Mít Chổng là biệt danh của nhóm sinh viên Việt Nam du học Tân Tây Lan vào thập niên 1960 theo chương trình Colombo Plan. Tuần rồi một trong những người chế ra cái tên ngộ nghĩnh ấy, ông Trịnh Khánh Tước, vừa đột ngột qua đời tại thành phố Palmerston North, New Zealand…

Một buổi tiệc của Mít Chổng, Trịnh Khánh Tước (thứ nhất từ phải)

Ðầu thập niên 1950, một số quốc gia trong Khối Thịnh Vượng Chung (Commonwealth) – gồm Anh, Úc, Gia Nã Ðại, Tân Tây Lan, Tích Lan, Pakistan và Ấn Ðộ – đã nhóm họp tại Colombo, thủ đô của Tích Lan (ngày nay là Sri Lanka) để thành lập một tổ chức dân sự với mục đích chống lại sự bành trướng của cộng sản quốc tế tại Á Châu và Ðông Nam Á. Thường được gọi là Colombo Plan, tổ chức này đã giúp các nước chưa phát triển trong vùng – trong đó có Việt Nam, xây dựng hạ tầng cơ sở hòng đặt nền móng cho việc phát triển kinh tế. Thêm vào đó, để đào tạo nhân lực cần thiết cho việc quản lý và điều hành guồng máy hành chánh và kỹ thuật trong tương lai, Colombo Plan đã lập ra một chương trình học bổng cho học sinh giỏi có cơ hội du học tại các nước tân tiến như Anh, Úc v.v.

Tân Tây Lan (New Zealand) là một trong những quốc gia đã đón nhận sinh viên đến từ Việt Nam bắt đầu từ cuối thập niên 1950, tức thời Ðệ Nhất Cộng Hoà. Những năm đầu con số sinh viên còn rất ít ỏi, chỉ có dăm ba người. Nhưng đến năm 1961 thì có một nhóm khá lớn, khoảng 20 sinh viên, được đưa sang Tân Tây Lan du học.

Mít Chổng: Diệu Hương (thứ ba từ phải) và Trịnh Khánh Tước (thắt nơ đứng sau)

Trong số đó có Trịnh Khánh Tước, mới 17 tuổi và là người trẻ tuổi nhất trong đám, nổi tiếng hoạt bát và giỏi Anh ngữ. Ông và một vài người bạn đặt tên cho nhóm sinh viên Việt Nam tại Tân Tây Lan là “Mít Chổng”, lấy từ chữ “Mít” là nói tắt của chữ “An Nam Mít” (Annamite) – cách tụi Tây gọi dân ta thời Pháp thuộc, và chữ “chổng” hàm ý “huỡn, rảnh, ngồi không, chẳng có chuyện gì làm…”

Xem thêm:   Hàng rào gỗ nào tốt nhất

Thoạt nghe thì vui vậy, nhưng phải hiểu đây là những người trẻ thuộc loại giỏi nhất nước thời đó. Họ đến từ những trường như Quốc Học Huế, Lycée de Tourane, Chu Văn An, Marie Curie, Petrus Ký… Riêng Trịnh Khánh Tước thì đến từ Lycée Jean-Jacques Rousseau (sau này là Trung Tâm Giáo Dục Lê Quý Ðôn). Cũng nên nói thêm là vào thời đó cách chọn lọc sinh viên thuần tuý dựa trên khả năng, không hề xem xét lý lịch gia đình. Thậm chí, theo lời kể của một bác Mít Chổng, có người có mẹ là dân tập kết mà vẫn được cho học bổng vì đủ điều kiện học vấn.

Riêng Trịnh Khánh Tước không những ông học giỏi mà còn là con nhà thượng lưu ngoài Bắc, thuộc một chi của dòng họ Trịnh Kiểm mà gia phả còn giữ được cho đến ngày nay. Ông cụ thân sinh, tên Trịnh Ðình Quỳnh, vốn là thẩm phán thời Tây; sau 54 di cư vào Nam làm Chánh Án Toà Thượng Thẩm tại Sài Gòn dưới thời T.T. Ngô Ðình Diệm.

Chính vì là con nhà gia giáo lẫn Tây học như thế nên Trịnh Khánh Tước lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề – áo vest, cravate, đội mũ và… ngậm ống tẩu. Nhưng đồng thời ông cũng là mẫu người Việt Nam truyền thống. Trong những dịp lễ lạt ông chuộng ăn vận theo lối cổ truyền. Ông là người Việt đầu tiên (và có lẽ là duy nhất) mặc áo dài khăn đóng nhận bằng tốt nghiệp tại đại học Canterbury ở Christchurch!

Trong thời gian du học, Trịnh Khánh Tước đã đứng ra tổ chức nhiều sinh hoạt cho sinh viên Việt Nam. Chẳng hạn như ông đã xin được tiền từ Rotary Club để tài trợ cho nhóm Mít Chổng đi du ngoạn không tốn tiền, viếng thăm những danh lam thắng cảnh ở Queenstown, Arthur’s Pass v.v. Ðặc biệt nổi bật là những buổi tiệc thường niên, Vietnamese Annual Dinner, mà ông nói ngoài chuyện tiệc tùng vui chơi còn là dịp để “Mít ngồi ăn, Tây rót rượu bưng gà!” Trong những dịp lễ Tết như vậy Trịnh Khánh Tước luôn được bầu làm MC cho chương trình, nhờ tài ăn nói có duyên và biết kể chuyện hài hước bằng tiếng Anh khiến người Kiwi phải ngạc nhiên và thán phục.

Một cụ Mít Chổng lần giở quyển sách ngày xưa tại tang lễ Dr. Trịnh Khánh Tước. ảnh: Llewellyn Annandale/Wildfire Photography

Sau khi tốt nghiệp môn Hoá Học và lấy bằng Thạc Sĩ tại Tân Tây Lan, Trịnh Khánh Tước có viết một quyển sách về kinh nghiệm du học sinh của mình, tựa là “Our New Zealand Experience”, được nhà xuất bản Caxton Press phát hành năm 1968 và là một trong những quyển sách best-seller năm ấy. Là quyển sách tiếng Anh đầu tiên của người Việt tại Tân Tây Lan, nó nhanh chóng trở thành cẩm nang gối đầu, giúp  các lớp Mít Chổng đi sau vượt qua những khó khăn bỡ ngỡ buổi ban đầu. Nhiều giảng viên ESL (English as a Second Language) cũng tham khảo quyển này để hiểu thêm về tâm lý du học sinh Việt Nam ở Tân Tây Lan.

Bà Diệu Hương và những người bạn Mít Chổng tại tang lễ ảnh: Llewellyn Annandale/Wildfire Photography

Cũng tại Tân Tây Lan Trịnh Khánh Tước đã gặp cô sinh viên Diệu Hương. Sau khi ra trường và trở về Việt Nam, hai người trở nên chồng vợ và có năm người con. Tại Sài Gòn ông làm giáo sư tại Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ, đồng thời là giáo sư và Phó Khoa Trưởng trường Khoa Học Kỹ Thuật tại Đại học Minh Ðức; bà Hương làm Tổng Thư Ký tại Ðại học Vạn Hạnh. Tháng Tư 1975 xảy đến, tuy có đủ điều kiện để di tản nhưng Trịnh Khánh Tước quyết định ở lại để phụng dưỡng cha mẹ già. Sau khi hai người qua đời ông và gia đình mới di cư sang Tân Tây Lan làm lại cuộc đời vào năm 1989. Tại đây ông đã đi học lại và lấy tấm bằng Ph.D. về môn Kỹ sư Hoá học tại Christchurch, khi ấy ông đã ngoài 50. Ông làm việc cho Dairy Research Institute tại Palmerston North nhiều năm trước khi nhận chức giáo sư tại Massey University gần đấy cho đến khi về hưu cách đây vài năm.

Một vòng hoa từ nhóm Mít Chổng Colombo Plan 1961 (ảnh: Ian Bui / Trẻ)

Trong nhóm Mít Chổng ông Tước được rất nhiều người yêu mến và nể trọng. Tin ông đột ngột qua đời vì bệnh tim khi mới 76 tuổi đã làm nhiều người ngỡ ngàng. Các vị Mít Chổng hiện đang sống ở Tân Tây Lan và Úc đã ngay lập tức bay về Palmerston North dự tang lễ và an ủi bà Diệu Hương. Khác với ở Mỹ, New Zealand cho phép người nhà tổ chức tang lễ tại gia, chẳng khác nào ở Việt Nam. Nhưng lạ một điều là người Kiwi lại không có tục lệ tặng vòng hoa. Trong khi đó, bạn bè Mít Chổng của ông Tước từ khắp nơi trên thế giới đã đặt vòng hoa gởi đến nhiều đến nỗi nhân viên nhà quàn phải bị sốc vì họ không có giá để chưng hoa, mà cũng không có chỗ để dựng chúng lên.

Xem thêm:   Hàng rào gỗ nào tốt nhất

Tuy không phải là người lớn tuổi nhất của nhóm Mít Chổng, nhưng sự ra đi của Trịnh Khánh Tước có lẽ là cái kết cho một câu chuyện khá độc đáo trong lịch sử miền Nam, kéo dài từ giữa thế kỷ 20 cho đến nay. Ngoài việc là một khoa học gia tài giỏi và một nhà giáo tận tâm, nhân cách của ông còn là tấm gương cho những người Việt luôn quan tâm đến vấn đề bảo tồn văn hoá Việt tại hải ngoại, cũng như việc phát huy tinh thần khai phóng trong tư tưởng, lời nói và việc làm của thành phần trí thức quốc nội.

Massey University, NZ ảnh: ianbui / Trẻ

Chương trình Colombo Plan mà Dr. Tước từng được hưởng nhận giờ đây đã đổi khác rất nhiều. Nếu như khi xưa nó được dùng để chống lại làn sóng đỏ, thì ngày nay nó đã được mở rộng để đón nhận những thành viên mới, trong đó có Việt Nam – một trong những nước CS cuối cùng còn sót lại trên mặt đất. Trớ trêu hơn hết, đương kim Tổng Thư Ký của Colombo Plan kể từ 2018 cũng lại là một người Việt Nam. Không biết đây là tin buồn hay tin vui, nhưng chắc chắn một điều là sinh viên Việt Nam du học New Zealand ngày nay không có ai được gọi là Mít Chổng nữa cả…

IB

Palmerston North, NZ