Hồi đầu thế kỷ, có bữa, tôi nhận được thư của Vũ Thư Hiên. Ông hớn hở cho hay “Anh Tấn sắp sang Pháp chơi với anh vài tuần”. Thuở ấy, hai ông còn khá trẻ trung (và còn sung lắm) nên chắc chắn là đôi bạn già sẽ đi lung tung khắp Âu Châu, chứ dễ gì mà chịu quanh quẩn ở Paris.
Mãi cả chục năm sau, sau khi nhà văn Bùi Ngọc Tấn lâm trọng bệnh, tôi mới nghe ông nhắc đến chuyến du hành thú vị này (với ít nhiều tiếc nuối) trong một cuộc phỏng vấn dành cho BBC – vào hôm 14 tháng 11 năm 2014: “Sang châu Âu, tôi quan sát dáng người đi, nét mặt của họ khác dân mình lắm … Đi thì mới biết mình bị mất những gì.”
Giờ ạ! Tưởng gì? Chứ nếu “đi mới biết mình bị mất những gì” thì cần chi phải qua đến tận Âu Châu làm chi (cha nội?) chỉ cần xẹt qua Cambodia cũng đủ “biết” là “họ khác dân mình lắm”, và khác “toàn tập” luôn.
“Trên đường phố mù bụi đỏ, những tủ đổi tiền, cỡ bằng tủ thuốc lá của ta, vẫn hoạt động bình thường, thong thả với hàng cọc tiền đủ từ mọi quốc gia chứa bên trong. Tiền bày ra đường, an nhiên, tự tại như vậy, ắt hẳn nạn trộm cướp ở đây không hề là nỗi ám ảnh thường xuyên của những ngân hàng đường phố kiểu này …
Dừng chân hỏi đường với một anh xe ôm đen sạm, phong sương bên đường bằng một thứ tiếng Miên bồi, tôi đã không khỏi ngạc nhiên và cảm động khi câu trả lời chỉ được thốt ra sau khi giở nón. Rõ ràng, người xe ôm này thuộc về một nền văn hóa lớn, mà những con người của nó đã học cách sống lễ độ và văn minh một cách rất tự nhiên.” (Lê Đình Phương. “Về Một Nền Du Lịch Lễ Độ.” Lang Thang Như Gió. Phụ Nữ: 2013).
Cho đến nay số người Việt có cơ hội “lang thang như gió” vẫn chưa nhiều nhặn gì cho lắm nên ít kẻ có cơ hội để so sánh, và nhận thức được về sự thua thiệt hay “mất mát” của mình. Phần lớn vẫn chấp nhận chuyện bị giựt đồ, bị thu phí thu thuế vô tội vạ, bị công an giao thông trấn lột, bị bắt đi bầu, bị công an phường mời lên làm việc (bất kể ngày giờ) … chỉ là những chuyện xui thôi. Cũng không mấy ai phiền hà chi, khi hỏi đường thì bị đòi tiền công (“10K”) chỉ dẫn.
Cho đến khi “đụng” phải sự mập mờ, lập lờ, gian giảo, lật lọng, tráo trở (trắng trợn) của Bộ Luật Đất Đai Thuộc Sở Hữu Toàn Dân thì “toàn dân” mới thực sự biết thế nào là “mất mát”, và mới có những phản ứng thích đáng, sau khi “bừng con mắt dậy thấy mình trắng tay”. Cái giá mà dân Việt phải trả cho sự phản kháng quyết liệt của họ, tất nhiên, không rẻ. Không ít người, Kinh cũng như Thượng, vẫn đang (hoặc đã) lãnh án tù.
Sự việc gần nhất (và nổi cộm nhất) liên quan đến chuyện tranh chấp đất đai, giữa Đảng và Dân, được mệnh danh là Vụ Án Đồng Tâm. Từ California, ký giả Nguyễn Tuyển (nhật báo Người Việt) tóm lược như sau:
Vào sáng sớm 9 Tháng Giêng, 2020, nhà cầm quyền CSVN đưa một lực lượng hùng hậu gồm một trung đoàn cảnh sát cơ động cùng các lực lượng công an khác tấn công xã Đồng Tâm. Dân làng cương quyết chống đối lại việc tịch thu khu đất thường được gọi là “cánh đồng Sênh” mà dân làng canh tác hàng chục năm. Họ có các văn kiện địa bạ chứng minh quyền sở hữu, canh tác trong khi nhà cầm quyền lấy cớ đó là đất “quốc phòng” nên đòi lại.
Các vụ tranh cãi, kiện tụng và cưỡng chế hụt cũng như chống cưỡng chế đất tại xã Đồng Tâm kéo dài suốt nhiều năm. Trước khi xảy ra vụ tấn công đầu năm ngoái, vào Tháng Tư, 2017, dư luận trong ngoài nước rúng động khi dân làng đã bắt giữ gần 40 cảnh sát cơ động, công an, viên chức huyện Mỹ Đức. Những người vừa kể chỉ được thả một tuần sau khi nhà cầm quyền cam kết giải quyết thỏa đáng, căn cứ theo đúng luật đất đai và quyền lợi của người dân.
Nhưng sau đó, nhà cầm quyền CSVN trở mặt, vẫn lập luận là dân địa phương chiếm cứ bất hợp pháp, đòi trả đất nhưng không lấy được, dẫn tới đàn áp.
Từ phiên xử sơ thẩm đến phúc thẩm, các nhân chứng quan trọng có mặt khi xảy ra vụ việc như bà vợ ông Kình, con dâu, cháu dâu cùng nhiều dân làng khác đã có lời yêu cầu triệu tập ra tòa làm chứng. Không những không cho triệu tập mà còn bị ngăn chặn từ xa, không cho đến gần tòa án.
Trước phiên xử phúc thẩm, các luật sư biện hộ đã gửi một đơn kiến nghị, yêu cầu thực nghiệm lại hiện trường để xem những cáo buộc qua lời khai của công an có đúng hay trái với sự thật. Tuy nhiên, họ đã bị tảng lờ. Nói chung, phiên tòa xử mang tính áp đặt, bất chấp luật lệ tố tụng hình sự của chính họ đặt ra…
Phiên tòa phúc thẩm tại Hà Nội chiều Thứ Ba, 9 Tháng Ba, với kết quả không làm mấy ai ngạc nhiên khi chủ tọa phiên xử phúc thẩm đọc bản án y án tử hình với hai anh em ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức. Hai ông là con ông Lê Đình Kình, người bị công an CSVN giết chết khi xông vào nhà ông vào sáng sớm 9 Tháng Giêng, 2020. Con trai ông Công là Lê Đình Doanh bị y án chung thân…
Vào thời điểm trên tuy ông Tô Lâm đang giữ chức Bộ Trưởng Công An (lực lượng đã tấn công vào xã Đồng Tâm và hạ sát ông Lê Đình Kình) nhưng T.B.T kiêm C.T.N Nguyễn Phú Trọng mới là kẻ “chịu trách nhiệm trực tiếp và cao nhất trong vụ án kinh hoàng” này. Ông đã qua đời vào ngày 19 tháng 07 vừa qua (hoặc trước đó vài hôm) và để lại không ít eo sèo, cùng rất nhiều điều tiếng.
Bên cạnh những mỹ từ cố hữu (anh minh, đạo đức, vỹ đại, giản dị, liêm chính, hết lòng vì dân vì nước…) của mọi cơ quan truyền thông quốc doanh – đây đó – trên những trang Thông Tấn Xã Vỉa Hè là vô số những lời chỉ trích, phê bình, chê bai, chửi rủa, mạt sát: lạc hậu, bảo thủ, giáo điều, hèn nhát, tham quyền cố vị …
Giữa hai thái cực này là thái độ và ngôn từ trung dung, dễ được công luận tán đồng: hãy để lịch sử phán xét, nghĩa tử là nghĩa tận …
Ơ hay! Hai ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức đã “tử” đâu (mà “tận” được) cả hai vẫn còn đang vật vờ – sống dở/chết dở – với hai bản án tử hình lơ lửng trong tù mà, đúng không?
Vào những giây phút cuối đời (khi vẫn còn thoi thóp thở) nếu Nguyễn Phú Trọng chợt nhận thức ra được việc làm tàn ác/bất nhân/thất đức của mình – chắc chắn – ông đã ký lệnh miễn tử cho Lê Đình Công và Lê Đình Chức. Thế là làm giảm nhẹ được phần nào tội nghiệt của mình, và cũng xóa luôn được cái bản án “tru di”, một vết nhơ không nhỏ của loài người ở thế kỷ này.
Nguyễn Phú Trọng, tiếc thay, đã không “ngộ” ra được điều chi cho đến khi nhắm mắt/xuôi tay. Ông xứng đáng bị thế nhân nguyền rủa mà khỏi cần chờ đến thời gian hay lịch sử gì sất cả!
Nay thì mạng sống hai lương dân vô tội này đang trong tay của ông Tô Lâm. Nếu còn nhất điểm lương tâm – ông tân Chủ Tịch Nước – cũng nên ký lệnh “ân xá” (và phóng thích tất cả những người dân Đồng Tâm đang bị cầm tù) dù hy vọng như thế thật rất mong manh. Người còn chút nhân tính đâu ai nhẫn tâm để “đớp” một miếng thịt bò dát vàng (trị giá “tương đương với tám tấn lúa khô”) trong khi suy dinh dưỡng vẫn là vấn nạn lớn đối với rất nhiều trẻ thơ, ở đất nước mình.
TNT