia4

Thượng Viện đầu tiên của Hoa Kỳ

Ðối diện với Independence Hall là một khoảng đất trống rộng lớn. Khi xưa nơi đây là nhà ở của George Washington khi làm Tổng thống. Vết tích nền móng căn nhà đã được tìm thấy vào năm 2003 khi người ta đào xuống vài mét. Căn nhà không lớn lắm. Ðặc biệt là dấu vết của căn nhà nhỏ dành cho những người nô lệ của ông Washington vẫn còn khá nguyên vẹn. Ngày xưa ông Washington và vợ sở hữu cả mấy trăm người nô lệ làm việc tại đồn điền của gia đình ở Mount Vernon, Virginia. Khi dọn lên Philadelphia để làm Tổng thống, George Washington chỉ mang theo khoảng 7-8 người nô lệ để phục dịch. Sau khi ông qua đời, vợ ông mới trả tự do cho những người nô lệ ấy.

Xem thêm:   Beetlejuice

Khu vực đất vàng giữa downtown Philadelphia ngày nay được gọi là “Independence Mall” và được thành phố bảo vệ cẩn thận vì là di tích lịch sử cấp quốc gia. Thậm chí người ta còn bọc kiếng xung quanh nền nhà cũ của George Washington để du khách có thể đến viếng, xem kích cỡ căn nhà của vị cha già dân tộc khiêm nhường ra sao. Và cũng trên miếng đất này thành phố đã cho xây một viện bảo tàng nho nhỏ để chứa một hiện vật mà ai viếng thăm Philadelphia cũng nên ghé coi một lần cho biết: chiếc chuông đồng mang tên “Liberty Bell” – Chuông Tự Do.

philadelphia2

Nền nhà xưa của Tổng Thống George Washington ảnh: IB

Bước vào viện bảo tàng, trước khi đến chỗ chiếc chuông khá nhỏ được trưng bày ở cuối phòng, ta sẽ đi dọc theo một hành lang dài và đọc về lịch sử và ảnh hưởng của Chuông Tự Do từ thế kỷ 18 cho đến thời cận đại. Ðược mướn đúc bên Anh năm 1752, mới đầu nó được treo trên gác chuông của Nghị Viện Pennsylvania để báo hiệu mỗi khi Nghị Viện nhóm họp, hoặc khi có chuyện hệ trọng chính quyền cần thông báo cho dân chúng biết. Nhưng ngay lần đầu tiên được đánh lên chuông đã bị nứt một đường nhỏ. Sau đó dù được sửa nhiều lần vết nứt vẫn cứ ngày càng rộng ra. Cuối cùng đến năm 1846 người ta cho nó về hưu.

Nhưng lý do chuông được người đời sau biết đến nhiều vì có tin đồn rằng chính chuông này đã được gióng lên vào ngày Quốc Khánh 4/7/1776, khi bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập được ký và chính thức có hiệu lực. Nhưng thật ra các nhà sử học ngày nay đều công nhận chuông chỉ được đánh vào ngày 7/7/1776, khi bản Tuyên Ngôn được công khai đọc trước công chúng tại Dinh Ðộc Lập. Năm 1777, khi quân Anh đánh chiếm Philadelphia, chuông đã được tháo xuống và chở đến một nơi khác để tránh bị phá hại. Sau khi chiến tranh chấm dứt chuông mới được treo lên trở lại.

philadelphia1

Chuông Tự Do và thế hệ người di dân mới ảnh: DC

Giờ đây chuông đã trở thành một bảo vật quốc gia, đại diện cho sự tự do và bình đẳng của người Mỹ. Chính vì thế mà vào thập niên 1830 nó đã được một số người cấp tiến ở Pennsylvania đặt tên là “Liberty Bell”, dùng nó làm biểu tượng cho cuộc đấu tranh bãi bỏ nô lệ mà phải 30 năm sau nước Mỹ mới giải quyết xong bằng một cuộc Nội Chiến đẫm máu. Ngày nay Chuông Tự Do được treo tại một địa điểm, oái oăm thay, chỉ cách vài chục bước nơi ngày xưa những người da đen đã từng phải làm nô lệ cho gia đình vị Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ.

Xem thêm:   Triển Lãm Nhiếp Ảnh Lê Văn Khoa

Hình ảnh của Liberty Bell còn được dùng cho nhiều cuộc đấu tranh nữa về sau, như cho quyền bình đẳng phụ nữ vào đầu thế kỷ 20 và cho dân quyền của người da đen vào thập niên 1960. Thời chiến tranh Việt Nam, bên Mỹ cũng có vài nhóm phản chiến dùng hình ảnh Chuông Tự Do khi xuống đường. Thập niên 1970 hình ảnh Liberty Bell đã được dùng trong một buổi xuống đường vĩ đại tại Philadelphia đòi quyền bình đẳng cho người đồng tính LGBT, khởi đầu một cuộc cách mạng toàn quốc.

philadelphia3

Cũ và Mới: Independence Mall, với viện bảo tàng Liberty Bell bên phải ảnh: IB

Qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, chiếc Chuông Tự Do giờ đây đã trở thành biểu tượng của thể chế tam quyền phân lập đầu tiên trong lịch sử loài người, và Dinh Ðộc Lập tại Philadelphia đã được công nhận là di sản văn hoá thế giới. Ai cũng biết không có nền dân chủ nào trên trái đất này thật sự hoàn hảo cả, giống như cái chuông sứt mẻ này vậy thôi. Thế nhưng, nếu mọi người biết trân quý, gìn giữ và bảo vệ nó thì chắc chắn chế độ Tự Do Dân Chủ sẽ trường tồn và tiếp tục lớn mạnh.

philadelphia

Hạ Viện đầu tiên của Quốc Hội Hoa Kỳ ảnh: IB

IB