Khác với các địa danh như Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu nguyên là từ tiếng Khmer, Rạch Giá là do ông bà mình đặt tên. Rạch là con sông nhỏ. Giá là cây giá.

Con sông nhỏ gần ra biển, hai bờ có cây giá ken dầy. Rải rác vài cây giá khá to, lá xanh, khi về già chuyển sang màu đỏ chớ không đổi ra lá vàng. Rễ cây giá không to, chằng chịt quấn vào nhau theo vòng tròn, sóng đánh mạnh, gió thổi ù ù thì thân cây cứ lúc lắc qua phải, qua trái. Rễ không ăn chặt vào đất bùn như cây mắm, cây tràm, cây đước. Vùng đất đó gọi là Rạch Giá đấy thôi.

Còn xa biển phía trong nầy là truông, đầy lau sậy. Chính vì thế mà “Anh đi Rạch Giá qua truông. Gió rung ngọn sậy ngồi buồn nhớ em!” Thời trước đất đai hoang vu, heo rừng khoái lau sậy non lắm. Heo rừng sống lâu năm, có hai cái răng nanh dài và nhọn hoắt, có thể chống lại cọp dữ. Từ Rạch Sỏi vào Rạch Giá mình gặp con rạch nhỏ, hai bên tràn lan dừa nước (cây của vùng nước lợ) bà con mình gọi là rạch Vàm Trư. (Trư là con heo đó ạ; nhưng là heo rừng). Tây tới cất cây cầu quay, cầu Vàm Trư. Ðể thuyền bè qua lại là nó thụt vô chớ không chổng đầu lên như cầu quay ở gần nhà lồng chợ Rạch Giá.

Cầu quay gần nhà lồng chợ Rạch Giá bắc ngang sông Kiên, nối liền khu thị tứ với khu hành chánh. Sông Kiên là sông Cái Lớn bắt nguồn rạch Cái Lớn, quận Long Mỹ, tỉnh Chương Thiện, U Minh Thượng. Rạch Cái Lớn rộng dần thành sông khi vào xã Vĩnh Thắng, quận Gò Quao tỉnh Kiên Giang. Từ đây sông chảy theo hướng Tây-Bắc đổ ra biển tại tỉnh lỵ Rạch Giá. Sau này, đường bộ phát triển lấn át đường sông, cầu không còn quay nữa, thay bằng cầu bê tông cố định. Vì hai bên cầu, phía nhà lồng chợ Rạch Giá, năm 1919, Tây cất hai cái chợ cá, chợ cá đồng và chợ cá biển nên bà con mình gọi là cầu Chợ Cá.

o O o

Ca dao về Rạch Giá có câu: “Chợ Sài Gòn cẩn đá. Chợ Rạch Giá cẩn ‘xi mon’ / Giã em ở lại vuông tròn / Anh về xứ sở, không còn ra vô”. ‘Xi mon’ phát âm theo phương ngữ miền Trung chính là ‘xi măng’ theo phương ngữ miền Nam. Anh vốn ở miền Trung, lang bạt vào vùng Rạch Giá, rồi trở lại quê nhà, bỏ lại em yêu, lòng đau như cắt. Vĩnh biệt tình ta, lời trăn trối!

Xem thêm:   Đầu dê; thịt chó?

Ngoài ra Rạch Giá còn có người Khmer, người Hải Nam (bán cơm gà, cơm thố, ngon lắm. Hồi nhỏ, tui được ba má dẫn cho đi ăn chỉ một lần mà nhớ tới bây giờ. Nhớ cái bùi bùi của cơm do hạt gạo hấp trong thố, nhớ cái màu vàng ươm của miếng thịt gà bày ngay ngắn trên cái dĩa trẹt.) Rồi người Triều Châu, chuyên cần làm rẫy hoặc cuốc khoai trên những giồng đất gần biển.

rach-gia-thoi-tho-au

Cầu quay gần nhà lồng chợ Rạch Giá

Nhiều sắc dân chung đụng như vậy nên con gái Rạch Giá đẹp một cách não nùng.“Tháng hai tháng ba anh đi chở cá / Không khá anh qua Rạch Giá chở khoai lang / Tìm người bạn ngọc thở than đôi lời / Biết làm sao lên đặng ông trời / Hỏi thăm duyên nợ đổi dời về đâu?

Từ nhà lồng chợ Rạch Giá đi qua cầu Chợ Cá, băng ngang công trường Thủ tướng Thinh (1888-1946), là tới ngay trước cổng Ty Bưu Ðiện. Phía sau lưng Ty Bưu Ðiện, cách một con đường, là Ty Công An. Con đường nầy dẫn ra biển, chạy ngang Dinh Tỉnh trưởng có trồng mấy hàng sao. Chiều chiều những con cồng cộc, một loài chim bói cá, bay về rợp, đậu đen đầu trên những nhánh cây sao.

Con đường phía bên phải Ty Bưu Ðiện chạy thẳng luôn sẽ tới bến xe đi Hà Tiên, chỉ lèo tèo vài chiếc xe đò nhỏ hiệu Renault. Trước khi VC dậy, có xe đò từ Sài Gòn chạy Rạch Giá tới thẳng Hà Tiên. Chạy luôn cả ban đêm vì đâu có giới nghiêm. Năm 1961, có lần VC phục kích đoàn công voa của lính Bảo An (Ðịa phương quân) qua khỏi cầu số Ba, làm chết một ông đại úy. Những ngày yên bình của chế độ Ðệ nhứt Việt Nam Cộng Hòa dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Ngô Ðình Diệm sắp chấm dứt. Rạch Giá quê mình bắt đầu vào cơn binh lửa.

o O o

Danh sĩ đất Rạch Giá Huỳnh Mẫn Ðạt đã từng làm câu đối: “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa! Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần!”

Nhựt Tảo và Kiên Giang là địa danh ghi lại hai chiến công ‘kinh thiên động địa’, lừng lẫy của ông Nguyễn Trung Trực. Ngày 10 tháng Chạp 1861, ông Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân đốt cháy tàu L’Espérance (Hy Vọng), án ngữ nơi vàm Nhựt Tảo (nay thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An). Vào 4 giờ sáng ngày 16 tháng Sáu năm 1868, ông Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân từ Tà Niên (nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) được nội ứng giúp sức, đã đánh úp và chiếm được đồn Kiên Giang do Trung úy Sauterne chỉ huy. Có hai tên sĩ quan Pháp may mắn chạy thoát được ra ngoài, len lỏi trốn tới một xóm nhà thưa thớt, gặp cái tiệm bán hàng xén của người Tàu lai Khmer! (Mới hừng sáng, sao có hai thằng Tây hớt hải chạy đến, xin trốn vào nhà bếp. Ðành phải cho nó trốn!)

Xem thêm:   Chủ tiệm nước

Khi quân Pháp từ Sa Ðéc kéo xuống tái chiếm tỉnh lỵ, ông chủ tiệm tạp hóa đưa hai tên lính Pháp may mắn sống sót trở về; được Tây thưởng công, phong cho chức Cai tổng. Có chức có quyền, ông Cai tổng nầy xin Pháp cho mình trưng khẩn những phần đất tốt trong tỉnh, rồi cho tá điền mướn lại để thâu lúa ruộng, trở nên giàu có. Con cái qua Pháp du học; rồi đi luôn không về xứ nữa.

Nghĩa quân làm chủ Rạch Giá được 3 ngày, quân Pháp phản công ác liệt, ông Nguyễn cùng nghĩa quân rút ra Phú quốc. Ngày 19 tháng Chín 1868, tên quan tư của Pháp chỉ huy 125 lính mã tà tấn công Hàm Ninh, Dương Ðông. Cuộc chiến diễn ra rất ác liệt, ông Nguyễn bị thương, sa vào tay giặc. Thực dân Pháp dụ hàng nhưng ông Nguyễn khẳng khái từ chối: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”.

Chưa đầy một tháng sau, ngày 27 tháng Mười 1868, giặc Pháp đem ông Nguyễn và một số nghĩa quân ra pháp trường, là một miếng đất trống, có cây da ở giữa, (tức công trường trước cổng Ty Bưu Ðiện sau nầy) để xử chém.

“Sanh vi tướng, tử vi thần!” Ông Nguyễn linh thiêng lắm. Người dân kính phục người đã bỏ mình vì nước, lập đền thờ ông Nguyễn Trung Trực và bộ tướng là Phó cơ Nguyễn Hiền Ðiều (Rạch Giá có đường Phó Cơ Ðiều, học Sử tui không nghe nói đến, giờ mới biết), phó Lãnh binh Lâm Quang Ky, và các nghĩa quân đã bỏ mình vì nước.

Xem thêm:   Hủ tiếu?

Hồi đó, chiều Thứ Bảy Tây hay có một đội kèn đồng thổi kèn ‘tò le’ đi vòng vòng thị tứ. Có người cho rằng Tây cho thổi kèn để xua đuổi những oan hồn uổng tử, bởi lúc đánh chiếm lại đồn Rạch Giá nghĩa quân của mình chết khá nhiều nhưng không ai chôn cất vì thời xưa đất gần đồn là rừng rậm, dân cư gần như không có.

Tui không nghĩ như vậy, vì những người quyết tử cho tổ quốc mến yêu thì đâu có phải là oan hồn uổng tử (?!). Những vị anh hùng vị quốc vong thân nầy tự quyết định đi vào chỗ chết để dân mình không phải sống đời nô lệ cho Tây.

Mãi sau nầy, năm 1960, cứ mỗi chiều Thứ Bảy, tui vẫn còn thấy một tiểu đội kèn đồng của tiểu khu sắp hàng, vừa đi vừa thổi kèn, đánh trống. Ðầu hàng là một ông trưởng ban quân nhạc, đánh nhịp bằng cái thanh bằng đồng sáng choang, đầu nhọn có kết tua. Hàng kế là mấy ông thổi kèn ống. Rồi mấy ông đeo cái trống trước bụng, vỗ thùng thùng. Hàng cuối có ông mang cái kèn mà miệng nó to tổ nái. Tui nghĩ, nếu lỡ trời mưa ông chỉ cần quay ngược cái kèn, chụp lên đầu là không bị ướt. Ðó là nét đẹp về văn hóa, có từ thời Tây, thời VNCH mình vẫn còn giữ đó thôi!

o O o

Sau khi mất Miền Nam bà con mình lũ lượt bỏ phiếu bằng chân, ra biển. Số người vượt biển chắc thủ đô Sài Gòn là nhiều nhất, vì dân đông. Nhưng tính theo tỉ lệ trên số dân tui e rằng dân Rạch Giá (sát biển) sẽ đứng đầu bảng. Ðêm cuối năm, quê người, tui chợ nhớ rạch Vàm Trư. Nhớ gần biển, nước chảy thao thao, lục bình trôi từng giề, riu ríu, đơm bông màu tím dợt, đẹp; nhưng mềm yếu, cắt đem chưng vào bình chừng mươi phút đà héo rũ.

“Lênh đênh bèo nước biết về đâu?” Ðời tui vậy đó bà con ơi! Chỉ hai năm ở Rạch Giá rồi theo Ba tui đổi đi nơi khác, nhưng tình hoài hương, hình bóng cũ, con đường xưa – hơn 60 năm rồi mà cứ tưởng như mới hôm qua.

DXT

Melbourne – Úc