Ở Việt Nam, tệ nạn ma túy và tội phạm ma túy đang diễn ra khá phức tạp. Ngoài nguồn “hàng” có sẵn, những năm gần đây ma túy từ nước ngoài đưa vào VN ngày càng tăng. Ngoài ra, VN không chỉ là nơi tiêu thụ mà dần trở thành nơi trung chuyển và buôn ma túy. Thậm chí còn có tình trạng điều chế, sản xuất chất ma túy ngay trong nước.

Ngày 13/9/2022, cảnh sát phát giác, triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý từ Campuchia qua biên giới Tây Nam (Long An) về Sài Gòn tiêu thụ do Nguyễn Bảo Quốc (40 tuổi, ngụ Tân Phú, Sài Gòn) cầm đầu. Tang vật thu giữ gồm 69.6 kg ma tuý các loại.

Ngày 5/11/2022, cảnh sát bắt giữ 8 tên trong đường dây do Nguyễn Thanh Thảo (45 tuổi, ngụ quận 8) cầm đầu, chuyên phân phối và bán lẻ ma túy nhiều nơi tại Sài Gòn. Tang vật thu giữ gồm 29 bánh heroin, 50g ketamine, hàng trăm viên thuốc lắc.

Người nghiện ma túy ở VN đang có xu hướng “trẻ hóa”. Ảnh: Tác giả cung cấp

Ở phía Bắc vào tháng 9/2022, cảnh sát cũng bắt giữ 6 tên do Nguyễn Khoa Ðiềm (26 tuổi, quê Quảng Ninh) đứng đầu cùng đồng bọn trong đường dây chuyên sản xuất, vận chuyển, mua bán ma túy, hoạt động “xuyên Việt” từ Sài Gòn về Hà Nội và ngược lại từ đầu năm 2022 tới nay. Ðiềm khai nhận chúng đã tổ chức pha trộn, điều chế, đóng gói… ma túy tại Hà Nội sau đó phân phối khắp nơi. “Nguyên liệu” mua từ người có tài khoản Zalo “Minh Quân” (tên thật Lê Ðức Thịnh, 28 tuổi, ngụ Quảng Ngãi, tạm trú Sài Gòn). Tang vật thu giữ gồm 40 kg thảo mộc chứa chất ma túy ADB – Buticana; 11 kg chất bột chứa chất ma túy ADB – Buticana; 40 lít chất lỏng chứa chất ma túy ADB – Buticana; 547.2 kg thảo mộc dùng sản xuất ma túy và một số lượng máy móc, thiết bị dùng sản xuất, đóng gói ma túy…

Xem thêm:   Tháng 4 nhớ lại

Cảnh sát VN cho biết, sau thời gian dịch bệnh Covid-19 hoành hành, từ cuối năm 2021 trở lại đây tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy đang có chiều hướng gia tăng mạnh. Nhà chức trách đã phát hiện nhiều đường dây ma túy từ nước ngoài vào VN qua đường biên giới Lào, Campuchia, đặc biệt từ Tam Giác Vàng được vận chuyển về VN tiêu thụ hoặc đưa sang qua nước thứ ba. Ðáng lưu ý, bọn tội phạm ma túy còn lợi dụng các tuyến đường hàng không ngụy trang cất giấu ma túy, nhất là các loại ma túy tổng hợp từ các nước Châu Âu về VN tiêu thụ tại Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Ðà Nẵng… Cụ thể, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, cảnh sát đã phát hiện 38,734 vụ lớn nhỏ, tạm giữ 56,676 kẻ liên quan, tịch thu 1,070 kg heroin; 4,545,644 viên ma túy tổng hợp; 1,128.49 kg cần sa… Cảnh sát cũng tìm thấy ít nhất 389 kênh, hội nhóm, tài khoản cá nhân có hoạt động quảng cáo, mua bán ma tuý trên các mạng xã hội; 13 website quảng cáo, hướng dẫn trồng cây cần sa, hoa anh túc, cây thuốc phiện…

Mua bán, vận chuyển ma túy bị bắt giữ. Ảnh: Tác giả cung cấp

Cũng theo số liệu từ cảnh sát VN, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý ở Việt Nam liên tục tăng qua các năm. Cụ thể, tính đến tháng 9/2022, VN có 235,645 người nghiện ma túy (96.2% nam giới, 3.8% nữ giới), chiếm 0.22% dân số cả nước, trung bình mỗi năm tăng từ 2.5 – 2.7%. Ngoài ra còn có hơn 49,000 người có thói quen sử dụng chất ma túy, nhất là các loại ma túy tổng hợp. Cũng trong số này, 14.5% người nghiện ma túy đang được quản lý trong các cơ sở cai nghiện; 20.5% người đang ở trại giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng và 65% người sống tự do ngoài cộng đồng.

Xem thêm:   Hang gấu

Ðặc biệt như đã nói, tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp đã ảnh hưởng mạnh đến tính mạng, sức khỏe, tâm sinh lý người nghiện. Các hình thức sử dụng chuyển biến đa dạng, từ hút hít sang tiêm chích, uống, ngậm… kể cả các dạng ma túy núp bóng, được đóng gói dưới dạng thực phẩm bánh kẹo, chocolate, đồ uống, thuốc lá điện tử… Không ít người (nhất là thanh thiếu niên) khi sử dụng những loại ma túy tổng hợp dễ dẫn đến rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi (ngáo đá), trở thành nguyên nhân của nhiều vụ cố ý gây thương tích, tai nạn giao thông, án mạng, tạo ra lo lắng cho dân chúng và ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội.

Một cơ sở cai nghiện ma túy. Ảnh: Tác giả cung cấp

Xuất phát từ nhiều nguyên do, các nhà quan sát nhận xét tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở VN thời gian tới còn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu sớm dừng lại. Lý do là lượng ma túy từ nước ngoài chuyển vào VN bằng nhiều phương thức ngày càng tinh vi; không ít cảnh sát, quan chức, cán bộ VN nhất là ở các khu vực biên giới, hải quan, trên biển kể cả nội địa… sẵn sàng thả nổi cho bọn tội phạm sau khi được “lại quả” hậu hĩnh; số người nghiện hút không giảm mà ngày càng nhiều; công tác cai nghiện của nhà nước chưa có hiệu quả; tỉ lệ tái nghiện cao…

Xem thêm:   2 người thợ săn

Vì vậy, để phòng chống nạn ma túy ở VN cần có nhiều biện pháp đồng bộ hơn, phối hợp giữa gia đình và nhà nước. Chẳng hạn các gia đình phải thường xuyên quan tâm giáo dục con em, dìu dắt chúng vượt qua những khó khăn, vướng mắc của cuộc sống; tạo môi trường gần gũi giữa cha mẹ và con cái; giám sát chặt chẽ giờ giấc học tập, vui chơi, các mối quan hệ… Trường hợp phát hiện con em nghiện ma túy, cha mẹ cần bình tĩnh tìm nguyên nhân cũng như khuyên nhủ chúng không nên tiếp tục sử dụng đồng thời trao đổi với phía chính quyền để được giúp đưa đi cai nghiện, không nên bao che, giấu diếm.

Bản thân mỗi người, nhất là các bạn tuổi thanh thiếu niên, phải có lối sống trong sạch, lành mạnh; không sa đà ăn chơi, đua đòi, buông thả; cương quyết không quan hệ với những kẻ xấu có liên quan đến ma túy; không thử, không sử dụng ma túy dù chỉ một lần!

“Học viên” của một trung tâm cai nghiện ma túy. Ảnh: Tác giả cung cấp

NS