Đến hết ngày 5-9-2021, Việt Nam có 524,307 ca nhiễm, đứng thứ 51/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu tính về tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam xếp thứ 160/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (trung bình cứ 1 triệu người có 5,330 ca nhiễm). Riêng Sài Gòn hiện có 252,604 ca nhiễm và 10,452 người đã chết.

Cuối cùng các shipper cũng được chọn làm nhiệm vụ do khó lòng thay thế. Ảnh: tác giả cung cấp 

Giữa bối cảnh người Sài Gòn vật vã đối phó dịch bệnh hoành hành, đã có nhiều kế hoạch, giải pháp được chính quyền ban hành nhưng xem ra không ít “sáng kiến” càng đưa ra càng “giẫm chân” nhau, lẩn quẩn chẳng đâu vào đâu càng khiến người dân ngao ngán. Ðiển hình, những hoạt động đơn giản nhất của mọi người là chuyện đi đường và đi chợ.

Về chuyện đi đường, từ khi Sài Gòn bắt đầu thực hiện “giãn cách quyết liệt” theo lệnh chính quyền, hầu hết dân chúng buộc phải “ở yên trong nhà”, chỉ một số nhóm người trong danh sách quy định được phép ra ngoài, gồm: lực lượng cấp cứu, tiêm vaccine, người làm công tác phòng chống dịch, người của ngành hàng không, nhân viên các doanh nghiệp sản xuất cung cấp hàng thiết yếu, phục vụ khu cách ly, người của báo chí truyền thông, vận chuyển bưu chính, nhân viên siêu thị, công nhân vệ sinh, nhân viên điện, nước, mạng viễn thông, nhân viên cửa hàng bán lẻ xăng dầu (sau này có bổ sung một số nhóm khác).

Hầu hết người dân không được ra khỏi nhà từ ngày 23/8/2021. Ảnh: tác giả cung cấp

Ban đầu, tất cả những người “được phép ra đường” sử dụng giấy chứng nhận do cơ quan làm việc của họ tự in ấn và cấp. Song, chỉ một tuần lễ sau, chính quyền yêu cầu thay đổi giấy đi đường chỉ được cấp phát bởi các cơ quan chủ quản (bộ, sở, ngành), kết hợp kiểm tra bằng phần mềm “di biến động dân cư” càng khiến xe cộ ùn ứ, rồng rắn trên những đường có chốt chặn.

Xem thêm:   Nhạc sĩ Anh Việt Thu & dòng An-Giang hiu hắt

Qua 2 ngày sau (đến 24/8/2021), chính quyền lại thông báo những mẫu giấy đi đường được cấp phát trước đó vô hiệu lực, phải thay thế bằng mẫu mới do ngành công an in ấn, có logo nhận diện… Tất cả những việc này khiến dân tình bối rối, bởi không phải ai cũng có điều kiện theo dõi để nắm rõ những thay đổi xoành xoạch của ban bệ nhà nước. Cũng vì chuyện giấy đi đường rối rắm mà không ít hoạt động của người dân gặp khó khăn hoặc ngưng trệ. Bà Lệ Khánh, người dân ngụ đường Lý Thái Tổ (quận 10) cho biết, có hôm bà liên lạc cả 3-4 cửa hàng đều không ai chịu giao thùng nước uống đóng bình với lý do người giao hàng không có giấy đi đường. Ðiều đáng nói, mấy cửa hàng này nằm đối diện nhà bà không xa nhưng đây là con đường ở giữa có con lươn bê-tông chắn dài, muốn giao hàng nhân viên phải đi vòng một đoạn, qua chốt kiểm soát nhưng lại không có giấy tờ.

Chặn xét giấy đi đường buộc phải đúng biểu mẫu quy định. Ảnh: tác giả cung cấp

Anh Trần Minh Linh, chủ một công ty dịch vụ bảo vệ ở Bình Thạnh cũng cho biết, thời gian qua nhiều nhân viên của anh không thể đi làm do vướng giấy đi đường. Anh nói: “Ban đầu, người ta cho phép công ty mình tự lên mạng tìm mẫu giấy đi đường rồi in ra, ký tên đóng dấu phát cho nhân viên. Vài hôm sau thì yêu cầu phải do chính quyền địa phương đóng dấu xác nhận mới được. Thêm vài hôm nữa lại ra lệnh bỏ luôn mẫu giấy đang có, thay thế bằng giấy có logo công an nhưng chỉ 20% trên tổng số nhân viên được cấp giấy kiểu này thôi!”.

Xem thêm:   Mát-xa tại…nhà

Tương tự là chuyện đi chợ. Từ ngày 23/8/2021, chính quyền yêu cầu mọi người dân (trừ các nhóm người đã nói ở trên) không được ra khỏi nhà, kể cả lực lượng shipper, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đều phải ngưng phục vụ trực tiếp. Việc đi chợ mua thực phẩm, gạo nước có người khác đi thay, sẽ phân phát đủ cho từng nhà! Nhưng, đó chỉ là những “kế hoạch hoàn hảo”… trên giấy!

Cũng từ ngày 23/8, chính quyền cắt cử một lực lượng quân đội khá hùng hậu, đông tới mấy ngàn người từ Bắc vào, kết hợp lực lượng sẵn có ở Sài Gòn để “đi chợ hộ”. Tuy nhiên có lẽ, bộ đội vốn quen chuyện súng ống, lăn lê bò toài tập luyện chứ việc chợ búa không rành rẽ lắm. Vậy là chỉ được dăm ngày, lực lượng này được chính quyền chuyển qua hỗ trợ các chốt chặn rà soát người đi đường hoặc tham gia vận chuyển, bốc xếp là chính.

Ông Thành Long, giảng viên đại học, ngụ Thủ Ðức, phân tích: “Ta thử tính nhu cầu tiêu thụ bình thường của người dân Sài Gòn chừng 11 ngàn tấn hàng hóa/ngày. Trong đó, gạo gần 2,000 tấn; lương thực chế biến khô (mì, bún, phở…) khoảng 700 tấn; thịt gia súc 800 tấn; thịt gia cầm 650 tấn; thực phẩm chế biến 240 tấn; trứng gia cầm 100 tấn (2 triệu quả); rau củ các loại 4,300 tấn; đường 250 tấn; sữa 1,800 tấn; dầu ăn 200 tấn; muối 45 tấn; nước chấm 100 tấn… Vậy, mức nhu cầu tiêu thụ bình quân của Sài Gòn trong 1 tuần lễ là gần 80 ngàn tấn.  Ngoài ra, nhu cầu thiết yếu về nước uống của người dân ước khoảng 20 triệu lít/ngày cùng nhiều thứ khác nữa. Với những con số ấy, liệu lực lượng quân đội và các tổ dân phố ở các địa phương có kham nổi không?

Quân đội tham gia đi chợ với quá nhiều lúng túng. Ảnh: tác giả cung cấp

Ngay lúc đầu tôi đã cho rằng, sử dụng quân đội cung cấp và lưu thông hàng hoá là việc không hiệu quả. Hãy để Sài Gòn tập trung lực lượng shipper vốn có, cấp đủ giấy đi đường cho họ hoạt động có tổ chức và có kiểm soát. Họ cần được tiêm vaccine đầy đủ, xét nghiệm miễn phí thường xuyên thì đội ngũ này chắc chắn hoạt động tốt hơn lực lượng quân đội nhiều.

Xem thêm:   Beetlejuice

Lý do vì họ chuyên nghiệp hơn và thông thuộc địa hình ở thành phố này hơn. Họ có thể nhanh chóng đến từng ngõ ngách, từng ngôi nhà vì đó là công việc thường xuyên của họ bấy nay… Các ông cứ ngồi máy lạnh bàn chuyện xã hội, nhắm mắt vẽ voi nhưng khi bắt tay vào việc mới nhận ra không dễ như lúc ngồi tán gẫu quanh bàn giấy. Nói chung đây là công việc cần có tính chuyên nghiệp, không hề giống như ta nhờ bà hàng xóm đi chợ mua giúp mấy món đồ mà là cả một phường, một quận và cả Sài Gòn nữa…”.

Cuối cùng thì chính quyền cũng không thể không nhận ra cái nào là đúng, là hữu hiệu, nên lực lượng shipper đã trở lại hoạt động của mình.

NS