Tháng Năm ở Mỹ là tháng dành cho người gốc Á Châu và dân các đảo trong vùng biển Thái Bình Dương, gọi tắt là AAPI – Asian American, Asian Islander, Native Hawaiian, and Pacific Islander. Vì cái tên quá dài nên ít ai nhớ, mọi người chỉ gọi là AAPI cho gọn. Những nơi có đông người gốc Á thường hay tổ chức các lễ hội để biểu dương văn hoá, âm nhạc và ẩm thực của các cộng đồng này. Sau đây là vài hình ảnh từ thành phố Nashville, Tennessee.

Ảnh: ianbui/TRẺ
Nashville, mệnh danh Music City, tuy không đông người gốc Á như Cali hay Texas, nhưng cũng có một tổ chức non trẻ tên là API (từ AAPI rút gọn lại). Vài năm gần đây họ đã bỏ công ra tổ chức lễ hội cho người gốc Á trong vùng Trung Tennessee, trong đó có cả Knoxville cách Nashville gần 3 tiếng lái xe. Nashville là địa điểm thuận tiện phần vì nó nằm ở giữa, phần vì nó có nhiều sinh hoạt văn hoá, văn nghệ được thành phố ủng hộ và tài trợ. Frist Museum ngày xưa là bưu điện chính trong vùng, xây theo kiểu Art Deco của thập niên 1930 rất đẹp, giờ đây là bảo tàng mỹ thuật lớn nhất thành phố. Ai có dịp đến Nashville nên ghé xem cho biết.

Ảnh: ianbui/TRẺ
So với Dallas-Fort Worth hay Houston, thì lễ hội của người gốc Á ở Nashville rất nhỏ. Màn ẩm thực không làm sao phong phú bằng. Nhưng ngược lại, Nashville có lợi thế là thành phố rất đông nhạc sĩ các kiểu. Thành thử cũng không lấy làm lạ khi được nghe đủ thứ nhạc từ dân đàn ca tài tử tại đây. Trong ảnh là một cô gái Nhật đang hát bản “Country Road” của John Denver bằng tiếng Nhật do cô tự soạn. Dù giọng hát của cô không chuyên nghiệp và tiếng đàn cũng không điêu luyện, nhưng nó phản ảnh một sự hoà trộn văn hoá rất tự nhiên và dễ thương.

Ảnh: ianbui/TRẺ
Tuy người Việt ở Nashville không đông, chỉ khoảng vài ngàn người, nhưng lại có một đại diện trong hội đồng thành phố là cô Terry Võ. Thuộc thế hệ di dân thứ nhì, Terry mới vừa qua mặt hai đối thủ người Mỹ với hơn 54% số phiếu để thắng cử với tỉ số áp đảo. Điều này cho thấy chúng ta không nhất thiết phải là đa số (như tại Quận Cam ở Cali) mới có cơ hội được bầu chọn vào những chức vụ như vầy trong chính quyền. Terry kể thông điệp của cô khi ra tranh cử, ngoài những đề tài cốt lõi như kinh tế, giáo dục v.v. còn có thêm một mục tiêu nữa là kết nối các cộng đồng thiểu số lại để giúp họ có tiếng nói mạnh mẽ hơn.

Ảnh: ianbui/TRẺ
Một tổ chức AAPI khác tại Nashville chuyên về văn học đã đứng ra tổ chức một buổi đọc truyện, diễn thơ, đóng tuồng rất là thú vị. Tuy đây mới là năm thứ nhì, nhưng chương trình quy tụ được khá đông văn thi sĩ trẻ người Nhật, Hàn, Hoa, Phi, Cam-Bốt, Việt… Mỗi người một vẻ, ai cũng sáng tạo, chẳng khác nào trăm hoa đua nở. Nếu không lầm thì hình như vùng Bắc Dallas chưa có chương trình văn chương Á Đông nào giống vầy. Người tổ chức chương trình, cô Yurina (hàng đầu, thứ nhì từ trái) còn là quản trị viên của Nashville Philharmonic Orchestra. Biết đâu rồi đây sẽ có đêm nhạc hoà tấu Á Đông!

Ảnh: ianbui/TRẺ
Trong số các nhà văn nhà thơ hôm đó có một anh người Việt tên là Ben Trần, giảng viên tại đại học Vanderbilt, dạy một số cua liên quan đến văn chương Việt Nam. Theo lời anh kể, các lớp của anh đa phần chú tâm đến mảng văn học từ thời Tự Lực Văn Đoàn kéo dài đến thời chiến tranh tại miền Nam. Ngoài ra anh còn dạy về văn chương tiếng Anh, đặc biệt các tác giả kinh điển như William Faulkner v.v. Buổi hôm đó anh đọc vài chương từ quyển tiểu thuyết mới nhất, về một người sĩ quan VNCH trở về từ nhà tù cải tạo. Phải nói là rất vui có cơ duyên gặp gỡ những người như vầy.

Từ trái: Ariel Bùi, Ben Trần, Ian Bùi (ianbui/TRẺ)
Nhân nói chuyện với các văn thi sĩ, chúng tôi được cho hay tối hôm đó sẽ có một đêm nhạc đặc biệt của nữ nghệ sĩ đàn guzheng (đàn tranh 21 dây) người Mỹ gốc Hoa tên là Wu Fei, thuộc hàng nổi tiếng trong giới nhạc sĩ. Nhạc của cô kết hợp các yếu tố cổ truyền với âm nhạc Tây Phương thật hài hoà, mang nhiều âm hưởng New Age và jazz. Toàn chương trình là một bản nhạc dài gần cả tiếng đồng hồ với màn múa điêu luyện của 4 vũ công thật đã tai, đã mắt. Đã vậy còn được vào cửa miễn phí. Music City có khác, đi đâu cũng đụng âm nhạc!

Ảnh: ianbui/TRẺ
Ngoài guzheng ra, cô Wu Fei còn biết và thích chơi đàn tranh Việt Nam. Cô nói mỗi khi sang Âu Châu lưu diễn cô đều mượn cây đàn tranh của một người bạn để chơi và trình diễn. Song hiện nay cô đang muốn tìm một cây đàn tranh cho riêng mình để mang đi lưu diễn trên nước Mỹ. Wu Fei nói cô thích tiếng đàn tranh Việt Nam vì âm thanh của nó khác, tươi vui hơn cây guzheng mặc dù mỗi loại đàn có cái hay riêng. Hy vọng cô sớm tìm được cho mình một cây đàn vừa ý, và mong rằng cô sẽ soạn vài bài nhạc cho đàn tranh Việt Nam theo phong cách hiện đại.

Ảnh: ianbui/TRẺ
Cựu Biên Tập Viên báo Trẻ; chuyên viết về Lịch sử, Âm nhạc, Nghệ thuật, Something/Anything. Từng làm kỹ sư điện toán. Hiện cư ngụ trong vùng Dallas.